Hôm nay lên Suối Giàng.

Sáng nay, lần đầu tiên lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ. Vào tuổi này, có lúc chợt lo là nhiều cái lạ ở đất nước, mình đã nghe, biết từ lúc còn là trẻ con, mà giờ chưa nhìn thấy tận mắt. Vậy có thời gian thì phải đi để biết. Nhưng quả thật thời gian là cái gần một năm qua mình có ít nhất.Cứ tiếp tục thế này thì cũng gay đây. Gọi cho Tiến Trọc, rủ đi cùng. Tiến Trọc chối đay đảy, rằng vừa lang thang một tháng (thằng cha này số sướng)ở Tây Nam bộ, nay phải cày kịch bản bù . Thì thôi vậy !

Xe lên đến trung tâm xã Suối Giàng, thế nào lại đỗ ngay trước cửa trường học. Mấy trăm đứa trẻ con đang tập thể dục. Ngay cạnh đó là mấy dãy nhà nội trú của chúng nó. Không hiểu sao, cứ nhìn thấy trẻ con miền núi là mình mê. Cậu chủ quán trước cửa trường, sau mới biết rằng có vợ là giáo viên, cho biết : Trường tiểu học có 80 đứa nội trú. Phải có từ 100 đứa nội trú trở lên mới có chế độ hỗ trợ của nhà nước. Khu nội trú này dân nuôi hoàn toàn. Cha mẹ góp gạo mỗi  tuần hai kg, và 5 ngàn tiền thức ăn. Bọn mình không tin, cứ  lục vấn mãi : Sao lại 5 ngàn thì chúng nó ăn uống kiểu gì ?. Cậu ta cứ khăng khăng đúng thế, đúng thế. Vừa lúc có một bác người Mông xách xô nước đi ngang, cậu chủ quán bảo : Đấy, ông này nấu cơm cho chúng nó . Thế là bọn mình đi theo luôn. Trèo tắt qua mấy dãy nhà trên đồi, đi thẳng vào cổng Ủy ban Xã Suối Giàng, rồi vòng ra sau nhà Ủy ban, thì có cái lều tường che gỗ ván, giữa có cái bếp đang đỏ lửa , ngoài cửa có cái chậu tắm lớn đầy những cái bát to bẩn chưa rửa. Một loại bát như nhau. Trong bếp ngoài nồi cơm đang nấu, một nồi nữa chắc để nấu canh, còn thì chẳng có đồ đạc gì cả.

Hỏi : 80 đứa chỉ ăn  cái nồi cơm này đủ à ?. Bác H Mông nói : Nồi to lắm đấy, 13 -14 cân gạo mới đầy đấy. Lại hỏi : Thế ăn cơm với cái gì ? – Với canh rau…. Bây giờ mới nhìn ra chỗ tôi tối có mấy bó rau cải bé tẹo, mà lại đã úa vàng một nửa . Không hiểu canh nấu với gì, vì mắm muối giấu ở đâu, chứ không có trong bếp. Hỏi : Sao ít rau thế? – Ừ, không đủ đâu, phải mua thêm nữa đấy . Thế có thịt cá ăn bao giờ không ?- Không có đâu, bao giờ bố mẹ đóng thêm tiền thì mua cho ăn một bữa có thịt.

Một nồi cơm ( hy vọng là đủ) và một nồi canh rau cải ( gồm xô nước vừa được xách lên, mấy bó rau, chắc ít muối, mắm, dầu mỡ cho vào nữa – nhưng quả thật bọn mình không thấy chúng được cất chỗ nào, chắc không có trong bếp vì sợ chó mèo hay ăn trộm chăng ?). Đó là bữa ăn trưa cho 80 mầm non của đất nước vào ngày 22 tháng 9 năm 2011. Tức là khi đất nước đã bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Là sau một năm tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, là năm đầu của nhiệm kỳ Đại Hội 11…vv..và ..vv..

Bọn mình nói : Trưa nay bác mua thịt cho chúng nó ăn được không?. Bạn mình đưa ít tiền. Mình đưa thêm nữa, hỏi: Đủ mua thịt chưa?. Bác người Mông : Đủ chứ, đủ chứ. Chốc nữa lên xem chúng nó ăn thịt mà.. Nói xong bác đi xuống chợ ngay, hình như chợ gần thôi, ở mé núi bên kia.

Lúc đi xuống, cậu lái xe, vốn ít nói, văng ra : Mẹ, ăn uống thế này trẻ con sống thế  nào được !

Sống thì chắc được thôi , nhưng mình nghĩ học khó vào lắm . Hồi đi học , lúc nào mình cũng muốn ăn , dù bố mẹ nuôi nấng đầy đủ hơn bọn trẻ con hàng xóm nhiều . Khi  bắt đầu đi học đại học ở Thanh xuân , cả ngày thấy đói . Ăn tập thể , xong bữa, rửa bát cầm về, dọc đường từ nhà ăn đến phòng ở đã thấy thèm ăn nữa. Cơm không thịt ăn đủ suất rồi mà bụng  cứ như chưa ăn. Ngồi trên lớp, lúc nào cũng nghĩ đến ăn. Tối bọn chúng nó rủ sang phòng con gái tán, mình không đi, vì nhìn mặt con gái cũng thích nhưng đang nói chuyện tự nhiên thấy đói thì không thích gì nổi nữa . Mình hình dung sự thèm ăn là một thằng cha khả ố, nó cứ ngồi chồm chỗm trong  người ta, lúc nào nó cũng nhắc là nó đang ở đây, ở đây..Nó cứ ngồi đấy thì cảm xúc không từ trong ra ngoài được, chữ nghĩa với toán, tính không từ trên bảng chui vào đầu được.

Từ bếp vào chỗ học sinh nội trú ở. Có giường tầng, mỗi buồng có bảng ghi ở cửa “ Nhóm bản Lóp”, “ Nhóm bản…”.. Chăn chiếu bẩn lắm. Nhưng thôi, cái này mình nhìn thấy nhiều rồi. Được cái nhà cũng kín, mùa đông trên núi nhà kín là quan trọng nhất .

Sang bên khu nội trú (cũng dân nuôi) của trường trung học thì nhà cửa có vẻ tuềnh toàng hơn nhiều. Mùa đông thế này chết rét mất. Các cô giáo ở ngay cùng dãy với học sinh. Một cô khi từ dưới đi lên nhìn cứ tưởng học sinh, vì thấp nhỏ, mặc cái áo khoác trắng như đồng phục, đến nơi nghe cô ấy nói mới hiểu là cô giáo. Bếp chung luôn với khu giường tầng, cả hai bếp đều đỏ lửa hun hai cái nồi to đen, mở ra thấy một nồi cơm, một nồi canh bí. Mình tò mò cúi hẳn xuống nhìn, thấy mấy miếng xanh xanh cứ nhảy lộn tùng phèo trong đó ( lửa rất to, ở đây không thiếu củi). Hình như cũng có ít váng mỡ. Hỏi : Thế có món gì nữa không hả cô ?. Cô giáo chỉ gói nilon nhỏ trên bàn, mình cầm lên xem, thì ra mấy miếng cá khô. Có 45 đứa cấp hai nội trú ăn ở đây, cũng tiêu chuẩn 5 ngàn /tuần. Nhưng bọn này có vẻ được ăn khá hơn lũ cấp 1. Các cô giáo bớt tiền lương của mình, cộng vào tiền bố mẹ góp, để mua thức ăn. Theo nhẩm tính thì mỗi tháng 45 đứa có 900 ngàn tiền thức ăn ( trừ gạo) do bố mẹ góp. Tiền các cô giáo cho thêm cũng chừng ấy nữa. Bình quân chúng nó mỗi đứa mỗi ngày có được 2.000 đ tiền thực phẩm ( bên cấp 1 chỉ 1 ngàn/ngày, như ông nấu cơm nói cho chúng tôi biết) . Quy củ hơn bên cấp I, bên này đều đặn mỗi tuần được một bữa ăn thịt . Cụ thể là: Mua dưới chợ 1 kg loại thịt rẻ nhất, rồi kho lẫn với đậu phụ ( cái này mình biết rồi , hôm ở gần Mèo Vạc mình cũng nhìn trẻ con trường nội trú ăn cơm, thấy chúng nó ăn cái món gì cứ trắng trắng, mình cầm bát lên nhìn kỹ, thì ra là đậu phụ màu trắng có lẫn thịt mỡ bèo nhèo, cũng màu trắng, cái bát nhôm méo cũng trăng trắng nữa, hóa ra một món màu sắc như vậy. Hôm đó các thày cô giáo nói thật là có khách đến thăm nên mới thêm món đó, chứ theo lịch thì chưa đến ngày có món ăn mặn).

100 ngàn đồng, thế là cả khu nội trú có món thịt cộng đậu phụ kho. Còn như bây giờ, một tuần may ra chúng nó mới có một lần được như vậy .

Mỗi anh em gởi Cô giáo ít tiền, để cô mua thêm thức ăn  cho học sinh .

Lại nhớ đã 6-7 năm trước, làm Nối vòng tay lớn lần thứ hai hay thứ ba gì đó , mình cử mấy nhóm đi vào các miền nghèo . Mỹ Linh ( Giờ vẫn dẫn Văn hóa- Sự kiện và nhân vật trên VTV3) đi mũi Tây Bắc. Cũng vào chỗ học sinh dân tộc nội trú, quay cảnh bữa cơm của lũ trẻ. Rồi hôm phát trực tiếp từ trường quay S9 Mỹ Linh nói rằng chỉ cần 2 ngàn đồng/ngày cho mỗi đứa bé thôi thì hàng ngày bữa ăn có màu sắc hơn, chứ bây giờ chỉ thấy có màu trắng của cơm và trắng của măng nấu muối….Rồi cô nàng không nén được, khóc nấc trước cả bao triệu người xem TV. Khóc thật sự, dù cố nén. Bằng ấy năm trôi qua. Năm vừa rồi là năm đầu tiên mình không còn chủ trì làm Nối vòng tay lớn của VTV. Nhưng hôm nay lên Suối Giàng, vẫn thấy bữa cơm như thế, rồi vẫn thấy con số 2 ngàn đồng thì mỗi ngày sẽ có thịt ăn, nhưng vẫn chưa có được cái hai ngàn ấy. Mà hai ngàn đồng cách đây 7 năm to hơn 2 ngàn đồng bây giờ  lắm chứ .

Đi xuống, gặp cô người Mông trẻ bế con chắc mới 7-8 tháng tuổi, ngồi trên tảng đá. Hỏi ra mới biết từ bản xuống thăm con ở nội trú cấp một, đang đợi giờ tan học để gặp con. Và chắc đem 5 ngàn với hai cân gạo xuống nộp tiền ăn một tuần cho con. Đứa bé ngoan thật, người lạ bế cứ cười toe toét. Còn cô mẹ cũng hóm ra phết, mình hỏi đùa “ Cho tao mang về nuôi nhé”, thì trả lời “ Ừ, cho đấy, đẻ đứa khác được mà !”. Mấy anh em cho ít tiền gọi là mừng tuổi bé ( mới tháng 8, khà khà..) thì đỏ mặt gạt ra, phải dúi vào tay mới chịu lấy.

Trên đường trở ra, mới tính kỹ :  Mỗi khu nội trú ( một khu 80 đứa cấp một, bên kia 45 đứa cấp hai)  ngày nếu một bữa có thịt kho lẫn đậu phụ, sẽ cần 2kg thịt cho cấp 1, 1kg cho bọn cấp hai, kèm đậu phụ nữa là 300 ngàn/ ngày, hay là 9 triệu đồng/ tháng. Mỗi năm sẽ cần 108  triệu đồng. Nếu cả hai bữa có thịt trong ngày thì cần gấp đôi : 18 triệu/ tháng, hay 216 triệu/ năm .

Nếu cứ như thế 10 năm, để 125 đứa học sinh này ngày nào cũng có món thịt kho kèm đậu phụ (chắc chắn học sinh được ăn cơm với tý thịt khác với học sinh chỉ ăn cơm với món canh loãng , vì tuổi ấy, chúng nó cần đạm lắm để phát triển não), cần có từ một tỷ hai đến trên hai tỷ bốn trăm triệu. Với bằng ấy tiền, 125 đứa trẻ con được ăn có đạm trong cả mười năm !. Với từng cá nhân thì đó là món tiền lớn rồi. Nhưng để có 125 đứa trẻ (à, sau 10 năm, đó là các cô cậu thanh niên chứ) khỏe khoắn, đầu óc sáng láng…thì thêm số tiền đó có gọi được là nhiều không ?. 10 năm cơ mà, sau 10 năm, cả một thời đại công nghệ mới đã thay thế cái cũ trên thế giới này. Trong 10 năm ấy, ở chỗ này, nếu có từ 1 đến 2 tỷ ( VNĐ đấy nhé, đừng nhầm sang USD mà phải tội)  – giúp được trên 100 đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh hơn, thông minh hơn để bước vào thời đại đó.

Mình biết nước ta nghèo ( nói chung, rất chung thôi). Nhưng có nghèo đến thế không ?.

Thôi, không nghĩ chuyện xa xôi, mình quyết định là về nhà, gọi ngay Tiến Trọc và Thánh Cô để bàn về dự án cơm thịt kèm đậu cho 125 nhóc Suối Giàng này . Bước đầu là 1 bữa có thịt/ ngày, hay còn gọi dự án 9 triệu. Kéo được thêm bạn bè thì chuyển càng nhanh càng tốt sang 2 bữa có thịt/ngày, hay dự án 18 triệu/tháng. Lạy giời , đừng có lạm phát hay tăng giá nữa nhé, mức ấy là mức thịt bạc nhạc rồi, không hạ cấp xuống được nữa đâu !

Hay là bàn với Tiến Trọc và Thánh Cô lập hội những người bạn của trẻ con vùng cao?. Bây giờ có bao người đi phượt vùng cao, góp mỗi người một chút cho các nhóc. Lập trang web…Nhưng thôi, chuyện nhỏ làm được thì mới có khả năng làm chuyện to hơn.

 Khi rời Suối Giàng được vài chục cây số,chợt nhớ chuyện không biết buổi sáng bọn trẻ con này nó có được ăn gì không. Nói với  mọi người trên xe. Mỗi người đoán một kiểu, nhưng không ai dám chắc.

Về đến Phú Thọ, thì mình hiểu ra: Từ lúc rời Suối Giàng đến giờ, tâm trạng xót và bi quan, có cả chút phẫn nữa, nhưng lại vẫn có một sợi  gì đó ấm áp lẩn khuất, mà rõ ràng là từ các câu nói nghe được. Chợt nhớ lúc ở bếp trường cấp hai, mình hỏi cô giáo: Thế mỗi cô giáo phải bớt bao nhiêu tiền từ lương của mình để mua thức ăn cho các cháu ?. Cô giáo trả lời : Dạ, không giống nhau, người lương cao hay là Đảng viên thì góp nhiều hơn, giáo viên hợp đồng hay quần chúng thì góp ít hơn… Vậy là Đảng viên thì san từ lương giáo viên miền núi của mình số tiền  nhiều hơn người khác để mua thức ăn cho học sinh. Quả thật, đã lâu lắm rồi, mình hiếm khi nghe được một điều đẹp đẽ như vậy về Đảng viên. Mà không phải nghe từ một diễn đàn hay khung cảnh hoành tráng nào. Mà nghe thì tin ngay. Nghe mà thấy lòng đỡ lạnh. Bởi mình cũng là đảng viên đã mấy chục năm rồi .

Về đến Hà Nội, mở máy ra viết dòng đầu của bài này, để gửi cho Tiến Trọc – đấy , chính cái dòng: “Hôm nay, lần đầu lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ”…mới nhớ ra là sáng nay tất cả đã quên chuyện xem cây chè. Đỗ xe xong, sà vào đám trẻ, bần thần cả người bởi chuyện ăn uống của chúng nó, lên xe về, chẳng ai nhớ mục đích của việc phóng xe lên đỉnh núi Suối Giàng.

22 .9.2011

 Thông tin tài khoản nhận ủng hộ.

Tên chủ tài khoản: Trn Đăng Tun

Số tài khoản: 0011004025430   VIETCOMBANK Chi nhánh:  S giao dch ngân hàng Ngoi thương Vit Nam

Gửi từ nước ngoài về, xin ghi thêm : Swift Code : BFTVVNVX

Email : trandangtuanvfc@yahoo.com

Lời cáo lỗi:

Blog này người bạn thiết kế cho, và post hộ bài đầu. Hôm nay tôi bắt đầu tự lập. Quá trình học hỏi có ” kết quả ” ngay :  Khi chèn thêm một ảnh, do ảnh không đúng vị trí, tôi định xóa ảnh đi, nhưng thành ra đã xóa cả bài . Bài thì đưa lại được, nhưng tiếc quá mất trên 70 phản hồi của mọi người.

Xin chân thành cáo lỗi tất cả các Anh, Chị, các bạn. Cái gì mới cũng phải học từ đầu !. Trong các phản hồi có rất nhiều đề nghị cung cấp thông tin để giúp các em nhỏ ở Suối Giàng. Tôi đang liên lạc với các Thày Cô giáo của hai trường, nghĩ thêm về cách thức tiện nhất để chúng ta giúp các em, sẽ báo cáo với mọi người sau. Phiền các Anh Chị và các bạn có tấm lòng với các em bớt chút thời gian ghé vào đây để lấy thông tin về việc này.

Một lần nữa mong được lượng thứ. 

TĐT

PS : Một số anh chị em nhắn tin giục đóng góp ngay. Nhưng có lẽ không nên  vội, vì việc đóng góp qua hình thức nào để ai cũng thấy là rõ ràng, minh bạch.. rất quan trọng. Sau khi nói chuyện với thày cô trên đó  sẽ rõ cách làm .  Cậu chủ quán cổng trường tiểu học hôm nay tình cờ đưa con về Hà Nội nhập học, sẽ lên Suối Giàng luôn tối nay. Đã gửi được chút tiền đủ cho 1 tháng mỗi ngày có một bữa ” cơm có thịt” đầu tiên rồi. Từ Thứ hai trở đi chúng nó có thêm thức ăn vào bữa cơm. Cám ơn tất cả .T

Thư từ Suối Giàng

của thày giáo Hà Việt Thành, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Suối Giàng

thcs_suoigiang@vanchan says:

26/09/2011 lúc 11:47

Cháu chào Bác Tuấn cháu là một Thầy giáo của trường THCS Suối Giàng xã Suối Giàng huyện Văn Chấn Tỉnh Yên Bái. Khi đọc những cảm nhận, những tình cảm của các Bác dành cho các cháu học sinh bán trú vùng cao xã Suối Giàng thật sâu sắc, vâng Suối Giàng là một xã vùng cao, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, giao thông đi lại ở một số thôn bản xa còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy việc chăm lo các điều kiện cho con em đi học còn rất thiếu thốn như Sách, vở, bút, quần áo ấm,……Cơ sở vật chất nhà ở bán trú cho HS còn thiếu, còn là nhà tạm, bếp ăn tạm chật chội ẩm thấp, thiếu đồ dùng dụng cụ nấu ăn, bàn ăn……, các thầy giáo, cô giáo cùng chính quyền địa phương cũng đã chung tay góp sức giúp đỡ các cháu về bữa ăn, chỗ ăn, chỗ ở, chăn màn, quần áo ấm, sách vở, bút……tuy nhiên như các Bác đã thấy vẫn còn rất đơn sơ, đạm bạc, nhưng các cháu vẫn vượt lên khó khăn đến trường học chữ. Cho đến hôm nay 26-9-2011 bằng tình thương yêu, chung tay góp sức chúng cháu đã nhận được 9 triệu đồng từ Bác cùng các nhà hảo tâm, cùng các thầy giáo, cô giáo xã Suối Giàng để chung tay góp sức lo cho bữa ăn, lo sách vở, chăn màn, quần áo ấm cho các cháu học sinh bán trú vùng cao xã Suối Giàng đã bớt đi một phần khó khăn thiếu thốn. Cháu cùng các thầy cô giáo, cùng các cháu học sinh bán trú xã Suối Giàng vô cùng cảm ơn Bác cùng các nhà hảo tâm đã động viên giúp đỡ bằng vật chất, bằng tinh thần một cách thiết thực nhất dành cho các cháu học sinh bán trú vùng cao xã Suối Giàng. Cháu cùng các thầy giáo,cô giáo xin hứa sẽ nghiêm túc triển khai và thực hiện ngay tới bữa ăn, chăm lo cuộc sống hàng ngày cho các cháu học sinh bán trú để các cháu thực sự ấm, no yên tâm học tập. Vâng chúng cháu luôn mong muốn và tin tưởng vào tình cảm của các Bác, của những tấm lòng vàng sẽ thường xuyên đến với các cháu học sinh bán trú vùng cao xã Suối Giàng, vậy là mùa đông này đã có thêm thật nhiều những tấm lòng vàng sưởi ấm thêm cho các cháu học sinh bán trú vùng cao xã Suối Giàng thêm ấm lòng, yên tâm học tập.
Cháu: Hà Việt Thành
Mobile: 0972550520
Email: thcs_suoigiang@vanchan.edu.vn

Trả lời

About trandangtuan

chỉ mong làm được những điều nho nhỏ...
Bài này đã được đăng trong Bài viết Suối Giàng, Tản bút. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

460 Responses to Hôm nay lên Suối Giàng.

  1. Phạm Ngọc Tiến nói:

    Chán bố quá táy máy bay hết bài với còm rồi. Ai biết cách khôi phục lại bài cũ chỉ giùm anh Tuấn.

      • Song Nhã nói:

        Câu hỏi của bạn có vẻ lạc lõng quá trong lúc mọi người đang chung tay cùng Bác Tuấn. Khi tất cả đã xong việc, tự khắc sẽ có câu trả lời cho chính bạn – Người thiếu niềm tin ở người khác.

      • ngansu nói:

        bạn thật quá vô duyên!

      • huythang23 nói:

        Điều gì làm bạn mất niềm tin vào cuộc sống như vậy? Báo chí và lối sống gấp của các bạn trẻ ư?

        Xem qua blog của bác Tuấn, rớt nước mắt quá. Sẽ tham gia đóng góp dù không nhiều nhặn gì.

    • congdongthongtin nói:

      có thể nó nằm trong thùng rác, vào đấy xem thử, còn thì lôi ra lại….

    • bài viết trong wordpress phải xóa 2 lần như trên Windows mới mất, lần một vô Recycle bin nằm, lần 2 vô Recycle bin xóa lần nữa mới mất hẳn

      • trandangtuan nói:

        Nếu vậy nó sẽ còn, bạn nhắn tin hướng dẫn khôi phục cho tôi qua tin nhắn nhanh nhé. Tôi chưa thấy Recycle Bin ở đâu. Cám ơn

        • Tiêu Dao nói:

          Recycle Bin là Trash đó bác Tuấn à. Nếu là Move to Trash thì có thể khôi phục chứ Delete Permanently thì không thể khôi phục được

          • trandangtuan nói:

            Bác vừa làm như vậy thì khôi phục lại được rồi, nhưng nó thành ra hai bài, bây giờ có cách gì nhập những comments trước vào bài sau ( bài pót lại) được không, chỉ cho bác với

    • a di da phat nói:

      Cam dong qua… lau lam moi duoc doc nhung bai viet co gia tri nhu the nay.
      Chuc bac khoe va co nhieu bai viet hay hon nua.

  2. Đọc bài của anh Tuấn chúng em rất xúc động. Mong những blog hay như vậy sẽ làm sống dậy nhiều hơn những “tình người” trong thời “hậu bao cấp” này.

  3. Nam nói:

    Đất nước.
    Của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt …

  4. vinh nói:

    Chúc mừng TĐT xây nhà.Nhớ mở rộng cửa và sắm thêm đồ mồi cho bà con ghé qua nhâm nhi với nhé.À”Rượu ngoại” còn hay hết,nếu hết thì dùng Quốc lủi đừng dùng Mao đài nhé.Chúc Bạn khoẻ, vui vẻ,hạnh phúc,chờ bài của Bạn

  5. Tran Thanh nói:

    Anh Tiến ơi,
    Ý tưởng về Hội những người bạn của trẻ em vùng cao hết sức có ý nghĩa. Rất nhiều người sẽ muốn tham gia Hội này để đóng góp một phần nhỏ trách nhiệm đối với xã hội.

    Anh thành lập sớm nhé. Em xin đăng ký tham gia.

    • Phạm Ngọc Tiến nói:

      Ý tưởng này của anh Tuấn. Tôi đã nhiều lần đi vùng cao cùng anh và đã làm những việc tương tự. Đọc xong bài này thấy ý tưởng anh Tuấn khả thi tôi là người ủng hộ. Đúng như anh Tuấn nói, chuyện nhỏ làm được thì mới có khả năng làm được chuyện to hơn. Mong mọi người chúng ta cùng làm. Chẳng vì trách nhiệm với ai cả. Trước hết hãy vì lòng trắc ẩn của chính mình. Cảm ơn bạn Tran Thanh.

  6. phungnho nói:

    Đọc bài của bác, rồi thấy trẻ con phải bơi qua sông đến trường, tôi cũng thấy buồn buồn. Khi nào huy động đóng góp bác nhớ gọi nhé.
    Phung Nho

  7. Pingback: ai trân trọng ai « KL's Blog

  8. Chúc mừng anh Tuấn, bài viết có tâm lắm. Hy vọng ý nguyện của anh sớm thành hiện thực. Tôi nghĩ, anh đang bước vào ngưỡng chân hạnh phúc.

  9. Hoang Lan Do nói:

    Nếu anh đến thăm trẻ em ở vùng cao phía Bắc vào mùa đông, anh còn thấy tội nghiệp nữa. Quần áo không chỉ không đủ ấm mà là quá thiếu. Nhìn những đứa trẻ mặt mũi lem luốc, đứa có dép, đứa không, mà cũng chỉ là loại nhựa tái chế đơn giản. Chỗ chơi thì chẳng có gì ngoài đất đá và phân lợi, gà…nhìn cảnh đó, ngoài tình thương với bọn trẻ, là sự xấu hổ, ngượng ngịu khi mình là người là người có điều kiện hơn các em. Mua quà quanh đó cho bọn trẻ, bánh kẹo là thứ chúng thích nhất thì cũng chỉ là những thứ bánh kẹo rẻ tiền của TQ. Thật sự mà nói, nếu không có TQ, người dân vùng cao sẽ không có TV để xem, khi mà trời tối và nhiều thứ khác nữa anh ạ. Ở vị trí của anh mà cũng chỉ làm được ngần ấy cho bọn trẻ mà đến tận lúc này, khi mà anh có thú muốn đi để biết những nơi mình đã từng được nghe thấy. 1 chai rượu ngoại, Mao đài mà anh được uống, đủ để các em có thịt ăn cả tuần, anh ạ. Vậy mà em đã được đọc những bài viết về anh, khen ngợi anh rất nhiều.

  10. B.C nói:

    Thảo nào khi cháu chia sẻ link này lên 1 MXH, lúc click lại báo ko tìm ra bài, lại tưởng chú set lại chế độ private hoặc friends.
    Cháu sẽ chờ thông tin của chú về cách tiện nhất để có ngày 1 – 2 bữa thịt cho các em

    • Mai Vũ nói:

      Nếu tổ chức được quỹ như bác Tuấn dự tính, tụi tôi tham gia ngay.
      Hơn 400 tỷ làm tượng đài Bà mẹ VN anh hùng ở một tỉnh thôi , cũng đủ để chăm nuôi trẻ em nghèo trên toàn quốc được nhiều năm , chắc chắn thừa mức bác Tuấn dự tính , mà các bà mẹ cũng sẽ cảm thấy thỏa lòng mát dạ hơn.
      Có ông to bà lớn nào nghĩ đến thế không ?
      Còn hàng tỷ điều lãng phí vô lý hơn nữa …Trời hỡi trời …

      • Bò Sát Đất nói:

        Mấy cái dzụ lãng phí này nọ kia mà giờ thì người dân ai cũng biết, ta sẽ nói chổ khác, nay ở đây tốt nhất là bàn cách làm thế nào cho tiện lợi, để ai cũng có thể góp một ít cho các em bớt đi một chút đói, một chút thèm ăn ở tuổi các em.
        Của ít lòng nhiều, các em sẽ đỡ nhọc nhằn hơn.
        BSD.

      • CÚN nói:

        Ơ có phải cu Mai Vũ ở Que Choa không? sao cháu lại xưng tôi với bác Tuấn thế?

  11. hienan nói:

    Bài này thật xúc động. Khi nào trẻ em Tây Bắc có thịt ăn, các bác vào Tây Nguyên nhé. Bữa cơm của trẻ em Tây Nguyên có màu sắc hơn: một bát mắt ớt rất to.

    • MeCoi nói:

      Bác ơi, cho nhà em thêm thông tin về bác và trẻ em Tây Nguyên được không, nhà em ở Sài Gòn nên tiện hơn các bác ấy, xem có thể làm được gì ko.

  12. Dương Anh nói:

    Đọc xong bài anh viết , nhớ lại chiều qua nhậu hết bao nhiêu mà đỏ hết cả mặt , dựng tóc gáy! Thôi từ nay xin chừa! Nếu được , cho em cùng đóng góp vào dự án của anh với nhé!

    • Bò Sát Đất nói:

      Nhậu thì cứ nhậu, góp thì cứ góp. Bác cực đoan như rứa dễ hỏng việc lắm. Tui đây bao lần lên bờ xuống ruộng, trầy vi tróc vảy, muốn bỏ hẳn nhậu mà có được đâu.
      Đã nhậu rồi mà muốn bỏ, thì hơi bị khó.
      BSD.

  13. Le Vu Hai nói:

    Bác cho em copy bài này về facebook của em nhe 🙂

  14. Đăng Khoa nói:

    Đọc bài mà lòng cứ rưng rưng.
    Cám ơn anh và chúc mừng anh với “ngôi nhà” mới dựng.

    Lại vừa đọc lại bài thơ năm trước của anh, thêm một lần rưng rưng trong sáng cuối tuần mưa gió.
    Gửi lại lên đây cho mọi người cũng chia sẻ.

    ———————
    CÓ MỘT NGÀY

    Có một ngày
    Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi
    Đất cằn hơn và bãi rộng hơn
    Có một ngày
    Không vui sướng cũng không ngần ngại
    Tôi rẽ vào ngả đời
    Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!
    Tết này có ai cho rượu ngoại?
    Càng thấu tình men lá rượu ngô trong
    Xuân này thôi họp hành lễ lạt
    Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng
    Giờ như bao chú cô bác khác
    Cha loay hoay tìm việc để nuôi con
    Chút gian khó của đời cha sẽ nếm
    Để gần hơn bao thân phận mất còn!

    Trần Đăng Tuấn
    Hà Nội, 3-11-2010

    • Kangruru nói:

      Kính thưa Bác Tuấn và các Bác!
      Bài này E thấy khoái nhất 2 câu đầu và cuối,trong đó theo ngu ý của E thì đắt nhất từ “Chậu cảnh” : Cây ở chậu cảnh thì phải uốn éo chưng diện tươi héo theo sự chăm bón của các Ông chủ rồi. Tuy hơi muộn nhưng xin chúc mừng Cây đã ra ngoài bãi, chẳng biết là đã qua thời trẻ liệu Cây có thể uốn thẳng lại được không ? nhưng dù sao cũng ..”Để gần hơn bao thân phận mất còn!” là điều đáng quý rồi phải ko Cây ? Cái kết buồn nhưng có hậu: kết quả đi gần hết cuộc đời ,sự nghiệp phải uốn éo trong chậu cảnh Cây mới ngộ ra để rũ bỏ thân phận phải uốn mình trong chậu cảnh với những THAM SÂN SI để được ra ngoài bãi để được nếm “Chút gian khó của đời”. Cảm phục Cây với quyết định dũng cảm khi ở bệ cao gần hết sự nghiệp với bao nhọc nhằn phấn đấu đã “không ngần ngại” “rẽ vào ngả đời” “Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn” để giữ được cái tự trọng của kẻ sĩ Bắc Hà.Cái kết này cũng làm “Cây” trở nên đáng yêu và đáng trọng hơn.Chúc Bác vững bước trên đường đời phía trước !

  15. Aki nói:

    Thật là xúc động, em mong mọi người hãy chung tay giúp cho các em học sinh bớt đi cuộc sống nhọc nhằn, ko hẳn là chỉ có suối Giàng.

  16. Nguyễn Thanh Chung nói:

    Đọc xong bài của bác là mấy lần phải đi rửa mặt vì quá xúc động. Nếu mấy trăm tỷ không làm tượng đài thì bọn trẻ này được ăn cơm với thịt bao nhiêu năm hả bác? Đặt lòng tin vào bác Tuấn chắc không thể nhầm đâu, khi nào lập quỹ “cơm có thịt” bác ới một tiếng em xin góp chút lẽ mọn.

  17. Hải Châu nói:

    Năm 1977 tôi đưa một đoàn các phóng viên, BTV báo Người giáo viên nhân dân lên huyện Đăktô- Kon tum, vào thăm một lớp học của xã Ngok tụ. Giữa mùa lạnh vùng cao mà nhiều em không có áo mặc, đi chân đất nhưng mặt mày tươi cười, hớn hở và hát rất hay để đón khách. Nhiều cô trong đoàn chạy vụt ra phía sau ôm mặt khóc tức tưởi. Tôi hiểu đó là nỗi xúc động không thể kìm nén cúa các chị ( cũng như nhiều người khác trong đoàn ), giống như cô Mỹ Linh của VTV trong buổi phát sóng anh kể. Cuộc đời là vậy. Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra…Vấn đề là đến giờ này sao nhiều kẻ vô trách nhiệm, vô cảm trước đồng bào mà mình có trách nhiệm phải đem lại tự do, cơm áo cho họ quá. Kêu gọi chống tham nhũng, lãng phí, nhưng có chống được không . Còn chuyện lội sông đi học, leo dây cáp qua sông mùa lũ…là những chuyện nhỏ như con thỏ ấy mà.
    Hoan nghênh bài viết và sáng kiến của anh TĐT với 2 ngàn, 3 ngàn, 4 ngàn đồng cho bữa cơm của trẻ em vùng sâu vùng xa trên cả nước. Những việc làm nho nhỏ ấy sẽ kết thành phước đức cho những ai chung tay góp sức. Khi nào có địa chỉ trên mạng hoặc tài khoản, chúng tôi sẽ cùng các anh chị gắng sức cho các em!

  18. ling nói:

    Cảm ơn anh Tuấn, bài viết hay quá!

  19. Hòa nói:

    Tôi thấy bài viết này mạnh hơn,ấn tượng hơn cả mấy chục năm TĐT làm phó TGĐ VTV.Đề nghị các trường học cho học sinh bình giảng,TƯ Đoàn cho thanh,thiếu niên diễn đàn,chọn các bài hay cho lên mang.Phát động toàn xã hội hãy hành động để giúp các em Suối giàng cũng như học sinh nghèo các vùng khác của nước ta.

  20. Hòa nói:

    Việc xây tượng đài 400 tỉ và những dự án khác cần xem xét kỹ.Hỡi các nhà lãnh đạo…Cứu người đã.Không bà mẹ anh hùng nào vui khi thấy trẻ em xơ xác quanh tượng đài đâu!

    • Bò Sát Đất nói:

      Chúng ta tự giúp đỡ nhau đi, nói chỉ thêm nhàm, nghĩ đến càng nhiều những điều tiêu cưc trong xã hội này càng mất đi động lực sống trong bản thân ta.
      Một miếng khi đói bằng gói khi no.
      BSD.

      • jerrylyd nói:

        Bác nói rất đúng. Mỗi người góp một phần nhỏ sẽ làm được việc lớn, giúp các em được ăn no mặc ấm. Cứ ngồi mà kêu than hay nói này nọ về những dự án lãng phí trăm nghỉ tỉ đồng thì có than muôn đời không hết. Việc gì làm được phải làm ngay. Cảm ơn bác Tuấn về bài viết giản dị mà sâu sắc này.

    • CÚN nói:

      Càng nghĩ nhiều càng chán, có lẽ ta nên làm việc gì đó giúp các em thì lại vui… Chào bạn Bò Sát Đất, lâu rồi, từ ngày Bọ Lập đóng còm, không được gặp bạn.

  21. Nguyễn Đức Tiến nói:

    Kính gởi anh Tuấn.
    Hãy làm ngay điều mình có thể anh ạ. Đừng nghĩ đến 10 năm sau, mà nghĩ đến niềm vui của các em khi anh quay trở lại trong 2 tháng tới.
    Tiến sẽ đồng hành cùng anh. mấy năm nay Tiến cũng làm những cái mình có thể cho bà con ở Miền nam, anh xem http://khatvongsong.uniad.com.vn thì thấy. (Đây là chương trình sau giai đoạn làm Việt Nam Quê Hương Tôi mà anh vào dự họp báo)
    Mong anh sớm thực hiện được ý định.

  22. Sáng nay đã vào đọc bài của anh và xin phép anh cho em được cop bài này về treo bên nhà em rồi. Cám ơn anh rất nhiều vì mọi nhẽ! Trân trọng!

  23. Pingback: Giới thiệu Blog Trần Đăng Tuấn | Đom đóm' Blog

  24. TRANCANHDUNG nói:

    Kính chào Bác Tuấn , mừng Bác đã “…gần hơn với bao thân phận mất còn…”

  25. Trần Tuấn Anh nói:

    Kính gửi anh Tuấn!
    Đọc bài của anh thấy rưng rưng, Cảm xúc rất nhiều và không thể nói lên thành lời.
    Em cũng hay đi công tác vùng cao, và cũng thấy còn nhiều rất nhiều những hoàn cảnh như anh bắt gặp. Nhiều khi tự giận mình không thể làm được những điều gì để có thể giúp đỡ và thay đổi chuyện đó.
    Khi nào anh chạy chương trình “Cơm có thịt” này, anh cho thông tin để em góp một chút nhé.
    Mong anh sớm thực hiện ý định. Trân trọng!

  26. Phamvandat nói:

    Bac Tuan rat tinh nguoi ,bay gio xh ta thieu nguoi nhu bac qua,mong rang bac nhanh trong lap quy tinh thuong cho tre em vung cao, nhung co ban chi giai quyet duoc phan ngon thoi bac a. Muon giai quyet tan goc thi bac phai tham gia bieu tinh va dau tranh thay doi xh nay co phai dan chu va da nguyen chinh tri dung khong bac. Cho toi xin gop vien gach voi bac nhe

  27. ntlong75 nói:

    Một bài viết hay!
    Rất mong các bác đẩy nhanh dự án để mọi người chung tay góp sức!

  28. Chào anh Tuấn:
    Tôi đọc bài của anh nói thực cũng rơi nước mắt, Tôi cũng đi miền núi nhiều,thấy các chấu khổ nhưng không nghĩ tới mức này. Xin anh lúc nào chương trình bắt đầu, anh gửi email cho tôi, tôi giúp các cháu ít nhiều. Cảm ơn anh
    Tô Quang Vinh – email: artexvhs@gmail.comtovinh@artexvh.com
    Chào anh

  29. Người xứ Quảng nói:

    Đọc xong rồi mà lòng cứ mãi rưng rưng.
    Cám ơn anh về những sẻ chia, trăn trở.

    Mừng anh có nhà mới. Chúc anh vạn sự an lành.

  30. Nguoi ban nói:

    Doc bai viet cua anh xong em da khoc. Hon hai muoi nam truoc em da duoc chung kien nhung canh nay, ma gio day sau hai muoi nam voi mot thien nien ky moi, mot the ky moi va bao nhieu su thay doi tren the gioi ma nguoi dan VietNam toi van co cuc, van ngheo kho, van doi rach….
    Thuong qua!
    Em va gia dinh (cac con em sau khi doc bai cua anh cung muon cung ba me) het long tham gia du an “com co thit” cua anh.

    Xin anh cho biet cac thong tin de cung duoc chung tay

  31. Có lẽ bác Tuấn cũng biết em. Năm nào em cũng đi phượt miền núi phía Bắc (từ 2009 thôi, hi hi) nên cũng đã thấy và cũng nghĩ một vài điều hơi giống bác. Mong bác sơm lập quỹ cho em tham gia với. Hy vọng sau này tất cả trẻ em DÂN NUÔI đều được ăn thịt mỗi ngày!

  32. Cũng không khó lắm đâu anh Tuấn ạ. Em cũng đã làm ở Blog cá nhân của em mấy trường hợp rồi. Anh cữ lặp quí có đường linh riêng, ai đóng góp bao nhiêu dù nhỏ nhất anh cũng post lên đó, sâu đó tập hợp lại thành quĩ gửi tiết liệm hoặc gì đó gửi cho các cháu hàng tháng. Nếu số tiền còn anh có thể phát triển cho các cháu trường khác.Em nghĩ chắc như này là tình trạng chung của các trường miền núi rồi. Vậy nên lấy tên chung cho các trường, trước mắt là ở suối Giàng.

  33. CÚN nói:

    Chào bác Tuấn, bác mới mở hàng mà đã đông bạn còm. Chúc mừng nhà mới, mọi thứ mới của bác. Đọc bài của bác xúc động thật, nhưng mấy dòng mà bác viết về con số so sánh í mà, nhức đầu thật. Đọc xong mà thấy thương các em nhỏ quá. Khi nào có thông tin chính thức về đóng góp, bác thông báo nhé. Em sẽ xin góp một phần nhỏ.

  34. CÚN nói:

    À, em phải cám ơn thêm bác về việc bác lập ngôi nhà mới này và người giúp bác xây nhà là bác Tiến. Nhờ thế mà trình IT của bác Tiến sẽ ngày càng vượt bực…

  35. dang vien chuyen chinh nói:

    Doc bai anh viet toi thay xuc dong qua. Toi cung ung ho du an nay cua anh Tran dang Tuan

  36. nhutnhat nói:

    các nhà báo hay đi thực tế ở nhiều nơi khắp đất nước phải không ạ?vậy ngoài việc quên tiền lo bữa ăn cho các em, các anh có thể hyu động quyên góp áo quần để giúp các em có thêm cái mặc được không? mùa đông sắp đến rồi…

  37. Vũ Quân nói:

    Chú đứng ra tổ chức thực hiện “bữa com có thịt đi” cháu tin là nhiều người sẽ ủng hộ. Còn cả sách nữa, cháu thấy bây giờ trường học không hề có sách, truyện, không có thư viện cho học sinh, nhất là miền núi, đến ăn cũng chả no…
    Đọc bà của chú, cùng nhiều bài khác trên các blog, và bài học sinh phải bơi đến trường thấy nghẹn lòng quá. Chỉ mong co cách gì giúp các em.

  38. putinviet nói:

    Không cần đọc blog của anh tôi vẫn biết & rất khâm phục anh vì anh là người có tài lại học rất giỏi (HS trường chuyên LHP). Nhưng thật tiếc cho anh sinh ra không đúng chế độ (?!) vì rằng là chế độ ta (XHCN) không thích sử dụng người tài, vì người ta quan niệm “gạch phồng khó xây” & hơn nữa (cái này hơi duy tâm) là “cây cao hơn cây dễ gặp gió quật – người giỏi hơn người dễ gặp hiểm nguy”. Nhân đây cũng xin hỏi anh 1 cây hết sức nhạy cảm : Vụ cắt cúp câu nói của TGM Ngô Quang Kiệt đưa lên VTV1 nhắm mục đích thóa mạ cá nhân ông Kiệt có phải do anh chỉ đạo không ? Vì tôi đọc nhiều tin lề trái thì thấy giang hồ đồn đại là tác phẩm đó của anh (?!). Xin anh cho toi câu trả lời !
    Chúc anh & GĐ anh luôn khỏe & hạnh phúc

    • Trung nói:

      Hỏi xoáy quá khó trả lời. Thông cảm với anh Tuấn, ngồi ghế đó phải làm vậy.

      Lập quỹ cũng tốt, nhưng chỉ giúp được một nhà ăn trẻ em. Chẳng lẽ mỗi lần đi thực tế anh Tuấn lại lập thêm một quỹ?

      Với trình độ và cương vị của mình, hy vọng anh Tuấn có thể làm được những điều lớn hơn, để tất cả các em nhỏ đều được ăn no mặc ấm.

      • C.T nói:

        Tôi chả tin là bác Tuấn hay ai có thể làm cho “tất cả các em nhỏ đều được ăn no mặc ấm” cùng lắm chỉ 5-10% trong số ấy là đáng quý rồi ! bạn Trung hơi nịnh bác Tuấn đó nghe ! còn “những điều lớn hơn” thì bác Putin hơi Đao to búa lớn quá và Tôi chẳng tin là bác Tuấn ra đi vì những điều như vậy !

      • Thịnh nói:

        Sao lại có người lúc nào cũng nghĩ đến chuyện xấu được thế hả Trung?

  39. Chào anh Tuấn! Em: Viễn Sự trước ở Báo Pháp Luật, mấy lần làm phiền anh vệ sự cố Olympia. Lâu lắm, từ ngày anh rời VTV mới lại gặp lại anh. Lần gần nhất là hôm 26-7 trên Tuổi Trẻ về câu chuyện của người chú ruột anh. Lần này thì bọn trẻ. Chúc anh chân cứng đá mềm!

    • Hiền Anh nói:

      Tôi ko đọc bài hôm 26-7 trên Tuổi tre, nhưng muốn biết: Lần này lại có phải là “bọn trẻ nhà anh” không vậy? Vì những trường học như thế này rất nhiều và trải dài trên khắp cả nước mà.

      • trandangtuan nói:

        Tôi đã viết là lần đầu lên SG mà.
        Bài viết của tôi ngày 27.7 là đề tài khác. Chú tôi là một liệt sỹ , ở chiến trường phía Nam thời chống Mỹ.

  40. Noi leo nói:

    Anh Tuấn à, đối với a tôi nghĩ chỉ cần về VTV huy động một loáng là có đủ tiền để các cháu ở Suối Giàng có cơm thịt thôi, nhưng tôi nghĩ ở vùng cao sẽ còn rất nhiều Trường học giống như Suối Giàng, liệu anh và mọi người lấy gì để đóng góp cho đủ đây ? Thương cảm các cháu chúng ta từng làm từ thiện bao nhiêu trận rồi, nhưng có lẽ đây chưa phải là cách tốt nhất, Tôi trộm nghĩ một người học chuyên toán như anh, rồi lại từng ở Đai TH mấy chục năm, nhất định anh phải nghĩ ra được cách khác, cách gì đấy để đưa đất nước & ND ta thoát khỏi cảnh đau lòng này mãi mãi.Hy vọng lắm lắm .

    • CÚN nói:

      Bạn nói leo ơi, một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa Xuân…

    • plbang nói:

      Hay quá chừng!

    • Anh Tuấn nói:

      VTV ư? Tôi không tin VTV. Dù không muốn vơ đũa cả nắm nhưng quả thật tôi đã quá chán với những chương trình từ thiện, những cuộc đấu giá từ thiện mà ở đó những toan tính lấn át cả tình người. Chúng tôi cũng hay tổ chức góp quần áo, sách vở và cả tiền gửi những nơi khó khăn, nhưng tự mang đến hoặc gửi qua người quen, chứ không tin tưởng những tổ chức như MTTQ hay HỘI CTĐ. Tôi tin tưởng vào bác Tuấn. Nếu bác tổ chức Quỹ từ thiện tôi và bạn bè sẽ xin tham gia nhiệt tình trong khả năng của mình.

    • Kangruru nói:

      Câu này khó đó và cẩn thận đó nghe “để đưa đất nước và ND ta thoát khỏi cảnh…mãi mãi ” thì bạn Nói leo phải hỏi các Lãnh đạo đương chức ấy chứ ? He he , vả lại bác Tuấn đã treo ấn từ Quan rửa tay gác kiếm thì làm sao gánh nổi việc lớn đó.Còn VTV thì gần đây có mấy quả Xì-căng-đan quá lởm may cho bác Tuấn về rồi chứ còn ở lại thì cũng “thơm” lây !Thôi cứ làm việc nhỏ cho lành các bác ạ !

    • Thịnh nói:

      Đọc những bài viết và những tâm sự của anh Tuấn tôi cứ nghĩ: sao người như anh Trân Đăng Tuấn và ông Dương Trung Quốc không làm lớn cho dân nhờ.

    • Lee nói:

      Sáng suốt !

  41. Hang nói:

    Ung ho du an cua anh. Co the lap kenh van dong quyen gop quan ao cho cac em nua qua TW Doan.. Mong anh se quyet tam thuc hien du an nay den cung

  42. Tuyet Anh nói:

    Anh Tuấn ơi, đọc bài của anh mà mắt cay cay. Cho em đóng góp một chút với nhé.

  43. NẶC DANH NHÉ nói:

    Xin lỗi bác em nói thật nhé người khác em không biết.
    Bác có thể làm quan khá chứ thơ văn của bác nhạt.Bác xem lại kẻo kẻ xấu,người tốt (trừ kẻ nịnh) gièm pha.

    • Đêm Mường Lò nói:

      này chú Nặc Danh, đó là văn đấy! Chú quen tô hồng nên nghĩ son phấn từ ngữ mới là văn chương ( chú đọc mà không thấy xúc động tí nào ư?)

    • Bò Sát Đất nói:

      Văn chương có quan trọng bằng những gì mà bài viết chuyển tải đến cho mọi người! Khi đọc một bài viết thế này mà lại nghĩ đến chuyện văn chương thì thật là…chẳng ra làm sao với tụi nhỏ đang thèm ăn cơm với thịt ở vùng cao.
      Việc mở bloc với bài viết mở đầu như thế này, thì mục đích của người mở bloc có lẽ vì một điều tốt đẹp cho cuộc đời hơn cả văn chương chữ nghĩa trong thời buổi này.
      BSD.

    • Nguyễn Văn Quang nói:

      @ NẶC DANH: Ông viết entry này hình như vẫn làm VTV hoặc là Chủ tịch Hội Truyền hình trả tiền chăng, ông này ăn cơm hơi phí, cơm đấy để cho các cháu ở Suối Giàng đi

    • Nguyễn Minh Trang nói:

      Người ta hok phải xu nịnh mà người ta thấy xúc động thật bạn ạ. Ai cần cái sự trau chuốt, mỹ miều rỗng tuếch làm cái gì.

  44. Than Hai Thanh nói:

    anh nen lap “Quy Com co Thit ” Chung toi se theo ,cung lo cho cac chau vung cao’anh hoi lanh dao Tinh Quang Nam co bot mot it Ty tu xay tung dai May Tram Ty cho cac chau duoc khong

  45. Đọc bài viết tôi rất xúc động và hiểu tình cảm của anh với các em học sinh vùng cao nói riêng và các em học sinh cả nước nói chung, tôi ứa nước mắt khi xem tấm ảnh của anh bế em bé, nó nói lên rất nhiều điều. Cảm ơn anh về bài viết. Nếu có quĩ hỗ trợ các em thì phải như thế nào? Tôi cũng mong góp phần nhỏ bé của mình vào quĩ đó nhưng chưa biết làm sao. Ai chê văn thơ anh viết như thế nào là quyền của họ, riêng đối với tôi những gì anh viết phản ánh chân thực cuộc sống và đầy tình người và nhiều cảm xúc. Tôi được biết anh viết Blog qua trang quechoa của nhà văn Nguyễn Quang Lập xin cảm ơn nhà văn, xin cảm ơn anh Trần Đăng Tuấn. Chúc anh sức khỏe và có nhiều bài viết hay.

  46. Email của bạn đọc: thật xấu hổ khi đọc bài của anh Trần Đăng Tuấn. Bản thân mình không xứng đáng một phần của các em học sinh nơi đó và còn rất nhiều nơi khác. Mong rằng câu ca dao” Bầu ơi thương lấy Bí cùng” mỗi chúng ta đều hiểu hết nghĩa và làm được một phần nào. Em cảm kích trước các anh. Mỗi người hãy đừng Đao to Búa lớn làm gì, chẳng hạn như mua Công Vinh 15 tỷ VND hay tặng biệt thự cho GS Ngô Bảo Châu mà còn bị từ chối( Vì bản thân những người này quá thừa thài rồi). Đứng thật ” phù thịnh chẳng ai phù suy “. Em cũng muốn góp một chút công sức của mình để các em bớt đi nỗi nhọc nhằn. Biết đâu sau này trong số các em học sinh dân tộc đó lại có một Ngô Bảo Châu mới. Anh cho em xin sđt của anh và anh Tuấn, hoặc liên lạc với em qua sđt 0913.813.131
    Lâm Đình Tiến

    • Kangruru nói:

      Thưa A có 1 Ngô Bảo Châu tương lai sờ sờ ngay giữa HN và cảm động ko kém gì hoàn cảnh các cháu SG nhưng chưa hề có Tổ chức chính trị hay Đại gia nào lên tiếng ủng hộ, tài trợ mà họ chỉ cho là bài văn “lạ” để bàn tán chứ ko phải là bài văn xuất sắc từ nhân cách rất rất tốt , đáng trân trọng nên xây dựng thành nhân cách điển hình cần cho trẻ học tập. E đề nghị bác Tuấn nên lập 1 Quỹ cứu trợ khẩn cấp cho các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nhưng có ý thức vươn lên trong học tập .v.v…đưa cháu Hiếu ( Học sinh chuyên lý – tác giả bài văn sau ) vào danh sách :
      Thư gửi mẹ.
      Mẹ thân yêu của con !
      “Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
      Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
      Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.
      Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.
      Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.
      Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.
      Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …
      Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …
      Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …
      Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.
      Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
      Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.
      Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.
      Đứa con ngốc nghếch của mẹ
      Nguyễn Trung Hiếu
      http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2011/11/tro-ngheo-truong-amsterdam-viet-ve-dong-tien/page_1.asp

  47. THANH NGUYEN nói:

    Đọc bài của Bác mà Tôi cứ đau thắt lòng, Chợt nghĩ:
    Từ lũ Trẻ Bản Giàng tới lễ hội ngàn năm Thăng Long,Vinasin là khoảng cách dài bất tận. THAN ÔI ! VIỆT NAM ĐẤT NƯỚC TÔI.

  48. Bài viết thật trí tuệ. Ngẫm mà xót quá Việt nam !

  49. Nguoi dan nói:

    bac Tuan oi, cam kich tam long cua bac (co le cung la tam tu cua nhieu nguoi tung chung kien moi khi co dip ve mien que/ vung cao cua nuoc minh).

  50. Đình Trung nói:

    Cảm ơn những con người như bác Tuấn!
    Đọc bài viết, trước ngưỡng mộ bác, nay ngưỡng mộ hơn!

  51. BoCuBill nói:

    chào bác Tuấn,
    …bác TĐT đã từng ở vị trí PTGĐ của VTV chừng đó thời gian, và giờ là AVG… vậy mà tới bây giờ cũng chỉ biết kêu trời (không thấu) những việc như thế này sao!? …huống hồ chi đám dân đen chân đất mắt toét thì biết làm gì đây.
    …từ chuyện nhỏ này nghĩ về chuyện lớn mà thấy rùng mình (chứ không thấy “rưng rưng” tý nào)
    Đúng là thời buổi này người ta có cái “mâm” mà cứ nghĩ mình có cái “tâm”… hayzaaaa… thiên hạ đại loạn mất rồi!
    …nhưng dù sao thì cũng cám ơn 1 bài viết hay, rất ý nghĩa và đáng để suy ngẫm (hơn là hành động)… vì có thể sau đây bác Tuấn sẽ quyên góp được 400 tỷ … 1000 tỷ cũng nên, nhưng rồi để làm gì tiếp theo!? hay cung sẽ tiếp tục quản lý và làm giàu cho các quan tham của địa phương (như cách chúng ta đang làm)
    Phạm Tuấn Khanh (BoCuBill)

    • hth nói:

      @Bác BoCuBill: Hành động dù nhỏ cũng tốt hơn chỉ suy ngẫm, bác ạ. Đội đá vá trời chưa được thì xúc vài xô đá dăm vá vài cái ổ gà, ổ trâu vẫn tốt chứ!

    • Nguyễn Minh Trang nói:

      Giờ thì đã có hành động rồi đấy thôi. Bác ấy có đơn giản là “kêu trời” đâu.. HIện giờ Cơm có thịt đang là chương trình từ thiện đang được đông đảo sinh viên trong nước và du học sinh các nước tham gia nhiệt tình ( mình đang nói với tư cách là một sinh viên). Hơn nữa, chương trình này đáng tin hơn gấp vạn lần những ctr của VTV, vì thông số dữ liệu được công khai và trao ai thì tất cả mọi người cũng đc biết. Nói tóm lại là nếu bác không tham gia thì cũng đừng “ếch ngồi đáy giếng” mà phê phán thế!

  52. Gocomay nói:

    Cám ơn bài viết thật chân thực và xúc động của anh TĐT. Đọc bài của anh, lại nhớ cách đây 35 năm, tôi cũng thấy đúng cái cảnh anh mô tả ở Suối Giàng đúng y chang như ở khu nội trú Trường Thanh Niên Lao Động XHCN Hoà Bình (Huyện Tú Lý). Lúc đó tôi đi thực tập làm phim tốt nghiệp cùng nhà quay phim kiêm biên tập Lê Định ở HVT1 (biệt danh Chít khăn lơ). Nhưng khác là thời đó vừa mới qua khỏi cuộc chiến tranh (tháng 1/1976). Nhà cao nhất Hà Nội thời đó mới là cái nhà 7 tầng (ở Giảng Võ).
    Còn bây giờ thì… … mà vẫn còn cảnh như vậy (và chắc chắn ở các vùng sâu vùng xa còn hàng trăm ngôi trường có Khu Nội Trú Dân Nuôi như thế) thì đúng là không tưởng tượng được. Hy vọng với phát súng đầu tiên ấn tượng này… những bữa ăn của các em ở Suối Giàng nói riêng và ở vùng sâu vùng xa nói chung sẽ dần được cải thiện… không chỉ bằng sự quyên góp bởi “quần chúng tự phát” mà cả bằng “tính ưu việt” của chế độ ta nữa! Mong lắm thay!

  53. DO QUOC LONG nói:

    toi tin tuong o tam long cua anh tran dang tuan. va toi rat dong tinh voi anh ve viec lam truoc mat hien nay doi voi cac chau hs vung cao, mong rang tat ca chung ta hay cung ung ho du an cua anh .de roi tu do phat trien rong hon cac dia phuong khac.

  54. HX-TNHX- HX nói:

    Cháu thấy bác Tuấn viết blog này rất tuyệt cháu cũng là người Tây nguyên tuy không phải chịu cảnh khổ cực như vậy nhưng khi xuống TP.HCM học cháu thấy sao có nhiều sự lãng phí khi xây dựng mấy thứ không đâu ” nơi không có cầu ko có nhà thì không xây , nơi có nhà có cầu thì lại xây… người nghèo không hỗ trợ kẻ giàu có tên trong danh sác…………” cháu thấy nhà nước quan tâm tới đời sống nhân dân lắm hay là chỉ quan tâm người dân nào giàu có mà thôi……

  55. Wall Nguyễn nói:

    Một bài viết đầy lòng trắc ẩn. Cảm ơn Bác Tuấn!
    Khi nào Quỹ 9 triệu/tháng chính thức quyên góp. Bác thông báo để em và mọi người đóng góp nhé!

  56. Nguyễn Văn Quang nói:

    Biết suy nghĩ khác lạ của bác Tuấn qua tác phẩm Phản biện. Nay mới thấy nhiều ý nghĩ nhân văn của bác.

  57. Hòa nói:

    …”dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ,Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”…

  58. Nguyễn Vũ Anh nói:

    Em chào anh Tuấn, em là một phóng viên còm, hiện đang thường trú tại Sài Gòn, đọc bài của anh thấy xúc động. Em cũng đã nhiều lần đi công tác Tây Bắc, được tận mắt nhìn thấy nỗi cơ cực của học sinh vùng cao. Em mong sáng kiến của anh chóng thành hiện thực, em xin được đóng góp một phần nhỏ bé của mình tới các em nhỏ vùng cao, vì em là đảng viên 6 năm tuổi đảng mà.

  59. Muathuhanoi nói:

    Chúc Mừng anh Tuấn mở Blog! Bài viết của anh đã thực sự lay động lòng người, em tin những việc làm của anh sẽ luôn được mọi người ủng hộ. Thỉnh thoảng anh lại làm một chuyến Vi HÀNH ĐẾN KHẮP MỌI VÙNG MIỀN như thế nhé!
    Người dân mình còn khổ lắm! Chúng ta cùng quyết tâm từ những việc làm nhỏ nhất, ngay từ bây giờ không cần qua một tổ chức nào cả!( vì mọi người mất lòng tin lâu rồi).
    Chúc anh sức khỏe, hạnh phúc và thành công với Cơm Có Thịt!

  60. tuyentang nói:

    Dọc bài này của chú nghĩ nhiều về Vinashin, đại lễ 1000 năm Thăng Long, tượng đài 410 tỷ…
    Liệu có bao nhiêu Suối Giàng, bao nhiêu em bé “trôi sông” đi học trên dải đất Việt Nam này ? …..

  61. Phan Lương # nói:

    Những người thầy Đảng viên chia sớt phần lương ít ỏi của mình hơn các đồng nghiệp “quần chúng” thật là chuyện lạ.Nhưng tôi tin dù Bác có “tô hồng, minh họa” !

  62. phucnguyen nói:

    Toi dang nghi den ong Chua dao Dao Hong Tuyen voi gia san ma ong khoe 2 ty USD.
    Day cung la co hoi de ong PR cho ten tuoi ong va Cong ty ong day.
    Qua lam chi la may dong ong danh roi doc duong thoi nhung co hoi de ong luu danh cung ngang ngua cha kem va co khi con thom tho hon cai biet thu 3 trieu USD.
    Thua bac Tuan, neu ong Tuyen co nha y xin bac dung tu choi. Du voi muc dich gi chang nua ma cac em o Suoi Giang duoc an com co thit cung tot bac ah.

  63. lananguyen2 nói:

    Ý tưởng dự án bữa cơm có thịt cho trẻ em vùng cao rất rất ý nghĩa, không chỉ với với trẻ em vùng cao. Lana rất mong đưa 2 con gái theo các anh một lần nào đó “lên suối Giàng”.
    Lana xin bài này đem về Blog. Có những người bạn rất cảm động khi đọc, rất ủng hộ dự án tốt đẹp của anh Tuấn anh Tiến và muốn góp tham gia: http://lanoanhblog.blogspot.com/2011/09/bua-com-co-thit.html
    Chưa được sự đồng ý bản quyền đã mang bài về, nhưng em tin hai anh đồng ý và ‘thâu nạp’ tụi em.

  64. dred nói:

    anh Tuấn viết hay quá, chúng em rất xúc động. Cảm ơn những con người như anh

  65. thu thủy nói:

    tôi cũng đọc hơn 1 lần về cảnh các cháu dân tộc nội trú miền núi học hành và ăn ở khổ cực như thế nào, muốn đóng góp giúp các cháu mà chẳng biết làm sao, và cũng nói thật nhé. không tin tưởng lắm nếu cứ gửi chung chung cho quỹ này quỹ nọ. nếu anh lập được chương trình để giúp trực tiếp cho các cháu ( không thông qua tổ chức trung gian nào thì mới đảm bảo tính hiệu quả) thì xin gửi cho tôi xin đường địa chỉ ,để tôi và những người bạn ở miền nam đc góp thêm cho các cháu. đọc mà tội chúng quá, nhà nước chưa làn đc ,chúng ta góp phần vậy.

  66. Chào anh.
    Em sinh ra ở Nghĩa Lộ – Yên Bái, chưa từng lên Suối Giàng, nhưng cũng đi nhiều, thấy nhiều cảnh trong blog anh miêu tả…nhưng quả thực không có cách nào để thay đổi được ở thời điểm hiện tại. Có lẽ tương lai…
    Em đã 1 mình phóng xe máy lên đỉnh Xím Vàng – Bắc Yên – Sơn La, từng nhìn bọn trẻ ăn rau dại, bắt dế ăn, nhìn bóng bọn trẻ trải dài trên những đỉnh đèo ..vào dịp cuối tuần cầm bao về nhà lấy gạo lên học tiếp…nhiều cảnh này lắm. Cũng muốn đóng góp, cũng muốn thay đổi nhiều…
    Em và cậu bạn đều nhận xét muốn thay đổi 1 đất nước có nhiều yếu tố, nhưng đầu tư cho giáo dục và con người vẫn là căn bản, tối cần thiết.
    Về cơ bản đọc qua blog anh em hiểu ra rằng, mình cần tuyên truyền nhiều, để mọi người biết đến, cần học hỏi và tư duy tốt hơn…để thành lập những dự án, quỹ phát triển giúp trẻ em.
    Cái đói, cài nghèo…cần giải quyết từ từ…không phải 1 chốc, 1 lát.

    Khi nào dự án “2 bựa thịt / ngày” của anh bắt đầu chắc chắn em muốn góp 1 phần…nhỏ thôi.
    Còn về blog wordpress có vấn đề gì em có thể giúp, em rất sẵn lòng, em làm bên dịch vụ webs. Hiện tại em đang làm việc tại Hà Nội.

    Chúc anh sức khỏe và dự án sớm triển khai!
    Email: chutiencong@gmail.com

    • Phong nói:

      Chính sách và thực thi chính sách của nhà nước là giải pháp duy nhất. Nhưng đừng nghĩ là từ từ sẽ giải quyết được. Muốn làm được phải quyết liệt từ chính phủ xuống địa phương. Truyền thông chỉ là công cụ hỗ trợ. Từ thiện chỉ là cấp cứu nhất thời.

      • TT nói:

        @Phong: Ông ở đâu rơi xuống vậy? Ở đây chúng tôi toàn dân đen, nghe sấm sét ù hết cả tai, không ai thích đâu.

        • Vi Thanh nói:

          Chú Phong này cứ nói trời nói biển. Nhiều thế hệ trẻ em vùng cao đã chờ chính sách để bữa cơm có thịt rồi, và phải bao nhiêu thế hệ nữa mới hết cảnh “Hôm nay lên Suối Giàng”. Trong khi đó “chính sách” của anh Tuấn và những nhà hảo tâm “nhất thời” đang mang thức ăn hằng ngày cho bọn trẻ. Hãy lên Suối Giàng ngắm những khuôn mặt trẻ thơ rạng rỡ trước mâm cơm đúng nghĩa thay vì “ní nuận” lẩm cẩm.

  67. Giang nói:

    Cam on bac Tuan. Doc bai viet cua bac that xuc dong. Van biet VN minh con nhieu canh ngheo, nhung voi dieu kien an, o va hoc nhu cac chau o truong noi tru nhu vay thi that su soc. Dung nhu bac da viet, luc doi thi hoc kho vao lam. Ngay xua em cung tung di hoc o canh do, mac du sau bac nhieu nam (88-93), nay da ra lam viec va sinh song o nuoc ngoai, dieu kien vat chat day du nhung khong luc nao quen duoc, cang thay thuong nguoi ngheo o VN. Moi lan ve que deu gang cho anh em, ba con it tien goi la dong qua, tam banh, moi nguoi vai tram ngan thoi ma thay ho da rung rung. Nhung gan day lam phat qua, van cho nhu vay ma cam thay nguong nguong… Vay ma…

    Neu bac lap quy giup cac chau, chung em se ung ho va dong gop. Co the khong phai la hang thang nhung hang quy hoac moi nua nam. Nen la su dong gop thuong xuyen hon la chi 1 lan. Neu bac co cach nao de keu goi su luu tam cua cac co quan nha nuoc, phi chinh phu va lam duoc tren dien rong thi tot qua. O ben nay em hay thay cac to chuc nhu Oxfam ho di van dong moi nguoi nuoi 1 dua tre chau Phi. Co ten tuoi, anh va dia chi dang hoang de ca nhan do dong khung treo o co quan hoac o nha. Hang thang Oxfam rut 1 it tien (theo thoa thuan) ra tu credit card cua nguoi do (http://www.oxfam.org.au/). Bac thu lien he voi van phong Oxfam o VN xem sao. Tot nhat la co anh chup va neu can thi dua ho di thuc te… Em se thu hoi o ben nay, nhung vi em khong phai la nguoi truc tiep chung kien nen se kho co tinh thuyet phuc.

    Chuc bac va gdinh khoe va hoan thanh duoc uoc nguyen. Bac co the lien he voi em neu can.

  68. Bích Loan nói:

    Dù đã có Đảng,nhà nước NO nhưng nhà em cũng xin góp dăm ngày lương còm cùng bà con gửi lên Suối Giàng LO cho các cháu .

  69. THU LAN nói:

    Thương mến tác giả bài viết và xót xa các cháu học nội trú vùng dân tộc vô cùng !

  70. Trần nói:

    Nhà nước đang bận đầu tư cho người giàu,mình theo anh Tuấn lo cho người nghèo đi anh em…

    • trandangtuan nói:

      Vừa có thông tin mới là CP vừa phê duyệt chương trình đầu tư cho các trường dân tộc nội trú giai đoạn 2012-2015 khoản kinh phí rất lớn là trên 4 ngàn tỷ đồng. Đó là thông tin tốt .
      Nhưng ngay bây giờ để giúp các em nội trú dân nuôi có bữa ăn khá hơn, chúng ta vẫn nên góp sức .

      • Muathuhanoi nói:

        Hehe anh Tuấn ơi! 4 ngàn tỷ đồng đó còn lâu mới đến quỹ tiêu dùng cho các cháu. Mà có đến thì không biết có còn được bao nhiêu đây???
        Thôi bà con ta cứ tiến hành cho bà con mình anh ạ.

      • lananguyen2 nói:

        Thông tin tốt nhưng chúng ta đều biết đã nhiều dự án hiệu quả chỉ là chuột. Biết đến 2015 bữa cơm của các em Suối Giàng có còn câu chuyện 2 ngàn nữa không (em cứ nói riêng Suối Giàng thế chứ biết 4000 tỉ trải được vùng nào, trường nào, đến ngôi trường xây hay có đến căn bếp của các em) .
        Vâng em đồng ý anh nói chúng ta cứ góp sức đã (lá rách ít đùm lá rách nhiều). Bao giờ các em bảo “chúng em no rồi ạ” thì quá mừng.

      • halinhnb nói:

        Đành rằng trên đất nước mình còn nhiều lắm những em nhỏ cần được giúp đỡ nhưng mà em nghĩ chúng ta làm được gì cho các bé thì làm, và giúp được cho trường nào thì cũng tốt cho trường đấy. Em cũng muốn tham gia những chương trình thiết thực thế này. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”- em không dư dả gì nhưng em đang nghĩ mỗi ngày chỉ cần em không mua một chai nước ở vending machine mà chịu khó mang nước ở nhà đi là em đã có thế dành ra khoản nho nhỏ cho vào ống rồi cuối mỗi tháng em dồn lại gửi vào tài khoản giúp đỡ các bé. Mong anh Tuấn cho biết số tài khoản nhé.

  71. NhaSing.com nói:

    Bài đầu của bác Tuấn có ý nghĩa quá 🙂

  72. Trần nói:

    Nỗi đau cứa vào gan ruột
    Căm hờn một lũ vô lương…

  73. huong nói:

    Cháu xin phép cop bài của chú về FB của cháu. Cháu mong muốn có một Quỹ vì trẻ em vùng cao, vì người nghèo được lập ra bởi những người thực sự có Tâm để mọi người có thể chung tay đóng góp. Các Quỹ ; các chương trình từ thiện đang có hiện nay cháu không thấy có mấy niềm tin.

  74. Bùi Ánh Ngọc nói:

    Mong lắm Chú Tuấn có nhiều sức khỏe để đến được nhiều nơi hơn nữa trên đất nước Việt Nam này. Mong rằng những bữa “cơm thịt” sẽ sớm đến được với các em nhỏ vùng cao, vùng sâu vùng xa trên đất nước Việt Nam. Mong rằng có nhiều hơn nữa các bác lãnh đạo quan tâm đến đời sống các em nhỏ vùng cao, vùng sâu vùng xa trên đất nước Việt Nam này.
    Cám ơn bài viết rất ý nghĩa của Chú Tuấn. Khi nào chương trình “Cơm có thịt” của Chú thực hiện, chú cho thông tin để cháu xin được đóng góp một chút chú nhé.
    Địa chỉ của cháu: ngoc.ab@acecookvietnam.com

  75. hiepnguyen nói:

    Đọc bài của anh Tuấn thấy buồn quá, không chỉ thương các cháu ở suối giàng mà còn thương nhiều cảnh khổ như vậy trên khắp cả nước. Thiết nghĩ rằng Nhà nước có bao nhiêu chính sách hỗ trợ này nọ nhưng cũng chẳng thấm vào đâu vì nước ta còn nghèo mà, nhưng mà vẫn thấy đắng trong cổ họng khi nghĩ đến số tiền mà Vinashin đốt ra tro bụi, rồi bao nhiêu tiền của để tổ chức lễ lạt linh đình, rồi cả gần 500 tỷ để xây tượng đài nữa chứ, những khoản tiền ấy không biết có thể xây bao nhiêu cây cầu, nuôi được mấy chục vạn những chủ nhân tương lai của đất nước mỗi ngày có hai bữa cơm đậu thịt.
    Biết rằng cứ nói đến những hoàn cảnh khó khăn ấy thì có lãnh đạo sẽ bào chữa rằng vì nước ta còn nghèo. Vâng nghèo lắm, nghèo quá nhưng lại luôn chơi sang, muốn cái gì cũng phải nhất. Cầu to nhất, nhà máy rộng nhất, tượng đài lớn nhất và còn cả cái lương tâm, trách nhiệm vì dân vì nước bé nhất nữa.
    Buồn quá.
    Ps: khi nào có thông tin đóng góp bác Tuấn nhớ cập nhật ngay để em góp chút sức còm của em nhé. Bài mở hàng của Bác làm em đỡ buồn về các lãnh đạo hơn một tý.

  76. Trung Hieu nói:

    Lúc anh còn đang đương chức đương quyền, PV của anh cũng đã từng khóc khi làm chương trình về trẻ em vùng cao, lẽ nào bây giờ anh mới biết?
    Nói thật a đừng nói những điều này khi mà anh bất mãn bỏ về, hoặc giả có nói thì nói lúc anh đang laàmphó tổng nó có giá trị hơn và mọi người coi trọng anh hơn

    • trandangtuan nói:

      Chúng ta hãy gặp nhau ở chỗ làm gì có ích cho các nhít vùng cao, thưa anh?

      • Vi Thanh nói:

        Đồng chí Trung Hiếu ơi! Hãy mở hầu bao chỉ cần 80 k mua thịt và 20 k mua đậu phụ cho bọn trẻ “đại tiệc” một bữa còn hơn đi phán quyết người khác. Ô Tuấn khi đương chức năm nào cũng hùng hục làm “Nối vòng tay lớn” quyên góp được hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ vì người nghèo. Giờ không làm quan, “bất mãn”, không làm lớn được nữa, đi lo bữa cơm có thịt cho bọn trẻ thì đáng trách lắm sao?

    • Nguyễn Văn Bình nói:

      Cũng nói thật với Trung Hiếu. Nếu có không thích gì ông Tuấn thì nói ở chỗ khác. Hãy đọc lại tình cảm của những độc giả đã viết ở trang này. Lẽ nào Trung Hiếu muốn chặn lại miếng thịt bạc nhạc sắp được đưa đến cho những đứa trẻ khốn khổ. Đừng hẹp hòi thế bạn ơi. Không làm được thì đứng sang bên cho những người khác làm.

    • Thánh Gióng nói:

      Con người ai cũng co lúc này lúc khác. Có thêm một người đứng về phía chính nghĩa là có thêm niềm hy vọng cho đất nước, cho dân tộc. Chúc bác Tuấn sức khỏe!

    • Thanh Huyền nói:

      Đừng lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử, Trung Hiếu ạ. Đọc com của Trung Hiếu đã thấy anh thật hồ đồ. Anh thì biết gì về những việc anh Tuấn đã làm mà phát ngôn chọc ngoáy như vậy.

      Tôi là người từng làm việc cùng anh Tuấn khoảng 5 năm, dám khẳng định một điều anh Tuấn là người hết lòng vì bạn bè, người có tâm nhất trong những người có tâm. đối thủ của anh cũng phải kính trọng anh nhiều phần.

    • Kangruru nói:

      To @ Trung Hieu : Nếu nói về sự đau xót cho cảnh nghèo của MN thì đúng là bác Tuấn chứng kiến từ lâu rồi ( thậm chí cả việc PV đã phải khóc bác ấy cũng đã nhắc đến) có điều khi đó ( đang trong chậu cảnh ) bác ấy có làm nhưng chắc có tý chính ” em”, giờ này và cũng ngay khi thất cơ lỡ vận mà bác ấy mới ngộ ra “thấy gần hơn thân phận mất còn” cũng là dễ hiểu thôi và còn hơn chán vạn kẻ khác khi “bại tướng” thì phản ứng cay cú, tiêu cực bẩn thỉu khiến XH càng đục thêm thôi.Nhưng cũng không loại trừ ngoài Tâm ra nếu Bác ấy còn có ý “chọc” khéo cho bọn còn lại bằng cách phơi ra mọt chút sự thật đau xót bất công thôi ( như có người nói “gióng lên hồi chuông, hy vọng đến được tai”… ai đó ). Ngoài ra cách giải quyết của bác ấy như vậy cũng là tốt rồi,tuy chưa triệt để vẫn chỉ là mang cho trẻ nghèo MN “con cá” (thế là lũ làng ưng cái bụng rồi) mà chưa phải là chiếc “cần câu” nên chưa thể triêt để giải quyết vấn đề của XH được mà còn nhiều ý kiến đòi hỏi mong mỏi.. ( Hy vọng là hồi sau sẽ có, sau việc nhỏ sẽ đến việc to.. ). Có lẽ “Tâm, Tầm,Thế và Lực ” của 1 cựu Quan chức thời nay chỉ có thể đến vậy mà thôi ( tuy thế là cũng khá nhất rồi).Hehe

    • mrlbad nói:

      1- “Lúc anh còn đang đương chức đương quyền, PV của anh cũng đã từng khóc khi làm chương trình về trẻ em vùng cao, lẽ nào bây giờ anh mới biết?” Đây chính là thuộc tính cố hữu của nhiều nhà Lãnh đạo. Nhưng nếu họ làm thì lại bị úp lên đầu một cái mũ: “lại PR cho mình đây”., … và ,…. Không quan chức nào nói và làm khi còn đương chức, chỉ khi về rồi mới dám lên tiếng.
      2- Giọt nước mắt ngày ấy đến giờ mới chảy xuống đến Chú, Chú Tuấn ah. Theo Cháu muộn còn hơn không Chú nhé.
      3- Chú là người khơi lại chuyện này thì hãy làm nó đến nơi đến chốn, đừng đem con bỏ chợ hay lại để nước mắt một lần nữa chỉ để lăn qua mắt mọi người (và cả Chú) nữa.
      4- Việc rất và rất khó như từ quan Chú cũng đã làm được rồi, huống hồ việc này còn có nhiều người đứng sau Chú nữa. Chú phải khẳng định: Chú sẽ làm được.
      5- Ở VN mình rất nhiều người muốn ủng hộ và giúp đỡ, nhưng điều họ quan tâm là bao nhiêu phần trăm giúp đỡ của họ đến được tới tay người nghèo. Chú hãy đem cái tín của mình ra để làm tín chấp mà giúp các nhóc vùng cao này. Chú nhé!

    • TT nói:

      @Trung Hiếu: Mời ông lượn đi cho nước nó trong. Tôi chưa quen biết ông, nhưng qua mấy chữ của ông cũng thấy được phần nào về ông. Ông nên ở chỗ khác, rất khác! Rất tiếc hôm nay mới thăm nhà bácTuấn nên nói với ông hơi muộn. Xin lỗi khách khứa đến tân gia, nhưng tôi hơi bực.
      Cũng xin bật mí: tôi có biết 1 chút về bác Tuấn, nhưng bác chưa hề biết và gặp tôi.

    • Hieu Nguyen nói:

      Tớ cũng là Trung Hiếu, nhưng không thích cái ông Trung Hiếu này nhé !!!
      (Muộn cũng phải chém vớt vát tý :d :d)

    • huythuanvu nói:

      Tại sao lại cố chấp đến thế bạn Trung Hiếu? Kiều (chế) có câu:
      Trăm năm trong cõi người ta
      Ai mà chả có lúc thế này thế khác. He he!!!
      Làm quan chức là thực thi nhiệm vụ của tổ chức. Ông Tuấn có đúng, có sai. Nhưng khi Từ bỏ quan trường, mới mở Blog đã có hàng trăm còm cổ vũ cùng hàng trăm triệu ủng hộ cho nghĩa cả của ông Tuấn. Vậy không đáng trân trọng sao?
      Hãy ủng hộ cho việc làm tốt của ông Tuấn. Còn chả kể ông Tuấn, bất kể ai nếu cứ vạch “chỗ đó” của họ ra mà ….hít hít thì thế nào cũng thấy …thôi thối.

    • Trung Hiếu à, Phật nói buông súng thành Phật đó bạn. Hãy gặp nhau ở hiện tại và tương lai thay vì móc mỉa quá khứ. Mà lúc đó, lão Tuấn chúi mũi bàn giấy, có lên Suối Giàng xem chè cổ thụ đâu mà biết các cháu cơm không thịt.
      Mà bạn đóng góp chưa đấy hay chỉ nói suông? Tôi rất cám ơn chuyện Suối Giàng của Tuấn để mình biết mà san sẻ cho các cháu và ước đất nước này có 1 triệu Trần Đăng Tuấn cho dân chúng đỡ khổ.
      Mời bạn vào trang tôi xem Thư mẹ Đốp (Hoài Tố Hạnh) gửi vợ Tập Cận Bình

  77. Lex nói:

    mọi người vào like facebook này nhé: http://www.facebook.com/pages/H%E1%BB%99i-nh%E1%BB%AFng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-b%E1%BA%A1n-c%E1%BB%A7a-tr%E1%BA%BB-con-v%C3%B9ng-cao/263813210319419 :em dự định sẽ làm một chương trình quyên góp để ủng hộ các em nhỏ ở đây.
    Cảm ơn chú Tuấn

    • Lex nói:

      Chúc chú sức khỏe

    • trandangtuan nói:

      Thật bất ngờ! Và ảnh đẹp quá.

      • an nam dan nói:

        cac em hoc sinh noi tru that toi nghiep ko rieng gi suoi gian ca khap noi vung sau vung xa .nhieu nguoi co tam long dieu xot xa nhung rieng tap doan cac con sau thi van tro ra va vocam chi tranh nhau danh ghe danh an do la nguyen nhan lam cac em hoc sinh phai dau kho tui nhuc vay .moi nguoi chung ta chung gup cac em la tot nhung phai diet sau moi la thuong sach neu ko thi ca tram nam sau cung vu nhu can

  78. thanhtrung nói:

    khi nào Bác tổ chức quyên góp nhớ ới một tiếng Bác nhé

  79. Th Lan nói:

    Đọc bài này e rất cảm động vì phát hiện ra một TR Đ Tuấn thật nhân hậu. Mong sao với vị trí làm việc, uy tín cá nhân và tấm lòng thơm thảo đầy tìng người của anh sẽ liên kết được nhiều người, nhiều tấm lòng chung tay vào những việc tốt như thế này.

  80. Tô Gia nói:

    Tôi đã rất xúc đông khi đọc bài viết của TĐT và tôi tin nó sẽ lay động trái tim của rất nhiều người vì đó là những trăn trở sự thực, chân thành và thánh thiện. Chúng ta rất cần nhiều bài viết như vậy nữa và sau đó là những tấm lòng. Tất nhiên là gió lại cuốn đi thôi như lời bài hát của Trịnh. Thật đau xót nhưng hình như thời nào cũng vậy. Chúng ta chỉ làm được phần ngọn thôi, làm tận gốc chỉ có chính phủ mà chính phủ có biết những điều thế này hay chưa? chắc chắn là biết. Tôi cũng không hiểu bao nhiêu chính sách, thông tư, chỉ thị mà người dân Việt Nam tại vùng sâu, xa vẫn khổ như thế, ai tổ chức cuộc sống cho họ, chính quyền của họ đâu từ cấp thấp nhất đến các cấp liên đới như giáo dục, công đoàn, bảo vệ bà mẹ trẻ em v v v . Dù thế nào đi nữa vân cám ơn tấm lòng của người viết với cuộc đời, bài viết đã tải được nhiều thông điệp quan trọng lắm và không chỉ cho trẻ em.

  81. Minh Đức nói:

    Cám ơn anh Tuấn về một bài viết mà khi đọc xong em có cảm giác buồn vui lẫn lộn. Một xã hội đáng sống hơn, nhân bản hơn chính là nhờ những ưu tư về con người như thế. Chúc anh va mọi người sẽ làm được việc chẳng nhỏ một chút nào. Em tin rằng càng “gần hơn những thân phận mất còn” này anh sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.

  82. xuanthu nói:

    Chắc chắn cái tin bác Tuấn ra blog là tin hot rồi. Nhưng được đọc bài viết này mới thấy được thế nào là một chiến sĩ cầm bút. Chúc bác khỏe và luôn đi tiền chiến để mọi người cùng nhau giúp sức

  83. Văn A nói:

    Nguyễn văn Bình nói rất hay.Trung Hiếu vô tâm quá.Khi đang làm lãnh đạo thì có ai hiểu dân được.Ai cũng phải lo giữ ghế,phải”đi theo lề phải”…Nói một đường làm một nẻo là chuyện đương nhiên của cơ chế “Đạo đức giả” hiện nay.

  84. Dinhhiep nói:

    Là kỹ sư cầu đường nên tôi cũng thường xuyên đi làm ở những vùng nhu bác Tuấn đã đi. Nói chung là trẻ con ở nhũng nơi vùng sâu vùng xa tội nghiệp lắm. Đồng bào thiểu số nhiều nơi họ sinh con ra mà cứ để nó tự sống thôi. Nhiều nơi có tiền thì lại uồng rượu cũng không lo làm ăn gì. Quần áo thì không có mặc trời mưa gió rất tội nghiệp mà cha mẹ đi làm có được tiền là mua gạo nấu cơm chứ chẳng mua gì để ăn, tiền còn thừa mua rượu hai vo chồng uống với nhau. Trẻ con ở nơi ấy nó cứ lớn lên như cái cây trong rừng vậy.

    • Muathuhanoi nói:

      Sau mấy mươi năm có Đảng mà người dân Việt Nam vẫn còn nghèo thế! Thương thế..! Nhưng bù lại sắp được đi ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC(trẻ em đi học, bà mẹ đi làm), được ngắm TƯỢNG ĐÀI LỊCH SỬ TO NHẤT. ..( và chắc chắn nhìn sẽ sợ và ám ảnh nhất!) mà như nhà văn đáng kính Nguyên Ngọc đã nói:
      “.. .Tôi vô cùng dị ứng với những suy nghĩ “NHẤT THẾ GIỚI” của nững người có trách nhiệm trong chuyện này. Thật kệch cỡm và không lành mạnh…”
      (mời bà con xem nhé)
      http://quechoa.info/2011/09/23/vi-d%e1%ba%a1i-khong-d%e1%bb%93ng-nghia-v%e1%bb%9bi-kh%e1%bb%95ng-l%e1%bb%93/

    • C.T nói:

      Tôi cũng làm trong nghành XD nên chia sẻ với bạn : Thiết nghĩ ngoài việc quyên góp mọi người cũng cần lên tiếng nhắc nhở giáo dục ý thức trách nhiệm các cặp vợ chồng trẻ vùng cao trong việc để cho con trẻ chịu cảnh như vậy, để cho vợ con khổ sở vì nghèo đói là một cái tội của các bậc làm cha mẹ ( nếu chưa đủ ĐK kinh tế và ý thức TN , kiến thức XH sao dám sinh lắm con thế, khổ XH ,khổ cả con mình ) và kiểm điểm trách nhiệm tuyên truyền giáo dục tạo ĐK công ăn việc làm chăm lo đời sống cho đồng bào MN của cả tổ chức,chính quyền , đoàn thể, hội .. ngoài ra nếu họ thiếu việc làm thì tạo công ăn việc làm cho họ ( trong khi đó mấy năm nay tình trạng thiếu lao động trong các công ty GT,XD như chúng tôi là triền miên mà lương không hề thấp nhưng kéo họ đi làm được vài ngày có tiền lại xin về bản lại rượu…hết tiền lại mới lên làm tiếp ? ) Có như thế mới góp phần giải quyết bài toán “cần câu” chứ ko phải chỉ luẩn quẩn mãi ở “con cá” thế này được : chẳng lẽ cứ nghèo khổ thì lại quyên góp là giải quyết được bài toán này hay sao và mọi người có thể quyên góp để giả quyết hết toàn bộ cho trẻ vùng cao ở nước ta chăng ?

  85. Trung nói:

    Bác Tuấn viết sai lỗi chính tả nhiều quá (trước các dấu “.”, “,”, “?”… không có khoảng trống)

    • Bích Loan nói:

      Trung (16:34) & Trung Hiếu (13:48) – Hai trong một ? Lẽ gì mà bắt bẻ đến lạ . Trung hiếu với Trung (hoa) à !
      Nỉ ái ngộ.

  86. Lee nói:

    Buồn cho anh Tuấn ! Cảnh như vậy VTV đưa tin nhiều lắn rồi ! Hơn nữa, dân gánh chịu cả đấy chứ ! anh quyên góp – thật tốt, nhưng bao nhiêu cho đủ đây … khi còn quá nhiều cảnh Suối Giàng như anh viết …

    • Sapa nói:

      To Lee: Sao Lee lại nói vậy, mỗi người góp một tay, làm được đến đâu là các em được thêm đến đấy. Không khi nào làm đủ những việc đúng đắn cả, lúc nào cũng có việc để làm, cả ở những nước văn minh giàu mạnh nhất.

    • tlshanoi nói:

      Đừng lo dội đá vá trời. Hãy cứ làm dù là việc nhỏ nhưng có ích nhất là tốt rồi.

    • Bò Sát Đất nói:

      Thôi Lee ạ, mình vẫn nghĩ như Lee nghĩ, nhưng chính vì còn quá nhiều cảnh như Suối Giàng nhưng sức và tài của Lee cũng như BSD và mọi người ở đây làm sao cho hết đươc, thôi thì đành vậy, cùng làm cho vơi đi cái sự nhiều ấy chừng nào hay chừng nấy, như thế đã quí lắm rồi Lee ạ.
      Chuyện mọi người làm ở đây xuất phát từ tấm lòng chứ không phải hoàn toàn vì trách nhiệm thì buồn hay vui cũng vậy thôi, tùy người. Lee đừng thương cảm cho người lớn làm gì mà tội cho các em nhỏ, BSD nghĩ dù chỉ một em nhỏ thôi biết đến cảm giác ngon miệng của miếng thịt thôi thì ai đã trãi qua cái sự đói, cái sự thiếu ăn ở đây đều hạnh phúc cả. Huống chi ở đây cả 80 em.
      Chúc Lee sức khỏe.
      BSD.

      • Lee nói:

        Cám ơn bạn ! Nhưng thật bất công khi những đứa trẻ ấy có đủ quyền được hưởng những thành quả chung của xã hội như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác… Tôi rất quí tấm lòng thơm thảo của mọi người, nhưng chỉ có vậy, ta “đi được bao xa” đây !?

        • gagia nói:

          gửi Lee: hình như bạn đang ở Mỹ quốc, tốt nhất nên làm gì cho các cháu, những loại câu chữ này nghe nhiều quá nhàm tai:
          Đi được bao xa hỡi …con gà
          lại còn què quặt …với trời xa
          thôi đành quanh quẩn bên cái cối…
          chờ hạt rơi…mơ ước xây nhà…

    • TT nói:

      @Lee: tôi không hiểu ý bạn muốn gì? Câu hiểu ý thì tối nghĩa, câu hiểu nghĩa thì tối ý. Còn nhiều Suối Giàng, đúng! Nhưng bạn nói vậy, rồi đã làm được gì chưa?

      • Lee nói:

        Cũng chỉ nên nói nửa lời !

        • Thịnh nói:

          Lee ạ, nói ít thôi, nhưng mà nói kiểu này nè : “anh Tuấn ơi, em cũng muốn làm chút gì đó cho các cháu”. Nói thế nghe đỡ ngứa gan.

          • Lee nói:

            Thật xin lỗi ! Này nhé: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc !”

      • huythuanvu nói:

        Bắt đầu bằng tấm lòng nhân ái của những cá nhân, Nhiều người ủng hộ sẽ trở thành một quỹ của những tấm lòng. Nhiều quỹ nhân ái hình thành sẽ là nguồn hỗ trợ cho những lúc, những ai còn khó khăn, thiếu thốn, mà chính sách của chính phủ chưa phủ kín (với tới). Nếu không đi, thì đường còn xa lắm bạn Lee à. Chung tay với bác Tuấn nhé.

        • Lee nói:

          Buồn cho anh Tuấn ! Đến giờ anh Tuấn còn muốn đem “thuốc phiện” để ru ngủ mọi người ! Chắc vậy nên có người gọi anh là Tuấn “cận” !

          • Tiến nói:

            Cái con nhặng Lee này ở đâu bay vào đây không biết. “Cứu một người phúc đẳng hà sa” nữa là hàng trăm tuổi thơ sống mà chỉ như tồn tại. Nếu là người hãy động tâm trước đồng loại, đừng để sự đố kỵ giết chết nhân tính!

          • Lee nói:

            Ối giời ! Ở đất nước của anh Tuấn “cận” có “hàng trăm tuổi thơ sống mà chỉ như tồn tại” thì hơi ít đấy ! Trước đây anh Tuấn không hề biết ?!

        • TT nói:

          Bạn ơi, Lee gì đó ẩm IC rồi. Chúng ta nên tập chung vào công việc.

  87. Pingback: 684 – Còn non, còn nước, còn người…. « Gocomay's Blog

  88. halinhnb nói:

    Cảm ơn anh Trần Đăng Tuần có bài viết thật cảm động về tình cảnh các em học sinh dân tộc vùng cao. Sao em thấy cái qui chế là phải có đủ 100 em trở lên mới được Nhà nước trợ câp là vô lý thế.
    Phải là những ông bố bà mẹ yêu con, gắng sức lắm mới cho con học hành được như vậy…Tội nghiệp những em bé vùng cao khát chữ…
    Không trách Nhà nước nhưng mà quả thật nếu không có những khoản chi lãng phí thì chúng ta hoàn toàn có thể chu cấp cho các em tốt hơn…Vâng nhưng có lẽ mục đich bài viết không phải là để trách cứ mà là kể lại một cách mộc mạc nhất những gì tác giả thấy…
    Dù sao cũng cảm ơn anh đã viết về những mảnh đời xa khuất…

    • halinhnb nói:

      tấm lòng của những thầy cô giáo vùng cao thật đáng quý. Ở nơi đó những nghĩa cử cao đẹp của họ của họ làm ấm lòng các bạn đọc…

  89. ” ….. Đỗ xe xong, sà vào đám trẻ, bần thần cả người bởi chuyện ăn uống của chúng nó, lên xe về , chẳng ai nhớ mục đích của việc phóng xe lên đỉnh núi Suối Giàng.”
    Giá như nhiều người ” đãng trí ” như các bác nhỉ ? Dân vùng cao chỉ mong muốn ” các bác ” dưới đó cứ quên thế này thì thích lắm !
    Cảm ơn bác Tuấn nhiều lắm.
    Việc giúp đỡ các cháu cũng cần thiết nhưng …. sợ làm không xuể, nước ta những cảnh thế này hình như cũng tồn tại ngay cả giữa lòng thủ đô (?) vậy phải có cách nào có tính chiến lược chứ cứ ” giật gấu vá vai ” thế này ….
    Xưa có câu ” làm một lần , không làm được nhiều lần, làm một năm không làm được nhiều năm….”
    Nhưng hễ bác xướng lên là em tham gia liền.

  90. Sapa nói:

    Mình có linh cảm ông này từ nay trở đi mới làm việc đúng với sứ mạng của mình. Chúc cho ông luôn làm được những dự định kiểu này của ông.

  91. tongdh nói:

    Cũng mới biết về anh từ dịp anh chuyển công tác từ VTV. Tiện đang ở trong wordpress, ghé qua chúc mừng anh xuống núi, à quên, lên núi.

    Suối giàng thuộc Yên bái, nơi có rừng chè cổ thụ ở độ cao 1400m. Đường nhựa chạy vào trung tâm xã. Từ Hà nội có thể đi Suối giàng sớm và trở lại trong ngày.
    Mấy dòng cho các bác nào chưa biết.

  92. Pingback: Trần Đăng Tuấn là ai ? « Gioviet's Blog

  93. TV TUAN nói:

    @Bác Trần Đăng Tuấn: Cảm ơn bác. Nhưng cho tôi xin một câu trả lời “có bao nhiêu Suối Giàng trên mảnh đất Việt Nam ?”. Bác đã làm được việc quá tốt, tốt hơn cả trong mơ, mà trẻ con suối Giàng chắc cũng chưa bao giờ có được giấc mơ mà bác đem đến. Than ôi. Lúc nào trẻ con ở các Suối Giàng khác cũng có được giấc mơ như thế này.
    Một NCS ở HD, Germany

  94. Nguyeexn Thế Tùy nói:

    Tôi đọc bài của Trần Đăng Tuấn mà không sao cầm nổi nước mắt. Vẫn biết rằng không phải một nơi như Suối Giàng mà còn nhiều lắm những vùng miền trẻ em còn đang nghèo đói và vất vả như vây. Hơn 10 năm rong ruổi trên vùng Tây Bắc và Việt Bắc, tôi cũng đã chứng kiến nhiều lắm những hình ảnh này mà không viết lên được như Trần Đăng Tuấn. Hy vọng trang Blog mới mẻ này hãy cho tôi được thường xuyên góp lời cùng anh và hơn thế nữa, anh hãy cho tôi được góp một phần lương hưu của tôi vào bữa ăn cho các cháu. Không có gì hơn, bởi vì sự suy nghĩ này là tự lòng chân thành của tôi mà.
    Nguyễn Thế Tuy
    Ha nội

  95. Thuy Dam Minh nói:

    Có lần em đi công tác Hà Giang, thấy tụi trẻ con thất học mà đắng lòng. Trẻ con miền núi thất học nhiều lắm. Đấy là một trong những thiệt thòi nhất của chúng.

  96. trudulu nói:

    Cháu, 8x đời đầu, thật xúc động khi đọc bài của chú Tuấn. Ý định của chú thật là hay. Nhất định cháu sẽ ủng hộ quỹ “bữa cơm có thịt”. Cháu nghĩ sử dụng facebook là 1 kênh liên lạc/phát động rất hiệu quả đấy ạ.
    Trudulu

  97. kyvancuc nói:

    Ghé qua nhà “Bọ Lập” được giới thiệu blog này. Đọc bài bên “Bọ Lập” xong, ghé sang đây đọc thêm lần nữa vẫn thấy cay cay khoé mắt, nghèn nghẹn trong cuống họng như lần nãy. Ra ban-công châm điếu thuốc, suy nghĩ về tình người và tin rằng cái thiện tuy yếu ớt nhưng vẫn còn tồn tại.
    Kính mong anh Trần Đăng Tuấn sớm có thông tin để gia đình tôi được góp một phần nhỏ nhoi cho các cháu. _ (KVC)

  98. yeunuocmam nói:

    Cảm động quá cái tình của các bác với các cháu học sinh dân tộc Suối Giàng. Nhưng học sinh Suối Giàng vẫn còn sướng lắm các bác ạ . . sướng hơn nhiều, rất nhiều học sinh đang đến trường ở nhiều nơi khác. Suối Giàng có trà cổ thụ, có đá phong thuỷ . . có đường trải nhựa được tu sửa đón các chuyến xe chở khách vùng đồng bằng lên với vùng cao.

  99. TLG nói:

    Mỗi khi có dịp đi miền núi, em vẫn biết đến sự thiếu thốn của các cháu nhỏ trên đó để chuẩn bị chút quà cho các cháu trước mỗi chuyến đi. Tuy nhiên, em cũng tự nhận thấy điều đó chẳng thiết thực tý nào mà chỉ để lòng mình bớt chút áy náy. Đã từ lâu có mong muốn được đóng góp một điều j đó thiết thực hơn, đều đặn hơn, …..nhưng một mình thật khó. Thế nên em thực sự mong muốn được tham gia cùng anh trong dự án này, và hy vọng dự án ko chỉ dừng ở Suối Giàng. Rất mong anh đồng ý nhận làm tình nguyện viên.

  100. Lê Nguyễn nói:

    Chúc chú nhiều sức khỏe, tiếp tục viết, tiếp tục truyền tải những thông điệp thực của cuộc sống đến các bạn yêu blog. Cám ơn chú về bài viết, lời văn giản dị mà lay động lòng người.

  101. batinh nói:

    Sáng nay “lướt ván” qua trang của Thùy Linh, đọc bài “Việt Nam đi mãi về đâu” hoang giải tâm tư của cô sau một chuyến du ngoạn phương Tây, tôi bắt gặp bài viết của Trần Đăng Tuấn, đọc mà chua xót, đáng để xã hội phải suy ngẫm. Chúng tôi xin được giới thiệu lại bài viết của anh Trần Đăng Tuấn nói về cuộc sống khốn khó của 80 em học sinh nội trú của Xã Suối Giàng (Yên Bái) – nơi rất gần Thủ đô Hà Nội, như một một nhời cảm ơn anh – một nhà báo uy tín đã thêm một “dấu cộng” vào bức ảnh những em học sinh ở bản Ông Tú và Ka Óoc xã miền núi Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đang ngày ngày “vượt vũ môn” qua dòng Khe Rào dưới chân Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng núi Cấm, Quảng Nam để đến trường kiếm con chữ, chúng hy vọng lớn lên góp phần xóa đói giảm nghèo cho quê hương…
    Ba Tỉnh (HN)

  102. Nguyen Duy Anh nói:

    Dạ e chào bác tác giả
    Bác có thể cho em xin số điện thoại bác dược không ạ
    e cũng muốn góp 1 tay vào dự án của bác
    e cám ơn bác nhiều

  103. Thanh Xuân nói:

    Đọc bài của anh Tuấn mà tự dưng thấy mắt cay cay, mũi cay cay. Cảm ơn anh về những bài viết như thế này. Cảm ơn anh về những gì anh đã chia sẻ. E tin rằng, dự án của anh sẽ được nhiều người ủng hộ. E cũng xin góp một chút sức nhỏ bé của mình.

  104. Nam nói:

    Bác chuyển sang Blogspot.com đi, dễ chơi hơn.

  105. hth nói:

    Em rất sẵn lòng tham gia khi anh Tuấn khởi xướng!

  106. zoe nói:

    Lúc nào anh thực hiện dự án ” bữa cơm có thịt” cho các cháu vùng cao, anh cho vợ chông em tham gia nhé. Vợ chông em là bạn anh Tiến .

  107. Hoàng Anh nói:

    Đọc mà có cảm giác như lũ trẻ Suối Giàng không phải là “đồng bào ta”. Hơn nửa thế kỷ trước bác Hồ đã mong muốn đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc (cơm 1 nghìn/ngày ở thập kỷ thứ 2 của TK21 này có thể gọi là cơm?). Xem TV thấy lãnh đạo TW, tỉnh đi thăm bà con cũng nhiều mà có thấy cái trường “không thịt” nào đâu. Được cái là mỗi lần đón lãnh đạo lại phát hiện “Tỉnh (huyện) A, B, C … ta còn nghèo, nhưng tương lai nhất đình sẽ giàu có, các đồng chí phải thế này, phải thế nọ, phải, phải, phải… Có lẽ chỉ những người hay để ý những điều nhỏ nhặt như bác Tuấn này mới phát hiện những điều nhỏ nhặt. Tầm bác em tưởng phải nghĩ đến những dự án nghìn tỷ, những tập đoàn kinh tế nhất thế giới, những tượng đài lớn nhất hành tinh chứ. Bác cư yên chí đi, các nước nó bảo nước mình sắp thành con rồng châu Á rồi. Bác cứ lăn tăn bữa ăn không thịt của bọn trẻ con làm gì. Tầm thường quá!

  108. gxdjsc nói:

    Chúng ta còn nhiều việc phải làm quá.
    Bài viết của anh thật hay, cung cấp nhiều thông tin cảm động.
    Có lẽ nên biên tập lại và gửi đăng báo, nhuận bút cũng góp được một chút vào dự án đấy.
    Rất mong cũng được tham gia cùng anh vào dự án này.

  109. Em thấy ở VN còn nhiều nơi như Suối Giàng lắm, bác mà làm cái dự án “bữa cơm có thịt cho trẻ em Suối Giàng” thành công thì sẽ có nhiều trẻ em ở các Suối khác được lợi ở dự án này – Khi nào bác làm dự án cho em góp vài cân thịt. Ai đời bao nhiêu năm nay vẫn để trẻ sống lầm than vậy trời – kêu ai bây giờ.

  110. Quảng Ân nói:

    Nếu có người đủ uy tín và thời gian đứng ra làm cầu nối , cháu nghĩ việc giúp đỡ các bé là rất khả thi, mong bác sớm vạch được ” ý tưởng ” để kêu gọi mọi người giúp các bé (Quảng Ân)

  111. tran van hieu nói:

    anh Tuấn sớm thành lập để em có dịp đóng góp. có thông tin bác cư đưa vào blog để em tiện theo rõi. Chúc bác Tuấn và gia đình luôn mạnh khẻo.

  112. Nguyễn Huy Trung nói:

    Đọc bài viết của bác cháu càng thấy thương vùng đất quên hương mình hơn. Là một người con sinh ra và lớn lên ở Yên bái đã từng lên vùng đất Suối Giàng , trực tiếp chứng kiến những cảnh ngộ đó, thực sự trong lòng muốn làm 1 điều gì đó cho các em mà ko biết bắt đầu từ đâu. Yên bái là 1 vùng quê nghèo , còn nhiều lắm những mảnh đời như các em nhỏ ở Suối Giàng.

    Qua đây cháu cũng muốn giúp 1 phần nào đó cho quê hương, cho vùng đất Suối Giàng. Rất mong quỹ của mình sớm có thể trở thành hiện thực.

    P/s : Cháu thấy mình có thể xây dựng 1 tổng đài nhắn tin để ủng hộ các cháu vùng đất nghèo Suối Giàng cũng là 1 cách hay, như thế sẽ kêu gọi được nhiều người, kêu gọi được cả cộng động chung tay góp sức giúp các cháu có thêm miếng thịt trong bữa ăn hằng ngày. Hiện tại cháu đang công tác tại VDC, chỗ cháu hiện đang cung cấp đầu số nhắn tin, nếu được cháu mạn phép xin gặp bác để bàn về việc thành lập 1 tổng đài ủng hộ trẻ em nghèo vùng cao Suối Giàng.

    Cháu cảm ơn bác ạ !

    Cháu Trung !

    Mobile : 0974751999
    Mail : trungnguyen@vdc.com.vn
    Y!m : huytrung1911

  113. hoaipham18 nói:

    Đọc xong bài viết thấy mũi cay cay và muốn làm 1 điều gì đó cho các bé!!!

  114. Thành Hải nói:

    Chồng em luôn mồm ca ngợi về nhân cách của anh. Nhiều lắm. Nhiều hơn mong muốn của bất cứ một ông lãnh đạo thời này. Đọc bài thì thấy quả chồng em không khen nhầm người. Góp cùng tiếng nói trẻ em trường nội trú ở Suối Giàng xin cảm ơn bác Tuấn.

  115. Nguyễn Quang Hiếu nói:

    Anh Tuấn viết cảm động quá, cảm ơn anh

  116. Lana nói:

    Nhóm ‘chung giọng và lành’ bên Blogspot mỗi ngày lại có thêm người đăng ký sổ chờ dự án 9 triệu khởi động để làm một nhánh cộng tác. Nhiều người tham gia thế này biết công tác tổ chức sẽ mất công và thời gian nhưng hy vọng sớm có thông tin từ các anh.

  117. Hải và Bi nói:

    Nếu dự án khởi động , mẹ con chúng cháu cũng xin được góp một phần nhỏ. Đọc bài rất xúc động và thấy mình nhỏ nhen quá khi sống cũng không khổ sở gì mà lúc nào cũng muốn nhiều tiền nhiều tiền hơn nữa. Xin cám ơn tác giả rất nhiều.

  118. Phuong nói:

    Tôi là phóng viên chuyên về mảng miền núi, dân tộc thiểu số, đã từng chứng kiến rất nhiều cảnh như và hơn anh vừa thấy, cũng chỉ biết cho các cháu tí kẹo bánh, biếu người già dăm đồng. Một mình thì không thể làm gì được nên tôi đành chịu. Nếu anh lập được một cái quỹ cho các cháu, xin được đóng góp thường xuyên. Tôi là Phượng, địa chỉ: daquyphuongha@yahoo.com.

  119. HuuThanh.Ng nói:

    Cám ơn anh Tuấn về tâm sự “Vậy là Đảng viên thì san từ lương giáo viên miền núi của mình số tiền nhiều hơn người khác để mua thức ăn cho học sinh . Quả thật , đã lâu lắm rồi , mình hiếm khi nghe được một điều đẹp đẽ như vậy về Đảng viên . Mà không phải nghe từ một diễn đàn hay khung cảnh hoành tráng nào . Mà nghe thì tin ngay . Nghe mà thấy lòng đỡ lạnh . Bởi mình cũng là đảng viên đã mấy chục năm rồi.” Tôi đồng cảm.
    Về “việc đóng góp qua hình thức nào để ai cũng thấy là rõ ràng, minh bạch..” thì anh cứ treo sổ thu chi lên mạng bằng một trang tài liệu mà ai cũng có thể đọc, thực hiện tài chính công khai. Chúng tôi đã làm như thế nhiều rồi và không một ai phàn nàn. Có những người không muốn nêu tên thì ghi rõ “người giấu tên mã xyz” nào đấy mà họ biết để họ nhìn thấy khoản góp của mình, hoặc để họ tự chọn một tên nào đó tùy thích.

  120. Cảm ơn chú vì bài viết rất hay.
    Làng blog lại có thêm 1 thành viên mới. 🙂

  121. archituan nói:

    Đọc bài viết mới thấy anh mới gần gũi làm sao. Em lại có một Blog nữa để thường lui về. ^^ Chúc anh và gia đình sức khỏe 😀

  122. Phùng Bình nói:

    Rất xúc động khi đọc những dòng này của chú.
    Cháu cũng từng đi công tác cũng rất nhiều nơi, nhưng so với nơi chú miêu tả thì còn… sướng chán chú ạ. Ở trên Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) thì HS còn phải tự đến làm lán, mỗi nhóm một cái lán nhỏ (như cái chuồng lợn) rồi ở trong đó, chung với rắn rết, với mưa gió…, ở trên sườn đồi, núi, bên dòng suối… khổ cực ghê gớm…
    Cũng là PV đi nhiều nơi trên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cháu cảm nhận hết những điều này. Nhiều lúc cũng nghĩ muốn làm một cái gì đó cho các em, nhưng cảm thấy khó khăn vô cùng. Ừh, thì cho vài ba trăm, hoặc dốc tiền trong túi để các em có gói bánh,có miếng thịt, nhưng điều đó là quá ít, quá ít…
    Qua tâm sự trải lòng này của chú, cháu cũng muốn tham gia (tinh thần chủ yếu, chứ tài chính thì chắc là nhỏ nhoi lắm) cùng mọi người. Chẳng hạn như cùng tham gia đôi tình nguyện, lập một trang web (cái này thì cháu có khả năng), kêu gọi anh em đồng nghiệp….
    Rất mong mọi người cùng góp sức. Nếu ai nghĩ việc làm này quá lớn và không thể bao trùm hết cả đất nước thì không bao giờ làm được. Chỉ cần một em, hoặc chục em, nhiều thì trăm em, nghìn em cũng là tốt lắm rồi. Thà có con hơn không.
    Nếu mọi người tham gia, cháu cũng tham gia về mặt tinh thần: Lập web, kêu gọi…
    Phùng Bình (binh@phaply.net.vn)

    • Nguyễn Huy Trung nói:

      Cần lắm những phóng viên nhiệt tình như anh. Em mạn phép đề nghị mọi người cùng thành lập 1 hội giúp đỡ những em nhỏ vùng quê nghèo suối giàng. Tối nay em sẽ viết 1 bản dự thảo thành lập hội. Mọi người cho em xin ý kiến ạ.

      • nặc danh nói:

        Nhân tiện viết luôn cả thành phần ban chỉ đạo, ban tổ chức, tổ thư ký, tổ giúp việc… luôn thể

      • Phùng Bình nói:

        Oki. Anh trong vài ngày tới hơi bận tí, nhưng cũng sẽ nghiên cứu thêm một vài chi tiết cho 1 trang web. Sau đó sẽ lập một trang dưới dạng tên miền .tk để mọi người đóng góp. Khi dự án được thực hiện sẽ chuyển sang .com luôn.
        Có gì anh em online nói chuyện sau. Lúc chiều chú gọi nhưng anh đang đi đường không nghe được máy.

    • TT nói:

      @Phùng Bình: Những người như em quý lắm, quý lắm!

  123. Cam on bac da cho chung chau cam nhan duoc cuoc song o vung sau vung xa, nhung kho khan chung ta dang gap phai, the nhung… chung ta van dang dau tu hang tram ti dong vao nhung viec khong can phai ton kem nhu the

    (may chau ko co unikey de go)

  124. Lê Ngọc Lượng nói:

    Kính gởi anh Tuấn
    Sáng nay một người bạn gởi cho bài viết của anh về các em học sinh ở Suối Giàng. Đọc xúc động quá ! E cùng với Chi hội “Hiểu về trái tim” của a Quyền Linh đang thực hiện một chương trình quyên góp để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo phát sóng hằng tuần trên HTV7 (thời gian vừa qua là tài trợ toàn bộ kinh phí mổ tim cho các bé bị bệnh tim bẩm sinh). Chương trình này bước đầu đã có những kết quả rất vui và vẫn được sự ủng hộ thường xuyên của khán giả xem truyền hình (8.000 đ/tin nhắn. Trung bình khoảng 10.000 tin nhắn/tuần). Gần tháng nay tụi e lại tiếp tục với kế hoạch mới “giúp bạn đến trường” để giúp các em học sinh các vùng khó khăn có thêm điều kiện để được đến trường. Đọc bài viết của anh e hiểu rằng mình có thêm một người đồng cảm. E không có số liên lạc trực tiếp với anh nên mượn blog này để xin anh cách liên lạc và mong nhận được sự trợ giúp, chỉ bảo của bậc “tiền bối” nhằm giúp cho kế hoạch giúp các em nhỏ vùng khó khăn – không chỉ ở Suối Giàng mà còn ở nhiều miền quê khác được đến trường đạt được hiệu quả hơn.
    Cảm ơn anh rất nhiều và chúc anh sức khỏe.
    Lê Ngọc Lượng
    lengocluong2004@yahoo.com

  125. Tiều Phu nói:

    Bài viết của anh Tuấn đã nhắc nhở mọi người một phần về thực trạng nền giáo dục VN hiện nay : đau xót , đắng cay … nhiều lắm . Tôi biết dải đất hình ch ữ S yêu quí của chúng ta có vô số các trường học tương tự như trường của các em Suối Giàng – Yên Bái ,nhưng sự thực đó không được thừa nhận mặc dù nó vẫn tồn tại từ xưa đền giờ chưa thay đổi !
    Đừng bàn cãi gì nhiều , tôi và các bạn hãy chung tay cùng anh Tuấn giúp các cháu học sinh nội trú Suối Giàng , trước mắt là cải thiện bữa ăn hàng ngày , sau đó đến điều kiện ở , học tập , giảng dạy của các cháu và giáo viên ở đây .
    Đề nghị anh Tuấn sớm cho mọi người biết phương thức triển khai , để mọi người chung tay cùng anh .

    • trandangtuan nói:

      Vâng, tôi sẽ cùng mấy bạn bè ở đây tìm hình thức ổn định nhất. Vấn đề là chúng ta còn phải giúp nhiều nơi nữa. Đầu tiên sẽ là Suối Giàng, nhưng nên có cách theo dõi tốt để tránh chuyện ta cứ ào vào giúp một chỗ, rồi thôi. Nếu có một quỹ , cứ kiến tha lâu đầy tổ, rồi dần dần giúp được nhiều chỗ, đầu tiên là chuyện bữa ăn.

      • Tran Vu Linh nói:

        That ra da tu lau roi dan minh van phan ra 2 loai Dang vien do la : Dang vien khong binh thuong lam can bo va dang vien binh thuong khong lam can bo . Dang vien khong binh thuong thi toi khong noi ai cung biet roi , con dang vien binh thuong theo toi da so van con nhung nguoi nhu anh Tuan thay o truong hoc Suoi giang . Toi cung la dang vien co 26 nam tuoi Dang cung co nhieu tran tro to tat lam nhung toi hoan toan ung ho anh Tuan la hay lam nhung viec co ich thiet thuc tu viec nho tro di. tu truoc den gio ngoai nhung viec ung ho theo phong trao co quan mang tinh bat buoc thi toi ko bao gio ung ho tu giac phong trao nao ma chi de nhung dong tien de ung ho truc tiep hunng anh em , ho hang , ban be than gap kho khan thoi . Anh Tuan co le lam toi se suy nghi khac

  126. Thành Hải nói:

    Đọc bài lại muốn góp thêm một cái gì đó nhiều hơn tiếng nói!

  127. Thủy nói:

    Chúc mừng anh đã tìm được đường đi cho cuộc đời!

  128. Phạm nói:

    chào mừng sự trở lại của anh với làng báo !

  129. Lê Minh Hà nói:

    Ở xa, thú thật là em chỉ biết bác Tuấn nhiều qua chuyện bác rời VTV, do em không xem ti vi của nhà mình. Ví biết it mà lại biết chỉ qua nội vụ đó, không hiểu nhiều. Nay đọc bài này, thật phát khóc lên được, vì nỗi cực của các cháu và tấm lòng của người dạy các cháu, vốn cũng chẳng sung sướng gì. Và vì cái nhìn của anh. Rủ nhau tùng xoè đi làm từ thiện không nhìn được thế. (em cực kì ác cảm với hai chữ từ thiện này, đôi khi ngay cả do các tăng ni nói ra).
    Khi nào bác khởi xướng, chúng em cũng xin có mặt. Chắc là dự định này thực hiện sẽ đáng tin hơn chuyện 4000 tỉ đến được nồi cơm của các em. E có ngân sách là có tha hóa.
    Việc ở bên ngoài có người nhận giúp các em hay lắm. Nhưng trong điều kiện Việt Nam mình, nếu chia được số tiền đó ra cho nhiều cháu thì thực tế hơn. Có điều người tài trợ cho các em mà là người nước ngoaì chưa chắc hiểu được để chấp nhận. (Cách nay 10 năm, qũy Herman – tổ chức tài trợ cho các làng SOS đã kêu gọi mỗi tháng 25 Euro cho một cháu, trước đó là 50 DM, còn to hơn về giá trị. Chuyển qua tiền mình là bao nhiêu nhỉ?)

  130. Shy nói:

    Tự xấu hổ cho những lần đi công tác các tỉnh. Lần nào cũng chỉ chăm chăm để ý xem ai tiếp và tiếp ở đâu!
    Chúc anh khỏe, đi lắm và viết nhiều để mỗi người chúng tôi đọc mà tự soi để tìm lại đường đi cho mình.

  131. Phương Huyền nói:

    bác Tuấn cẩn thận bị kiện đấy nhé. MTTQVN sẽ kiện bác vì tội lấn sân! heeheee
    Nếu bị kiện gia đình em sẽ vác biểu ngữ các-tông “Anh Tuấn vô tội” để ủng hộ anh.

  132. Thuỳ nói:

    Hoan hô bố gia nhập làng bờ-lốc-gơ!!! Nhưng mà cũng phải nói thật là đọc bài đau mắt quá! Dấu má linh tinh, khoảng cách tuỳ tiện, thỉnh thoảng còn lọt lỗi viết hoa hoặc lỗi chính tả nữa!

    • bonghoa nói:

      Bạn Thùy nên mở lớp phổ cập cấp tốc cho cụ thân sinh, tránh tình trạng nghiêm thu sống thế này. Ký tên : Hội đồng duyệt.

  133. Thuỳ nói:

    Nhân tiện con góp ý thêm là chức năng chỉ hiển thị comment sau khi phê duyệt sẽ tiết kiệm thời gian và giúp kiểm soát blog tốt hơn!

    • trandangtuan nói:

      Sợ có lúc ít thời gian, lâu mới ” duyệt”, thì mọi người không biết ý kiến của mình có được đưa lên k.

      • Small nói:

        Blog chú Tuấn sẽ là một blog có nhiều người quan tâm, chú Tuấn ko có nhiều thời gian chăm sóc blog nữa, vì thế chú ko cần để chế độ duyệt comment thì tốt hơn vì để chế độ ấy thì chú phải vào blog thường xuyên để bấm chữ “chấp nhận” cho comment xuất hiện, mất thời gian lắm. Những bài viết với đề tài xã hội và nhân đạo thế này thì ko có comment xấu đâu, ko có comment mang tính chỉ trích, phê bình hay phá phách đâu, ngoại trừ có ai đó “ghen tức” với chú thôi. Nhưng đọc giả đủ hiểu biết để phân biệt comment ấy có ý đồ gì chú ạ!
        Chú Tuấn là 1 người khá nổi tiếng- được nhiều người biết đến- như bọ Lập viết thì biết tin chú Tuấn có blog, nhiều người rất vui mừng. Mong chú dành thời gian viết bài cho chúng cháu đọc với nhe!

      • lyly nói:

        Anh đúng là người của dân Việt !!! Cảm động quá! Ai cũng cảm phục anh…

      • Anh cứ để chế độ mở cho đến lúc cần thiết phải kiểm soát thì hãy kiểm soát, cứ duy trì thế này xem thực tế thế nào?

      • Hieu Nguyen nói:

        Bác mà kiểm duyệt thì còn gì là blog nữa……bạn đọc ghé thăm nhà Bác không chỉ có đồng cảm với Bác về tình người, mà cũng cần thể hiện thái độ đối với những người không ra gì dèm pha dự án này – biết yêu thì cũng phải biết ghét chứ Bác !
        Hơn nữa, việc công khai tranh luận cũng làm cho mọi người hiểu về bác hơn (ví dụ em đây có biết gì về Bác đâu, chỉ thấy câu chuyện SG này nhân văn quá và cái tên TĐT tin được thì tham gia thôi). Sức mạnh của Internet là ở chỗ này, chẳng phải các chính khách lớn trên thế giới đều có blog cá nhân, dân vào chém gió thoải mái đấy sao ?
        Vậy theo ngu ý của em thì Bác nên chia cái blog này thành 2 mục, (vd “lề phải” và “lề trái”), những comment không đồng tình, hay xỏ xiên, bới móc này nọ thì Bác đừng xóa, cứ cho vào một chỗ, để thỉnh thoảng mọi người còn giao chiến nó mới vui (với lại còn câu view nữa chứ 🙂 🙂 🙂
        Tất nhiên đã mở blog ra thì Bác phải chăm sóc nó, chứ cả tuần mới viết được vài câu thì tốt nhất là thằng nào vào nói vớ vẩn Bác cứ xóa …mịa.. nó đi cho nhẹ đầu Bác ạ !!!
        Chúc Bác cuối tuần vui vẻ, tuần sau viết tiếp câu chuyện Suối Giàng !

  134. hải nguyễn nói:

    hâm mộ chú tuấn ^^

  135. Gửi anh Trần Đăng Tuấn!
    Cảm ơn anh đã cho mọi người biết một sự thật đáng để chúng ta cùng chung tay hành động. Thật buồn, thời buổi này không ít kẻ vơ vét tiền của Nhà nước (mà nói thẳng ra là tiền thuế của dân) để ăn chơi trác táng, khi có người dũng cảm đấu tranh thì có cấp trên ra tay che chở (với chiêu bài bảo vệ cán bộ…), trong khi đó đời sống người dân còn quá nhiều khốn khó! Em nghĩ nếu anh kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ thì rất tốt. Chúc anh mạnh khoẻ!

  136. Ngoc Lan Nguyen nói:

    Rất cảm động với tấm lòng của bác Tuân và hơn nữa là hành động ngay lập tức. Xin cho tôi tham gia với ạ.

  137. Cảm ơn anh Trần Đăng Tuấn đã có bài viết thật xúc động! Chúc anh khỏe! Mong sao đất nước mình có nhiều người như anh để dân được nhờ!

  138. nhutnhat nói:

    Đọc HÔM NAY LÊN SUỐI GIÀNG thì nước mắt rưng rưng, đọc THƯ TỪ SUỐI GIÀNG thì nước mắt chảy tràn, vẫn biết là các em còn thiếu thốn nhiều. Khi nào có chuyến đi lên đó, anh thông báo lên trang này nhé. Anh hãy thông báo cụ thể thời gian và địa điểm nhận đồ. Chắc chắn sẽ có nhiều sach vở, đồ dùng học tập, áo quần… cho các em cho mùa đông sắp tới. Cảm ơn anh nhiều về bài viết của anh.

  139. Trần nói:

    Tôi vừa liên hệ với thầy Thành,hiệu trưởng trường THCS Suối Giàng.Thầy bảo trên đó còn nhiều trường khó khăn hơn cả Suối Giàng,nhất là các trường Mầm non và tiểu học.Đề nghị mọi người quan tâm…

  140. Trần nói:

    Tôi vừa liên hệ với thầy Thành,hiệu trưởng tường THCS Suối Giàng.Thầy bảo trên đó còn nhiều trường khó khăn hơn cả Suối Giàng,nhất là các trường Mầm non và Tiểu học.Đề nghị mọi người quan tâm…

  141. Bò Sát Đất nói:

    Việc làm thế nào để có địa chỉ cho người ở xa góp một ít cho các em vùng cao đến giờ vẫn chưa có. Mới hay, việc tưởng nhỏ mà đã khó lắm thay! Huống chi việc lớn sau này: Tất cả các em ở vùng cao nơi khác có thể nhận được chia sẽ của mỗi người chúng ta.
    Mọi người hãy làm tốt nơi này trước đã, BSD nghĩ rằng khi đã có kinh nghiệm lúc đó nghĩ đến những nơi khác cũng chưa muộn.
    Trân trọng!
    BSD.

  142. trandangtuan nói:

    Vâng, có lẽ nên thế thật,,Định lập quỹ nhưng việc lập quỹ theo quy định nhiều thủ tục phức tạp, nếu có làm cũng không nhanh được. Bước đầu chỉ nên đặt vấn đề tự nguyện góp phần giúp các em.. Mọi người đăng ký giúp đỡ và gửi tiền vào một tài khoản sẽ lập ra trong ngày mai..Sau khi đủ cho 1 năm bữa cơm có thịt ở hai trường thì bắt đầu giúp cho các nơi khác. Hy vọng tới chủ nhật này gửi hoặc mang trực tiếp lên ủng hộ lên cho Suối giàng.Cám ơn BSD.

  143. Pingback: Hôm nay lên Suối Giàng. « Đọt Chuối Non

  144. Cong Tang nói:

    Chào anh Tuấn,

    Cám ơn anh về bài viết. Tôi có một ý nhỏ như thế này. Các anh nên thành lập một tổ chức phi chính phủ (NGO), hoạt động phi lợi nhuận, với mục đích giúp đỡ trẻ em vùng cao. Như thế sẽ thu hút rất nhiều sự đóng ghóp của người Việt hảo tâm trên mọi miền của tổ quốc cũng như ở nước ngoài. Lúc đó các anh không chỉ giúp được hơn một trăm trẻ em Suối Giàng mà còn hàng vạn trẻ em vùng cao đang gặp nhiều khó khăn. Việt nam cần nhiểu tổ chức phi chính phủ như thế.

  145. tramzoe nói:

    Chào chú,
    Cảm ơn chú. Cháu thấy ý tưởng và việc làm thật thiết thực. Cháu đề xuất là cần thành lập một nhóm tình nguyện viên thường kỳ nữa. Nhóm này quản lý thu chi, nhân lực, truyền thông do chú điều phối. Dù có thể ban đầu hơi rối nhưng theo cháu thì nếu nghĩ dài hạn thì phải chuyên nghiệp từ nhỏ nhất để hành động ý nghĩa này có thể tồn tại lâu bền và có sức lan tỏa trong xã hội.

    TĐT : Đúng, chú cũng muốn như vậy và sẽ phải suy nghĩ theo hướng đó.

  146. bolocboleo nói:

    Hôm qua đọc bài giới thiệu trên blog của Bọ Lập, đọc bài của bác Tuấn thấy cay cay sóng mũi làm sao. Quyết định tạo một cái blog bleo góp phần chen lấn cùng cộng đồng… hic.hic… em xin phép copy bài của bác về mở hàng cho blog của em nha. Cảm ơn và đợi những bài viết tiếp nửa của bác.

  147. Tôi đã vô tâm nói:

    Cám ơn bài viết của bác Tuấn, tôi đã từng lên Suối giàng công tác, trước đây tôi làm cho 1 dự án, dự án đấy có đầu tư cho huyện Văn Chấn trong đó có xã Suối Giàng. Quả thực khi đó tôi cũng rất vô tâm ko đế ý đến Trường học đó (cho dù làm việc cách đó chưa đầy 300 trăm mét). Tôi rất hi vọng có cơ hội để làm một việc gì đó thiết thực cho các cháu.

  148. Trinh nói:

    Cảm ơn bác Tuấn đã cho chúng em biết được những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như vậy. Khi nào bác lập quỹ xin thông tin cho chúng em được góp phần.

    Chúc bác nhiều sức khỏe, đi được nhiều, và thông tin được nhiều cho bà con được biết và cùng chung tay góp sức.

    Cảm ơn bác

  149. Pham Chau nói:

    Xin phép Bác cho em copy bài này qua facebook

  150. Đức Trí 199 nói:

    Đọc bài của bác xong mà em đỏ hết …mũi. Em thấy phục bác ở một nhân cách sống và truyền cho mọi người những xúc cảm nhân bản…em thấy xấu hổ về cách sống thờ ơ và lười nhác của mình…Em mong được đọc nhiều những bài viết của bác, cũng như của các bác “Quê choa”, “Dr.Nikonian”…để e chóng được cứu rỗi và biết làm những việc thực sự có tâm, có ích. Cảm ơn và chúc bác và gia đình an vui, hạnh phúc!
    Cám ơn “Bọ Lập” đã dẫn em đến nhà bác Tuấn chơi và bày đặt khóc lóc “dư lày”…

  151. Jimy Bk nói:

    Con dang ngoi giua thu do Lien bang Nga, an bigmak va khoai tay chien nong gion thom ngon trong Macdonal, tiet troi thu lanh nhung quan co lo suoi vay ma sao doc nhung dong blog cua bac ma song mui con cay cay, nguoi run len. Con cam on Bac ve su se chia nhung tam su chan thanh nay. Hien con dang la du hoc sinh tai Nga, dong thoi cung la truong nhom tu thien 2W tai thanh pho Tula. Con se som lien lac voi Bac de giup do phan nao cho cac em vung cao Bac a. (Con comment tren tablet nen khong co font tieng Viet, mong moi nguoi thu loi cho con)
    TĐT : Bác hiểu cảm giác ngồi ở Nga mùa thu lắm chứ. Với 7 năm từng sống ở đó- Nói chung Bác là người Maxcova ! Vui và khỏe nhé !

  152. Pingback: Hôm nay lên Suối Giàng | Tran Nguyen Chinh

  153. Hai nói:

    Một tiếp cận tình người sâu sắc làm cho một hiện tượng không mới trở lên có anh hưởng rất lớn. Phải chăng đấy là giá trị nhân bản của người Việt.
    Bác Tuấn ơi, bác có thể làm được nhiều hơn thế nữa cho tương lai cuuar nước Việt nếu bác đứng ra tập hợp được nhiều người gốc Việt như chúng ta.
    Bằng cách nào em có thể xin góp vài ký ciment để góp phần công trình đầy tính người của bác với

    TĐT : Mong bạn tham gia thường xuyên. Còn nhiều nơi như vậy lắm. Cám ơn bạn.

  154. detrui nói:

    Chào anh Tuấn,
    Chồng em rất quan tâm đến những bài viết của anh. Sáng sớm nay chồng em đã email cho em bài viết về khu nội trú của trường THCS Suối Giàng của anh. Chồng em luôn tìm những bài viết hay, xúc động về cuộc sống thực tế của các em nhỏ ở khắp nơi trên đất nước ta để chia sẻ với vợ và con gái. Con gái em năm nay 10 tuổi và sau khi được đọc bài viết này, cháu nói cháu có thể ủng hộ các em nhỏ bằng sách, truyện đã đọc, quần áo với các bạn. Chúng em rất mong được cùng chung tay tham gia các hoạt động hỗ trợ các em học sinh ở Suối Giàng cũng như ở nhiều miền quê khác.

    Cảm ơn anh và mong được biết thêm nhiều chia sẻ của anh trên những chặng đường sắp tới

    Thu Hường

    • trandangtuan nói:

      Cám ơn hai bạn và cháu. Trên đó bọn nhỏ nó quý mọi thứ : Quần áo, sách vở..Trên đó còn có cả trường mầm non nữa. Mình cố một chút, chúng nó vui lắm. Tuấn

  155. Trân trọng cảm ơn anh !
    Đọc bài viết của anh mà cảm động, cái Chân Thiện Mỹ chẳng ở đâu xa , nó ở ngay đây.
    Không phải lần đầu tiên anh phát hiện ra mà anh là người đầu tiên thắp lên ngọn lửa hướng về đời sống học sinh vùng cao , Suối Giàng chỉ là 1 chấm nhỏ trên bản đồ hàng trăm trường nội trú ở miền núi sâu xa , tôi cũng đã từng chứng kiến cảnh học sinh nội trú ở xã vùng cao ở Mường Tè Lai Châu và và nhiều trường khác nữa hoàn cảnh thầy và trò đều khốn khổ như nhau. Phải nói thẳng là như hoàn cảnh chị Dậu trước năm 1945.
    Bài viết của anh đã có sức lan tỏa và gây xúc động mạnh trong cộng đồng .
    Lúc đầu tôi cũng suy nghĩ tại sao anh không lập ra một hội thiện nguyện có tài khoản riêng , nhưng nghĩ lại tôi lại thấy cái tâm của anh ở trong đó, anh muốn làm ngay, ngay lập tức khi anh về HN nếu lập ra các thủ tục bài bản thì nó nguội đi mất, tôi rất cảm kích ở điều này.
    Đây mới xuất phát từ cái tâm cá nhân , tôi mong sẽ trở thành phong trào, sự vào cuộc của cả cộng đồng
    vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, các nhà tài trợ để không chỉ Suối Giàng mà tất cả các trường nội trú nghèo khó các em học sinh đều được ăn đủ no mà học . và các món quà tinh thần động viên các thầy cô giáo vùng cao , họ thực sự là những chiến sỹ trên mặt trận giáo dục.
    Tôi mong các bạn trẻ đi phượt hãy cung cấp nhiều bức hình sống động nhất để gửi đến cộng đồng để cùng cộng đồng vào cuộc rốt ráo hơn nữa.
    Tôi ước gì anh là bộ trưởng giáo dục và có bài viết như trên sau chuyến thực địa vừa qua.chắc chắn tôi sẽ khóc vì tôi cảm thấy tin rằng chấn hưng giáo dục bắt đầu từ những điều giản dị như vậy.
    Kính chúc anh an khang , hạnh phúc và có nhiều cống hiến cho xã hội !

  156. Pingback: Cơm có thịt cho học sinh dân tộc nội trú dân nuôi ! | hieplonghai

  157. hth nói:

    Chào anh Tuấn, trước mắt xin xin đóng góp cho các cháu 200k/tháng. Em có hai cháu nhỏ, sẽ cho các cháu trực tiếp chuyển khoản và đọc bài của anh để tự nhận biết và thông cảm. Cám ơn anh!

  158. Mong rằng chú Tuấn sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp cho các em học sinh vùng cao,hỗ trợ thiết thực từng bữa ăn cho các em.Được ăn no,ăn đủ dinh dưỡng thì các em sẽ học tập được tốt hơn!
    Chúc chú Tuấn sức khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống !
    NVA.

  159. Ha Tuan nói:

    Mong nhiều hơn nữa những tấm lòng vàng sẽ chia cùng các em nhỏ vùng cao.

  160. bonghoa nói:

    Đi làm Nối vòng tay lớn nhiều năm cháu thấy nhiều hoàn cảnh đáng thương tương tự. Cờn có nhiều sự nhẫn tâm ám ảnh hơn nhiều. Haizzz.
    Chào mừng sếp đến với thế giới ảo tung chảo này!!!!

  161. hth nói:

    Chào anh Tuấn, trước mắt em xin đóng góp cho các cháu 200k/tháng. Em có hai cháu nhỏ, sẽ cho các cháu trực tiếp chuyển khoản và đọc bài của anh để tự nhận biết và thông cảm. Cám ơn anh!

  162. elina nói:

    Có tin được không?
    Các vị lãnh đạo các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương cần phải đi thực tế nhiều hơn. nếu không đi nên đọc những bài viết như thế này. 2.000 đ để mua thức ăn/ngày. ai có thể ăn được? ăn suốt thời gian dài??
    Có lẽ tôi so sánh hơi khập khiểng nhưng kinh phí xây Tượng đài Mẹ Vệt Nam anh hùng hết 20 triệu USD (Biết rằng đây là ý nghĩa thiêng liêng nhưng có cần hoành tráng vậy không?), trong khi mỗi em học sinh chỉ có 2.000 đ (2.000 VND) để mua thức ăn/ngày. “Lòng mẹ bao la như biển thái bình….” có lẽ “Tượng đài Mẹ Vệt Nam anh hùng” sẽ khóc vì thương đàn con nhỏ

  163. daothuhang nói:

    Đọc bài chú viết mà rơi nước mắt.
    Cháu nghĩ nên mở hội: “Trần Đăng Tuấn và những người bạn yêu quý trẻ em vùng cao” liệu có ổn không nhỉ? Để giúp đỡ các em nhỏ người dân tộc? Hì hì, bắt đầu tìm lại được tinh thần yêu PR với marketing sau vài năm bỏ bẵng rồi đây.

  164. hmu.alw nói:

    Cảm ơn bài viết của chú rất nhiều!
    Dù rằng không có số tiền tỷ này tỷ nọ, nhưng tinh thần thì những người sinh viên như cháu không thiếu. Tháng 10 tới cháu và những người bạn có chuyến phượt lên Tây Bắc. Ý định ban đầu là đi để chinh phục những nẻo đường đất nước. Nhưng có lẽ bây giờ chúng cháu đã có thêm mục tiêu nữa….
    Nếu cần sự hỗ trợ gì chú có thể liên lạc với cháu qua email: hmu.alw@gmail.com
    Cháu hy vọng mình có thể đóng góp chút ít gì đó trong kế hoạch giúp đỡ trẻ em vùng cao của chú.
    Chúc chú và gia đình sức khỏe!

  165. pduyma nói:

    Kính gửi chú Tuấn
    Cháu là 1 phóng viên trẻ của BBT Truyền hình Cáp – Đài truyền hình Việt Nam. Mặc dù cháu chưa 1 lần tiếp xúc với chú những cháu đã nhìn thấy chú đi bộ từ cổng đài vào rồi.
    Bài viết này cháu thấy rất xúc động (nhưng không nhiều lắm) vì trong những chuyến đi công tác vùng cao cháu đã được chứng kiến nhữngd đứa trẻ đói rách khổ sở hơn. Và tất nhiên những học sinh ở Suối Giàng cũng nằm trong diện đó.
    Cháu cũng là trưởng 1 nhóm tình nguyện có tên ‘Việt Nam của tôi” và cũng đã tổ chức được gần 10 hoạt động cho những người dân nghèo và học sinh nghèo vùng cao.
    Nếu được, cháu và các bạn cùng nhóm sẽ đóng góp 1 phần kinh phí và hiện vật cho dự án của chú.
    Mong tin của chú.
    Cháu Duy (0982005606)

  166. NTT nói:

    Cháu chào chú Tuấn !
    cháu thực sự xúc động trước bài viết của chú
    Quả đúng là từ lâu cháu cũng nghe nói chung chung là đất nức còn đang nghèo khó, thiếu thốn khó khăn
    Nhưng đọc bài viết của chú đã làm cháu thực sự xúc động trước hoàn cảnh khó khăn của các em hs vùng cao.
    Cám ơn chú nhé

    • Nguyen khue nói:

      Bạn hiểu sai từ “nói chung, rất chung thôi” của nhà báo TĐT rồi. Bạn có thấy Việt Nam nhập rất nhiều siêu xe trị giá cả chục tỷ không, bạn có thấy một căn biệt thự ở Hà Nội có giá vài chục tỷ, thậm chí vài trăm tỷ không, bạn có thấy rất nhiều lễ hội tổ chức tốn kém hàng chục, háng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng đông, bạn có thấy các tổng công ty làm ăn thua lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhưng những lãnh đạo công ty, tổ chức đó thì sở hữu những khối tài sản lớn thế nào không …
      Mong rằng những người có tầm ảnh hưởng hãy khơi dậy tính nhân bản trong con người mình, mục đích sống của mình, cuộc sống vật chất, quyền lực biết thế nào là “đủ”, hạnh phúc, lẽ sống của mình xuất phát từ đâu : “Yêu thương, cảm thông, chia sẻ với con người”.
      Cảm ơn, rất cảm ơn anh Tuấn!

  167. Pingback: Hôm nay lên Suối Giàng. « TIN TỨC HÀNG NGÀY – Online

  168. Thai Linh nói:

    Em cung la mot nha bao. Nhung chuyen nhu the nay em da doc rat nhieu va cung tung duoc chung kien. Nhung doc bai anh van thay rung rung. Rat hy vong anh lam duoc mot dieu lon lao hon, do la xay dung duoc quy nay di cung nam thang. Em xin duoc dong gop mot phan nho trong day. Va neu can gop them suc thi anh goi cho em nhe. Thai Linh :0904467666

  169. Quang Tiến nói:

    Chú nên dùng Facebook, đó là một kênh truyền thông cực hiệu quả để mọi người biết tới

  170. Chào anh.
    Em có 1 cậu con trai, năm nay học lớp 7, trường bắt đầu tổ chức bán trú: ngoài các khoản học phí ra thì nhà trường thu 20.000VNĐ cho 1 bữa ăn, với giá cả như vậy thì cũng tạm ổn, Ngày nào về nhà cháu cũng hỏi ngay mẹ: có gì ăn chưa mẹ? Em hiểu với sức trẻ, tụi nó rất mau đói….chúng nó đang tuổi ăn, tuổi lớn mà.
    Vậy mà có những nơi như thế này. Trẻ con thật là khổ, ăn còn đói thì nói gì đến các thứ khác.
    Với điều kiện, và khả năng của mình, em thay mặt con trai: Nguyễn Hữu Phan Anh xin góp chút ít, cùng các bác, các anh chị làm ấm lòng các bạn ở nơi vùng cao.

  171. Bác Tuấn cho cháu cái số tài khoản vào đây nhé. tranviet@duandautu.com

  172. Thế giới ảo chào mừng Bloger Tuấn “cận” nhưng luôn có tầm nhìn… xa

  173. TRAN XUAN VIET nói:

    Kính gửi anh Trần Đăng Tuấn.

    Tôi , TS. Trần Xuân Việt , VIMARU, đã gửi vào tài khoản Vietcombank của anh số tiền 1.000.000 đ (một triệu đồng) để hưởng ứng dự án “Cơm có thịt” dành cho các cháu trường nội trú Suối Giàng.

    Chúc anh thành công với dự án nghĩa tình này.

    Và dưới đây là biên lai chuyển tiền.

    http://www.vietcombank.com.vn
    Hotline : 84-4-38245716
    BIÊN LAI CHUYỂN TIỀN
    (Payment Receipt)
    Ngày, giờ giao dịch
    Trans. Date, Time 28/09/2011 18:38:08
    Số lệnh giao dịch
    Order Number 2809110599294002
    Tài khoản trích nợ
    Debit Account 0031000061003 Số tiền trích nợ
    Debit Amount 1,000,000 VND
    Tài khoản ghi có
    Credit Account 0011004025430 Số tiền ghi có
    Credit Amount 1,000,000 VND
    Tên người hưởng
    Beneficiary Name TRAN DANG TUAN
    Loại phí
    Charge Code Phí người chuyển trả
    Exclude Số tiền phí
    Charge Amount
    Net income
    VAT 0 VND

    0 VND
    0 VND
    Nội dung chuyển tiền
    Details of Payment TRAN XUAN VIET (txviet@vimaru.edu.vn) ung ho du an "Com co thit" cho cac chau truong noi tru Suoi Giang
    Cám ơn Quý khách đã sử dụng dịch vụ của Vietcombank!
    Thank you for banking with Vietcombank!

    Tran Xuan Viet (Dr. Eng.)
    Vietnam Maritime University
    484 Lachtray Haiphong VN
    Mobi 090 3 210 211

    txviet@vimaru.edu.vn

  174. Bài anh hay và đầy tính nhân văn.
    Mình phượt lung tung nhiều nơi, cũng biết là người vùng xa, vùng cao khó nhọc hơn người người thành phố nhiều nhưng để các em đó thế này thì xót quá…
    Những người có trách nhiệm ở địa phương ấy chắc… bận rộn lắm nên mới có cảnh này.
    Khi nào lập quỹ rồi thì xin anh cho biết. Chúc anh nhiều sức khỏe, cảm ơn về bài viết.

    TB: Mỗi bài anh có thể đang nhiều hình hơn cho sinh động nhưng cần thu nhỏ khổ ảnh lại (ảnh bê ngang 700 là đủ). Ảnh nhỏ up nhanh và mở trang blog cũng nhanh.

  175. Luân nói:

    Đọc bài viết của chú xong cháu đi ăn cơm, bữa hôm nay là một trong những bữa cháu ăn ngon nhất. Bài viết hay quá, mà tự cháu thấy mình còn phải thay đổi nhiều, cháu cảm ơn bài viết của chú, chúc chú khỏe và thực hiện thành công !

  176. nguyễn kim thu nói:

    Cháu chào bác! Lâu lắm rồi cháu mới đọc 1 bài viết thật và cảm động thế này ” 2.000 đồng và những đứa trẻ vùng cao”. Cháu sinh ra ở Yên Bái rồi lớn lên lấy chồng ở Lào Cai lại làm báo và nhiếp ảnh nên cháu thường cùng chồng đi đến những vùng đồng bào dân tộc như Y Tý, Mường Hum, Si Ma Cai mỗi chuyến đi là 1 trải nghiệm mới được tận mắt thấy c/s của các e bé nơi đây thiếu thốn và thiệt thòi quá. Mùa đông rét ko có quần áo ấm để mặc vẫn chân đất gùi bao tải trấu ra đồng cho mẹ, thường ngày cơm ăn ko đủ no làm sao biết đến cái bánh cái kẹo hay hộp sữa như trẻ em thành phố. Cái lạnh cái rét thì các em có thể thích nghi đc nhưng đói ăn thiếu chất thì cứ làm các em còi cọc đi. Mỗi chuyến đi ko giúp đc gì cho các e nhưng cháu cũng cố gắng đem theo 1 ít bánh kẹo hi vọng sẽ mang đến 1 niềm vui nho nhỏ cho các em. Hnay đọc bài viết của bác cháu như được đánh thức, từ ngày sinh con được hơn nửa năm mải chăm con mà cháu quên đi công việc quen thuộc vào các ngày cuối tuần cùng chồng đi sáng tác, còn mình thì chia kẹo bánh và ít quần áo cũ gom được của con cháu trong nhà cho các em. Cám ơn tấm lòng của bác dành cho các e bé vùng cao Tây Bắc, mong rằng mọi ng dân trên đất nước chúng ta cũng đều có chung 1 tấm lòng chia sẻ tình cảm và chung tay góp sức cải thiện cs cho các em – những mầm non tương lai của đất nước.

    • lam nói:

      Bạn o lào cai ở chỗ nào vây?Liên hệ với tôi để chúng ta cùng giúp dỡ các cháu?Lê công Lâm- Phòng cảnh sát PCCC Công an tỉnh lào cai.đt 01242462649.

      • nguyễn kim thu nói:

        mình nhà ở phố mới cách ga lào cai 200m. Rất vui có thêm 1 người có cùng suy nghĩ. Mùa đông này mình muốn lên Y Tý tặng quần áo cho các em. Mùa đông trên đấy lạnh lắm còn lạnh hơn cả ở sapa đời sống các e cũng rất khó khăn dưới cái lạnh 2độ C nhưng các e vẫn chân trần, mặc trên người chiếc áo mỏng manh cái quần cộc qua mắt cá chân mà nào có lành lặn. Qua dự án của bác Tuấn thì mình mong ko chỉ có các bé học sinh trường Suối Giàng – Yên Bái mà tất cả các bé có cuộc sống khó khăn thiếu thốn trên cả nước đều được giúp đỡ. Những ai có cùng tâm nguyện với mình đang sống và công tác ở Lào Cai liên hệ với mình qua sđt 01698115933 mình tên Thu để cùng giúp đỡ các em. Các e thiếu thốn rất nhiều thứ quần áo, sách vở bút mực, chăn ấm.v.v. nên ai có gì thì ủng hộ nấy mỗi người 1 ít sẽ thành nhiều!!!

        • trandangtuan nói:

          em liên lạc với chị Hải minhbeo24@rocketmail.com nhé. Phụ trách vấn đề quần áo đấy.T

          • Thu An nói:

            Anh Tuấn ơi! Tấm lòng của anh đối với trẻ em vùng cao thật đang khâm phục. Nhưng cũng chỉ là để chữa cháy mà thôi. Anh, cũng như bao người khác liệu có đủ sức giúp đỡ hàng triệu đồng bào nghèo trên khắp cả nước mãi không? Các anh, chúng ta đang dập lửa 1 góc nhỏ trong ngôi nhà mênh mông đang cháy. Tại sao chúng ta không nghĩ cách cứu cả ngôi nhà đang cháy? Đất nước đã gần nửa thế kỷ phục hồi sau chiến tranh, tại sao giờ đây vẫn thế này??? Tại sao bao nhiêu tiền của từ tiền thuế của dân đổ ra mà chẳng mang lại hiệu quả gì? Tại sao các quan chức có thể bỏ ra 4000 USD để mua trinh, hàng chục triệu cho mỗi bữa nhậu? Hàng tỷ đồng chơi 1 ván cờ, vài triệu đô cho cá độ bóng đá,…??? Tại sao? Tại sao???

          • Nhung nói:

            @ Chị Thu An: Anh Tuấn và mọi người đã trả lời hàng trăm câu hỏi tại sao giống như chị rồi. Chị chịu khó đọc lại toàn bộ blog sẽ hiểu rõ hơn nếu chị thực sự quan tâm!
            Thay vì hô hào, gào thét bất công rồi chính mình vô cảm với xung quanh, mọi người ở đây chỉ lặng lẽ hành động thôi chị ạ. Đôi khi một hành động nhỏ cũng có thể đem lại những thay đổi lớn tích cực.

  177. lanagps nói:

    Trích:
    “Chợt nhớ lúc ở bếp trường cấp hai, mình hỏi cô giáo: Thế mỗi cô giáo phải bớt bao nhiêu tiền từ lương của mình để mua thức ăn cho các cháu ?. Cô giáo trả lời : Dạ, không giống nhau, người lương cao hay là Đảng viên thì góp nhiều hơn, giáo viên hợp đồng hay quần chúng thì góp ít hơn… Vậy là Đảng viên thì san từ lương giáo viên miền núi của mình số tiền nhiều hơn người khác để mua thức ăn cho học sinh. Quả thật, đã lâu lắm rồi, mình hiếm khi nghe được một điều đẹp đẽ như vậy về Đảng viên. Mà không phải nghe từ một diễn đàn hay khung cảnh hoành tráng nào. Mà nghe thì tin ngay. Nghe mà thấy lòng đỡ lạnh. Bởi mình cũng là đảng viên đã mấy chục năm rồi .”

    Đoạn chốt nhiều ý nghĩa.

  178. TT nói:

    Chẳng hiểu sao, đang ngày 28/09 lại đến 26/09…đúng là lính mới tò te. Mình đang thích đọc, nhưng thấy lộn xộn thứ tự, nhức đầu quá. Chắc bố Tuấn này khai trương bị vỡ kế hoạch, đông người đến thăm thành ra quá tải? Hy vọng vài hôm nữa trật tư hơn.

  179. Đỗ Ngọc Sơn nói:

    Là một người Yên Bái tôi thật sự xúc động vì những nghĩa cử cao đẹp mà nhà báo Trần Đăng Tuấn và mọi người dành cho Trường Suối Giàng. Nhưng đúng như đã có người nói ở trên, Ở Yên Bái ( và có lẽ nhiều địa phương khác nữa) còn nhiều điểm trường khó khăn hơn Suối Giàng rất nhiều, vì vậy tôi thực sự mong muốn ” Bữa cơm có thịt” sẽ trở thành 1 phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của xã hội. Và không chỉ ở Suối Giàng mà ở nhiều nơi khác nữa, sẽ có nhiều học sinh vùng cao được ăn những “bữa cơm có thịt” chan chứa tình người.

  180. Việt Thường nói:

    Cảm ơn bác Tuấn cho tôi có những cảm xúc tưởng đã lãng quên lâu rồi, tôi chỉ xin có mấy lời góp ý thôi:

    1. Sông có khúc, người có lúc, hạnh phúc là mình đi như thế nào chứ không phải ở cuối con đường. Chúc mừng bác đã vượt qua được chính mình khi quyết định ra đi! Ngũ thập tri thiên mệnh, sau khi ở Suối Giàng về, bác lại thấy vui vì ra đi mới lấy lại được cảm xúc đó, bác nhỉ!

    2. Việc ủng hộ trẻ em Suối Giàng rất thiết thực và gần như xong rồi, vấn đề là nhân rộng ra thôi. Có nhiều tổ chức từ thiện, tình nguyện đã và đang làm nhưng vì chưa đủ uy tín nên hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Với uy tín của mình, bác hoàn toàn có thể lập ra 1 tổ chức phi chính phủ để thực hiện việc này.

    3. Đọc bài của bác cũng như các comment, dễ dàng nhận ra là mọi người đều hảo tâm, chỉ có điều vẫn băn khoăn là tiền ủng hộ thực tế đến tay người nhận là bao nhiêu. Cá nhân em xác nhận bằng thực tế: khoảng 20%. Do đó, để tiết giảm chi phí, theo em cần đảm bảo các tiêu chí sau:

    – Dựa trên tinh thần tình nguyện: không lương để giảm chi phí. Điều này có thể dẫn tới một vài trục trặc do không có điều phối viên chuyên trách nhưng với tinh thần vì cái chung thì tôi tin sẽ sớm khắc phục được;

    – Tận dụng mạng Internet:

    + Tiết giảm chi phí vì 1 chuyến xe con đi tới đó cũng mất hàng tháng tiền ăn của các cháu. Chi phí đi lại chỉ dành cho người nhận nhiệm vụ đi kiểm tra thực tế.

    + Thông tin cập nhật ngay trên mạng, nhanh, công khai, minh bạch, cái này cực kỳ quan trọng;

    + Có thể kết hợp với các tổ chức tình nguyện sẵn có (rất nhiều), các chương trình từ thiện của các Diễn đàn (cái này rất nhiều, lãng phí khá lớn) để mang lại hiệu quả rộng lớn hơn.

    Nếu bác có ý định mở rộng ý tưởng ủng hộ Suối Giàng và tin tưởng, em xin góp 1 tay vào công tác tổ chức và vận hành do điều kiện công tác không đi lại thường xuyên được.

    Trân trọng!

    • trandangtuan nói:

      Trường hợp giúp học sinh phải như thế này:
      – 100% tiền ủng hộ đến với Nhà trường, học sinh.
      – Không có chi phí nào cho đi lại, tổ chức
      Tôi đang muốn được tư vấn về các thủ tục, điều kiện cần thiết để lập một quỹ, một NGO. Chưa có thời gian tìm hiểu kỹ quy định về việc các cá nhân lập một NGO mục đích hoạt động xã hội-từ thiện..

      • Hát Ca nói:

        Kính chào anh Tuấn,

        Trước hết, xin chân thành cảm ơn bài viết của anh vì những tác động mà nó đem lại cho ít nhất là những người có comments tại đây. Em cũng mong được góp một phần nhỏ giúp cho các cháu ở Suối Giàng cũng như trẻ em còn khó khăn ở nhiều nơi khác có được cuộc sống tốt hơn.

        Về thủ tục thành lập NGO hay 1 hội tương tự để tập hợp trợ giúp từ các nơi, em có thể liên hệ để hỏi chi tiết, nhưng qua tham khảo một số trang mạng, như ở đây http://www.diendanphapluat.vn/4rum/showthread.php?t=8198, em thấy thủ tục không đơn giản, chắc cần rất nhiều thời gian, công sức, và chắc chắn sẽ cần sự gặp mặt, trao đổi, nhất trí của những người quan tâm, muốn làm và nhất là có quyết tâm để theo đuổi, vì để duy trì một tổ chức hay hội như vậy đòi hỏi rất nhiều, không chỉ tiền bạc và thời gian.

        Vì vậy, đồng thời với việc tìm hiểu thêm về việc thành lập NGO/hội, em xin phép được đề xuất một hình thức quyên góp và trợ giúp mà em thấy đã được thực hiện trong 1 thời gian khá dài (trên dưới 5 năm) và theo đánh giá của em là hiệu quả và thiết thực (có số lượng thành viên tham gia ổn định). Các anh chị tham gia nhóm từ thiện đó cử ra 1 nhóm liên lạc bao gồm các thành viên có uy tín, nhiệt tình và có điều kiện về thời gian đứng ra (1) Mở tài khoản ngân hàng để nhận trợ giúp bằng tiền và có địa chỉ để nhận trợ giúp bằng hiện vật; (2) Lên kế hoạch trợ giúp cụ thể (định kỳ và bất thường) bằng văn bản gửi cho các thành viên quan tâm để đóng góp và tham gia; (3) Tổ chức trực tiếp trao trợ giúp bằng cách tổ chức các chuyến đi (chi phí cho các chuyến đi nằm ngoài chi phí trợ giúp) đến nơi cần trợ giúp; (4) Lập báo cáo cụ thể về thu/chi của nhóm và của từng khoản trợ giúp (cả tiền và hiện vật, ghi rõ nhận của ai, lúc nào cái gì, bao nhiêu; chi vào mục đích gì, cho ai, ở đâu, lúc nào…); (5) Cập nhật thường xuyên hình ảnh các chuyến trợ giúp. Tất cả các thông tin trên được trao đổi thường xuyên qua email, điện thoại và gặp mặt trực tiếp. Nguyên tắc để thực hiện hình thức này là trên cơ sở tin cậy và tấm lòng. Hình thức này phù hợp với 1 nhóm các thành viên không quá lớn, biết nhau hoặc biết/tin cậy những thành viên “thường trực”. Vì vậy, theo em, vào thời điểm này, việc anh “đứng đầu” một nhóm như vậy (tất nhiên những việc mang tính “kỹ thuật” trên sẽ do 1 nhóm đảm nhận) là phù hợp. Trước mắt có thể làm vậy, qua thời gian, khi các thành viên tham gia ổn định hơn và cũng biết nhau tốt hơn, anh có thể tính đến cách làm dài hạn hơn là thành lập NGO hay quỹ/hội.

        Em xin phép có vài lời, mong góp phần biến những dự định tốt đẹp của Anh và mọi người thành sự thực. Em cũng xin được đăng ký tham gia đóng góp cùng Anh và mọi người, cả bằng tài chính và công sức.

        Trân trọng. HK

        • nguyenoanh nói:

          Nếu chú Tuấn quyết định theo đuổi mục tiêu cao cả và tốt đẹp này cháu cũng xin được đăng ký và tham gia đóng góp cùng mọi người.

        • nguyenoanh nói:

          I. Về việc thành lập Quỹ từ thiện, thì Luật quy định như sau:
          – Đối với hồ sơ xin thành lập sẽ phải có đơn, điều lệ quỹ, người sáng lập phải cam kết đóng góp tài sản ban đầu cho quỹ.
          – Tùy vào địa bàn hoạt động của quỹ để có thể gửi hồ sơ xin phép đến đúng cơ quan có thẩm quyền. Nếu hoạt động liên tỉnh hoặc do cá nhân, tổ chức nước ngoài thành lập thì phải xin phép trên Bộ Nội vụ, nếu hoạt động trong phạm vi liên huyện hoặc tỉnh thì do Chủ tịch UBND tỉnh.

          II. Về tư cách pháp lý của Quỹ:
          1. Quỹ có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
          2. Quỹ được chọn tên và biểu tượng. Tên và biểu tượng quỹ phải đáp ứng các điều kiện sau:
          a) Không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của quỹ khác đã được đăng ký trước đó;
          b) Tên và biểu tượng không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
          c) Tên quỹ phải viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm ra tiếng Việt và có thể viết thêm bằng một hoặc một số tiếng nước ngoài với khổ chữ nhỏ hơn.
          3. Quỹ phải có địa chỉ cụ thể. Phải tìm được địa chỉ ổn định đặt trụ sở cho Quỹ.

          Đó là những thông tin cháu nhờ bạn là Luật sư tư vấn, cháu xin bổ sung thêm để chú Tuấn tham khảo ạ.

      • bachtamxuan nói:

        Trước đây em có tham dự tập huấn về việc thành lập Quỹ từ thiện – xã hội, theo quy định của Bộ Nội Vụ. Chữ thầy trả thầy hết rùi, nhưng em sẵn sàng làm chân chạy, đi xin giấy phép Bộ Nội Vụ, NGOs để các anh đỡ tốn thời gian vào việc hành chính lặt vặt.

        bachtamxuan@yahoo.com.vn
        ĐT: 0168.417.8696

        • Phạm Ngọc Tiến nói:

          Tôi lưu lại email và ĐT của bạn rồi. Khi nào đến việc sẽ nhờ bạn giúp. Cảm ơn bạn. Cảm ơn cả cái sáng kiến tương làm khiến nhớ lại dạo trẻ con sơ tán đói thèm thịt được miếng thịt mỡ kho tương lều phều cảm giác đến tận bây giờ.

  181. Ms Linh nói:

    Bài viết của Bác Tuấn cảm động quá! Mong rằng các anh/chị cùng nhau chung tay giúp đỡ cho trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn để các em có một cuộc sống với những bữa ăn có rau, có thịt, có cá… Hy vọng bác Tuấn sẽ có thêm những bài viết hay như thế này 😀

  182. nguyenoanh nói:

    Xúc động… khơi lên trong tâm hồn những cảm xúc, ý nghĩ đẹp đẽ nhất về cuộc sống, về các em nhỏ vùng cao, về chú Tuấn và về những tấm lòng cao cả… Tự hứa với lòng mình sẽ phải làm được một điều gì đó, dù rất nhỏ… chung tay cùng mọi người…
    Một buổi sáng nhiều cảm xúc!

  183. Muộn còn hơn không.
    Chú Tuấn cố lên ! cố lên !!!!!!

  184. Nguyễn Việt Hảo nói:

    cháu rất ủng hộ chú! rất mong chương trình được triển khai hiệu quả và sẽ còn được mở rộng ra các trường khác. cháu đăng ký ủng hộ 100.000đ/tháng bắt đầu từ tháng này, tiền ủng hộ của tháng này cháu đã chuyển khoản thành công, chú kiểm tra lại ah!

  185. Việt Thường nói:

    Theo tôi được biết, thành lập NGO và đi vào hoạt động nằm trong khuôn khổ NĐ 88/2003 và thông tư hướng dẫn, vắn tắt:

    Quy định của nhà nước về thành lập tổ chức phi chính phủ
    Nhà nước có nghị định (NĐ) số 88/2003/NĐ-CP, ra ngày 30 tháng 7 năm 2003 quy định về thành lập tổ chức Phi chính phủ (NGO). Các bạn tải tệp đính kèm phía dưới.

    Nhà nước cũng có Thông tư (TT) của Bộ Nội vụ số 01/2004/TT-BNV ngày 15/01/2004 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội.

    Ở NĐ 88, các bạn quan tâm đến Chương II và điều 15.
    Ở TT 01/2004, các bạn quan tâm đến mục II. 1 và 3; III. 1 và 2; VII. 1;
    Thông tin cần thiết chỉ có mấy trang, nên các bạn làm ơn đọc mấy điều mình đã nói ở trên để biết nhé. Mình đã bôi vàng đoạn văn bản cần đọc.

    Muốn thành lập NGO, chúng ta phải có Ban vận động (BVĐ) thành lập NGO. Theo TT 01/2004, mục II. 1, thì:

    a) Hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất 10 thành viên;
    b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, có ít nhất 5 thành viên;

    Ngoài ra, BVĐ phải được cơ quan nhà nước công nhận, theo TT 01/2004, mục II. 3, thì:

    a) Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh, do Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ) quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận;
    b) Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, do Sở, cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh (sau đây gọi chung là Sở) quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận;
    c) Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã, do Uỷ ban nhân dân huyện quyết định công nhận.

    Vậy, BVĐ Hội phải đc Bộ Thương binh, Xã hội và Lao động công nhận (vì lĩnh vực hoạt động hiện tại của Hội BSH do Bộ này quản lý).

    Hêy dà, bắt đầu gay rồi đây.

    Giải quyết đc khâu BVĐ, chúng ta xin thành lập NGO, theo NĐ 88/2003, Điều 15, thì:

    1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể và phê duyệt Điều lệ đối với Hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh.
    2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể và phê duyệt Điều lệ đối với Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh.

    Hội BSH hoạt động liên tỉnh nên chúng ta ở cấp Bộ nhé. Ai xung phong ra Bộ đây???

    Ở đây có hai phương án, PA1 theo khoản 1; PA2 theo khoản 2.
    Theo PA1, ra Bộ nhé
    Theo PA2, sau khi thành lập Hội (ở Huế, hoặc ĐN chẳng hạn), chúng ta xin tiếp thành lập văn phòng đại diện ở tỉnh/thành còn lại.

    Theo TT 01/2004, mục VII. 1, thì:

    Đối với hội có phạm vi hoạt động trong cả nước khi đặt văn phòng đại diện ở địa phương khác phải xin phép Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi đặt văn phòng đại diện.

    Ngoài ra, theo TT 01/2004, mục III. 1 và 2, thì: để đủ thủ tục xin thành lập NGO, thì chúng ta phải có đủ 100 đơn xin gia nhập NGO.

    NĐ và TT có quy định về tên NGO, điều lệ, địa điểm… xin đọc NĐ (Chương II và điều 15) và TT để biết rõ hơn.
    NĐ và TT k quy định về tài chính bắt buộc để thành lập NGO (phù, may quá, chứ k biết đào tiền đâu ra).

    Kết luận:
    1. Hội phải có BVĐ với số lượng ít nhất 5-10 ng. Cái này có thể giải quyết đc.
    2. BVĐ phải đc bộ LĐ-TB-XH công nhận.
    3. Hồ sơ, thủ tục phải nộp cho Bộ Nội vụ.
    Hai khoản 2&3 hơi tốn tiền đó nhe.

    Anh Tuấn tham khảo rồi cân nhắc có quyết tâm làm hay không? Tôi đang nhờ cô em là luật sư kiểm tra lại các hướng dẫn liên quan và gửi cho mẫu cô ấy đã tư vấn thành lập 1 tổ chức như vậy rồi. Có gì tôi sẽ cập nhật thêm.

    • trandangtuan nói:

      Cám ơn anh. Nghe hơi nhiều việc.Bây giờ câu hỏi 2 nhé : Nếu không thành lập Hội, chỉ là nhóm người bạn trẻ em vùng cao, lập web, trao đổi thông tin và các quyên góp.. thì có vi phạm luật không? ( Riêng về quyên góp thì tự đề ra quy tắc và cách làm minh bạch, ai cũng kiểm tra được).T

      • Xuân Thọ nói:

        Anh Tuấn ơi, anh nên tạm bỏ cái ý đồ xin lập NGO đi đã, nhiêu khê lắm, rồi cuối cùng lại bị tắc bởi cái thằng cha “Cơ chế” nào đó. Các cháu chẳng chờ được đâu.

        Nếu mình quyên góp thành tâm giúp ai đó thì tự mình làm với nhau, chẳng bao giờ phạm luật cả, kể cả luật lương tâm. Chúng tôi đã xử lý nhiều trường hợp như vậy qua các diễn đàn khác rồi và mọi người luôn hạnh phúc là đã giúp được những số phận khốn khổ mà không phái “xin xỏ ai cho giúp!”. Từ nay trở đi chúng ta nên quan niệm với nhau: Cái gì luật pháp không cấm thì dân ta được làm.

        Ở VN không có dịch vụ Paypal, nên tôi có thể đứng ra nhận hộ anh các khoản ủng hộ từ nước ngoài. Ở tài khoản đó mọi dữ liệu vào ra đều thể hiện online được và đủ minh bạch để làm cash flow.

        Chỉ cần một bác nào trong nước, ủng hộ ý tưởng của anh Tuấn, đứng ra nhận làm “thủ quỹ” cho nhóm “Suối Giàng” là bà con trong nước thì có thể chuyển bưu điện vào đó được (nếu anh quá bận rộn bởi AVG). Thế là chúng ta, trong và ngoài nước sẽ gặp nhau bởi một tình cảm chung, còn các cháu bé sẽ có thêm chút thịt vào bữa ăn .

        Trong thời đại @ version 2 này, việc tổ chức ra một “NGO dân lập” hoàn toàn khả thi anh ạ!

        Thân ái
        Nguyễn Xuân Thọ (Germany)

        • TT nói:

          Em cũng ủng hộ ý kiến bác Thọ.

        • trandangtuan nói:

          Anh Thọ ạ, không lập thì cũng được, nhưng vất vả. Nếu lập được vẫn tốt hơn.Bác vẫn khỏe chứ?

        • Giang nói:

          Chao anh Tuan va moi nguoi. Theo em vi hien tai viec xin thu tuc lap NGO mat thoi gian, nen viec xuc tien quyen gop tien vao quy ho tro nhu hien nay la hop ly. Nhung de de dang trong viec hoat dong, khong nhung cho ca hoi ma ca cac nha tai tro, thi viec xin lap NGO la rat can thiet vi NGO co tu cach phap nhan cao hon trong viec giao dich voi cac doi tac tai tro nhu doanh nghiep hay voi cac NGO trong va ngoai nuoc khac.
          Em xin vi du:
          1. Em da thu trao doi voi to chuc Oxfam, World Vision, va cac to chuc tu thien o Uc ve kho khan cua cac hoc sinh noi tru vung cao, sau, xa o VN va lay tieu de la ” Development Project in Vietnam – Du an phat trien VN”. Ho co goi y cho em viet thanh 1 du an, co ten cua to chuc (the organisation), co tieu chi, co dia chi, co so tai khoan va kem theo cac buoc thuc hien du an ra sao. Cai kho la o day, em khong khong co ten cua to chuc, so tai khoan cua to chuc ma so tai khoan mang ten ca nhan thi chac khong duoc roi. Em mo mam mai cung chi co bai tren blog cua anh Tuan, mot so bai va photos ve tre vung cao. Em thay chua duoc thuyet phuc lam.

          O nuoc ngoai ho lam viec rat minh bach vi chinh cac NGO cung phai giai trinh lai voi cac nha tai tro cua ho (sponsors).

          2. Neu minh la mot NGO co the credit card hay account rieng thi co the dang ky dich vu Paypal hay cac dich vu phu hop, de nguoi dong gop, dac biet la tu nuoc ngoai co the dong gop voi chi phi thap nhat tu tai khoan cua ho (saving, credit card) cua ho. Nho vay ma ho co the dong gop voi so tien it nhung thuong xuyen hon. Chu qua dich vu chuyen khoan thi nhieu khi le phi thu cua nha bang nuoc ngoai con cao hon ca tien dong gop ($30 cho moi lan chuyen tu Uc). Do cung la cach ma em thay World Vision rut $25 – $30/thang tu tai khoan cua nha tai tro cho moi tre em chau Phi (theo thoa thuan truoc voi nguoi tai tro).

          3. Neu NGO co ma so thue de tu do co the phat hanh bien lai thu tien (tax invoice, receipt), thi rat thuan loi cho cac doanh nghiep va nguoi dong thue. Kinh nghiem nhu o Uc la du ban tai tro voi so tien bao nhieu thi deu co bien lai ca. Ca nhan va cac cty co the dung bien lai nay de xin tru thue tu thu nhap cho phan tien ma minh da lam tu thien. Dieu nay cung can thiet lam, vi nhu o Uc thue thu nhap ca nhan o muc cao len toi hon 40%. Neu minh dap ung duoc thi moi nguoi, dac biet la cac cty se manh tay hon trong viec dong gop.
          Co the o VN viec dong thue chua pho bien, nhung biet dau vai nam nua thay doi thi sao (chu khong thi lay tien dau ra ma bu vao vu Vinashin, he he).

          4. Khi co NGO thi minh co the lap website rieng, co ban van dong, co thanh vien, nhu vay se giam tai cho anh Tuan. Cac thong tin ve tieu chi, danh sach tai tro, so tien quyen gop va hoat dong deu co the dua len website de nguoi dong gop va su dung deu nam duoc. Minh cung co the dua cac thong tin cua cac cty tai tro chinh len website de quang cao cho ho (voi dieu kien cty co hoat dong phu hop).

          5. Co the qua cac phuong tien thong tin dai chung de quang cao cho ten, tieu chi, hoac gay quy cho NGO.

          6. Hang nam se to chuc cac hoat dong gay quy cho NGO nhu di bo, hay chay “vi tre em ngheo di hoc”, v.v. vao cac dip ra Tet hay chuyen bi vao nam hoc moi, v.v… Do la cach ma cac NGO nuoc ngoai thuong lam.

          7. Ca hoat dong tu nguyen nhu trai he xung phong xay dung truong, lop cho cac em vung cao, sau, xa…

          Xin loi cac bac vi em ghi hoi dai dong, nhung neu de viec hoat dong giup cac tre em ngheo noi tru vung cao, sau, xa duoc tiep dien lau dai thi minh cung can phai tim ra phuong cach nao do cho phu hop hon.

          • Phạm Ngọc Tiến nói:

            Cảm ơn sự tận tình chu đáo của bạn Giang. Làm cách nào đó chúng ta sẽ cùng tìm hiểu, tham vấn để chọn ra một phương cách tốt nhất. Anh Tuấn sẽ nghiên cứu và trả lời Giang về những ý kiến đề xuất lập NGO.

      • halinhnb nói:

        em ủng hộ ý tưởng của anh Tuấn: trước mắt thì cứ theo cách của anh Tuấn đi-chứ lập ra 01 tổ chức là nhiều nhiêu khê lắm, cứ như là nhóm Trần Đăng Tuấn và bạn hữu chung sức làm thiện nguyện …

      • Tran Vu Linh nói:

        Theo toi thanh lap gi cung duoc va toi tin anh Tuan se lam den noi den chon , nhung toi co mot ys nho nho la lam sao tranh duoc 2 chu TU THIEN vi no da bi nhieu nguoi , nhieu to chuc boi den qua roi

        • Phạm Ngọc Tiến nói:

          Từ đầu anh Tuấn đã định đặt là Bạn của trẻ em vùng cao. Quỹ hay cái gì đó như Hội. Hội những người bạn… thì to tát quá. Từ từ rồi cũng tính ra bạn Tran Vu Linh à.

  186. Nguyệt nói:

    Cháu đã gửi 500.000 vào tài khoản của chú. Cháu không dám hứa chắc nhưng những tháng sau cháu sẽ cố gắng tham gia được như vậy. Cho cháu xin phép được copy bài của chú về blog của cháu để dành cho con cháu đọc và cảm nhận từ từ (năm nay con cháu mới học lớp 1 nên đọc còn chậm). Cảm ơn chú rất nhiều.
    P/s: Con cháu mới học lớp 1 nhưng có rất nhiều sách vở và quần áo còn mới nhưng cháu không biết làm thế nào để gửi đi được cho các em Học sinh miền núi? (Chú đừng bảo cháu gửi qua Hội CTĐ hoặc các Hội “hành chính” nhé.)

  187. duongdothanh nói:

    Cam on chu ve Bai viet,
    chau la the he tre, duoc song trong thoi ky hoa binh, binh yen, com ao no du, chau khong the ngo rang o dau do lai co nhung em be, mam non tuong lai lai the nay.
    Chau mong rang cac chu manh thuong quan va cac chau the he tre hay chung tay gop suc de tuong lai cac em cac chau o nhung vung cao nhu the nay co tuong lai tuoi sang hon.
    Cam on chu.

  188. Nguyễn Việt Hảo nói:

    cháu cũng thấy các thủ tục hơi phức tạp và ủng hộ ý kiến của bác Tuấn, nếu chỉ là “một nhóm người bạn của trẻ em vùng cao” mà tất cả mọi sự ủng hộ của mọi người đều đến được tận bữa cơm của các em thì mới là đáng quý!
    Bác cũng nên lên 1 “chương trình hành động” cho thời gian tới và post lên để mọi người còn ủng hộ ah!

  189. tata nói:

    Có cách nào đưa entrry này của TĐT lên trang web của Bộ GD&DT, hay trang của chính phủ không nhỉ?

  190. lyly nói:

    Trời…! hôm nay mới có chút TG rảnh vào đây xem bài của anh Tuấn! Đã khơi dậy lòng dân. Hỡi các quan cao cấp có thấu hiểu ??? cảm ơn những bài phản hồi của mọi người, quá hay !!! chạnh lòng quá thôi…bài của “bocuBill” sâu sắc quá! Xin ủng hộ chút tâm của mình cho “ngôi nhà mới” của anh Tuấn nhé !!! còn anh Tiến trọc thì sao mà chỉ thấy cười hoài thôi vậy !? hi…hi…

  191. HAT nói:

    Xin phép bác cho em rinh bài này của bác về treo bên nhà em cho bạn bè đọc. Em đang tham gia quyên góp cho ‘Quỹ’ của bác cùng ‘xóm blogspot’, nhưng em cũng muốn góp phần nho nhỏ để có thêm nhiều, thật nhiều người đọc bài ‘Hôm nay lên Suối Giàng’, và thêm người chung tay hành động vì trẻ em VN (không chỉ riêng Suối Giàng).

  192. nosansi nói:

    Anh Tuấn có hỏi: “Nếu không thành lập Hội, chỉ là nhóm người bạn trẻ em vùng cao, lập web, trao đổi thông tin và các quyên góp.. thì có vi phạm luật không? theo tôi anh nên gặp chuyên gia chuyên nghiên cứu vấn đề này là chị nguyen thi Bich Diep tel: 0983.303.015 và địa chỉ Email: Vandiep nguyen@yahoo.com để được tư vấn. Cá nhân tôi cho rằng với cái tâm thiện của anh – mà mọi người đang đặc biệt nóng lòng muốn đặt niềm tin ở nơi anh, thì anh nên thành lập riêng cho mình một quỹ vì như vậy mới có đủ tư cách pháp nhân để giúp cho trẻ em nghèo có thêm nguồn tài chính khai thác từ các tổ chức nước ngoài nữa anh ạ. Một VNGO, nếu được anh đứng tên tin rằng sẽ phát triển thuận lợi. Tôi biết hiện đang có rất nhiều các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu hỗ trợ phát triển quý mến anh và sẵn lòng ủng hộ dự án của anh đó. Là một trong những người ủng hộ đề án không vụ lợi của anh, tôi thực lòng muốn dự án thành công nhanh chóng.
    Tài liệu Thành lập một VNGO của tác giả Nguyen thi Bich Diep:
    http://docs.google.com/viewer?a=v&q=cache:zerGoEOt3_sJ:www.linvn.org/cms/upload/FCKFile/file/LIN%2520WS%2520-%2520Thanh%2520lap%2520NGO%2520-%2520NBDiep.ppt+nguy%E1%BB%85n+th%E1%BB%8B+b%C3%ADch+%C4%91i%E1%BB%87p&hl=vi&gl=vn&pid=bl&srcid=ADGEEShFeqTSRPLP1s8fI-JVaVnvfupLqtNtW6oOpJpzrmP8CLiJuzFExxwinefKueOqGTV-YpwEMMup85H-hOCurKOTOkBMmBkF8C01ylOccNDZjmfKjJn8C-J2TW-Vb9XTGHRELHAY&sig=AHIEtbST8xn12-AzJyBNbn32e-qSVPZggw

  193. kunshu nói:

    Đọc mà xém rớt nước mắt, quê ngoại nhà cháu đấy bác ạ, Bác lên kế hoạch đi cho cháu đóng góp với, còm nhiều nới cần lắm bác ạ.

  194. lephuong nói:

    Qua nay em theo dõi chuyên mục này em có ý kiến đóng góp như sau:
    Bắt đầu từ một chuyến thực địa gọi là ” sở kiến hành” của bác Tuấn mà ra được bài báo “bờ lốc” có sức lan tỏa và rồi việc cần làm ngay là đóng góp cho các cháu trường Suối Giàng về tinh thần và vật chất, xem ra đã thành công về mặt truyền thông thức tỉnh và định hướng nhiều trái tim Lạc Hồng.
    Em đọc bài viết cho đến hôm nay mọi người vẫn còn trông cả vào vai bác Tuấn và loay hoay giữa tổ chức NGO và nhóm thiện nguyện .
    Em trộm nghĩ đây là vấn đề lâu dài , lâu dài bởi vì mục tiêu quốc gia xóa trường tạm vùng sâu vùng lõm còn dài chưa thể hoàn thành năm 1 năm 2 .
    vậy phải lập ra một tổ chức có đầy đủ cơ cấu chức năng ” gọn nhẹ linh hoạt và hiệu quả” bởi những lý do sau:
    – Thứ nhất : tổ chức này có đầy đủ cơ sở pháp lý để làm cầu nối giữa cộng đồng và các điểm trường vùng cao khó khăn , có đủ chức năng nhiệm vụ để đứng ra kêu gọi các đoàn thể, tổ chức , cá nhân trong và ngoài nước rót vào quỹ này , từ đó quỹ này phân bổ đi những điểm trường cần đến . Nên nhớ quỹ này không đụng hàng với mặt trân tổ quốc hay chữ thập đỏ vì mục tiêu và phân khúc của nó chỉ tập trung vào dinh dưỡng học đường vùng khó khăn trên bản đồ VN.
    – Thứ 2 : Tổ chức này còn được công nhận về mặt truyền thông mang tính chuyên nghiệp. có trụ sở và website cập nhật các hình ảnh hoạt động , sự tương tác với các em học sinh.
    hàng năm tổ chức các event phát sóng trực tiếp trên truyền hình như vẫn làm với chương trình vì người nghèo để quỹ được bền vững.
    – Thứ 3 : Buộc phải thành lập tổ chức hay quỹ tại vì mỗi cá nhân chúng ta còn bao công việc bộn bề, còn sức khỏe, còn gia đình , vì thế sau này bác Tuấn có đầu bạc , nghỉ ngơi thì vẫn cái đường ray này , con tàu nào đặt vào nó vẫn cứ chạy về đích.
    – Thứ 4 : Phải nhân rộng các điểm trường, nếu không , các em ở trường khác sẽ rất tủi thân và tội nghiệp.
    Vài lời đóng góp thiển ý.
    Kính chúc anh an khang!

  195. Pingback: http trandangtuan wordpress com 2011 09 24 hom… « DIỄN ĐÀN LAPTOP's Blog

  196. Việt Thường nói:

    Trước mắt thì không sao, có thể trao đổi thông tin trên blog cá nhân và những thông tin từ thiện thế này không bị đưa vào danh sách theo dõi, kiểm soát đâu ạ. Tuy nhiên, lập web bình thường cũng phải có người chịu trách nhiệm theo Nghị định 97/NĐ-CP (vụ này có lẽ bác rành hơn em) mà chưa rõ hoạt động nhân đạo – từ thiện này có được liệt vào thông tin chuyên ngành hay không, chắc chắn nhất vẫn cứ phải xin phép 😛 😛 😛 Do đó, nếu bác làm Suối Giàng không thôi thì không cần, nhưng nếu bác muốn nhân rộng ra thì nên làm thủ tục thành lập 1 tổ chức có tư cách đàng hoàng, ngoài chương trình bữa ăn có thịt còn có thể triển khai nhiều thứ khác nữa, mổ tim, chất độc màu da cam (nếu không sợ đụng hàng 😛 😛 :P)… Khi đó, có tư cách pháp nhân đang hoàng thì việc vận động, quyên góp cũng sẽ hiệu quả hơn. Nếu bác ko chắc chắn về vụ lập trang web, em sẽ hỏi thêm bên Cục QL PTTH.

    Tuy nhiên, về tài chính, bác cần chú ý 1 điểm là nếu tài khoản ngân hàng của cá nhân bác nhận được nhiều tiền quá, lại còn có cả từ nước ngoài chuyển về bác sẽ bị đưa vào báo cáo theo Nghị định 74/NĐ-CP về phòng chống rửa tiền. Cuối mỗi năm, nếu hệ thống thông tin giữa thuế và ngân hàng kết nối tốt (hiện nay chưa kết nối, thông tin chủ yếu do cơ quan an ninh ngân hàng thu thập báo cáo riêng rẽ từ 2 bên để ráp nối) thì bác sẽ phải giải trình tiền chuyển vào tài khoản này để giảm trừ thuế thu nhập cá nhân, nếu không, số tiền này sẽ bị tính vào thu nhập chịu thuế. Nếu có pháp nhân là NGO, có con dấu, tài khoản riêng thì không có những phiền hà này. Một lợi ích nữa là nếu có pháp nhân, toàn bộ tiền ủng hộ của các cá nhân sẽ được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, các doanh nghiệp thì em không nhớ nhưng hình như cũng được giảm thuế thu nhập thì phải 😛 😛 😛

    Bác cứ cân nhắc, theo em vẫn nên thành lập cho nó chính tắc. Hơi bận, hơi mệt 1 tí ban đầu nhưng đàng hoàng, đỡ phiền hà về sau.

    Trân trọng!

    • trandangtuan nói:

      Vụ xin phép Web mình biết và cho là không có vấn đề. Vụ tài chính(thuế) thì hiểu thế nào là Giải trình ? Nếu chuyển tiền về các trường mua thực phẩm cho các cháu thì việc giải trình sẽ căn cứ vào hồ sơ chuyển (qua tài khoản) hay là cái gì?. Nghe bác nói thế chắc tôi phải chuẩn bị tiền để đóng thuế thu nhập cá nhân cho TK này rồi, hi hi..
      Như vậy là theo bác, chỉ có cách lập NGO?

      • Khanhtue nói:

        Lập NGO là cách tốt nhất để dự án có thể dài hơi được anh ạ. Mọi người cũng phải nhận thức và hưởng ứng rằng khi anh Tuấn thành lập NGO thì một phần tiền đóng góp của các nhà hảo tâm sẽ được dùng để chi trả lương nhân viên, văn phòng, điện, nước… và tiền đi lại. Theo em, anh cũng nên cân nhắc đến việc mời một số em dân tộc nội trú hiện học cao đẳng, đại học ở Hà nội làm tình nguyện viên, sau này sẽ về làm cho tổ chức của anh vì các em ấy sẽ hiểu rõ nhất các em nhỏ ở quê hương mình cần những gì, và các em ấy cũng có thể đóng góp sức mình cho sự phát triển của quê hương.
        Do thời gian để thành lập NGO không thể ngày một ngày hai là xong được, có lẽ anh Tuấn nên mở một tài khoản để mọi người có thể góp tiền vào đó, anh gửi tạm ngân hàng để khi NGO thành lập xong sẽ có đủ quỹ để hoạt động ngay. Anh có thể đưa lên blog danh sách cập nhật hàng tháng những khoản đóng góp, như vậy là tạm ổn về mặt minh bạch tài chính trong thời gian đầu. Về sau, khi NGO hoạt động, anh có thể công khai kế hoạch, kinh phí, đóng góp trên trang web của tổ chức để những ai quan tâm có thể tìm đọc.
        Rất mong được cùng anh góp sức cho dự án.

  197. Nguyễn Dũng nói:

    Bài viết thật cảm động và đầy ý nghĩa. Cảm ơn chú Tuấn vì tấm lòng của chú với tất cả đồng bào của mình. Chúng cháu may mắn được sinh ra ở thành phố, có cuộc sống sung túc và được học hành để trở thành những kĩ sư bác sĩ… giờ đây đang ngày đêm đóng góp sức lực và trí tuệ để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng “xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn” cụ thể là gì? Cháu nghĩ, đây chính là những việc cần làm nhất. Thế hệ trẻ chúng cháu, có lẽ cũng không ít người có chung tâm nguyện và mong ước như của chú, nhưng chúng cháu chưa làm được. Thật may vì đã có chú đứng lên.
    Hôm nay mới có thời gian xem Blog của chú. Ngay ngày mai, trên đường đi làm về, cháu sẽ đóng góp một phần thành quả sức lao động của mình, để nhờ chú cụ thể hóa cái mà người ta vẫn hô hào (đôi khi sáo rỗng) rằng: làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

  198. Việt Thường nói:

    Chứng từ qua Ngân hàng về nguyên tắc sẽ được khấu trừ bác ạ. Còn trong tình huống cụ thể thì … tùy … 😛 😛 😛

  199. Việt Thường nói:

    À quên mất, nếu thành lập NGO thì về nguyên tắc, sẽ được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Trong tình huống cụ thể thì cũng tùy … 😛 😛 😛

  200. Pingback: Đời Sống của Nông Dân Miền Bắc ra sao? « My Blog

  201. huythuanvu nói:

    Động lòng trắc ẩn về những đứa trẻ hay những mảnh đời cay nghiệt trong cuộc đời này, có lẽ không sách báo nào có thể mô tả hết.
    Tui chỉ chạnh lòng khi thấy nhưng người có tấm lòng như a Tuấn thì lại đã ở ngoài hệ thống chính trị. Các quan chức, dân biểu như bị một rào cản, hạn chế nào đó mà không thể biểu lộ tấm lòng như các vị khi đã về hưu hay đã ra ngoài hệ thống chính trị (theo một cách nào đó).
    Những vị như Nguyễn Minh Thuyết, Vương Đình Huệ…như lá mua thu. Còn lại phần đông làm cho dân …ngán ngẩm, thậm chí căm giận.
    Phải chăng văn hóa quan trường có vấn đề.
    Ra khỏi chốn quan trường rồi anh Tuấn có nghĩ gì về điều này. Mong anh trao đổi đôi dòng. Xin chân thành cảm ơn.

  202. Tham gia va gửi tiền đóng góp cho bọn trẻ thế nào đây bố cháu ơi?

  203. hoachay nói:

    phản hồi bị xoas, vì lý do như lephuongTv đã phân tích

  204. Ngọc Quế nói:

    Xúc động quá! crying, cho em lên Suối Ràng với!

  205. Ngọc Quế nói:

    Xúc động quá, cho em lên Suối Vàng với!

  206. “CÓ MỘT NGÀY

    Có một ngày
    Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi
    Đất cằn hơn và bãi rộng hơn
    Có một ngày
    Không vui sướng cũng không ngần ngại
    Tôi rẽ vào ngả đời
    Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!
    Tết này có ai cho rượu ngoại?
    Càng thấu tình men lá rượu ngô trong
    Xuân này thôi họp hành lễ lạt
    Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng
    Giờ như bao chú cô bác khác
    Cha loay hoay tìm việc để nuôi con
    Chút gian khó của đời cha sẽ nếm
    Để gần hơn bao thân phận mất còn!

    Trần Đăng Tuấn
    Hà Nội, 3-11-2010”
    Khà khà…. đúng là con cháu của cụ Đồ Nam , chất Nam Định có khác.
    Em cũng dân Nam Định đây ạ, gửi lời chào bác đồng hương.

  207. Cậu viết thế là không được, biết thì nói nhỏ nhau nghe, cậu bất mãn, tự chuyển hóa mình, phản bội lý tưởng CNXH cao cả, tự đưa mình vào cái bẫy diễn biến hòa bình, tự xếp mình đứng cũng hàng ngũ các thế lực thù địch của Đảng.
    PS: Chúng nó đói, ngu dốt thì mình mới sai bảo được, nó có học khôn ngoan hết thì mình dạy ai?

    • Tôi không biết ông là ai, nhưng tôi thấy ông là kẻ nhân cách tồi tệ. Trong một blog nơi người ta đang tập trung đóng góp từng miếng thịt, tấm áo để lũ trẻ nghèo sống đỡ thiếu thốn thì ông nhảy vào giữa mạo danh người khác, ăn nói lảm nhảm để phá hoại. Ông muốn gì? Muốn blog phải đóng cửa và lũ trẻ phải tiếp tục đói rét à? Ông làm vậy, vì bất cứ động cơ nào, thì cũng là vô đạo đức đấy ông ạ.

    • TQT nói:

      – Các bác hãy thận trọng, có thể đây là kẻ mạo danh.
      – Cuộc đời thật là hiểm nguy khó lường, nhưng chúng ta không để cuốn vào những đôi co kiểu này.
      – Chúng ta hãy giữ cho ngôi nhà bác Tuấn sạch sẽ và theo đuổi mục đích giúp các em nhỏ Suối Giàng, rồi nếu được thì còn nhiều Suối khác nữa.
      – Những kẻ có tâm địa xấu sớm muộn sẽ bị đào thải.
      – Thật khó để: ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Nhưng thật quyết tâm và kiên trì thì chúng ta sẽ góp sức phần nào.
      Trân Trọng

    • A Linh nói:

      Đọc cái anh Ương Ước ” này còm mà phát hoảng, đâu cũng thấy “các thế lực thù địch” 🙂

    • AHKK nói:

      (……..)
      Chuyện này lâu rồi AHKK ạ, và là mạo danh thôi.

  208. HaNguyen nói:

    Cảm ơn Anh Tuấn vì bài viết hay quá vừa bình dị gần gũi song cũng rất sâu sắc, tôi sẽ cho các con tôi đọc bài viết này để giáo dục các cháu về lòng nhân ái.

  209. HaNguyen nói:

    Cảm ơn Anh Tuấn về bài viết rất hay vừa gần gũi giản dị song cũng rất sâu sắc, tôi sẽ cho các con tôi đọc bài viết này để giáo dục các cháu về lòng nhân ái.

  210. Đăng khoaVTV nói:

    Chúc mừng ông vừa xây nhà và đã có nhiều khách vào chơi, vẫn là một Trần Đăng Tuấn như ngày nào ở VTV, hay để ý vào cái thực tế, đơn giản của cuộc sống mà những người làm quan ít thấy ( chỉ thèm tung hô và cung phụng ) nhưng khi đọc hết các còm, tôi thấy bắt đầu phức tạp rồi đấy, nên tôi nghĩ việc đầu tiên là: Nếu muốn làm được điều này lâu dài và rộng khắp thì phải định rõ danh phận: là bạn bè đồng cảm thương các cháu theo kiểu tụ hội hay là tổ chức NGO, bởi cơ chế của mình ko cho nhận tiền thế được đâu, động cơ trong sáng nhưng mấy khi trong sáng mà ko bị giày vò, đầy đọa. ông nên đọc kỹ mấy còm viết về quy định và pháp luật, họ tốt và lo cho ông nhiều lắm đó, và họ có thể giúp được ông về những vấn đề này, bởi họ có kinh nghiệm và chắc là đang làm ở những vị trí quản lý. mặt khác, theo tôi nên thành lập trang riêng sự ủng hộ của mọi đối tượng cho các cháu ( lại phải nhờ ai hiểu biết về công nghệ thông tin ) nhiều người biết trẻ em vùng cao khổ cực, đói rét, nhưng khi ủng hộ thấy ko đến được người dân thật sự họ cũng chán lắm rồi, nên việc có trang riêng, công khai minh bạch là cực kỳ quan trọng, nếu ko lòng tốt sẽ bị hiểu lầm ( phiền phức to đấy ) tôi nghĩ hay ta chọn theo cách: 200 triệu cho trường này đợt 1, sau đó 200 triệu cho trường khác …tiền của mọi người chuyển vào 1 tài khoản như hiện tại và chuyển thẳng cho Trường đó đến khi đủ lại sang trường khác, vừa rõ ràng minh bạch, vừa đỡ phức tạp trong khi ta chờ làm được thủ tục là một tổ chức ( thủ tục hơi lâu đấy…)

  211. ledinhle nói:

    Đọc bài này mình lại nhớ vụ Miss chuyến đi Bát Xát đợt rồi, với Ngàn Hạc Giấy Hà Nội. Huhu

  212. chuotcon43 nói:

    Cháu phải thừa nhận cháu là một đứa vô tâm. vô tâm không phải là cháu thấy người khó mà không giúp. Cháu vẫn tìm cách giúp đấy, không ít thì nhiều. Vô tâm ấy là cháu hiếm khi tự tìm hiểu xem xung quanh mình có những gì, cuộc sống khó khăn của người khác ra sao …
    Đọc bài của bác cháu xúc động mà rưng rưng, thật sự ạ. Cháu tự nhận thấy mình phải thay đổi nhiều lắm. Là một giáo viên tương lai, cháu đã nghĩ ra một vài hướng cho công việc của mình sau này. Cháu cảm ơn bác.
    Cháu chúc bác luôn khỏe mạnh và dự án của bác sẽ thật thành công, thực sự sẽ thành công ạ.

  213. Việt Thường nói:

    Em đã xin được toàn bộ mẫu hồ sơ thành lập 1 quỹ nhân đạo, tổng số cũng trên dưới 100 trang với hàng chục loại giấy tờ, văn bản. Nếu bác vẫn có ý định tham khảo, bác mail vào cho em ở địa chỉ: thichduthu_monk@yahoo.com.vn hoặc nhắn tin vào số điện thoại 0988010407. Nếu share file, em sẽ phải mất thêm thời gian để xóa bớt thông tin cá nhân. Nếu chỉ xem sơ bộ trên laptop, bác cứ cho cái hẹn, em có thể bố trí mang qua để bác tham khảo.
    Hôm qua tranh thủ mát trời, đi café chém gió với anh bạn, thấy ở quán café mọi người cũng bàn tán chuyện blog của anh, tâm lý nửa tin nửa ngờ kiểu “lại một người nữa…”. Bấy lâu nay, chúng tôi tự cho mình là những người bất hạnh, đánh mất niềm tin, chợt thấy việc làm của anh, có cái cảm xúc y như anh khi nghe nói về các giáo viên là đảng viên thì góp nhiều hơn ấy ùa về. Té ra bấy lâu bon chen, tâm hồn chai sạn đi nhiều nhưng vẫn chưa khô cứng hẳn. Cuộc sống vẫn còn muôn vàn điều tốt đẹp ẩn chứa, vấn đề ở chỗ ai là người khơi lên thôi.
    Tại sao chúng tôi tự cho mình là bất hạnh, trở nên bàng quan với hiện thực xã hội? Cái mà Nguyễn Trần Bạt gọi là “sự tha hóa” chính là nguyên nhân dẫn đến sự bàng quan của cả xã hội trước những bất công, đau khổ của đồng loại. Những người may mắn khi còn cắp sách tới trường, được cha mẹ, thày cô dạy bao điều tốt đẹp nhưng khi ra trường, bước vào đời lãnh những cái tát trời giáng của trường đời. Những người khác kém may mắn hơn, hàng ngày chứng kiến sự khác biệt giữa lời nói và hành động của bố mẹ, thày cô dần trở nên chai sạn, coi dối trá là việc bình thường thì thử hỏi sao xã hội không loạn?
    Tôi chắc nhiều người cũng như tôi, đang gặp khó khăn trong việc giáo dục con cái. Tôi muốn dạy chúng những điều tốt đẹp, nhưng bản thân mình vẫn còn phải bon chen vì miếng cơm manh áo, vẫn bị cuốn vào vòng xoáy của mưu mô, đấu đá, giành giật. Cấm chúng nói bậy nhưng bản thân mình khi ra đường bị va chạm xe vẫn buột miệng chửi thề. Dạy chúng phải biết vâng lời nhưng bản thân mình vẫn chê bố mẹ lạc hậu, cổ hủ. Dạy chúng đi phải đường, biết nhường nhịn nhưng bản thân mình ra đường vẫn lạng lách, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè. Tôi lờ mờ nhìn thấy cái vòng luẩn quẩn của thế hệ con cái chúng tôi, y như Thị Nở thoáng nghĩ đến cái lò gạch bỏ hoang khi bị bà cô chửi do quan hệ với Chí Phèo vậy.
    Trước tới giờ, tôi chỉ nói nên thành lập hẳn 1 NGO để nhân rộng mô hình, ý tưởng ra nhiều Suối Giàng trên khắp đất nước này. Tôi hiểu sự im lúng túng của anh, nhất là sau chữ “tùy” với mấy dấu chấm lửng của tôi. Thoạt đầu chỉ là 1 ý nghĩ đơn giản: muốn giúp lũ trẻ Suối Giàng và tất nhiên, với khả năng của anh, việc này đã dễ dàng trở thành hiện thực. Tuy nhiên khi nghĩ đến hàng ngàn Suối Giàng khác, nhiều thách thức đã đặt ra, trong đó anh nghĩ đến việc sẽ lôi nhiều người khác vào việc đó, lỡ có việc gì thì sẽ khiến nhiều người cùng phải rơi vào vòng bĩ cực. Anh cũng còn nhiều việc phải làm, cũng còn phải lo cơm áo gạo tiền cho vợ con như chúng tôi cơ mà! Nhưng 1 ý tưởng, 1 sự cam kết có thể đem lại lợi ích cho nhiều người thì cũng đáng để cân nhắc, đánh đổi lắm chứ!
    Tất nhiên, chúng tôi không có quyền đòi hỏi anh nhưng chúng tôi hy vọng anh sẽ đem đến cho chúng tôi cơ hội chia sẻ. Chúng tôi hàng ngày bận rộn với công việc nhưng cũng sẵn sàng bỏ ra vài chục phút để làm thêm những gì có thể để giúp đỡ người khác. Đêm về rảnh rỗi, lên mạng đọc tin về những đứa trẻ được có thêm dinh dưỡng trong đó có phần công sức của mình cũng cảm thấy ấm lòng hơn, thư thái hơn để có giấc ngủ sâu, ngày hôm sau làm việc hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng có thể giáo dục con cái thông qua việc tiết kiệm, chuyển tiền và chỉ cho chúng thấy chúng bớt 1 hộp sữa hôm nay, ngày mai bạn chúng ở đâu đó có miếng thịt để có thêm sức khỏe, trí tuệ để học hành. Sự chia sẻ đó, tôi tin sẽ đem lại lợi ích cho những đứa trẻ đang đói khát, những đứa trẻ đang no đủ và thừa mứa, những người lớn đang mất niềm tin mà còn cho xã hội niềm hy vọng ở tương lai.
    Tôi tin nhiều người cũng đang hy vọng ở anh! Chúng tôi sẽ luôn sát cánh bên anh!

  214. Lee nói:

    Độc ác thay,
    trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
    Dơ bẩn thay,
    nước Đông Hải không rửa sạch mùi !

    • daothuhang nói:

      Bạn ơi, bạn hãy ra chỗ dành riêng cho những người như bạn để nói về những chuyện đó theo cách hiểu của riêng các bạn, bạn nói ở đây cho phí công bạn, không có ai nhìn đâu, mà tớ tin là cũng ko ai thèm chấp với những lời trẻ con như thế.
      Sông có khúc, người có lúc các bạn ạ.

    • Lee nói:

      Lời bình này gửi cho : Nhan_chuyen_tran_dang_tuan_mo_blog

    • Ralf nói:

      @Lee va nhung ke xau xa:
      Anh Tuan oi, dung ban tam den ..
      Em dinh khong viet gi vi muc tieu cua blog la gay quy cho cac chau noi chu vung cao di hoc. Nhung thay viet ra de ba con minh hieu cung tot.

      TDT: E thong cam nhe.A khong muon them thu oan trong luc nguoi VN co qua nhieu kho khan luc nay. Viet nam k so tan di dau duoc, e hieu khong ?.Anh dang dung may k co dau nen hoi kho doc.

      • Phạm Ngọc Tiến nói:

        Ralf: Cảm ơn thiện tâm, thiện ý của em. Nhưng có lẽ chả cần phải thế làm gì đâu em ơi. Anh Tuấn ghi nhận rồi xin phép Ralf cất cái còm này đi làm kỷ niệm nhé.

    • Lâm Hoài Bảo nói:

      Lại sắp có cả 1 đám chuyên-lo-về-an-ninh-mạng lên đây ném boom đây. Bác Tuấn phải chuẩn bị chỗ cho mấy ảnh uống nước chém gió chuyện đâu đâu là vừa!
      Nhóc 90 nói bậy hy vọng được bỏ quá cho!

      • Phạm Ngọc Tiến nói:

        Những người tham gia trang này, góp tiền bạc công sức thành tâm muốn mang đến cho những đứa trẻ nghèo chút ít tình thương đồng bào. Và quy ra cũng chỉ là những miếng thịt nhỏ nhoi. Mong mọi người cùng chung sức để các cháu ở những địa điểm khác sau Suối Giàng sớm nhận được sự trợ giúp.
        Còn có những ai đó vào đây chọc phá thì anh Tuấn dù không muốn cũng nên đặt chế độ kiểm duyệt để đỡ mất thì giờ.

  215. Pingback: MONG ÔNG TUẤN HÃY THẬN TRỌNG « Người Vùng Cao!

  216. Hà Lê nói:

    Chương trình hay quá em vừa chuyển khoản ủng hộ chương trình của pác, thế còn quần áo và sách vở thì gửi cho ai địa chỉ như nào pác ơi
    Hà Lê

  217. Nguyễn Anh Dũng nói:

    @Lee: Biết tin anh Trần Đăng Tuấn mở blog, tôi và nhiều bạn đọc báo mạng đều rất quan tâm. Tại sao? Anh Tuấn là một người có nhân cách. Đó là lời giải thích cho mức độ hot của blog này. Chỉ qua có mấy ngày mà đã có hàng trăm comment. Nói thực với anh (chị), tôi mấy ngày qua đã vào đọc tất cả các comment đó và cũng thú thực với anh (chị) Lee rằng: thật dễ dàng nhận ra chỉ comment của anh (chị) là lạc dòng. Chả ăn nhập với hàng trăm comment khác. Tôi thiển nghĩ, blog này không phải là diễn đàn. Theo suy đoán của tôi, Lee có lẽ là người quen cũ của chủ blog. Mọi vấn đề riêng tư của anh (chị) nên trực tiếp với email của chủ blog thì hơn! Anh (chị) có viết thế nào thì mọi người ở đây cũng khó có thể tin anh (chị) đâu!

  218. Nhất trí với bác Đăng Khoa VTV về đóng góp ý kiến cho bác Tuấn.
    Tôi lại liên tưởng giữa “Thủ tục để làm người còn sống ” của nhà văn Minh Chuyên và thủ tục để làm một người tử tế của dự án này…. cầu mong mọi việc suôn sẻ.
    Lee là đại diện của thế lực hắc ám.
    Bác Tuấn nên để chế độ duyệt comment nếu không sẽ ra khỏi tầm kiểm soát.

    • trandangtuan nói:

      Thực lòng tôi không muốn để chế độ duyệt. Tôi thậm chí chưa hỏi cách để chế độ ấy. Nhưng nếu người ta muốn biến nơi đây thành các tranh cãi không liên quan đến chủ đề mà chúng ta đang nói, thì bắt buộc phải đặt chế độ đó thôi. Có cái bất tiện là vì công việc,không thường xuyên vào để thả comments được.

  219. cong ly nói:

    Ban tqt co the lap quy tu thien,xa hoi .Da co quy dinh rui do,anh trai cua pvv co quy thien tam day.Lap khong kho dau,nhung mat cong.Neu ban lap ban co the huy dong cong khai va co so sach dang hoang

  220. Đoàn Nghĩa nói:

    Kính gửi anh Tuấn !
    Hôm nay em đã chuyển tiền giúp các cháu học sinh Suối Giàng như đã đăng ký với anh. Số tiền tuy không lớn, nhưng em tự hứa với lòng mình là sẽ tham gia đều đặn hàng tháng ( Vì em rất tin tưởng vào nhân cách con người của anh ). Thật sự là từ trước đến giờ, em cũng đã từng rơi nước mắt với rất nhiều trường hợp bất hạnh đến cùng cực. Nhưng với một chút ngại ngùng, một thoáng thờ ơ nghi ngại, một cái chậc lưỡi mà em vẫn chưa thực hiện được. Cám ơn anh đã cho em một cơ hội làm cho tâm hồn em mềm mại hơn, nhân ái hơn. Chúc anh khỏe.

  221. trandangtuan nói:

    Có người (21g38) đưa lên đây địa chỉ nơi tôi đang bị người ta rủa sả, và thách thức tôi chuyện để hay xóa. Tôi sẽ xóa, vì không thể để Avatar và Nikname đó được.

    • Nick đã bị xóa nói:

      À thì ra bác Tuấn đã xóa vì nickname & avatar, chứ ko fải là vì nội dung.

      Chắc là bác cựu Jám đốc Đài THVN đã đọc lời tôi viết. Thế bác có ý kiến j về việc đã làm của bác với Tổng Jám mục Ngô Quang Kiệt ? Chắc bác còn nhớ nickname Trần Chí Hiển là ai chứ ? Và hy vọng bác ko quên đoạn văn dưới đây :

      Gửi ông không muốn làm người Việt
      22/9/2008

      Trần Chí Hiển

      Người Việt nói: “Chim có tổ, người có tông”. Ví dụ như tôi, có tên, có họ của người Việt. Xung quanh tôi, mỗi người có tên khác, họ khác cũng vẫn là tên họ Việt. Chúng tôi tự hào là người Việt. Tự hào thuộc về dân tộc Việt – dân tộc bao ngàn năm nay không luỵ ai, không sợ ai, không bao giờ xúc phạm đến ai; Dân tộc đời này sang đời khác nhắn nhủ nhau: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”; Dân tộc này, đàn bà lúc gian khó nhất sống theo nguyên tắc: “Chồng ta áo rách, ta thương”, đàn ông phút tử sinh nói rằng: “Ta thà làm quỷ nước Nam!”. Thấy tên ông cũng là những âm sắc tiếng Việt, mà sao ông có thể mở miệng nói rằng: Ra nước ngoài, ông xấu hổ là người Việt.

      Ông đã nói vậy, chẳng có ai ép ông làm người Việt đâu. Hôm nay, người Việt ra nước ngoài được cầm quyển hộ chiếu Việt Nam trên tay là do cả sông máu Việt đã đổ ra, cả núi xương Việt đã chất chồng để có độc lập tự do. Có độc lập, tự do mới có công dân Việt, mới có hộ chiếu Việt. Máu xương ấy dẫu nhiều, nhiều lắm, cũng không có để cho ông lạm hưởng. Tục ngữ Việt Nam có câu “Thóc đâu mà đãi gà rừng”.

      Dĩ nhiên, ông có thể có những hộ chiếu khác. Vì những lí do rất khác với tư tưởng của Chúa, ai đó có thể cho ông hộ chiếu của xứ khác. Nhưng ông cũng nên biết: Ở những xứ ấy- ở phương Tây- người ta cũng có câu châm ngôn: “Con chim làm bẩn tổ của mình là con chim đáng kinh tởm”.

      Xin được dẫn lời thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn (Tạp chí CS số 11 (155) ngày 20/6/2008):

      “…Tình trạng phản ánh thông tin thiếu chính xác, sai sự thật, suy diễn, quy chụp một cách tùy tiện, thiếu căn cứ trên một số báo chí đang ngày càng gây nên những bức xúc cho nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị và trong xã hội. Điều này thể hiện trách nhiệm của người làm báo chưa cao, quy trình làm báo không bảo đảm, có tư tưởng tự cho mình quyền phán quyết mà thiếu tôn trọng tính khách quan nên thường dẫn đến những sai phạm nói trên…”

      387. Nhân chuyện ông Trần Đăng Tuấn mở blog

      Nhiều người bênh bác 1 cách vô ý thức nhưng tôi ko thèm chấp. Tôi đã thay avatar & nickname, chắc là ko đến mức bị bác xóa. Hy vọng bác dũng cảm đối mặt với việc làm của mình. Và bác sẽ fải nhận trách nhiệm với những gì đã làm.

      • Phạm Ngọc Tiến nói:

        Đọc một số comment trên trang Trần Đăng Tuấn và trên các trang mạng khác tôi thấy cần thiết có mấy lời như sau:
        1-Cần phải nói rõ về lý do blog này ra đời. Anh Tuấn sau khi đi Suối Giàng về có viết bài “Hôm nay lên Suối Giàng” và gửi cho tôi đọc. Lúc đó là quá nửa đêm. Tôi đọc thấy xúc động. Và thấy ý tưởng bữa cơm thịt của anh cho bọn trẻ là điều nên làm và trong chừng mực nào đó tính khả thi của nó hiện rõ ít nhất là trong nhóm của chúng tôi. Tôi đã điện lại nói với anh Tuấn là bài viết tốt. Đồng ý với phương án 9 triệu hoặc gấp đôi, nguồn sẽ từ các quan hệ bạn bè để triển khai. Tôi cũng nói là không nên gửi bài này sang trang nào mà nên lập một cái blog của riêng mình. Nói và sáng hôm sau tôi thực hiện giúp anh nhờ người thiết kế lập blog. Sau đó tôi đã chủ động post bài lên. Cũng chỉ nghĩ là lập cho anh Tuấn cái blog để thi thoảng anh có chỗ giao lưu với mọi người trong cộng đồng mạng. Nhưng ngay sau khi post bài, blog của anh Tuấn có số lượng truy cập không ngờ và lượng comment đông đảo ủng hộ dự án. Tiếp tục như mọi người đã biết, một tài khoản mang tên anh Tuấn được mở và con số đã nói lên sự quan tâm của mọi người với dự án. Khẳng định rằng với mục đích ban đầu là lo bữa cơm có thịt cho các cháu ở Suối Giàng đã thành công. Đến thời điểm này số tiền có được từ tấm lòng của mọi người tham tham gia ủng hộ đã giúp được các cháu Suối Giàng 2 năm có 1 bữa cơm thịt mỗi ngày.
        Dự án có tiếp tục được không, có chuyển sang được cho các cháu ở trường khác được không, phụ thuộc vào sự quan tâm của độc giả của trang Trần Đăng Tuấn. Và còn là cả sự cố gắng tích cực của chính chủ trang nữa. Để duy trì blog như mấy ngày đầu vừa rồi anh Tuấn đã phải dành rất nhiều thời gian công sức và chịu đựng sự mệt mỏi không đáng có.

        2-Nhiều năm qua nhóm chúng tôi gồm một số nhà văn, nhà báo cùng bạn bè trong đó có sự tham gia tích cực của anh Trần Đăng Tuấn ( với danh nghĩa cá nhân chứ không liên quan gì đến vị trí công tác ở VTV) đã tiến hành một số việc trợ giúp các cháu nhỏ mồ côi ( khu vực Hà Nội) và những chuyến hàng đến các tỉnh miền núi cho các trường học nội trú. Đây là những việc làm cá nhân không nên nói ra, ngoài việc để khẳng định một điều từ lâu anh Tuấn đã quan tâm đến thực trạng trẻ em miền núi và đã có những việc làm thiết thực. Bài viết về những đứa trẻ ở Suối Giàng chỉ là bất chợt của cảm hứng thương xót trước những cảnh đời bé mọn khốn khó chứ không phải đến lúc ấy, anh Tuấn mới được chứng kiến như một số comment công kích.

        3-Một số comment công kích anh Tuấn đánh đồng quá khứ quan chức của anh với bài viết Suối Giàng là không công bằng. Tự do cá nhân phải được tôn trọng, đồng ý nhưng những comment công kích vô hình trung đã làm giảm nhiệt huyết những người tham gia, gây đến sự chán chường mệt mỏi cho tất cả, thậm chí là sự nghi hoặc phân tâm. Không khó để nhận ra người thiệt thòi là ai. Chính là những đứa trẻ không chỉ ở Suối Giàng. Còn rất nhiều địa chỉ đáng được nhận sự đùm bọc cưu mang của mọi người. Những miếng thịt dù rất nhỏ nhưng ý nghĩa của nó không hề nhỏ. Mong sao tấm lòng của nhiều bạn đọc đã góp sức vào con số cập nhật trong tài khoản công bố trên blog, trong những con chữ ân tình thể hiện trong các comment xúc động sẽ không phải thất vọng. Mong cho blog Trần Đăng Tuấn tiếp tục được duy trì. Và đương nhiên những đứa trẻ mầm non của đất nước ( tất nhiên chỉ là một số ít) nơi miền núi xa xôi nghèo khó kia không bị thiệt thòi trong cơ hội có thể này.
        PNT

      • trandangtuan nói:

        Thưa anh, khi anh xóa cái avatarr Mao Trạch Đông rồi và nik kia nữa, tôi không xóa nội dung anh đưa lên đây. Tôi không tránh chuyện này và sẽ trình bày quan điểm của tôi vào lúc khác. Nhưng nếu anh vào đây chỉ để bàn chuyện đó, thì tôi nghĩ để nội dung của anh một lần là đủ rồi.

        • halinhnb nói:

          @ Anh Tuấn kính mến, em nghĩ không nên để ý đến những nội dung không thống nhất với mục đích của entry này…tự người comment sẽ biết nên dừng lại ở đâu anh ạ và các bạn đọc sẽ chủ động trong việc “lọc” thông tin cần cho mình. Hiện giờ em nghĩ anh đang rất bận với tổ chức việc giúp đỡ các cháu Suối Giàng..cứ tập trung vào đó đi anh ạ.
          Chúng em rất trân trọng những gì anh đã và đang làm. Cảm ơn anh và các bạn thân của anh đã tạo điều kiện cho chúng em được tham gia làm gì đó dù bé nhỏ cho quê hương.

      • minhtam1970 nói:

        Mình ko hiểu bạn Nick đã bị xóa có ý định gì khi vào đây đưa ra các thông tin này. Tuy nhiên mình tin vào quy luật đào thải và tin rằng những bài viết lạc chủ đề thế này sẽ ko có đất sống trong blog này. Mình đã đăng ký, đã ủng hộ và mong muốn sẽ ủng hộ quỹ lâu dài tới khi không còn khả năng vì mình hy vọng anh Tuấn và nhóm bạn của anh ko những có tâm mà còn có tầm để đưa những đóng góp của tụi mình đến đúng nơi và tránh lãng phí nhất có thể. Mong anh vượt qua các dị nghị và làm đúng điều con tim mách bảo. Cảm ơn anh.

      • C.T nói:

        Ôi Giời ! Ai chả có lúc đúng sai, nữa là khi đương chức.Tôi hỏi Bác thời nay có ai tồn tại khi làm trái “nhiệm vụ” được không ? ngay bản thân bác nếu đàng hoàng ghi hẳn tên lên DĐ tranh luận xem động cơ của bác là gì hay là cũng thuộc “nhóm kia” muốn trả thù cá nhân hạ uy tín của người khác,giọng văn của bác tôi thấy rẻ đủ thứ cả học thức lẫn nhân cách, nghe sặc mùi của VTV hay HHTHTT gì đó. Nếu như bác nói là sự thật thì đành rằng khi đó bác Hà Văn Thịnh và Trần Chí Hiển ( giả sử đúng là bác TĐT như bác nói đi chăng nữa) có những điều ko phải với TGM NQK thì giờ đây việc làm của họ cũng đáng quý ( bác HVT đã xin lỗi ngài TGM NQK ,bác TĐT thể hiện bằng hành động với các cháu SG ) và tôi tin rằng ko vì bài viết của bạn mà làm cho công việc từ thiện này của bác TĐT và mọi người xấu đi và dừng lại cũng như mục đích của bạn được”Tôn trọng “.Tôi cũng tin rằng giờ này TGM NQK biết được việc làm trên của các bác ấy , Lạy chúa lòng lành !Ngài cũng mỉm cười và “Tha thứ” vì họ đã về với Chúa và là con của Người rồi.

  222. Đoàn Nghĩa nói:

    Kính gửi anh Tuấn !
    Em có một xưởng in ấn nhỏ, vì vậy em nghĩ là mình có thể in vở cho các cháu miễn phí ( Chất lượng giấy tốt, viết không nhoè. Đảm bảo không thua kém những cty lớn đâu anh ạ ). Nhưng em có một băn khoăn là ở trên đấy các cháu quen sử dụng loại vở 04 hay 05 ôly. Vì ngay ở Hànội mà có trường PTCS thì dùng loại 04 ôly, có trường dùng loại 05 ôly. Vì vậy phiền anh hỏi lại và gửi cho em địa chỉ của trường để em thiết kế bìa vở cho đẹp. Em sẽ lên kế hoạch cụ thể số lượng mà em có thể cung cấp được dài hơi. Cám ơn anh.

  223. tuantran nói:

    Xin phép anh cho em xin bài viết này nhé ,em mong đợi bài viết của anh từ lâu nay mới được gặp chúc anh mạnh khỏe và luôn có những tình cảm trong sáng như thế

  224. Hanguyen nói:

    Tôi rất thích bài viết của bạn Bùi Thị Thu Trang đăng trên báo giáo dục Việt nam, mời các bạn cùng đọc :
    Lá thư “viết trong xúc động” của nữ PGĐ gửi Trần Đăng Tuấn
    Thứ sáu 30/09/2011 06:50
    (GDVN) – Giờ đây, hành trình cần những con người như chú tiếp tục, trực tiếp ở cương vị của trái tim. Xin chú hãy bước tiếp và giữ ngọn lửa mạnh mẽ…

    LTS: Loạt bài trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về mơ ước bữa cơm có thịt của học sinh nghèo ở Suối Giàng, Yên Bái và tâm nguyện xúc động của ông Trần Đăng Tuấn, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Rất nhiều lá thư chia sẻ đã được độc giả gửi về tòa soạn. Lá thư dưới đây là một trong số đó.

    Kính gửi chú Trần Đăng Tuấn,

    Cháu xin tự giới thiệu, cháu là Thu Trang, hiện đang công tác tại Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, đồng thời, cháu cũng có nhiệm vụ phụ trách Tình nguyện viên của một Diễn đàn hoạt động từ thiện.

    Cháu vẫn còn nhớ hình ảnh người cha trút khỏi công danh và “Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng” trong bài thơ của chú. Cháu có cơ hội đọc được bài thơ này không phải vì cố tình tìm kiếm thông tin về chú trên báo chí. Mà cháu đọc được khi lên phòng của anh Công, Tổng thư ký của chúng cháu – 1 người bạn của chú. Cháu lên để trao đổi công việc thì gặp lúc anh ấy đang trầm tư trước bài thơ của chú và cũng không che giấu được sự xúc động, anh ấy đã đọc lại bài thơ và chia sẻ với cháu.

    CÙNG BÁO GDVN GÓP “BỮA CƠM CÓ THỊT”

    Ngay lúc đó, cháu nghĩ cháu phần nào hiểu con người của chú.

    Hai công việc ở 2 hai nơi đã bổ trợ cho nhau và giúp cháu cảm nhận rất chân thực rằng: Quả thật, đất nước mình còn nghèo, và nguồn lực thì chưa có điều kiện để san sẻ.

    Trong khi đó, đa số chúng ta, đặc biệt là doanh nhân đều có tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước, sẵn sàng san sẻ, miễn rằng ta cho họ thông tin và cơ hội, ta đầu tư đủ lòng tin vào họ.

    Cháu tự hào vì 2 công việc này đều cho cháu cơ hội thực hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng ở cả 2 mảng sáng và tối: các doanh nhân, doanh nghiệp – đại diện cho tầng lớp tiên tiến và các cảnh đời éo le, đại diện cho tầng lớp khó khăn nhất của xã hội.

    Công việc ở Diễn đàn hoạt động từ thiện cho cháu có cơ hội gặp và chứng kiến, chia sẻ với nhiều cảnh đời. Có những cảnh đời có lẽ còn éo le hơn bức tranh mà chú đã vẽ lại cho mọi người thấy sau các chuyến đi của chú. Cháu nghĩ cháu hiểu được cảm xúc của chú khi viết lên những dòng ấy. Có những chuyện, quả thật, phải mắt thấy tai nghe ta mới cảm nhận được hết nó là như thế nào. Và đó là con đường nhanh nhất để dẫn tới hành động của mỗi người.

    Cháu cũng đồng ý với một bạn đọc có phản hồi với chú rằng, công việc mà các nhà hảo tâm, các tổ chưc đang làm chủ yếu giải quyết phần ngọn. Nhưng, ta nên hiểu, điều đó không phải đúng hoàn toàn. Bởi vì, xã hội này là chính ta. Xã hội chưa hoàn thiện, mỗi người cần thúc đẩy để hoàn thiện nó, các tổ chức hội chỉ là có tiếng nói lớn hơn cá nhân thôi. Nhà nước, chính phủ cũng chỉ là một bộ máy của xã hội, mỗi người trong chúng ta cần có trách nhiệm góp sức hoàn thiện nó.

    Như vậy, trách nhiệm, không chỉ riêng ở khâu nào, và không của riêng ai.

    Cháu rất ủng hộ chú (và những người như chú) lập hội từ thiện Vì trẻ em vùng cao, hiện ta có khá nhiều tổ chức tình nguyện, từ thiện, hoặc chuyên sâu về một bệnh nan y nào đó, nhưng ta hình như chưa có hội chuyên vì trẻ em vùng cao. Đây là các đối tượng cần được quan tâm nhất và cũng khó quan tâm nhất.

    Những trẻ em cùng cao, đây là các đối tượng cần được quan tâm nhất và cũng khó quan tâm nhất.
    Diễn đàn hoạt động từ thiện của chúng cháu hiện đang hoạt động khá hiệu quả và mạng lưới tương đối rộng. Chúng cháu hoạt động có chiến lược rõ ràng và lâu dài chứ không chỉ chú trọng vào những hoạt động mang tính hỗ trợ khẩn cấp (như việc ủng hộ tiền, vật chất,…).

    Cháu tin rằng, hoạt động từ thiện không chỉ là bù lấp những thiếu thốn, mà có khi đơn giản như sống tốt với những người quanh ta; hay làm tròn bổn phận của mình trong xã hội; hay làm việc tốt mọi nơi có thể,…bằng đúng sức của mình.

    RỚT NƯỚC MẮT TRƯỚC CUỘC SỐNG TRẺ EM VÙNG CAO

    Chúng ta không tham vọng sẽ có đích đến cuối cùng, hay một sự thay đổi trong nay mai, hay quy trách nhiệm cho ai đó về sự không hoàn thiện này,…bởi vì tất cả câu chuyện này là một “hành trình xuyên thời gian” mà ta chỉ biết nỗ lực mỗi ngày. Riêng cá nhân mỗi con người, kể cả khi nhắm mắt xuôi tay có lẽ cũng chỉ có thể đặt được 1 viên gạch nhỏ bé, nhưng không có những viên gạch ấy, sẽ không có giá trị nào được tích lũy cả.

    Thay mặt Diễn đàn hoạt động từ thiện và rất nhiều cộng sự âm thầm khác trên khắp đất nước này, cũng đang đi chung một con đường của “hành trình xuyên thời gian”, rất vui mừng nhận được sự quan tâm, tham gia của cá nhân chú trên hành trình. Ở cương vị trước đây, chú đã làm tốt và làm tròn bổn phận của công việc, và đã tạo ra nhiều đóng góp giá trị, thậm chí đã tạo cơ hội cho tình yêu được nhân lên thông qua các hoạt động của Đài truyền hình.

    Giờ đây, hành trình cần những con người như chú tiếp tục, trực tiếp ở cương vị của trái tim. Xin chú hãy bước tiếp và giữ ngọn lửa mạnh mẽ như hiện nay và soi đường cho nhiều người khác nữa.

    Cá nhân cháu rất xúc động vì thấy rằng mình đã có thêm 1 cộng sự. Hi vọng rằng cộng sự của chúng ta sẽ ngày càng gia tăng, ngày càng nhiều người vào cuộc hơn nữa. Mỗi người một chút, xã hội sẽ tốt hơn mỗi ngày.

    Chân thành chúc chú và gia đình sức khỏe, bình an!

    Trân trọng,

    Bùi Thị Thu Trang
    Phó Giám đốc Tình Nguyện
    Diễn đàn hoạt động từ thiện
    hoatdongtuthien.org

    Trên quan điểm của cá nhân tôi thấy các bạn vào bog này hãy nghĩ đến những việc tốt đẹp mà chúng ta cần làm đó là chung tay góp sức giúp đỡ những trẻ em vùng sâu vùng xa. Đừng biến nơi đây thành diễn đàn để tranh cãi hay so sánh này nọ, bản thân bài viết của anh Tuấn đã nói hết những điều gì cần nói rồi. Theo tôi anh Tuấn không phải giải thích hay trả lời những com không có tính chất xây dựng vì như vậy rất mất thời gian, có khi còn làm khó cho anh nữa.
    Nếu cần Anh Tuấn có thể khóa comment, bạn nào thật sự cần chia sẻ sẽ gửi email cho anh.
    Chúc anh khỏe và sẽ thành công trong dự án ” Cơm có thịt cho học sinh dân tộc nội trú dân nuôi”
    HaNguyen
    ủng hộ SG: TK 30/09/2011 D498 – 0002577 – 300,000.00 FTF.CN:9704366802021760231.FrAcc:0011001912074 .ToAcc:0011004025430

  225. Minh Tran Quang nói:

    Cháu đọc đi đọc lại bài này tới…3 lần, và cháu cũng đã từng tham gia 3 chương trình Nối vòng tay lớn ở các điểm cầu truyền hình Cần Thơ, Bình Dương, Trà Vinh… cháu cũng thường xuyên đi làm công tác tình nguyện, đến các xã vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc, đi Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, và gặp rất nhiều hoàn cảnh éo le, kham khổ. Cháu rất cảm động khi đọc bài viết của chú. Cảm ơn chú về câu chuyện, về dự án mà chú và các bạn chú đang thực hiện. Cháu cũng xin đóng góp chút ít để các em học sinh vùng cao có được những bữa cơm đầy đủ hơn.
    Chúc chú khỏe, và hạnh phúc.
    Cháu Quang Minh

  226. Phamvandat nói:

    Rat cam kich voi tam long cua anh, mong quy cua anh se gop duoc nhieu bua com co thit cho cac chau vung cao.
    Nhung the moi chi giai quyet phan ngon thoi anh a, ngay o vung thon que haiphong toi cung co nhung xa con nhu the day anh a

  227. châu thị đỗ nói:

    Nik “Lee” thần kinh có vấn đề, nếu không thì cũng là vô cảm.

  228. Ralf nói:

    Cam on bac Tuan, bac Tien. Em hieu bac ah. Chi thuong cac bac phai bo thoi gian suc luc ra de lo cho cac chau, ma… Dung la nguoi Viet minh nen bo qua han thu de cung nhau tien ve phia truoc. Con nhieu kho khan, nhung cac bac co len nhe. Van co hang trieu trieu trai tim Viet trong va ngoai nuoc huong ve nhung viec lam huu ich cua cac bac day. Khi cac bac thanh lap duoc to chuc yu thien roi, thi chac bon em moi gioi thieu duoc voi ban be nuoc ngoai duoc. Viec lam hay, dan toc Viet minh ngan doi van ghi lai day bac ah. Chuc cac bac va gia dinh khoe, hanh phuc.

    • Phạm Ngọc Tiến nói:

      Cảm ơn Ralf. Việc tổ chức thành lập quỹ đang được một số bạn giúp đỡ, xúc tiến. Sẽ tiến hành khẩn trương nhưng chắc cũng không nhanh được. Chúng tôi sẽ cố gắng việc này sớm nhất có thể.

  229. Phuong Lam nói:

    Kinh gui anh Tuan,

    Em rat cam dong khi doc bai viet cua anh! Em thay minh da co dieu kien di qua nhieu vung dan toc o nuoc ta nhung chi biet thuong thuc canh dep ma chua nhin sau vao ben trong noi ay la nhung gi. Em mong rang mot chut dong gop cho cac tre em ma em gui qua anh, cung voi bao tam long khac se giup diu di phan nao su lanh leo ma cac em nho ay da va dang phai chiu dung. Chuc anh luon manh khoe!
    Phuong Lam
    lamhaphuong@yahoo.com

  230. Hồng Mẫn nói:

    Cháu đã đọc đi đọc lại bài viết của bác và lần nào cũng xúc động. Bởi tuổi thơ của cháu cũng vất vả khó khăn nhưng mà không như các em nhỏ ở Suối Giàng bác ạ. Bác Tuấn ơi. Cháu có một mong muốn được đi Tây Bắc từ lâu. Cháu sinh ra ở miền Trung. Nơi cháu ở cũng rất gần với vùng núi cao, gần với đồng bào dân tộc nhưng khó khăn cũng gần được đẩy lùi vì nhiều chính sách của nhà nước bác ạ. Cháu đã theo dõi trên truyền hình về cuộc sống của đồng bào dân tộc Tây Bắc. Nhưng như những gì bác chứng kiến và thuật lại thì quả là khó khăn.
    Công việc của cháu cũng đã có dịp đi nhiều vùng miền của đất nước. Được chứng kiến những con người còn rất khó khăn, những đứa trẻ lam lũ và bệnh tật. Và cháu cũng góp sức mình vào việc cho các bé có trái tim khỏe mạnh. Nhưng đến khi nào những mầm non mới có được cuộc sống bình yên vui vẻ bác nhỉ?

  231. yeunuocmam nói:

    Tâm sự của cô giáo ở Suối Giàng, đại ý thôi nhé các bác, vì chúng tôi nói chuyện với cô như những người khách được cô mời tới nhà chơi thôi, chẳng ghi âm hay ghi chữ lại cho chính xác:
    – Các em học sinh học hành vất vả khổ sở lắm các bác ạ. Điều kiện vật chất thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, cộng đồng dân tộc thiểu số không có tinh thần hiếu học như đồng bào dưới xuôi. Chúng em là giáo viên cũng khổ lắm, gọi học sinh đi học thì phải có quà, không có quà là chúng nó ở nhà, không đi học nữa. . .
    . .Chúng tôi còn trò chuyện với cô nhiều điều nữa, về khó khăn, vất vả của nghê giáo viên (giáo viên trường và giáo viên cắm bản), về những lớp học mà học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 ngồi lẫn cùng nhau, về những học sinh học lớp 3 rồi mà còn chưa biết viết chính xác tên mình. .

    Những điều mà chủ blog đã viết trong bài, những điều mà các bác đã viết trong các com tâm huyết và sôi sục của mình là KHỔ và LÀM SAO CHO ĐỠ KHỔ.
    – KHỔ thì quá quen rồi, ai cũng biết, và KHỔ vì cái gì ai cũng biết rồi. Bác nào cần phải có bài này của chủ blog mới biết đến cái sự KHỔ này, mới cay cay mặt thì quả là vẫn còn sự nhạy cảm tinh tế đáng kinh ngạc và sự trong sáng đáng kinh hoàng.
    – LÀM SAO CHO ĐỠ KHỔ? Bữa ăn có thịt là đỡ KHỔ ư? bao nhiêu thịt là đủ? đảm bảo chính xác mỗi bữa có bao nhiêu? ai là người cân thịt nấu từng bữa? Mỗi bữa có thịt thì chắc cũng kéo được chân các em đến lớp đấy, vì thịt là quà, các cô giáo khỏi phải trích lương mình ra để mua quà, dụ học sinh đến lớp cho đủ sĩ số, cho đủ chỉ tiêu. Nhưng thít trong bát bao giờ có? có còn được đến bao giờ? Đường lên Suối Giàng không xa, Suối Giàng có trà cổ thụ, có đá phong thuỷ để người lên cân thịt cho các cháu tranh thủ tạt vào nhấm trà ngắm đá. Ngộ nhỡ một ngày nào đó đường bê tông sạt lở, trà mất mùa, đá bị cấm khai thác . . liệu cái phòng học hôi hám, cái ký túc xá tối ám, những gương mặt cáu đất và giử mắt giử mũi có đủ sức giữ chân người cân thịt.

    Chúng tôi đã nói vài câu chuyện với các cô giáo bản ở các vùng cao của đất nước; chúng tôi đã ngắm và chụp nhiều gương mặt ngơ ngác và bẩn thỉu của các cháu học sinh ở các trường học vùng cao; chúng tôi đã mang nhiều chuyến chăn màn, bánh kẹo quần áo và đồ dùng học tập từ Hà Nội lên vùng núi; chúng tôi đã nghe câu chuyện đầy nước mắt của các cô giáo bị hiệu trưởng và phòng giáo dục trù dập . . chúng tôi đã đọc những lá đơn tố cáo; chúng tôi đã ngồi bên bếp lửa nói chuyện với nhiều phụ huynh học sinh.
    – Chúc chủ blog và những người bạn, nếu đã quyết tâm làm thì hãy quyết làm cho bằng được. Nghĩa cử của các bác được duy trì sẽ là câu trả lời xác đáng nhất cho mọi hoài nghi về động cơ.
    – Chúc chủ blog và những người bạn, sau bữa cơm có thịt, làm sao để các em đến lớp không phải vì thịt trong bát, quà các cô cho . . mà các em đến lớp vì nhìn thấy xác thực và cụ thể một tương lai an toàn, no và ấm do việc học hành mang lại.

  232. buivanthiep nói:

    Cháu chào bác, cháu đã đọc bài viết của bác và cháu rất xúc động. Cháu xin phép post bài nay lên fb để mọi người cùng đọc và chia sẻ

    TDT : Không có bản quyền việc yêu thương các nhít vùng cao ! Cám ơn cháu.

  233. Pingback: Hôm nay lên Suối Giàng… | đường đời muôn lối!

  234. Hoa Dã Qùy nói:

    Hôm nay mình đọc bài viết về các em học sinh ở Suối Giàng của anh Trần Đăng Tuấn, mình thật sự xúc động quá, mình ước gì một ngày nào đó tại Việt Nam sẽ không còn những hình ảnh này nữa, mà thay vào đó là những mầm non bụ bẫm, đáng yêu như các bé của chương trình Đồremi

  235. Hôm nay vợ nói ra là Đoàn của Bác Tuấn lên Suối Giàng giúp cho các em “Cơm có thịt…” vào mạng Search trên google mới thấy Blog của Bác Tuấn, đọc một lúc ngẫm thấy Bác này viết rất chân thật từ đáy nòng mình, mà lại viết rất có chiều sâu. Nói thật mình cũng đã được dạy một thời gian trên đó rùi, hồi đó hs còn khổ hơn bây giờ cơ, mình nhìn các em còn nhỏ thế mà đã tự mình nấu cơm (mà lại mỗi đứa 1 nồi nho nhỏ) còn bé nên vệ sinh kém, tay vẫn còn bửn mà bốc gạo cho vào nồi khoắng khoắng mấy cái rùi đem đun nhão như cám lợn, mỗi đứa một ống lứa đựng muối và ớt để ăn, canh thì ra chỗ mạch nước lần lấy để chan… ngẫm trong đầu sao mà sót sa thế, mà mình không có hướng hay ý tưởng nào để giúp các em. Nghĩ đúng là bản năng sinh tồn…. cứ lắc đầu mãi mà chẳng nói được với ai rồi về công tác đơn vị cũ cuốn vào nhiều công việc nên lãng quên đến bây giờ.
    Đọc Blog của Bác Tuấn mình thấy kém quá, sao hồi ấy mình không dùng mạng internet để kêu gọi nhỉ để nói lên nưững cảm nhận như Bác Tuấn nhỉ.. Cảm ơn Bác Tuấn rất nhiều, mong rằng Bác có nhiều sáng kiến phát minh mới để giúp các em như Suối Giàng, các xã vùng cao còn nghèo làn thiếu thốn lắm Bác à.
    (tự nhiên nghĩ thế nào viết thế ấy nếu có gì sai sót mong được lượng thứ nha !)

  236. Mình sẽ post bài của Bác Tuấn lên các diễn đàn, trang web mà mình biết.. mong rằng Bác Tuấn đồng ý.

  237. 3cukhoai nói:

    chào anh Tuấn và mọi người – tôi rất ít khi comment trên các diễn đàn thế này – nhưng vì là người làm về phát triển giáo dục đã từng đi rất nhiều nơi tương tự và khó khăn hơn Suối Giàng nhiều và đã từng tham gia các chuyến khảo sát của Bộ GD&ĐT để xây dựng các thông tư, quyết định liên quan đến Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú – nên khi đọc bài này của bác và thấy những việc các bác đang làm – tôi xin mạn phép lên tiếng góp 1 vài ý kiến.
    Thứ nhất, tôi thấy hình như bác Tuấn biết về tình cảnh các cháu HS DTTS như ở Suối Giàng hơi muộn thì phải?? tôi nói thế là vì một người có khả năng tạo ra thay đổi như bác (qua những gì bác và mọi người đang làm) thì biết và làm những việc thế này quả là hơi muộn – vị trí của bác trước kia và bây giờ có thể tạo ra được nhiều thay đổi hơn thế – bác làm nhà nước quá lâu và có lẽ cũng ngồi hơi cao nên ít có điều kiện đi xa như lần này – có thể tôi nói hơi chủ quan mong bác thông cảm.
    Thứ hai, có lẽ vì bác và mọi người không làm về giáo dục nên thiếu thông tin về tình hình GD miền núi. Trường bán trú dân nuôi như các bác nói đến đã tồn tại mấy chục năm nay ở các vùng miền núi Tây Bắc và một vài nơi khác và tình trạng ăn ở như các em ở Suối Giàng vẫn còn thuộc loại khá so với nhiều nơi – HS tiểu học mới 6 tuổi sống xa nhà tự lo mọi chuyện ăn, ơ, vệ sinh, sức khoẻ trong 1 túp lều tạp bằng tre và vải bạt vào mùa đông – các bác thử nghĩ xem con mình mà ở thế được mấy phút? đừng nói tình bằng năm như HS ở đây – nhung hiện nay tình hình đã và đang có nhiều thay đổi – gần đây nhất Chỉnh phủ đã có đề án xây dựng chỗ ở cho các trường PT DT Bán trú với kinh phí đâu như hơn 3000 tỷ đồng và Bộ GD&ĐT đã có các thông tư về HĐ của các trường này – hiện nay nếu được công nhận là trường PT DT Bán trú (điều kiện k khó) – thì HS được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% lương tổi thiểu – tức khoảng 320,000VND/tháng – và nếu tính theo các của bác Tuấn để các cháu có thịt ăn thì có lẽ cũng khá đủ rồi (kể cả tiền mua gạo) .
    Vì thế, tôi xin góp ý kiến là bác Tuấn hay ai đó sắp ghé qua Suối Giàng thì kiểm tra hộ xem nhà trường có biết về “QUY CHẾ Tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú” Ban hành kèm theo Thông tư số: 24 /2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – hay không – tôi tin là biết – và nếu biết thì đã làm gì để chuyển đổi trường thành PT DT bán trú để được hưởng các hỗ trợ của nhà nước – nếu khó khăn gì thì nhờ các bác tìm cách giải quyết giúp với chính quyền và Sở GD ĐT tỉnh – tôi nghĩ rằng đây mới là giải pháp lâu dài, ổn định cho các cháu – chứ kế hoạch 10 năm quyên góp của các bác cũng k lâu dài bằng.
    http://www.phapluatvn.vn/chinhtrixahoi/giaoduc/201107/Hoc-sinh-truong-dan-toc-ban-tru-duoc-ho-tro-tien-an-o-2056064/
    http://vanban.moet.gov.vn/?page=1.15&script=viewdoc&view=2578&opt=brpage
    Nếu giải quyết được điểm này rồi thì số tiền các bác quyên góp được sẽ dùng vào những việc khác thiết thực hơn như: mua sắp trang thiết bị nhà bếp – các này nhà nước k hỗ trợ – tủ thuốc, chăn màn, quần áo ấm – và như thế sẽ giúp được nhiều trường hơn.
    Nhưng thực tế hơn và lâu dài hơn nữa thì tôi nghĩ bác Tuấn với ảnh hưởng của mình có thể làm được 1 việc khác có ý nghĩa hơn nhiều là việc lo cho các cháu có thịt để ăn – đó là nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng cao – chỉ có cách đó thì 10 năm hay 15 năm nữa mới có được 1 thế hệ cán bộ và dân chúng nói chung ở miền núi có đủ trình độ để tự thay đổi cuộc sống của mình mà không phải chờ sự quyên góp của các bác theo kế hoặc quyên góp 10 năm như này nữa – nói nâng cao chất lượng thì nói mãi rồi và nhiều giải pháp rồi nhưng chuyển thì chưa thấy đâu – nhung có 1 cách mà chưa ai nói nhiều đến cả – đó là giáo dục song ngữ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trong những năm đầu của Tiểu học rồi chuyển dần qua tiếng Việt – tức là giống con cháu chúng ta người Kinh thì đi học bằng tiếng Việt thì cũng để các cháu HS DTTS được đi học bằng tiếng mẹ đẻ – thế mới tiếp thu được kiến thức – còn hiện giờ chúng nó học tiếng Việt không xong làm sao tiếp thu được kiến thức – tức là so với con em chúng ta HS DTTS phải học 2 thứ 1 lúc: tiếng Việt và kiến thức – nên chất lượng mãi k cải thiện được và để đến nỗi có nhiều người cho rằng HS DTTS nhận thức kém – không phải vậy – hiện đang có những thử nghiệm với sự hỗ trợ của UNICEF và Save the Children (Cứu trợ Trẻ em) và chứng minh thấy điều ngược lại – HS DTTS học bằng tiếng mẹ đẻ có kết quả gần tương tự như HS người Kinh – tuy nhiên việc thử nghiệm mới ở quy mô rất nhỏ ở 1 vài tỉnh – việc nhân rộng không đơn giản vì vấn đề ngôn ngữ DTTS bị coi là nhạy cảm – chắc bác Tuấn hiểu rõ hơn tôi vấn đề này – và vì thế tôi nghĩ các HS DTTS như ở Suối Giàng sẽ cần bác Tuấn giúp trong vấn đề này hơn là chuyện bữa ăn – tôi nghĩ với ảnh hưởng của bác trong giới truyền thông có thể giúp tuyên truyền về lợi ích giáo dục (HS học tốt hơn), lợi ích xã hội (bảo tồn chữ viết và ngôn ngữ) – lợi ích kinh tế (ít HS bỏ học, học cao hơn, có ích cho XH hơn) của giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ và dần dần qua đó thuyết phục được các nhà làm chính sách có 1 chính sách cụ thể về vấn đề này để nâng cao chất lượng GD vùng miền núi. Ý tôi là các bác làm 1 vài phóng sự và bài báo về vấn đề này để làm tiền đề cho những trao đổi rộng hơn và sâu hơn ở những diễn đàn chính thức. Được vậy tôi nghĩ các chuyến đi của các bác sẽ thiết thực hơn.
    Xin mạo muội đưa ra 1 vài ý kiến như trên, mạo phạm ở đâu xin các bác bỏ quá.

    • trandangtuan nói:

      Cám ơn bác đã rất chu đáo trong cung cấp thông tin. Khi nào có thể xin được thảo luận cùng bác kỹ hơn. Hôm nay xin tâm sự với bác thế này:
      – Nhiều người nghĩ tôi ” bất ngờ” chuyện như ở Suối Giàng. Nếu người ta hiểu vậy thì vì bài viết đưa lại cảm giác ấy, chứ không phải tôi có sự bất ngờ nọ. Tôi có những kỷ niệm ,có những người bạn trên các trường vùng cao không phải từ bây giờ. Nếu giờ tôi mới viết blog , không có nghĩa những gì tôi viết trước đây tôi không biết.
      – Trong một vài bài viết, người ta không thể và không nhất thiết nói hết mọi chuyện. Tôi cũng nói trong thảo luận,trả lời bè bạn ở trên chính blog này, rằng lên vùng cao, thấy ở đa số các vùng, trường sở đẹp,khang trang không kém,có khi còn hơn nhiều vùng miền xuôi. Tôi biết học sinh nội trú được hưởng các chế độ gì,tôi biết mô hình bán trú dân nuôi ba năm gần đây được quan tâm thế nào, Tôi cũng vui và đã thông tin ở đây về một dự án hàng ngàn tỷ để xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú từ nay đến 2015 đã vừa được thông qua; Tôi cũng viết ở đây rằng việc chúng ta làm chỉ là một phần nhỏ,rất nhỏ thôi.và chỉ như một sự chung tay. Nhưng tôi cũng biết rằng ở nhiều nơi,những khó khăn nó vẫn tồn tại,vì có nhiều lý do khách quan,chủ quan mà tôi không rõ hết..Bác cũng có thể ( hoặc chắc chắn biết) rằng tiền hỗ trợ không phải ở đâu,không phải lúc nào cũng đều đặn, và hiện nay khu vực bán trú dân nuôi bức tranh chung vẫn là như hoặc kém hơn Suối Giàng.Bác có thể đọc những gì mà chính Bí thư Huyện ủy Văn Chấn, nơi có Suối Giàng,nói về vấn đề này . Ông ấy nói rằng so với các trường có bán trú khác ở Văn Chấn,học sinh Suối Giàng còn là sang. Và chính bác cũng viết về điều này ở comment của mình. Vấn đề là ở chỗ nếu thức ăn cho một bộ phận trẻ con bán trú chưa có,mà chỉ sẽ có,thì ta cũng nên gắp cho nó trước mấy miếng,trong chừng mực ta làm được.Chúng ta cũng chỉ mong cái việc của chúng ta làm nó chóng thành không cần thiết nữa.
      – Những điều khác bác nói ( các dự án,các hướng giải quyết..) có thể đúng,nhưng tôi không nghĩ tôi làm được nhiều như thế. Hiện nay tôi và bạn bè tự nhủ mình,thấy cái gì làm được thì làm, và cố làm cùng mọi người.
      – Có cái này,tôi muốn nói thật giản dị với bác :Việc công nhận trường nào là trường đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ không thể là việc của tôi bây giờ.hơn nữa là việc với tôi rất khó hiểu.Tại sao lại phải đợi các trường xin công nhận mới cấp cho họ cái công nhận ấy để rồi mới có các chế độ kèm theo?. Trên giấy tờ chúng ( học sinh bán trú) lẽ ra phải có thịt ăn.Trên thực tế chúng đang ăn cơm với muối ớt. Tôi hiểu phải có thời gian để một chính sách tốt nhất thành hiện thực đầy đủ ở mọi nơi.Vậy tôi và bạn bè (quen và chưa quen nhau) mang cho chúng ít thịt, trong khi chúng chưa có.Làm việc đó không có nghĩa là hàm ý chê bai cái gì, chê bai ai,mà là làm cái việc nho nhỏ cần làm.Còn tôi cũng tin rằng,rồi chúng sẽ có thịt ăn mà không cần ai giúp,rằng mọi thứ sẽ tốt lên.Chúng nó sẽ được chăm sóc một cách cơ bản. Lúc đó có gì phải suy nghĩ nữa .Chỉ có sức mạnh của chính sách mới thay đổi cơ bản tình hình. Nhưng việc thực hiện chính sách luôn có độ trễ. Vậy trước khi học sinh bán trú hết khó khăn vì các trợ giúp chưa triển khai đến hết các nơi, chúng ta nên giúp chúng.Lúc chúng nhận được tiêu chuẩn hỗ trợ ăn uống, khi đó,nếu vẫn chung tay giúp các em,thì tiền góp được không mua thịt thì mua sách vở,tivi.. cho chúng nó. Càng tốt mà thôi.
      – Các gợi ý của bác về những cái khác cần cho trẻ ( tủ thuốc, chăn màn, quần áo ấm..) rất đúng.Tôi gặp thường xuyên những người bỏ công sức lên ủng hộ trẻ em bằng các hiện vật đó. Bạn bè tham dự hoạt động ” Cơm có thịt” này cũng đang làm việc đó. Dĩ nhiên,cũng là những đóng góp nhỏ thôi.Các vấn đề về ngôn ngữ,về nhận thức con đường nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao..tôi hiểu và tôi nghĩ các vấn đề đó vẫn được thường xuyên nêu ra cả trong ngành,trong quản lý,cả trên thông tin đại chúng.Tôi không nghĩ khác.
      – Tôi nghĩ tất cả những người tham gia cái dự án nhỏ tý này để giúp trẻ bán trú dân nuôi đều hiểu việc mình làm không phải là việc ” cơ bản”,”gốc gác” về tư duy tổ chức xã hội.Nhưng nó lại là phản xạ bình thường và cơ bản của tấm lòng những người đó đối với những cái thiếu thốn của con trẻ.Kể cả bác cũng thế thôi,cũng sẽ hành động phụ thuộc vào phản xạ tấm lòng đó. Cho nên,vẫn quan tâm,hết sức quan tâm những vấn đề bác nêu,nghe bác khuyên cũng sẽ cố đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề đó với tư cách công dân và người trong giới truyền thông, thì tôi vẫn nghĩ những việc đang cùng bạn bè làm là thiết thực.
      Tôi thường tránh các bàn luận khi việc chưa triển khai được bao nhiêu. Những điều nói trên chỉ là một sự chia sẻ những suy nghĩ của mình.Vả lại không nói thì không hiểu hết được nhau.
      Bác chắc chắn có nhiều thông tin hữu ích liên quan đến các chính sách với học sinh dân tộc nội trú và bán trú.Nếu có thể xin chia sẻ thêm cho tôi qua email mà tôi có ghi trên blog này.
      Cám ơn bác nhiều.

      • halinhnb nói:

        nhưng tôi không nghĩ tôi làm được nhiều như thế. Hiện nay tôi và bạn bè tự nhủ mình,thấy cái gì làm được thì làm, và cố làm cùng mọi người.
        ————–
        em mạo muội góp tiếng nói vào đây, mong các anh bỏ qua. Em nghĩ bức tranh toàn cảnh thì như anh 3cukhoai đã nói, nhưng để các chủ trương, chính sách lớn đi vào tới tận những nơi xa xôi trên khắp đất nước ta thì vẫn cần nhiều thời gian lắm, và rất gian truân để thực hiện được như ý muốn, vậy nên trong chừng mực nào đó, chừng nào chúng ta còn thấy những nơi cần được giúp đỡ và sự giúp đỡ dù nhỏ bé cũng có thể thay đổi phần nào đời sống của các bé thì chúng ta cùng làm..muộn còn hơn không..và sự thay đổi tích cực dù nhỏ bé nhưng cũng đưa đến những niềm vui, những tác động tốt đẹp đến cho những mảnh đời còn cần nhiều sự giúp đỡ…

  238. Pingback: PHẠM NGỌC TIẾN :Thư gửi bác 3cukhoai | trandangtuan

  239. KiênKiên nói:

    Mình đọc những dòng này khi tiếng karaoke của công ty tầng dưới vọng lên, tiếng 1,2,3 zzôôô của công ty tầng trên vọng xuống, đầu thì váng váng vì bữa rượu ê hề của buổi trưa nhưng cũng đã tỉnh hẳn rồi.
    Cuộc sống mà. Ở đây ở đó; người này người kia; người giầu kẻ khó… Có gì lạ đâu?
    Nhưng sao tự nhiên thấy phẫn uất, phẫn uất với cả bản thân mình, với tất cả những thanh âm huyên náo hội hè, tiệc tùng chè chén kia. Phẫn uất với đủ thứ thừa mứa đang diễn ra quanh mình. Muốn làm đủ thứ, muốn nói đủ điều, muốn chửi tất cả. Nhưng nghĩ lại, cái bọn trẻ đang cần không phải sự cảm thông suông, không phải những lời sáo rỗng, những buổi đấu giá vì người nghèo mà bia rượu ê hề tràn lan chảy. Cái chúng nó đang cần là miếng thịt để lớn, để học cái chữ vào đầu.
    2000đ/bữa đủ ăn nghe sao muốn khóc. Nhưng khóc cũng chẳng giải quyết được gì, cái mình cần là nhìn vào ví tiền của mình, nhìn vào bàn tay mình để biết rằng mình có thể giúp được bao nhiêu đứa nhỏ đồng bào của mình kìa.

  240. R'hapsodiant nói:

    Bác Tuấn ơi,
    Cháu nghẹn.ngào khi đọc bài của bác lắm! Thiết nghĩ bác cháu mình nên làm 1 cái kênh liên kết với đồng bào miền cao – một nơi để gửi gắm 5-10 ngàn, đôi áo ấm, chăn len, bút mực…
    Với tầm hiểu biết và ảnh hưởng của bác, cháu thấy bác thực sự là người cho việc này!
    Cháu cũng xin mạn phép trình bày qua cái í tượng vừa vụt qua đầu cháu:
    -Thành lập một tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận (ko đến mức long trọng thế, nhưng cần thì mới đứng ra kêu gọi & đại diện được bác ah)
    -Cần một trụ sở hay kho điều phối, trang web, liên lạc
    -Việc vận chuyển hàng, tiền lên cho các cháu hay đồng bào miền cao..có thể liên kết với anh em hay đi du lịch. Mỗi chuyến đi của mọi người sẽ thêm í nghĩa, và cháu nghĩ họ sẽ rất sẵn lòng!
    -Nhận thức cho cộng đồng xung quanh, hi vọng mọi người sẽ tìm được mục đích cuộc đời qua việc này!

    Hi vọng bác bớt chút thời gian suy nghĩ về việc này ah, cháu rất vui nếu được gặp bác 1 lần!

    • trandangtuan nói:

      Tất cả những điều bạn nói đang được xúc tiến. Trước hết là lập một tổ chức từ thiện.Các thủ tục đang được chuẩn bị. Cám ơn bạn

  241. eqvn nói:

    Đọc mà thấy xót quá….chúc anh thành công với chương trình này 🙂

  242. Nguyen Thu Hien nói:

    Khi nào Bác Tuấn lập quỹ thì thông báo để mọi người đóng góp nhé.

  243. Mạnh nói:

    Chào Anh Tuấn,
    Đọc bài của anh, em lại nhớ đến Trường PTCS Tả phìn. Đây là trường cách thị trấn Sapa không xa, khoảng 15 kms. Là người làm du lịch và kết nối được với các dự án nhân đạo, ngày 30 tháng 4 vừa rồi, em có lên thăm trường, trao đổi với các thầy cô trên đó.

    Đúng như anh Tuấn đã chứng kiến, các em học sinh vùng cao khó khăn quá. Tôi đã đích thân xem đồ ăn của các em mang theo đến trường, chỉ là 1 nắm cơm, đen đen, có đưa thì có vài cái ràu kèm theo, có đưa khá hơn thì có vài mẩu cá suối. Có đưa thì thậm chí là không có cơm mang đi để ăn, đến trưa, lại phản đến xin thầy cô để ăn ké. Và chuyện 1 suất ăn của các em chỉ là 1 nghìn đồng/bữa là có thật vì có gì đâu, gọi là bữa ăn, nhưng chỉ có duy nhất 1 bát cơm và một nồi canh, vài cộng rau, còn lại là toàn nước.

    Em chứng kiến, trường tiểu học Tả phìn này còn khó khăn hơn nữa. Vì trao đổi với nhà trường, thì được biết, trường vẫn chưa có đủ ngân sách khoảng 2000đ/em/bữa, nên chưa tổ chức nấu ăn được.

    Còn về giáo viên: Lên đây, gặp các cô giáo vùng cao, ta mới thấy trân trọng. Trong cuộc sống hiện nay, nếu chúng ta không gặp, không nói chuyện, không chứng kiến, thì không thể tin. Giáo viên ở đây thương học sinh hơn con, thương vì các em nghèo quá, cô giáo vùng cao đã nghèo, nhưng gia đình các em học sinh còn nghèo hơn rất nhiều. Cô thương các em học sinh, vì phải thương, phải dỗ giành các em, các em ốm cô phải đến tận nhà thăm hỏi, em không đến trường, cô phải đến tậ nhà để dạy thêm cho các em, vì có thế các em mới đi học. Nếu không, các em không học nữa, các cô biết dậy ai.

    Còn về bản thân em, em cũng may mắn là kết nối được với một Hiệp hội nhỏ nhân đạo bên Pháp, xin được 700 Euros. Em đã ứng ra 20 tr.đ để gửi cho trường Tả phìn để tổ chức trao 40 suất học bổng. Mua cho mỗi suất 25 kgs gạo, hết khoảng 375 nghìn, số còn lại mua đồ dùng học tập cho các em.

    Cũng xin nói thêm với Anh Tuấn và các bạn là: Học bổng này hy vọng kéo dài nhiều năm, mỗi năm được trao hai lần, có nghĩa, mỗi em được 1 tr.đ. Em cứ thấy áy náy vì số tiền ít vì cũng thấy chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng giờ nghĩ lại thì đó là niềm hạnh phúc rất lớn của các em nhỏ rồi.

    Báo cáo anh, ngày 11 tháng 11 năm 11, em và đoàn sẽ đi lên Trường PTCS Tả phìn, Sapa để trao học bổng này.

    Ngoài ra, em có khuyên góp được quần áo của các nhân viên, của anh em làm cùng tòa nhà, và lần này cũng mang lên cho các em.

    Nếu anh chị nào có lòng hảo tâm, có quần áo cũ, có đồ dùng học tập cũ, nếu có thể, liên hệ và chuyển đến cho em, em sẽ đại diện mang lên Trường Tả phìn cho các em. Hãy liện hệ với em là: Hà Đức Mạnh – mobile 0982 777 575 – địa chỉ: Cty Du lịch Thân thiện VN – Tầng 3 Tòa nhà Nikko 27 Nguyễn Trường Tộ.

    Cuối cùng, cũng xin cảm ơn anh Tuấn về bài viết, cảm ơn các cô giáo và các em học sinh vùng cao. Vì chính sự khó khăn đến không tưởng của họ cho ta thêm hài lòng về cuộc sống, về những cái ta có. Vậy là giúp các em không phải là giúp các em, mà là giúp chính cái “tâm” ta thêm thanh thản hơn, yêu đời hơn.

    Trân trọng

    HĐM

  244. Ngoc Thu nói:

    Chào Anh Tuấn,

    Tôi chẳng biết gặp các anh thế nào. Nếu khi nào thành lập quỹ cho tôi đóng góp chút nhé. Địa chỉ mail của tôi là: ngocthu.cos@gmail.com. Tôi chưa giàu, cũng trãi qua nhiều cái đói, khổ, nhưng chắc chắn không thấm vào đâu so với đồng bào ta trên đó anh ạ.

    Trân trọng.

    Đỗ Ngọc Thụ

    • Nhi nói:

      Bacs ơi, Qũy thành lập và đang hoạt động được hơn tháng rồi ạ. Bác xem các bài tiếp theo, có đầy đủ thông tin đấy ạ.

  245. tini nói:

    Xin phép cho mang về nhà của mình để có thêm người giúp sức. Cám ơn

  246. Pingback: Hãy giành một chút thời gian để đọc nhé! « Blue Sky's blog

  247. Mr KT nói:

    Cháu đọc bài này bên VTC mà rớt nước mắt. Chúc cho những đứa trẻ chóng lớn khỏe mạnh , mai này tự giúp mình và giúp cho ng dân đất ấy.

  248. Mr KT nói:

    xin phép mang về bên site cháu, ai đi qua biết đâu có thể giúp được thêm ….

  249. Nguyễn Việt Hùng nói:

    Sắp tới chú tổ chức chuyến đi ở đâu tiếp vậy. Hôm nọ chú Tiến có gọi cho cháu về việc cháu ủng hộ xe ô tô Everest (7 chỗ), để hỗ trợ cho công việc làm từ thiện của các chú khi cần. Chú có thể nhắn cho cháu số của chú Tiến để cháu liên hệ lại. Hôm nọ chú Tiến gọi cho cháu lúc đang nhậu với bạn, quên ko lưu nên mất số của chú ấy rui.
    Cảm ơn chú nhiều, chúc chú và gia đình luôn khoẻ
    Số đt của cháu là: 0913.00.80.55
    Nguyễn Việt Hùng.

  250. Chào anh TDT,
    Được biết một số sự việc của anh trong thời gian qua trên báo chí và blog, tôi thấy nó có gì đó không bình thường trong nội bộ của VTV. ( mặc dù không quan tâm tới chuyện chính sự lắm).
    Anh là một người cán bộ lãnh đạo, một đảng viên và là thầy giáo nữa, tôi nghĩ anh phải là một người rất đàng hoàng, chính chắn …
    Qua bài viết về bữa ăn của bọn trẻ tại Suối Giàng, tôi càng khẳng định suy nghĩ của mình về một con người. Rất cảm phục bài viết đã cho tôi một lần nữa cảm nhận về cuộc sống thiếu thốn, khó khăn của rất nhiều nơi trên đất nước ta. Cảm phục ông bạn của anh đã tâm huyết hành động dự án khả thi 9 triệu ( chắc chắn sẽ là 18tr/tháng và hơn thế nữa ) ..
    Tôi hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng tham gia các hoạt động của dự án trên.
    Tôi hiện làm nghề kiểm toán và sống ở TP HCM, nếu có công việc liên quan mong anh cứ chỉ bảo.
    email: phuclonghung@gmail.com ; Tel: 0988902695

    • trandangtuan nói:

      Cám ơn Anh. VTV là quãng đời và là kỷ niệm đẹp của tôi. Còn bây giờ tôi sẽ cố gắng làm những việc khác mà mình làm được và làm thì thấy bản thân mình vui.
      Chắc chắn chúng ta có nhiều việc để làm, anh ạ. Mọi cái mới bắt đầu. Tôi rất cám ơn anh.

    • ầy dà, trước đây tôi cũng làm nghề kiểm toán giống bạn, đã đi khắp nơi nhìn thấy nhiều điều,
      Nhưng như đã nói qua cách nhìn thấu suốt tim trẻ của bác Tuấn tôi mới thấy rung động cảm động.

      Còn các nhận định của bạn về bác Tuấn thì tôi hoàn toàn đồng ý, trước đây tôi thỉnh thoảng thấy ông này trên VTV, nhưng khi đọc cuốn “Phản biện” thì mới thấy các nhìn, suy nghĩ của bác Tuấn là nhiều chiều (mà bác này học chuyên ngành Truyền thông, ở Lomonoxop?)

  251. Khánh nói:

    Một bài báo rất cảm động anh TĐT ạ! TB thấy đâu đó vẫn còn những tấm lòng thật đáng quý, đáng trân trọng. Việc anh nghĩ ta nên làm từng bước để đạt hiệu quả. Bọn em dù nghèo nhưng cũng có thể chung tay anh ạ. Điều quan trọng hơn những đồng tiền của lá rách ít đùm lá rách nghèo phải minh bạch rõ ràng là được. Chúc anh sớm hoàn thành ý tưởng nhé!

  252. Very intreresting post. It was very useful. I was looking exaxtly for this. Thank you for your effort. I hope you will write more such interesting posts.

  253. Nguyễn huy hoàng nói:

    Anh tuấn ơi ,bao giờ có chuyến đi từ thiện mới hả anh? em đọc rất nhiều về các chuyến đi lên vùng cao,các đợt quyên góp,năm ngoái con em mang thùng quần áo cũ ra Báo Giáo Dục gửi,năm nay đầu xuân còn có thời gian, em muốn mang quà đi cùng đoàn.vậy có kế hoạch chưa ạ

    • trandangtuan nói:

      Còn đang cân nhắc kế hoạch bạn ạ. Bạn theo dõi nhé.Hiện nay có hướng định đi Hà Giang ( áo ấm) và Điện Biên ( triển khai Cơm có thịt).

      • Nguyễn huy hoàng nói:

        vâng cảm ơn anh đã phản hồi,thông tin này,em sẽ theo dõi ,.em không dám đi du hý đâu cả .sợ lỡ chuyến, em bỏ kế hoạch đi Lý Sơn -Quảng Ngãi dự đua thuyền cùng mấy bạn,email của em là :noithat.thuytin@gmail.com

  254. Già rồi mà đọc bài viết của anh,nước mắt cứ chảy ra.Năm thứ 12 của thế kỉ 21 mà các cháu khổ hơn tôi 55 năm về trước(quần một manh,áo một manh,sáng nhịn,trưa ăn toàn ngô mảnh,không có canh đâu,thức ăn là nước cơm chắt ra pha với muối cục to bằng đầu đũa).
    Tôi nghe anh từ lâu-vụ anh từ chức.Giờ mới biết tấm lòng BỒ TÁT của anh.Cầu Trời đất và chư Phật mười phương luôn cho anh SỨC KHỎE !

    Giá như mỗi bữa tiệc cuối năm của các cơ quan đoàn thể,của các đại gia,của các nhà chức sắc bớt đi một đĩa thức ăn để ủng hộ các cháu!

    NHƯNG CÓ KHI HỌ CHƯA BIẾT ANH TUẤN Ợ,NGƯỜI TỐT NHIỀU LẮM.LÀM SAO PHẢI TUYÊN TRUYỀN RỘNG.ANH THỪA SỨC NHỜ CÁC KÊNH TRUYỀN HÌNH THÔNG BÁO GIÚP.
    Chúc anh khỏe và thành công trong sự nghiệp “bữa cơm có thịt”!

  255. Là một người con đất Việt đang học ở nước ngoài, tình cờ đọc bài viết của anh Tuấn thấy rất cảm động và trân trọng tấm lòng của các anh và mọi người. Chúc cho chương trình “cơm có thịt” sẽ ngày càng mở rộng ra các vùng miền của đất nước.

  256. Nhược Nam nói:

    Cháu thấy “Cơm có thịt” là một dự án rất thiết thực. Chúng ta nên cảm ơn và trân trọng tấm lòng và tình cảm của Bác Tuấn, của nhiều bạn đồng cảm ủng hộ dự án, và không thể không cảm ơn chính những người thầy người trò (kể cả người thân của họ) sống và học tập trong cảnh trường khốn khó vẫn đùm bọc và lạc quan vươn lên. Cháu sẽ luôn ủng hộ việc làm nhân ái này cho dù là không lâu nữa hy vọng dự án được đổi từ “Cơm có thịt” sang “Số hóa vùng cao”, hay được đổi từ “Áo ấm mùa đông” sang “Sách và giáo án điện tử tiếng Dân tộc thiểu số”…và cháu ước mơ nhiều hơn thế nữa.
    Cháu chưa có điều kiện đi thực địa nhiều, chưa có hiểu biết là bao về phong tục tập quán sống của người dân tộc thiểu số nhưng mỗi khi tiếp nhận thông tin truyền thông về hoạt động tình nguyện cho học sinh, cho trẻ em đồng bào vùng sâu vùng xa cháu đều tự hỏi sao không thấy các bạn ấy làm kế hoạch nhỏ hay tăng gia sản xuất nhỉ. Lúc cháu học cấp 1 (nay là tiểu học) tiền bồi bìa hộp gia công tháng hè được bố mẹ cho sử dụng mua một đôi gà nuôi, bán trứng đi cháu có tiền mua sách, truyện. Lúc cháu học cấp 2 lớp học của cháu trích quỹ lớp nuôi một chuồng thỏ 15 con ở chân cầu thang dãy phòng học, cô giáo hướng dẫn chúng cháu phân công lấy cơm nguội, gốc rau thừa, cỏ bờ ở cánh đồng hoa gần đó để chăm sóc. Thỏ lớn rất nhanh, bán thịt thỏ đực và bán thỏ giống con lớp cháu có nguồn quỹ lớp không nhỏ giúp bạn khó khăn và chi dùng việc khác không cần phụ huynh đóng góp. Cùng lúc đó các chị lớp lớn hơn được hướng dẫn trồng rau, trồng cây thuốc nam ở vườn trường. Môn Thủ công-Nữ công gia chánh được dậy là đan len, là sửa chữa đồ điện gia dụng. Trên đây là mấy ví dụ rất nhỏ nhưng cháu thiết nghĩ các bạn vùng cao học bán trú và nội trú đều có điều kiện về thời gian, về tổ chức lớp, và sức khỏe không đến nỗi tồi để thực hiện những việc tương tự như vậy. Nếu như thay vì trích dùng một phần tiền mặt để mua áo ấm thì nay giành để mua cây giống, con giống cho hợp thổ nhưỡng nơi đó, hay mua nguyên liệu để làm hàng gia công, rồi trích phí ủng hộ đó bố trí người hướng dẫn cách làm, cách nuôi trồng. Khẩu phần Thịt ăn được giải quyết một phần, áo ấm được đảm bảo hoặc thày trò có thể bán đi thành phẩm rẻ hơn người khác thu tiền về dùng việc khác tốt bao nhiêu. Số tiền ủng hộ được coi như cái cần câu chắc chắn có ích hơn nhiều việc chỉ cho vội con cá. Và khi xã hội còn nghèo, cơ sở trường nội trú còn khó khăn thì chắc chẳng ai trách tại sao con tôi hàng ngày phải góp công lao động gần nửa giờ đồng hồ là vô lý cả; chưa kể lao động tập thể có ý nghĩa rất lớn trong phát triển nhân cách học sinh.
    Thiết nghĩ mức độ đô thị hiện đại hóa đến chóng mặt thì vẫn có những thứ của gần 20 năm về trước mà nay cuộc sống thị thành đã tiến xa và coi nhẹ thì vẫn là niềm ao ước của người gặp hoàn cảnh khó khăn và đồng bào vùng sâu vùng xa. Do vậy, có nhiều cách làm tưởng như một thời đã cũ thì nay phải chăng vẫn phát huy tác dụng đối với nhóm đối tượng này?
    Trên đây là những dòng chia sẻ rất thiện chí của cháu. Có điều gì không phải mong được Bác Tuấn và bạn đọc bỏ qua. Cháu xin trân trọng cảm ơn!

    • trandangtuan nói:

      Rất đồng ý với bạn, nhưng chúng ta hãy hành động theo cách thông thường : Các cháu còn ăn thiếu chất và rét thì sao cho no và ấm trước, sau đó mới tính tiếp làm cái gì . Không đơn giản đâu : Thiếu mặt bằng làm chuồng trại, khí hậu quá khắc nghiệt khiến chăn nuôi vô cùng rủi ro, thiếu nước và đất trồng rau.. Điều nhiều người chưa biết là các trường miền núi rất ít đất . Nếu trồng,nuôi dễ thì đã thoát nghèo rồi !. Có thể phải nuôi gia súc nhỏ, như gà, thỏ chăng… cần tìm hiểu kỹ.

  257. Minhbach nói:

    Chào anh Tuấn.
    Tôi có chuyển vào TK của anh góp cho Gánh hàng xén 2 triệu đồng (chuyển ngày 10/2/2012). Anh kiểm tra xem đã nhận được chưa? (Một người ở Cty CONINCO). Cảm ơn

  258. Minhbach nói:

    Dù mới biết nhưng Tôi rất mong sẽ được tham gia các công việc từ thiện do anh Tuấn khởi xướng

  259. Hany nói:

    Cháu chào chú !
    Thực sự cháu không biết đến bài viết này của chú cho đến khi làm bài tiểu luận môn Cơ sở lý luận báo chí – truyền thông, trong đó yêu cầu bài tập là phân tích tác động xã hội của bài viết này. Thực sự đọc xong cháu có rất nhiều cảm xúc và rất muốn gửi lời cảm ơn chú vì bài viết này 🙂 Nó đơn giản chỉ là những cảm xúc của cá nhân chú, nhưng những gì nó tác động đến xã hội thực sự rất lớn ^^ Một lần nữa cháu cảm ơn chú, và cháu hy vọng chú sẽ thành công với dự án của mình 🙂

  260. Kế Toại nói:

    Qua những bài viết, cháu rất khâm phục chú, khâm phục đức tính giản dị và những việc làm của chú. Trước đây, cháu xem tivi và chỉ biết chú qua các chương trình TH trực tiếp với tư cách là đại biểu tham dự thôi. Cháu cũng theo nghề báo, nhưng mới chập chững bước vào nghề. Đọc những bài viết như thế này, cháu thấy mình còn sung sướng lắm, phải phấn đấu dài dài nữa. Rất mong có dịp được gặp chú để học hỏi kinh nghiệm.

  261. Nhung nói:

    Cháu chào bác Tuấn!
    Đọc xong bài viết của bác về học sinh bản Suối Giàng thì không chỉ có cháu mà bao nhiêu người thấy thương các em. Cháu là một giáo viên được công tác tại đơn vị huyện nghèo nhất tỉnh Lai Châu, cháu cũng đã được đi và được tận mắt thấy những bữa ăn, cũng như mọi sinh hoạt của các em học sinh vùng khó. Thương lắm!
    Trên cháu có rất nhiều các dân tộc khác nhau( tầm 12 hay 13 gì đó) sinh sống nhưng phải nói rằng nếu có điều kiện đến đây mới thấy hết những khó khăn mà các em đang có. Không chỉ có dân tộc Mông đâu mà một số dân tộc thiểu số như La Hủ, Mảng… cũng gặp phải vấn đề khó khăn như vậy.
    Sự quan tâm của nhà nước đối với học sinh trong những năm gần đây dù đã tăng rất nhiều nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ăn, ở, học tập của các em.
    Cháu có một câu chuyện muốn chia sẻ với mọi người:
    Một lần chúng cháu đi công tác tại xã vùng cao của huyện( Tà Tổng), hôm đó vào tháng 12 dương nên ở đó rất lạnh. Khi đoàn chúng cháu đến nơi chỉ muốn chạy ngay vào nhà bếp để được sưởi ấm bằng những ngon lửa đỏ hồng dù cho có mặc rất ấm.
    Trời hôm đó mưa nhỏ, có sương mù cháu đoán tầm 7 – 9 độ, lạnh lắm. Nhưng học sinh vẫn đến trường đông đủ. Khi bước vào một lớp học Mầm non cháu không khỏi bức xúc, giận, đan xen đó là lòng thương…. trong khi cháu cùng 1 người nữa mặc nhiều quần áo để tránh khỏi cái rét cắt da cắt thịt. Thì đối ngược lại là học sinh, các bé chừng 2 đến 5 tuổi trong lớp lạnh run, co ro khi không đủ quần áo để mặc. Cháu sắp khóc khi chứng kiến. Có cháu mặc quần áo có cháu mặc váy… nhưng nếu để giữ ấm cho cơ thể thì rất khó.
    Sau hôm đó khi đi công tác về mấy chị em cùng cơ quan cháu, cùng nhau quyên góp quần áo cũ gửi lên cho các em ở điểm bản đó.
    Khi đọc xong bài viết của bác cháu có cùng quan điểm giống bác, cháu mong rằng khi ai đó đọc xong những bài viết như thế hãy giúp các em học sinh vùng khó.
    Cảm ơn bác rất nhiều!

  262. Nguyễn Nhã Ca nói:

    Thưa anh Tuấn, đọc những dòng chữ anh Viết mà tôi thật xót xa cho đồng bào mình quá.
    Tôi nghĩ đây ko phải là lúc tôi rơi nước mắt mà là lúc tôi cần hành động, làm một cái gì đó cho đồng bào mình.
    Xin phép anh cho tôi được copy nguyên bài viết của anh để gởi cho đồng nghiệp mình để chúng tôi thực hiện chương trình khuyên góp và trích quỹ hỗ trợ người nghèo để chung tay trăm năm trồng người.
    Một lần nữa tôi xin cám ơn anh đã cung cấp cho chúng tôi những hình ảnh thật chân thật về đồng bào vùng cao của mình.

    Cám ơn anh.

  263. chautang nói:

    Cảm phục Bác trồng “cây cảnh” ra đồng, tâm phục Bác về “bữa ăn có thịt” , tôi xin góp sức chung tay cùng mọi người với mong muốn được cảm nhận những tình người ấm áp và chân thật nhất! Chúc Bác thong dong giữa cánh đồng bất tận của mình…

  264. An nói:

    hi moi nguoi, du an’ hay va y nghia, minh chi thiet nghi lam sao de du an sustainable hon, khong chi nhan tien dong gop tu, hay de den 1 luc nao do, truong co the tu tao ra khoang thu cham soc doi song cac be’. Chang han nhu to chuc trong chot va chan nuoi chang han, de co the ngay nao cung co thit, trung va co the co ca sua cho cac em. Se contact khi co dip ve VN som.

  265. susu nói:

    Hôm nay cháu mới đọc thấy bài này, cảm động đến chảy nước mắt! Cháu cảm ơn bác đã chia sẻ thực tại đến mọi người để mọi người cùng chung tay giúp đỡ các em nhỏ Suối Giàng, cũng như các trẻ em vùng cao có điều kiện thiếu thốn khác! Cháu xin được đóng góp 1 chút nhỏ của mình, hy vọng dự án ngày càng nhân rộng và hiệu quả!

  266. hue nguyen nói:

    Hôm nay vô tình đọc trên dân trí rồi mới lên Google search được bài viết này của bác. Rất cảm động nhưng cũng rất xót xa. “Đất nước ta còn nghèo (rất chung chung thôi) nhưng có nghèo đến thế không…” Đúng là xót xa. Hi vọng từ những việc nhỏ nhất, từ bữa `”cơm có thịt” để thế hệ mai sau có thể tự hào mà nói “Đất nước ta đã giàu đẹp và sẽ ngày càng giàu đẹp hơn nữa…” Sẽ góp sức nhỏ ủng hộ bác.

  267. Nguyễn Nam nói:

    Thật cảm động, Chương trình thật có ý nghĩa.

  268. Hoang nói:

    Reblogged this on Hoang and commented:
    Bao lâu rồi mà đọc lại vẫn vậy…

  269. haong nói:

    Đi mãi và tìm tòi.
    Thực trạng đó đã tồn tại từ quá lâu ở cái nơi mà các bác đến, thậm chí ở cả những nơi mà các bác đã từng đặt chân đến và còn nhiều nơi khác nữa ở trên đất nước hình chữ S này.
    Khi các bác bước lên ô tô để đến nơi cần đến, vì các bác biết rõ ràng rằng các bác đang làm cho chuyên mục nào đấy (về người nghèo, đói chẳng hạn) hoặc một mục đích nào đấy (ví dụ là như thế). Các bác được đi ô tô, được nhìn cuộc sống tận cùng của sự vất vả! Yậy các bác nghĩ gì? Khó khăn ư? Nghèo đói ư? Lạc hậu …thậm chí là ngu xuẩn. Đúng cả các bác ạ!
    Vậy các bác, những người còn được đi bằng ô tô lên những nơi nghèo, đói và vô cùng lạc hậu có phải vì mục đích để kiếm tìm một bài viết nào đó về người nghèo, về sự không công bằng trong xã hội hay đang muốn góp sức làm cho xã hội của các bác trở nên đẹp hơn??? Nhưng các bác không bao giờ dám nghĩ rằng: khi các bác đến đó (những vùng đất nghèo kiệt, hoang sơ) bằng ô tô vậy các bác có dám đi bằng đôi chân (đi bộ) của chính các bác về nơi các bác xuất phát? Các bác có dám làm không nhỉ??? Trong khi những con người nghèo khổ ở một nơi nào đấy mà các bác tới, họ đã đi bằng chính đôi chân của họ mà không bao giờ suy nghĩ phía trước còn bao nhiêu ki lô mét, vì họ nghĩ rằng sau quả núi hay quả đồi kia là nhà của họ.
    Thậm chí những con người khốn khó ấy họ còn chưa biết máy ảnh là gì, cho tới khi các bác tới chụp ảnh và nói nơi này nghèo khó. Các bác chụp những hình ảnh về họ, về cuộc sống của họ nơi còn nghèo khổ, đói rách…và nhiều năm nữa họ vẫn vậy.
    Các bác đã ra về trên một phương tiện mà ngay lập tức các bác nghĩ rằng chuyến công tác tiếp theo một cái máy có khả năng leo đồi, lội suối cần phải được trang bị tốt hơn. Vậy cùng thời điểm đó những con người đói rách kia đang nghĩ gì nhỉ?

  270. Vo Thi Ha nói:

    Cháu đang du học ở nước ngoài. Tình cờ biết blog, phải xấu hổ thú nhận là mới đầu cháu cũng hoài nghi, không biết có thể mới đầu là ý tưởng tốt, nhưng khi đã quyên góp được một số tìên lớn, liệu có ai thay đổi ? Nhưng khi đã biết chính Bác Tuấn ở VTV3 hồi nào, cháu tin tưởng hoàn toàn. Cũng cách đây lâu lằm rồi tình cờ cũng tìm thông tin về Bác và đã tự quý Bác từ dạo ấy. Không ngờ, lại được gặp Bác trong một vai trò mới này. Giờ cháu lại nghĩ nếu Bác rời VTV3 sớm hơn có thể còn hay hơn, chỉ là suy nghĩ của cháu thôi. Cháu sẽ góp tay cùng Bác ! Lòng trắc ẩn luôn tồn tại ! Chỉ cần một người nhóm ngọn lửa, rồi tự khắc ngon lửa tình người ấy sẽ lan dần và Nối vòng tay lớn sẽ gần hơn với cuộc sống !
    Cháu Võ Thị Hà

  271. Le Le nói:

    Ngày xưa, cháu chỉ biết các trẻ em vùng cao qua các trương trình TIVI thôi, nhưng vừa rồi có một dịp lên Hòa Bình tham dự tết của người dân tộc ở đây, mới biết những lời bác Tuấn kể rất đúng a! Các bạn ở trong và ngoài nước đều có những hoạt động tích cực để ủng hộ các bạn nhỏ vùng cao! Không biết bằng cách nào cháu có thể góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để có thể cùng các cô, các chú giúp đỡ các em a?

  272. Để phát triển ngành chế tạo ở Châu Á việc đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề không thể thiếu đươc.
    Đặc biệt việc thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật đã
    trở thành vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp Nhật bản
    đầu tư ở Châu Á.

    Trước tình hình này, Trường Nhật Ngữ Sài Gòn đã tổ chức chương trình khóa đào tạo đặc biệt nâng cao trình độ kỹ thuật cho sinh viên đã tốt nghiệp đại
    học tại Việt Nam.

    Để thực hiện chương trình này chúng tôi
    tổ chức khóa học đầu tiên với dự kiến khoảng 400 học viên vào tháng 3.

    Mục đích của chương trình này là đào tạo nguồn nhân lực
    có năng lực đáp ứng được yêu cầu Quốc tế mang
    tính toàn cầu hóa.Khóa học sẽ cung cấp cho học
    viên các kiến thức thực tiễn về phương thức sản xuất của Nhật
    Bản, kể cả việc cải tiến và đào tạo
    nguồn nhân lực có trình độ xử lý các vấn đề về phân tích quy trình sản xuất và quản lý sản xuất.

    Nét độc đáo của chương trình này là tất cả các học viên sau
    khi kết thúc khóa học sẽ trở thành những người quản lý đáp ứng được yêu cầu theo
    hệ thống sản xuất toàn cầu hóa của doanh nghiệp Nhật bản.

    Học viên sau khi kết thúc khóa học sẽ được giới thiệu cho các doanh nghiệp Nhật Bản ở Nhật
    hoặc ở Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là
    100% các học viên sau khi học xong sẽ được tuyển dụng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

    Hơn nữa, sau khi học viên được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp tục được được đào tạo bồi dưỡng về các kiến thức và kỹ thuật nên đây sẽ là nguồn nhân lực ổn định, lâu dài giúp cho các doanh nghiệp duy trì được vì thế cạnh tranh trong xã hội…

    • Hoàng nói:

      Đúng là rác rưởi quá – comment cũng như tác giả của nó vậy. Tác giá là thằng cha nào vậy? Biến đi cho sạch blog của người ta.

  273. KVH nói:

    Ông Trần Đăng Tuấn đã từng là cán bộ cao cấp ( Phó tổng giám đốc thường trực- Đài truyền hình Việt Nam), ông đã từng được đào tạo tại Trường đại học tổng hợp Lomonosop nổi tiếng của Liên xô (cũ). Ông đã viết đơn xin từ chức (không rõ nguyên nhân gì) nhưng giờ ông tận tâm làm những việc thể hiện nghĩa cử cao đẹp, mang giá trị nhân văn sâu sắc, đáng được trân trọng. Một người có thể dùng đủ mưu mẹo để chiếm được vị trí quan chức cao cấp nhưng chưa chắc đã đóng góp cho cộng đồng xã hội, cho đất nước bằng những việc làm nhỏ bé, thiết thực và đơn giản như ông làm. Mong ông nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc của mình. Tôi sẽ thường xuyên đọc trang này và tham gia đóng góp một phần ít thu nhập của mình để ủng hộ việc làm của ông.

  274. Hoài Thuận nói:

    Cháu cảm ơn Chú vì bài viết chân thực và cảm động này! Việt Nam còn nhiều lắm những nơi như Suối Giàng Chú ah! Cháu rất mong được đóng góp một phần công sức của mình để san sẻ phần nào những khó khăn của các Em nhỏ vùng cao! Cần lắm những bàn tay chung sức vì cộng đồng!
    Hiện nay Cháu đang học tập ở xa Tổ Quốc nhưng chương trình “Cơm có thịt” đã đến với chúng cháu. Mong rằng chúng cháu sẽ làm được nhiều điều góp phần cho những bữa cơm của trẻ vùng cao không chỉ còn là màu trắng!

Gửi phản hồi cho hue nguyen Hủy trả lời