EM CHÀO CHỊ NA!

(Bài từ Lana Blog)
Bức thư của cô giáo Quỳnh phụ trách trường Mầm non Sàng Ma Sáo viết cho Lana và nhóm ‘gánh hàng xén’, Lana đã xin phép và được cô đồng ý cho đăng ở đây chia sẻ với bạn hiền như một câu chuyện về cuộc sống của các cô giáo và các bé ở các trường Mầm non vùng cao.
Sàng Ma Sáo, ngày 4 tháng 2 năm 2012
Thư gửi chị Lana!
Em chào chị Na! Em đang ở trên trường chị ạ, sau 2 tuần nghỉ tết lại đặt chân lên trường để tiếp tục công việc cũng giống như mọi người. Chị ơi! Tính đến hôm nay năm mới của người Việt đã được tròn 10 ngày rùi. Lời chúc đầu năm em gửi chị: Chúc chị luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, một năm nhiều may mắn và thành công chị nhé!
Chị Na! trong những ngày qua em đang suy nghĩ và trăn trở điều mà các anh các chị dặn em là: Em quan sát và cho biết những nhu cầu của các con để các anh các chị chuẩn bị cho những gánh hàng lên tiếp theo. Hôm nay em đã sắp sếp mọi thứ và dành một chút thời gian buổi tối để tâm sự với chị, chị nhé!
Các thông tin cơ bản về trường em chị và các chú các anh chị cùng đi trong đoàn “Cơm thịt” đã nắm được rồi, và cảm nhận được sự nhiệt thành của mọi người nên em xin nói cụ thể như thế này:

* Về đồ dùng phục vụ việc nấu cơm cho bọn trẻ: 
– Chúng em đã sắm được nồi nấu, bát và thìa, cái cơ bản nhất để có thể nấu được cơm cho các cháu.
– Để đảm bảo không phải bưng từng bát cơm chạy từ bếp lên các cô giáo muốn có thêm nồi sạch dùng để chia cơm và chia canh, thịt bọn em để vào bát cơm của từng con rồi. Nồi này, mỗi lớp cần 2 nồi chị ạ, loại nồi nhôm 5kg là được chị ạ.
– Dao và thớt để thái và băm thịt chúng em chưa có hiện đang tận dụng của các cô, nhưng các cô chỉ cõng được những thớt nhỏ xíu và 1 đến 2 con dao mỏng lên điểm trường, nên băm thịt cho trẻ hơi vất vả.
– Chị ơi! Xô chứa nước cũng rất cần, nhiều thôn bản của em bếp xa nhà, xa nguồn nước nên các cô khá vất vả. Do thôn xa, vận chuyển khó nên chùng em muốn xin một ít xô nhựa, loại nhựa đen to dùng bền.
– Một số điểm trường của em xa nguồn nước: Mà Mù Sử II, Sàng Ma Sáo, cần códây dẫn nước thì có được nước về.
– Ngoài ra nếu được thì chúng em cần thêm rổ, rá, và chậu nữa chị ạ!

* Về đồ dùng các lớp:
– Chị ơi! Phản gỗ để cho các cháu nằm rất cần thiết chị ạh, hiện tại em đã có 4 lớp là các lớp phòng xây, các lớp tạm nền đất đã có xốp nhưng vẫn lạnh, và để đảm bảo thì nếu có bạt trải dưới sau đó kê phản là tôt nhất chị ạ, mỗi phản là 2 cháu nằm. Kinh phí mua phản rất tốn và vận chuyển khó nên e xin đề xuất 1 địa chỉ để chị nghiên cứu nhé. Ở Xã Bản Xèo, giáp với Xã Pa Cheo có một gia đình đã đóng phản này cho nhiều trường vùng thấp của huyện em giá khoảng từ 230k-250k / chiếc.
– Bình đựng nước để các cháu uống em đã có cho 2 lớp rồi, còn thiếu 13 lớp nữa chị ạ, ca uống nước em cũng thiếu 13 lớp = 243 ca, nếu được chúng em muốn đề nghị loại ca inox để đảm bảo vệ sinh chị ạ. hì.
– Khăn mặt cho trẻ con các cô của em cũng tự sắm từ đầu năm nhưng hỏng và cũ nhiều rồi.
– À, còn gối nằm, em cứ nghĩ quanh mà không ra, vì quan sát thấy chúng nằm từ đầu lên bạt giáp đất và phản sẽ đau đầu chị nhỉ.
– Chăn đắp trường e tương đối đủ nhưng em xin có ý kiến có thể giúp các anh chị nghiên cứu để sắm cho các trường chưa có trong gánh hàng lần này: Trẻ con trường em đang đắp chăn hơi ruôt siêu nhẹ, nhưng e thấy loại chăn này ko sử dụng được lâu, dùng 1 thời gian là ruột xô hết. E thấy một số trường vùng thấp của huyện em dùng loại chăn lông hoặc nỉ dày rất hợp lí chị ạ.
– Đọc danh mục gợi ý của chị và tham khảo giáo viên chiều nay( 3/2) e nhớ ra và đề xuất thêm mục bạt quây lớp, 15 lớp thì chỉ có 4 lớp ở điểm chính và Chu Khu Phìn là nhà xây cấp 4, còn 11 lớp nhà vách nứa hoạch ghép gỗ sương mù trẻ rất rét, cô giáo thì khó trang trí lớp. Chị ơi! Để quây lớp mình nên dùng bạt sáng màu trắng hoặc loại sọc trắng đỏ để lớp học sáng sủa hơn.

* Về đồ dùng học tập của các cháu:
– Hàng năm học sinh 5 tuổi trong chương trình mục tiêu của trường được 1 vở tập tô, 1 bút chì chị ạ. Các đồ dùng khác: sáp màu, đất nặn, kéo, …v..v… không được trang bị, các cô giáo của em bỏ tiền túi để sắm cho các cháu nên chỉ được chút ít. Nếu có thể các cháu xin thêm sáp màu để vẽ, đất nặn, giấy màu, kéo thủ công. Thời điểm này cũng sắp hết năm học nên có thể quyên góp đồ cũ hoặc dư ở các trường dưới Hà Nội thì cũng được chị ạ (E thấy các bài trong gánh hàng xén các chị thảo luận nên cũng muốn có ý kiến. Hihi!)
– Chị ơi! Báo họa mi, tranh truyện chúng em xin quyên góp sử dụng lại của các bé thành phố chị ạ.

* Vật dụng y tế:
– Bông băng, cao nóng và dầu gió, bạc hà ngậm tránh ho phù hợp với học sinh của em chị ạ!
Chị yêu quí! Có lẽ em sẽ dừng các danh mục ở đây chị ạ. Lúc này cho em bộc lộ cảm xúc của mình. Lúc đầu khi nghe chị và a K. “Cơm thịt” nói xem cần gì thì nói cho các anh chị, bởi vì việc này cũng “giống” việc chúng em xin kinh phí, đồ dùng, v..v. của Phòng Giáo dục và Huyện nên e thấy cứ phải nghĩ nghĩ. Nhưng hàng ngày mỗi khi nhớ lại cử chỉ của các anh chị với trẻ con và theo dõi trên trang blog của chú Tuấn, blog của các anh chị, thường trực đọc các bài viết, các cảm nhận và cả các trao đổi của mọi người em lại thấy rất tự tin và muốn cởi mở tâm sự với chị.
Chị ơi! Các danh mục mà e liệt kê nhờ chị và mọi người nghiên cứu giúp cho các cháu hộ em, e sẽ giữ liên lạc với mọi người chị nhé!

TB: Chị à, còn việc chị hỏi thăm về các cô giáo của em, thực ra công tác ở một nơi xa xôi và khó khăn thì mỗi cô ngoài thiệt thòi chung còn có nhiều mong muốn cho cuộc sống của mình nơi cắm bản, tuy nhiên cho phép em thay mặt các cô xin được nói 1 điều: Các món quà nho nhỏ của đoàn mà chúng em nhận được và đặc biệt là món quà tinh thần các anh chị đem đến làm chúng em vô cùng phấn khởi và cảm động chị ạ.
Cuối thư e xin gửi lời chúc các cô chú anh chị luôn mạnh khỏe hạnh phúc!
Em chào chị!
Em Quỳnh – Mầm Non Sàng Ma Sáo.

Những tấm hình này chụp trước Tết – ở bản Nậm Pẻn I, Nậm Pẻn II (SMS), trước khi các bé được áo ấm và ủng. Một số cháu bây giờ có thể vẫn chưa quen đi ủng, lần tới lên SMS các bác sẽ ‘kiểm tra’ nhắc đi và ‘phạt’ nếu còn chân đất nhé.

About trandangtuan

chỉ mong làm được những điều nho nhỏ...
Bài này đã được đăng trong Báo viết ké. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

15 Responses to EM CHÀO CHỊ NA!

  1. Sapa nói:

    Trước đến nay mình chưa bao giờ mơ hay ham giàu sụ. Nay đọc bài này của các cô mình bỗng khao khát kiếm tiền và có phần nuối tiếc… Nhờ bác Tuấn hiểu về chính trị giải thích cho khi Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới ký vào công ước quyền trẻ em thì chính phủ có hiểu là phải làm những gì không ạ.

  2. Nguyễn huy hoàng nói:

    sự chân thành của cô giáo Quỳnh làm tôi nhiều cảm xúc yêu mến,những điều chúng ta đang làm cũng mang lại cho chính chúng ta vẻ đẹp tâm hồn,nuôi dưỡng sự sống đẹp hơn nhân văn hơn .ngay với những con người xung quanh chúng ta,trong gia đình,trong bà con lối xóm.
    Tôi tham gia Hội cha mẹ nhân ái sau sự kiện bé Nhân Ái ,chứng kiến bao hoàn cảnh thương tâm,có sống ở bệnh viện một ngày đêm,bạn sẽ thấy bao điều …và có sống cùng các con nơi khó khăn mới thấy hết được gian truân và sự chịu đựng.
    cảm ơn Anh TDT và các bạn ,những mảng màu tươi sáng trong cuộc sống hôm nay

    • Lana nói:

      Lana xin cảm ơn cái bắt tay ấm áp của bạn.

      • vũ thu hương nói:

        Chào chị Na
        Qua anh Tuấn được biết đợt tới bên chị có ng đi lên Mường Khương nếu có thể em muốn tham gia đi cùng và đóng góp chút ít cho các cháu chị có thể cho liên lạc được không ạ . Cảm ơn chị

        • Lana nói:

          Hương à, mình nhận được thư bạn Vũ T.T Hương anh Tuấn forward qua và đã reply qua email, nếu là bạn thì bạn check mail nha. Mến.

  3. Lana nói:

    Các cháu bây giờ đi học rất đều vì ở lớp có cơm thịt của “bác Tuấn và đồng đội”, tới các mẹ ‘Gánh hàng xén’ và ‘Giỏ thị’ đang luấn quấn chuẩn bị gánh gồng dao thớt xoong nồi rổ rá sách bút phản nằm chiếu cói.. lên Sàng Ma Sáo cho các bé. Thêm bạt che những vách phên gió lùa sương mù vô lớp. Thêm kim chỉ cúc nút để cô may đỡ những chiếc áo xộc xệch hở toác như cô bé xinh xắn đứng bên lớp chụp hình ở trên.

    Có một điều Lana muốn chia sẻ là ngoài bức thơ này, trong danh sách liệt kê những thứ đồ cho trẻ mong được ủng hộ, cả thầy Thắng hiệu trưởng Tiểu học SMS và cô Quỳnh hiệu trưởng Mầm non đều ghi “quần áo cũ”. Thấy thương gì đâu…

    • Nguyễn huy hoàng nói:

      Đồng cảm với Lana ,,giá như các con được nhiều hơn những gì chúng ta đang có.giá như cuộc sống của các con có 0,1% trong 90 tr người chung tay tình nguyện thành một quỹ thường xuyên trên đất nước mình,sẽ là đáng quý biết bao.
      Nhưng như Anh TDT đã nói chỉ mong làm được điều nho nhỏ,vậy chúng ta cùng yêu những điều nho nhỏ ,nước mắt có rơi rơi khi nhìn các con mang trên mình những tấm áo mảnh quần đã cũ ,cũng vẫn là những giọt nước mắt hạnh phúc ,khi thấy các con vui

  4. Dien Hoa nói:

    Thật cảm động. Cám ơn Lana và anh TDT. Cám ơn tấm lòng nhân ái của tất cả mọi người.

  5. trandangtuan nói:

    Mọi người đang trên đường về từ Mường Khương . Tối qua đã gửi bổ sung số áo rét lần trước các cháu còn thiếu cho cả hai trường Tiểu học và Mẫu giáo,cô Quỳnh nắm tình hình hộ và nói với bên tiểu học nhé.

  6. Thùy Dương nói:

    Cảm ơn tấm lòng của các anh, các chị nhiều nhiều!

  7. hanh.pham nói:

    Đọc các mong ước của các cô, các bé thế này em cũng chỉ cháy bỏng khao khát: ước chi mình giàu có dư giả hơn nữa !!! Thương quá đi.

  8. Khánh Vân nói:

    Bạn “Sapa” ơi, Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới ký vào công ước quyền trẻ em vì trong cái hội nghị ký kết ấy, bác đại diện của mình ngồi ngay ghế đầu, tới lượt thì thò bút ký ngay, chứ có gì đâu bạn.

  9. Lana nói:

    @Sapa, Khánh Vân: Mình xin viết một chút về điều này, thật ra lên tận nơi, thấy tận mắt thì chính sách cho miền núi LÀ CÓ, và mình tin là không hề nhỏ so với Ngân sách của cả nước, vấn đề nếu có là việc thực hiện sao cho hiệu quả giảm thất thoát (chủ quan) và người dân nhận thức còn quá đơn giản, dân trí thấp (khách quan). Những việc này chúng ta đều biết muốn khắc phục cần phải lâu dài, không đơn giản.

    Mình có thể kể về những điều mình nhìn thấy: Ở mỗi điểm xã có ít nhất 1 điểm trường tiểu học + mầm non được xây (cấp 4) – nhưng vì vùng nghèo lại không có phương tiện, dân trí lại thấp nên xa xã một chút là phần lớn bọn trẻ nghỉ đi học luôn, vậy nên phải tổ chức các lớp cắm bản ở từng bản để ‘kéo bọn trẻ đến lớp’, những lớp này thì còn sơ sài thiếu thốn. Ví dụ Xã Pa Cheo tụi mình đến có đến 1 điểm trường chính và 6 điểm lớp cắm bản. Sàng Ma Sáo có tới 12 điểm cắm bản, mỗi điểm bản chỉ có mười mấy hai mấy học sinh.

    Trẻ con trên đó đi học hoàn toàn không phải đóng tiền học và được bao cấp toàn bộ cho việc học (bút, sách cuốn vở, phấn bảng… (dù nhiều nơi chưa đủ)). Các giáo viên dạy trên đó được hưởng chính sách lương ưu đãi hơn miền xuôi, tuy không phải quá cao. Từ đó có thể hình dung ra nguồn ngân quỹ không nhỏ cho phổ cập giáo dục miền núi, để có những giáo viên bám bản bám trường, và để bọn trẻ con trên đó chịu đến học chữ (nâng dần dân trí).
    Ở các trường Mầm non thì nhà nước có chính sách trợ cấp tiền ăn trưa cho những cháu 5 tuổi (chuẩn bị cho tiểu học). Đó cũng là chính sách trợ cấp. Còn nữa thì là những chính sách xóa đói giảm nghèo cho dân ở đó, cho những ông bố bà mẹ trên đó. Cái này lớn, mình không dám bàn.

    Một ví dụ cụ thể về việc đầu tư trợ cấp và dân trí thấp: Khi tụi mình đến các điểm trường, có điểm trường xây, có nhà vệ sinh xây hẳn hòi, nhưng khóa trái. Hỏi, thì các thầy cô bảo vì không có nước, nên đành khóa, bọn trẻ khi có nhu cầu xả cứ việc ra ‘thiên nhiên’, kể cả là trời mưa hay rét.
    Hỏi kỹ thêm, thì ở xã đó đã từng có dự án cấp nước được đầu tư 2,2 tỉ đồng, xây bể hứng nước trên núi rồi đưa dây dẫn về từng điểm trường và từng nhà dân. Nhưng rồi mùa cạn ống nước bị chặt lung tung cả, người dân chặt ngang ống để lấy nước cho ruộng của họ, có người cắt ống bán đổi ngô, trẻ con thì đổi bóng bay…

    Nên sau những chuyến đi “Cơm thịt”, nhìn thực tế, mình hoàn toàn ủng hộ bác Tuấn. Thôi không hỏi những điều xa xôi, chỉ tập trung vào bọn trẻ, làm những việc trong tay mình có thể, những việc tưởng nhỏ nhưng kéo bọn trẻ đến trường, góp phần nâng từ cái gốc là dân trí, chưa kể, là để, biết đâu, sẽ có những hiệu ứng để chính sách của chính phủ cho vùng nghèo được thực hiện hiệu quả hơn…

    • trandangtuan nói:

      Có một số thông tin thêm thế này:
      – Cho đến thời điểm này,ngoài học sinh 5 tuổi thì các cháu 2-4 tuổi ở các trường Mầm Non dân tộc miềm núi cũng đã được chế độ hỗ trợ 120.000 đ/tháng giống như các em 5 tuổi. Tuy nhiên có chế độ không có nghĩa là triển khai được rồi. Trong các chuyến đi hiện mình chưa gặp chỗ nào trẻ con dưới 5 tuổi đã nhận được hỗ trợ. Do vậy khi hỗ trợ các trường Mầm Non quỹ ” Cơm có thịt” chỉ hỗ trợ cho các cháu dưới 5 tuổi thôi.
      – Với học sinh bán trú dân nuôi các trường Tiểu học và Trung học cơ sở thì theo chế độ mỗi em được cấp 320 ngàn/tháng cho việc ăn tại trường. Về ký túc xá chôc xó, chỗ chưa có các em phải ở lán. Tiền 320 ngàn có chỗ đã có ( như Nậm Chảy- Mường Khương), có chỗ chưa có như Văn Chấn ( Yên Bái).Hiện cũng đang giúp những nơi chưa có hỗ trợ của nhà nước.
      – Về cơ sở trường lớp : Cái này nhìn thấy ngay là ở Huyện và Trung tâm xã nhìn chung đầu tư nhiều, nếu nói về trường lớp thì không khác dưới xuôi. Nhưng các lớp điểm bản (phân hiệu) thì rất sơ sài, nhà nứa lá, không đủ điều kiện về chống rét, chống nóng, và ánh sáng.
      Bình thường thì địa phương phải tự lo các cơ sở lớp ở điểm bản này, nhưng có nơi nghèo quá họ cứ tạm vậy thôi. Nếu sau này ta nhờ kiến trúc sư, các nhà xây dựng chọn thiết kế một mẫu lớp điểm bản vừa hợp lý, vừa dễ xây dựng,rẻ… thì vận động giúp các điểm trường, mình tin nhiều người ủng hộ.

      – Đầu tư cho giáo viên : Mỗi xã ba trường ( Mầm Non- Tiểu học- Trung học cơ sở) thì đã gần hoặc cả trăm giáo viên chứ không ít. Hầu hết là người miền xuôi lên. Lương giáo viên miền núi cao hơn dưới xuôi gần gấp đôi. Đầu tư một đội ngũ như vậy là rất lớn. Nhưng trong tình hình chung của đời sống miền núi thì các thày cô lên đó chịu nhiều thiếu thốn. Nhà công vụ chủ yếu cũng là tranh nứa.
      Nói tóm lại, đầu tư công cho giáo dục miền núi không nhỏ. Nhưng triển khai chưa đều, có nhiều chế độ chậm.Việc giúp các cháu như chúng ta làm rất cần thiết. Chẳng mong gì hơn là có lúc sự giúp đỡ này không cần thiết nữa. Nhưng đến lúc đó hãy tính. Bât giờ nhìn thấy trẻ em thiếu thịt, thiếu nước, thiếu áo… không đành lòng.

      • Nguyen Hoai Van nói:

        Đúng vậy anh Tuấn ạ, trong khi chờ đợi chế độ của chính phủ, chính quyền địa phương đến với các cháu ở những vùng đặc biệt khó khăn này thì những tấm lòng hảo tâm rất cần, và cần được nhân nhiều thêm nữa.
        Em xin ủng hộ chương trình “Cơm có thịt” của anh!
        Xin cảm ơn anh.

Bình luận về bài viết này