Tả Gia Khâu: Những chuyện khó tin

Tác giả: Sống Thật Chậm

Phải thú thực là khi sửa soạn các gánh hàng cho 3 phiên chợ của tháng Ba, tôi không mặn mà với phiên chợ Tả Gia Khâu mấy, bởi sau đợt khảo sát ké 1 số trường Mẫu giáo và Tiểu học ở Mường Khương với đoàn Cơm có thịt của bác Tuấn, tôi có ấn tượng rằng so với huyện Bát Xát thì các trường ở huyện Mường Khương đầy đủ và sung túc hơn rất nhiều; đời sống của người dân nói chung có vẻ hơn hẳn; đường xá giao thông cũng tương đối thuận lợi… Nói cho công bằng, các điểm trường của Tả Gia Khâu nếu so với Pa Cheo và Sàng Ma Sáo thì đã ở điều kiện đáng mơ ước lắm rồi: hầu hết các điểm trường đã được xây kiên cố, giáo viên được đi đường nhựa đến tận sát điểm trường hoặc chỉ phải đi đường núi 1 quãng, nước sạch không phải thiếu đến mức cùng cực, học sinh ít ra cũng được ăn mặc lành lặn, sạch sẽ… nhưng đó chỉ là bề nổi, khi nói chuyện và tìm hiểu sâu hơn, tôi được nghe và biết những điều không thể tin là có thật, bạn có muốn nghe không?

Chuyện 1: Học sinh mẫu giáo đi học mang theo cái gì?

Đố bạn đoán được đấy? Chắc bạn sẽ đoán những thứ như bút chì, bút sáp, thước kẻ, vở tô màu… Nhầm cả rồi nhé, ở những điểm trường mà tôi đã thăm của Tả Gia Khâu (Na Măng, Vũ Xà, Lao Tô), các bé đi học mang theo bát hoặc cặp lồng, thìa hoặc đũa, và cả chăn nếu trời lạnh. Bạn xem này:

 

Cái rổ úp bát ngăn nắp này là nơi tạm trú trong ngày của những thứ năm cha ba mẹ đến từ nhiều gia đình khác nhau. Các cô giáo bảo chiều lại phải rửa sạch sẽ để các con mang về nhà. Hỏi: “Tại sao không yêu cầu các gia đình để lại 1 bát 1 thìa ở trường cho con?”, trả lời: “Vì thế thì ở nhà không có đủ bát ăn, nên họ không chịu chị ạ.”

Chúng tôi đến thăm đúng giờ nấu cơm của cô giáo ở Lao Tô, bữa trưa hôm ấy có canh bí đỏ, món chính là thịt băm nấu với cà chua và đậu phụ. Trông qua thì thấy gian bếp nhỏ giản dị ấy có đầy đủ những thứ cần thiết để lo bữa cho các con. Khi nghe cô giáo hồ hởi khoe: “Em biết rồi, các chị mang lên cho bọn em cả nồi niêu xoong chảo, chiều nay em sẽ được chia về đây, mai đỡ phải đi mượn nồi của dân nữa” tôi suýt ngã ngửa, hóa ra cả đến 3 cái nồi đen thui cũ rích này các cô cũng phải mượn của nhà dân gần trường, nấu xong bữa trưa cho trường thì đánh chùi trả lại cho dân.

 

Xem các cô chia cơm cho con, đúng thực là có bát dùng bát, có tô dùng tô, không có thì… âu nhựa và cặp lồng.

Nhà nào có thìa là sang lắm nhé. Hầu như các bé không có thìa, nhà chỉ có đũa để mang theo, thế cho nên các bé 3-4 tuổi có thể dùng đũa ăn cơm trong cặp lồng gọn gàng không rơi vãi tý nào.

 

Cũng chẳng sao, bữa cơm của con vẫn vui và vô cùng ngon miệng.

Chuyện ăn đã thế, đương nhiên trường chẳng có đủ chăn và gối cho các bé ngủ trưa, hôm nào lạnh, mẹ 1 số bé có thể tha chăn đến trường cho con nằm đỡ trên bàn, nhưng chiều thì dứt khoát phải tha về, “Cô thông cảm nhé, vì không thì chẳng có gì để đắp ở nhà”.

Những món hàng đơn sơ mà Gánh hàng xén mang lên cho các con trong phiên chợ ấy: cái thìa inox, cái bát inox, cái chăn, chiếc gối… tự nhiên trở nên có giá kỳ lạ… Ít ra thì các con cũng sẽ được ăn bằng thìa trong bát to, có gối êm chăn ấm để nằm mà không phải tha lôi lếch thếch thứ gì theo người mỗi ngày đến trường nữa.

Chuyện 2: Một ngày có thể trốn học bao nhiêu lần?

Nào, lại đố bạn đấy, tôi mà được hỏi thế tôi sẽ đoán ngay là 2 lần, học 2 buổi thì trốn tối đa là 2 lần còn chệch vào đâu được? Hì hì, lại sai nhé. Tôi đã túm được một anh cu con trốn học hẳn 3 lần trong 1 buổi sáng ở điểm trường Na Măng.

Về nhà soi lại trong đám ảnh của bạn Thắng chụp ở Na Măng, đúng là đầu giờ học anh bạn nhỏ này đã ngồi trầm ngâm trong lớp.

Lỗi chẳng phải tại em, ai bảo nhà trường chỉ có mỗi 1 lớp mẫu giáo cho tuốt tuột từ bé đến lớn, em chưa đến tuổi được tập tô tập vẽ như các anh chị, bắt em ngồi chầu rìa như thế kia cả buổi mà em không trốn về mới là lạ.

Đang đứng trò truyện với cô giáo, tự nhiên thấy 1 bà mẹ trẻ lưng địu con, tay lôi xềnh xệch ông ôn con vào lớp, thằng bé mếu máo cưỡng lại, cô giáo rất ngạc nhiên: “Ơ, sáng nay nó vào lớp, thoáng cái chuồn mất, mẹ nó đã giong quay trở lại 1 lần rồi cơ mà nhỉ?” Bà mẹ trẻ cười hồn nhiên: “Lại trốn về nhà, tao bắt nó cho đấy.” Tôi bắt chuyện với mẹ của cậu bé: “Em bao nhiêu tuổi rồi?” Mẹ em đỏ mặt thẹn thùng: “Không biết đâu, mười mấy tuổi rồi”. Ối giời, không tin được là thời nay còn có người không nhớ tuổi mình, tôi gặng thêm: “Chắc là 16 tuổi chứ gì. Thế con em mấy tuổi rồi?” Mặt em càng đỏ hơn: “Không, chắc là nhiều hơn, không nhớ tuổi nó đâu, mấy tuổi rồi đấy” (Hì, mấy là mấy, đố bạn hiểu được đấy, thôi thì vừa nghe vừa đoán vậy) Tôi chỉ vào em bé mà em đang địu trên lưng: “Thế bé này bao nhiêu tuổi rồi em?”, em cười tươi nhưng mặt không thể nào đỏ hơn được nữa: “Chắc 1-2 tuổi gì đấy”. Rồi em quày quả ra về. Tôi nghĩ chắc là em không hiểu rõ tiếng Kinh, nhưng cô giáo đã giải thích: “Đúng là họ chẳng quan tâm ngày tháng tuổi tác gì đâu chị ạ, nó hiểu hết cả đấy, nhưng nó chẳng nhớ tuổi nó hay tuổi con đâu.”

Lúc ra về, vừa bước chân lên đến đường cái, tôi nghe giọng 1 bà mẹ lanh lảnh quát con từ phía bên này đường, ngước nhìn lên thì thấy ông bạn nhỏ đã leo được nửa dốc phía bên kia đường. Bà mẹ chắc biết thóp anh con trai thế nào cũng trốn học tiếp nên đã canh chừng ngoài cổng, y như rằng tóm được anh chàng băng qua đường, thoăn thoắt leo dốc chuồn về nhà. Nghe mẹ quát, nó tần ngần quay trở xuống.

Tôi buồn cười quá, và cũng nổi cơn tò mò nên sà đến hỏi chuyện bé. Sau 1 hồi dỗ dành và hối lộ cho bé 1 ổ bánh mì kẹp mà chúng tôi chuẩn bị để cứu đói nếu lỡ bữa trưa, bé chịu trả lời thông qua phiên dịch của mẹ “Con sợ cô, ở lớp buồn lắm.” Mẹ của em bé cũng cởi mở hơn, kể với tôi rằng nhà cô ở trên đỉnh dốc phía bên kia đường, cô có 3 con rồi, đứa lớn cũng đang học trong trường này. Hàng ngày chồng đi làm thuê ở đâu đó, cô thì quanh quẩn ở nhà trông con và làm việc nhà. Thằng cu này mới đi học nên hay trốn, cô cứ phải rình để bắt nó quay lại lớp.

Bà mẹ trẻ này dù sao cũng là cá biệt, nhưng không phải là cá biệt theo hướng bạn đang nghĩ đâu, dường như ở Tả Gia Khâu này logic thông thường không được áp dụng, vì sao thì để kỳ sau kể tiếp nhé, dài rồi, xin phép bạn tạm ngưng ở đây đã.

About trandangtuan

chỉ mong làm được những điều nho nhỏ...
Bài này đã được đăng trong Báo viết ké. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

5 Responses to Tả Gia Khâu: Những chuyện khó tin

  1. Bắp Cải nói:

    Mỗi lần ghé vào blog bác Tuấn, mỗi lần đều thấy thương. Sao mà thương thế! Cả trẻ em lẫn người lớn.

    • trandangtuan nói:

      Vâng, đã bị hack. Mình không nghĩ blog này lại cũng là sự chú ý của hacker ! Quả thật chẳng hiểu người ta làm vậy nhằm cái gì . Mới khôi phục lại nhưng k biết có được lâu không.

      • HAT nói:

        Anh Tuấn chịu khó mở thêm vài trang blog dự phòng (đặt chế độ private: Dashboard>Settings>Privacy>check box “I would like my site to be private”), định kỳ import dữ liệu ở trang này sang đó (Dashboard>Tools>Import …), đề phòng trang này bị hỏng anh ạ.

  2. trunghongnhung nói:

    Cháu là Thu Hồng . Hôm nay cháu đã gửi tiếp tiền của QII vào tài khoản của chú . Hì hì , tháng này được tăng lương rồi chú ạ , các quí sau cháu sẽ cố gắng gửi thêm cho các em . Chắc chú cũng rõ rồi chú nhỉ , lương chưa tăng mà giá cả đã lên vèo vèo mà điều này nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn của các em .

Bình luận về bài viết này