Một chuyến đi dài (2)..

Xế trưa Lao Chải

Đã qua mùa lúa chín. Vẫn những nương bậc thang kỳ vỹ ấy, nhưng xám màu rạ cũ, như bị vắt kiệt sau một cuộc sinh nở.

Xe leo lên dốc vòng vèo, cao, cao mãi, bụi đỏ quạch. Sao người H Mong lại cứ lên cao mà sống. Mà khi làm nhà, họ thường chọn cái chỗ chênh vênh nhất, chỗ gió thổi tốc vào, mùa đông sẽ là nơi buốt giá nhất . Tại sao ?

Cuộc sống không bao giờ chấp nhận phi lý, nhưng liệu có thể hiểu được cuộc sống bằng cái lối luôn thắc mắc: Cái này có hợp lý hay không ?

Lên đây từ chốn thị thành, nơi cái gì cũng chạy. Người vội vã chạy. Xe chạy. Nhà cửa chạy. Mây trời chạy trên cao, khói bụi chạy bên dưới. Lo âu chạy. Vui thích chạy. Cái tình cái nghĩa cũng có chân, và cũng chạy.Cái gì cũng chạy… Còn ở đây, trong xế trưa Lao Chải, mọi cái dường như đứng yên.

Sân trường đứng yên. Cái dòng nước chảy về bể chứa nhỏ  ( có tiền chương trình “ cơm thịt” hỗ trợ) đứng yên. Trên bếp hai bà cháu ngồi yên như tượng. Đến con lợn thả rong với cái ách tam giác trên cổ giờ  này cũng đứng yên. Trên sân trường, mấy đứa nhỏ không chạy nhảy, đứng yên ngước nhìn bọn người lạ.

Có cái xe máy chạy đến. Tiếng xe mồ côi không phá vỡ nổi sự tĩnh lặng đứng yên của cả cái trung tâm xã trên núi cao này. Người đàn ông dừng xe, hai đứa trẻ trèo xuống, đứa đỡ lấy gói củi sau yên xe; Đứa xách hai tay nải gạo đi lên dốc vào khu nội trú. Chúng nó trở lại trường để bắt đầu một tuần nữa xa nhà . Những đứa trẻ bước lên hành lang trống vắng của dãy nhà tập thể. Rồi đứng yên, vịn cột, nhìn xa xa..

Chúng ta nói nhiều chuyện các em nhỏ thiếu thịt, thiếu canh rau. Chúng ta dường như chưa hiểu được những đứa bé tý ấy mang tâm trạng thế nào khi xa nhà, xa bố mẹ cả một tuần. Chúng ta có hiểu đứa bé xa nhà hàng ngày ở khu nội trú nghĩ gì ?. Mỗi chúng ta hãy nhớ lại cái cảm giác lần đầu mình xa nhà…

Những câu chuyện về vận động trẻ con vùng cao đi học là thực tế. Nhưng có thể vì những câu chuyện ấy mà người ta dễ nghĩ trên vùng cao trẻ em “ lười” đi học. Tôi tự hỏi : Nếu khó khăn như trên đây, liệu tỷ lệ trẻ con đi học dưới xuôi là bao nhiêu ?. Điều bất ngờ với những ai lên vùng cao, là thấy người dân và trẻ con thực sự dám chịu khổ sở vì sự học nhiều lắm lắm.

Bố đưa đến trường

 

Củi và gạo tuần này của bé

Gạo cho cả tuần xa nhà của bé khác
Vun vén vì cái chữ cho con
Đợi bạn lên mới có chìa khóa để vào phòng…
Gặp cậu bé mình lấy làm biểu tượng trên blog !

Bé gái chơi trong sân trường

Cứ lang thang chơi trong sân trường. Lớn lên xinh lắm đây !

Quán cóc trên đỉnh Hoàng Liên

Từ Mù Cang Chải, chạy qua đất Sơn La, rồi vào lúc xế chiều là vượt đèo Hoàng Liên để sang Sa Pa. Bây giờ mới biết một cái đèo đẹp như thế. Lên đúng chỗ đỉnh đèo- đúng là cái chỗ đẹp nhất, ngó xuống thấy toàn bộ con đường lên đèo lấp loáng vòng vèo, ngó lên thấy lừng lững ngọn Phanxiphang lúc đó bắt đầu dần chìm vào sương và mây . Chính chỗ này có một cái quán lá nhỏ. Nó rất đơn sơ, nhưng nằm ở vị trí khiến người ta muốn dừng ngay xe lại.

Trời rét. Cô chủ quán (khá xinh) ngồi bên cạnh bếp than hồng. Mà trong góc còn một bếp nữa cũng âm ỉ cháy. Chục quả trứng gà nướng trên than,

Cô chủ quán này là bộ óc kinh tế đáng nể. Thứ nhất, chọn đúng chỗ đẹp nhất trên đỉnh đèo thuộc loại đẹp nhất Việt Nam để mở quán. Thứ hai, tối ưu hóa đầu tư. Một đàn gà rúc rích sau quán, đẻ trứng để nướng ngay tại chỗ cho khách. Mấy lon đồ uống thông thường. Lủng lẳng mấy con dao Mông chắc vừa để bán, vừa để tự vệ chăng? ( Mình cũng mua một cái, giá 110 ngàn).  Vậy thôi, mà hàng tháng tiền lãi ( bạn có tin không? ) trên chục triệu đồng. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, cô nói vào mùa du lịch, nhiều người bán hàng kiếm vài ba chục triệu/tuần là thường.

Hai đứa con nhỏ ở nhà với bố. Tối anh chồng đi xe máy lên, ngủ đêm coi quán. Vợ đi chính xe máy đó về ngủ với con. Có anh cứ muốn tìm hiểu thật sâu : Thế thì … cứ ngủ riêng suốt thế à ?. Mãi rồi cô cũng đỏ mặt khai : “ Thỉnh thoảng cả hai ngủ lại trên quán”.

Tất cả lên xe đi thì trời đã bắt đầu tối. Bỗng nhiên cái vẻ hữu tình biến mất, chỉ còn sự lạnh lẽo, hoang vu. Một mình trong cái quán giữa lưng chừng thiên địa thế này, quả là gan. Mà anh chồng để cô vợ trên đây cả năm, mưa cũng như nắng, ở cái nơi lục lâm thảo khấu không thể không có, cũng quả là liều.

Nhưng chục triệu đồng là thu nhập mà dưới xuôi đâu phải ai cũng mơ được ?

Đèo Hoàng Liên

Đằng sau quán cóc là Phanxiphang…
Một cái bếp than thôi mà ấm cả đỉnh đèo…
Tia nắng cuối. Chiều lạnh. Mặt trời đi ngủ sớm..

Tối ở Sa Pa, thấy các thím dân tộc len lỏi vào các quán, tiệm, , bán mọi thứ hàng lưu niệm, bắn tiếng Anh hơn đứt dân Hà Nội lên. Rồi nghe kể về chuyện : Ở Sa Pa, trẻ con bỏ học nhiều, không phải vì nghèo như ở các xã khác, mà là vì chúng nó có thể kiếm được tiền do khách du lịch ngày càng đông. Lại nhớ đến chuyện thu nhập mười triệu và nếp sống người trên đỉnh, kẻ dưới chân đèo Hoàng Liên của đôi vợ chồng nọ. Chẳng đâu vào đâu cả, nhưng cái suy nghĩ vẩn vơ kia nó cứ bám chặt trong đầu : Phải năng động, phải phát triển mới thoát nghèo được. Nhưng lẽ nào muốn thoát nghèo thì lại phải mất hết những cái êm đẹp từng có, và phải chấp nhận một sự chông chênh, với rủi ro rình rập, với một cái gì vô định phía tương lai ?.

Pa Cheo

Chính ở Pa Cheo, lần đầu tiên mình nhìn thấy một ” thày mầm non”. Thày giáo còn rất trẻ, quê Phú Thọ. Lên đây, khối tiểu học, trung học cơ sở đã đông giáo viên, nhưng mầm non lại thiếu. Vậy là thày cũng dạy các cháu hát, múa, kể chuyện vẽ tranh… Dĩ nhiên, thày làm những việc đó không thể tự nhiên như các cô giáo , nhất là khi có đoàn khách lạ đến. Không hiểu sao, những thoáng ngượng ngập ấy của thày giáo trẻ khiến mình không quên được.

Thày dạy múa..

Pa Cheo chắc là nơi rất nghèo. Bố mẹ học sinh chỉ góp được củi, không có gạo góp cho con ăn trưa ở lớp. Chẳng hiểu bằng cách gì, các cô ( à quên, ở đây có cả thày nữa) vẫn lo cho chúng nó có cái bỏ vào bụng mỗi ngày đi học. Mình xác thực điều này qua hỏi chuyện một bà mẹ dân tộc . Có ba đứa con ở trong trường mẫu giáo này, con trong lớp, mẹ cứ đứng ngoài …chơi, đợi hết giờ học thì dắt con về nhà. Hỏi : Sao không về nhà đi làm ? Thì trả lời rằng “cái chồng” nó đi làm là được rồi. Thế này mà không nghèo mới lạ. Nhưng lại nghĩ chỉ núi với đá thế này, đất cũng chẳng có mà trồng cấy, thì sự chăm chỉ cũng chẳng có chỗ mà đắc dụng.

Đúng là phải giúp trẻ con ở đây có bữa ăn. Thì cái đó cũng làm ngay rồi. Nhưng về rồi mọi người trong đoàn cứ sục sôi lên vì Pa Cheo. Ngoài nguyên nhân giống như ở những nơi khác là : Trẻ con chưa có cơm thịt , chưa có quần áo lành, chưa có nước rửa mặt, có một nguyên nhân nữa..

Không hiểu sao, không ai nhớ ra chuyện san bánh mỳ và sữa mang từ Hà Nội lên cho trẻ Pa Cheo. Đến các trường sau, cứ phát bánh và sữa, lại có người sụt sùi : Khổ quá, sao lại quên không cho bọn ở Pa Cheo ? .. Rồi cứ thế, khi về đến Hà Nội, tiền ủng hộ cũng chuyển lên rồi, nhưng đám phụ nữ thì âm thầm chuẩn bị cho chuyến “ tái chiếm” Pa Cheo thật sớm. Gánh hàng xén lên Pa Cheo chắc chắn có phần không nhỏ do thôi thúc từ chuyện quên trao bánh mỳ cho lũ trẻ.

Khi chúng ta no ấm, chúng ta thường vui tính , hóm hỉnh, vội vã, và hay quên !

Điều tốt là chúng ta vẫn có thể làm lại những gì chúng ta chưa làm.

Những bé Dền Thàng của tôi !

Lần thứ ba gặp chúng nó. Bây giờ quen mặt lắm rồi. Đúng bữa trưa, chúng nó ngồi quây quần bên các dãy bàn, nhận bát cơm có thịt cô chia cho. Nhận rồi đặt trước mặt, lặng yên nhìn. Mình giục chúng : “ Ăn đi, ăn đi chứ!”. Chúng nó ngước nhìn, cười, rồi vẫn ngồi yên. Thì ra chúng chỉ bắt đầu cầm thìa lên xúc khi tất cả dãy bàn đứa nào cũng đã có cơm. Không đứa nào ăn trước các bạn !. Chúng ăn rất ngoan, nhưng theo một cách rất điềm đạm. Đôi đứa còn bé quá, thìa lại to, chúng nỗ lực mở to miệng như những con chim non.

Không hiểu sao, chúng không ăn thịt ngay, mà cứ xúc cơm thôi. Thịt vun vào góc bát. Rồi hết cơm thì xin cô thêm cơm. Có đứa ăn ba, thậm chí bốn lần xới. Nhưng không xin thêm thịt. Mặc dù cô vẫn còn nhiều thịt cho những lần xới cơm sau, nhưng chúng vẫn làm như vậy. Nhiều đứa chỉ ăn thịt vào lúc cuối. Nói thật, mình nhớ hồi hai anh em mình đi mẫu giáo ở Nam Định, cả hai thằng đều có cái võ ăn ngay thịt rồi giơ bát xin cô thêm. Thằng em mình còn đút ngay thịt vào túi quần. Về nhà trốn ra sau bếp, móc thịt ra, mở tiệc. Có lần mẹ giặt quần áo, phát hiện ra cái “ kho” ấy. Mình không nhớ có bị đòn không.

Cô giáo Dền Thàng kể : Khi bắt đầu ăn “ cơm có thịt”, có những đứa cứ để dành thịt, không ăn. Hôm nào ăn cá khô- thứ cá khô nhỏ, không xương, chỉ bằng đầu đũa…nhiều đứa giấu trong bàn tay bé xíu những con cá khô ấy. Không phải để xin cô cho thêm cá hay thịt. Mà để mang về nhà cho ai đó. Anh, chị hay bố mẹ. Các cô giáo phải dỗ chúng, để chúng hiểu không cần phải làm như vậy. Chúng là trẻ con, hay đã là những người lớn, rất lớn rồi ! ?

Những bé Dền Thàng của tôi !

Hôm nay thực đơn là :  Cơm và thịt xắt nhỏ..có cả canh nữa.

Hát đợi cô chia cơm..

Con chưa ăn đâu, còn đợi bạn...

Nào, chúng ta bắt đầu ăn cơm..

Xúc cơm ở một góc bát, thịt để dành góc bên kia..

Cái thìa thì to, miệng mình lại nhỏ.....

Mình cũng phải cố mở miệng thật to !

Thưa Cô, con xin bát cơm nữa ạ !

Danh sách các em được hỗ trợ " cơm có thịt" dán trước cửa phòng ăn. Bên cạnh là ..ảnh tội phạm Trung Quốc trốn sang Việt nam đang bị phía TQ truy nã..

Sau Pa cheo, đến Dền Thàng, việc đầu tiên là dỡ bánh mỳ xuống cho bọn trẻ . Chúng sẽ ăn bữa phụ trước khi về nhà vào buổi chiều. Chị Hải, người gửi bánh lên cho chúng, giờ lấy nickname là Hải bánh mì trên các comments ! Tôi hiểu niềm vui của Chị.

Khi các bé mầm non ăn trong phòng, các anh chị Tiểu học ăn cơm cập lồng ngoài sân

Cái cách ăn của các em là: Bẻ mì tôm ăn một miếng, rồi kèm một miếng cơm nguôi. Cô giáo ra sẻ cho chúng ít canh của bọn mầm non được ăn " cơm có thịt"

Có những đứa không có cập lồng. Các cô giáo nói, chúng nhịn ăn buổi trưa. ..Chúng nhìn những đứa em được ăn cơm thịt. Nhưng không bao giờ " ké".

Hôm nay, cô Tuyền có thể sẻ cho chúng bánh mỳ..

Có thể, chúng chưa bao giờ được ăn bánh mỳ..

About trandangtuan

chỉ mong làm được những điều nho nhỏ...
Bài này đã được đăng trong Báo viết ké. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

43 Responses to Một chuyến đi dài (2)..

  1. Đêm ở Điện Biên ngồi vỉa hè lai rai với Mai Thanh Hải. Chợt đọc cái này. Thấy thấm thía: Khi chúng ta no ấm, chúng ta thường vui tính , hóm hỉnh, vội vã, và hay quên. KHông còn nói gì thêm được nữa…

    • thủ kho nói:

      Cũng vì vội vã mà kho em để sót mấy thùng hàng của các bé Mường Nhé, may mà còn kịp gửi theo bác Tuấn. Tự dặn lòng phải cẩn thận hơn.

    • Nguyễn Việt Hùng nói:

      Chú Tiến Kính mến
      Cháu rất muốn có được những chuyến đi dài như các Chú. Được chia sẻ, trải nghiệm…để ” Thấy thấm thía: Khi chúng ta no ấm, chúng ta thường vui tính, hóm hỉnh, vội vã, và hay quên.” Cháu cũng vừa có cuộc hành trình vừa đi làm, vừa đi đến các địa danh Lạng Sơn, Đông Khê, Thác Bản Giốc, Pac Po, Hồ Ba Bể. Đêm chú ở Điện Biên ngồi lai rai, thời khắc ấy cháu cũng đang ngồi với mấy anh người Tày ở bản Pac Ngòi (Hồ Ba Bể).Là một trong những bản Tày cổ nhất khu vực Ba Bể, Pác Ngòi hấp dẫn bởi nét nguyên sơ và bản sắc dân tộc. Nghe họ nói về những khó khăn của người dân vùng này. Trước kia họ phá rừng để mưu sinh,tiếp tay cho lâm tặc và vì sao bây giờ họ giữ rừng để làm du lịch, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên cũng như môi trường ở đó trong lành như nó vốn có…Bởi họ đã được học, được đi thực tế các địa điểm du lịch như Bản Lác ở Mai châu và họ nó với cháu rằng: những giá trị truyền thống của ngươi Tày cần đặc biệt giữ gìn. Cái đó mới giữ chân và hấp dẫn du khách tìm đến với họ.
      Các Chú đang làm từ gốc của công việc đó, “Cơm có thịt” nghe rất giản đơn nhưng không đơn giản tý nào.”Điều bất ngờ với những ai lên vùng cao, là thấy người dân và trẻ con thực sự dám chịu khổ sở vì sự học nhiều lắm lắm.” Cháu cũng không còn nói thêm được nữa.
      Chúc Chú và gia đình sức khoẻ.
      Mừng hạnh phúc của con gái Chú.
      Nguyễn Việt Hùng: 0913.008.055
      P/s: Hôm nọ Chú gọi cho cháu, nhưng cháu quên chưa kịp lưu số của chú thì hôm sau nhật ký đt của cháu nó tự động xoá mất rồi.

  2. hanh.pham nói:

    … ” Có những đứa không có cập lồng. Các cô giáo nói, chúng nhịn ăn buổi trưa. ..Chúng nhìn những đứa em được ăn cơm thịt. Nhưng không bao giờ ” ké”…. ” Cháu đọc những dòng chữ này mà cảm thấy quý lòng tự trọng và tinh thần nhường nhịn của bọn trẻ vùng cao quá chú Tuấn và mọi người ạ, thật đáng tự hào … liệu chúng ta có thể làm hơn nữa được không ?? ?Cháu bắt đầu trăn trở câu hỏi này …

  3. Thu nói:

    Anh Tuan men, cam on anh da lam nguoi tien phong khoi xuong chuong trinh Com Co Thit nay. Tu mot chuyen di va mot bai viet, anh da nhen nhom len biet bao nhieu ngon lua am ap…

  4. Người căn vặn một cách cặn kẽ tò mò: Thế… ngủ riêng suốt à chắc chắn là Phạm Ngọc Tiến bác Tuấn ạ, hì hì.
    Có thể ngay các cô cũng chả có bánh mì mà ăn đâu nhỉ?
    Đọc bác mà rưng rưng.

  5. PTN nói:

    Tấm ảnh chụp “Danh sách HS được ăn cơm có thịt…” làm em chảy nước mắt mãi.

  6. AHKK nói:

    Tấm hình “Gạo cho cả tuần xa nhà” sao cô gái tóc dài đến Mông đi qua mặt em bé “áo hoa”
    Không cúi xuống chìa tay để xách hộ bé 2 cái tải gạo nhỉ,

    Thấy bé vặn người để ôm 2 tải gạo 2 bên mà xót xa quá.

    Sự vô cảm của xã hội cũng thể hiện ở tấm hình này

  7. AHKK nói:

    “Hôm nào ăn cá khô- thứ cá khô nhỏ, không xương, chỉ bằng đầu đũa…nhiều đứa giấu trong bàn tay bé xíu những con cá khô ấy. Không phải để xin cô cho thêm cá hay thịt. Mà để mang về nhà cho ai đó. Anh, chị hay bố mẹ. Các cô giáo phải dỗ chúng, để chúng hiểu không cần phải làm như vậy. Chúng là trẻ con, hay đã là những người lớn, rất lớn rồi ! ?”

    Cảm động quá!!!
    Cám ơn tác giả bài viết

    • DTTT nói:

      Thực sự muốn khóc khi đọc những dòng này anh Tuấn ạ. Trẻ em ở đây còn thuần khiết quá.
      Cảm ơn anh đã post bài và những bức ảnh nóng hổi.

  8. AHKK nói:

    Tấm hình “Khi các bé mầm non ăn trong phòng, các anh chị Tiểu học ăn cơm cập lồng ngoài sân”

    Chính là 2 bé trong tấm hình “Con ngồi ké chứ không ăn ké của em đâu” ở entry CHỦ NHÂN CỦA IQ CAO https://trandangtuan.wordpress.com/2011/12/04/ch%E1%BB%A7-nhan-c%E1%BB%A7a-iq-cao/#more-1338

    Chúng vẫn mặc 2 bộ quần áo cũ, vẫn tác phong ăn cơm, chỗ ăn, tôi tôi nhận không nhầm.

    Vậy bác Tuấn, bác Tiến cho em hỏi các bé này (Vàng A Chỉnh lop 1A1 ; Em Phàng A Páo lop 1A2 truong Tieu Hoc Tiểu học Dền Thàng Bát Xát) đã nhận được quà áo rét của Chị AHKK chưa ạ,

    TKs

  9. trandangtuan nói:

    Vâng đúng là hai cháu đó, vì cùng chuyến đi Dền Thàng cuối tháng trước. Cô Tuyền đã nhận lời mua giúp chúng áo rát ở Lào cai. Hôm nay chúng tôi sẽ hỏi lại cô đã mua được chưa. Tiền của cô AHKK gửi chúng tôi đã nhận được và sẽ chuyển cùng tiền ủng hộ bổ sung cho Dền Thàng.

  10. trandangtuan nói:

    Cô Tuyền đã trả lời AHKK bên bài kia rồi đấy ạ.

    • AHKK nói:

      Vâng ạ,

      Chết phiền bác Tuấn và cô Tuyền quá,

      Thời gian, đi ;ại có khi mấy mấy lần số tiền em gửi mua cho con trẻ,

      Nếu bác Tuấn, cô Tuyền không phiền thì em xin phép em phiền lần nữa nhé, Nếu bác và cô cho phép thì em sẽ nhờ ạ,

      Cám ơn ạ

  11. Chau Tuyen nói:

    Vang dung La 2 em do day a . Sang nay Chu Tuan moi goi hoi chau viec mua quan ao am ma co gui tang 2 be , chau da mua roi nhung tu thu Hai den nay tren nay troi mu qua Hoc sinh nghi Hoc nen chau chua trao cho 2 be dc a.

    Cam on cac Co Chu a.

  12. NMH nói:

    Câu mở đầu đích thị là văn chương anh Tuấn ạ.

  13. Culangcat nói:

    Thương lạ lùng.

  14. Lana nói:

    Anh Tuấn ơi khai sáng cho những tên không đi theo như Lana đi ạ. Tại sao các cô lại đăng danh sách “HS được ăn cơm có thịt từ các nhà hảo tâm” nhỉ (Bếp chung cho HS cả trường chứ ạ). là một số em được nhà nước tài trợ? hay một số về nhà thì không ăn ở trường?

    • trandangtuan nói:

      Cô Tuyền đã trả lời giải thích rõ rồi, nhưng cũng cung cấp thêm thông tin nhé:
      – Ở Dền Thàng thì tất cả các cháu đều ăn cơm tại lớp như nhau, nhưng có những lý do để các cô vẫn dán lên cửa lớp danh sách. Cô Tuyền đã nói rồi.
      – Ở mọi nơi sự ủng hộ hướng đến các bé dưới 5 tuổi vì trên 5 tuổi đã có (bắt đầu có ở Bát xát) chế độ hỗ trợ của nhà nước.
      Vì vậy dù chúng vẫ ăn chung nhưng nguồn chi là khác nhau ( tiền ủng hộ và tiền từ ngân sách nhà nước)
      – Khi cả trẻ dưới 5 tuổi nhận được hỗ trợ của nhà nước ( quy định đã có nhưng triển khai sẽ còn mất một thời gian không ngắn nữa)thì sự ủng hộ của xã hội sẽ có thể không chỉ hướng đến ” cơm thịt”. Cũng chỉ mong vậy, vì ngoài cơm thịt ra, còn nhiều thiếu thốn lắm.

  15. Thùy Dương nói:

    Sắp tới có chế độ ăn trưa cho các cháu 3, 4 tuổi ( 120.000đ/tháng) thì cháu có thể đề nghị chú, các nhà hảo tâm hỗ trợ đồ dùng, dụng cụ phục vụ công tác bán trú (như gánh hàng xén lên Pa Cheo: đồ dùng nấu ăn, phản, bình ủ nước ấm..). Hoặc đồ dùng, đồ chơi – trang thiết bị phục vụ việc học tập và vui chơi của trẻ ( cháu sẽ gửi danh mục đồ dùng, đồ chơi theo quy định của ngành học mầm non).

  16. Long Pham nói:

    thương quá các cháu ơi.

  17. Chau Tuyen nói:

    Cac lơp lap danh sach nay chung chau lap ca 10/10 lơp. 1 la ten cac em hoc sinh ơ trong trương .2 la cho bo me cac em hieu la den lop hoc đưoc an com vao buoi trua bo me co vao lop thay con minh duoc an ngu de thich di hoc hon . 3 la cac chau be 3-4 tuoi cung duoc an chung nhu cac anh chi 5 tuoi, 4 la de cho can bo xa quan tam kiem tra viec cho an ngu che do cua cac chau co dươc cong khai minh bach khong.
    Chau rat cam ơn cac co cac chu rat quan tam va thương cac chau nho vung cao.

  18. lang thang nói:

    Muốn đi 1 chuyến hết đất nước hình chữ S này, để biết và hiểu thêm về con người và mọi thứ, cảm ơn bài viết rất nhiều!

  19. Bánh Mỳ nói:

    “Không hiểu sao, chúng không ăn thịt ngay, mà cứ xúc cơm thôi. Thịt vun vào góc bát. Rồi hết cơm thì xin cô thêm cơm. Có đứa ăn ba, thậm chí bốn lần xới. Nhưng không xin thêm thịt. Mặc dù cô vẫn còn nhiều thịt cho những lần xới cơm sau…” – Thương quá! Hy vọng các bé quen dần với những miếng cơm có thịt, để những lần ghé thăm sau bác Tuấn không còn thấy cảnh này! Thương quá!!!

  20. Nhỏ Bé nói:

    “Cô giáo Dền Thàng kể : Khi bắt đầu ăn “ cơm có thịt”, có những đứa cứ để dành thịt, không ăn. Hôm nào ăn cá khô- thứ cá khô nhỏ, không xương, chỉ bằng đầu đũa…nhiều đứa giấu trong bàn tay bé xíu những con cá khô ấy. Không phải để xin cô cho thêm cá hay thịt. Mà để mang về nhà cho ai đó. Anh, chị hay bố mẹ. Các cô giáo phải dỗ chúng, để chúng hiểu không cần phải làm như vậy. Chúng là trẻ con, hay đã là những người lớn, rất lớn rồi ! ?”
    Tôi đã sống được gần 1/3 thế kỷ nhưng lúc nào cũng như con nít, hay ‘sụt sịt’ trước những cảnh như thế này…
    Hôm qua đọc tin chiếc xe khách có chở một nhóm tình nguyện đi làm từ thiện ở Điện Biên bị bốc cháy, xe cháy, hàng quyên góp cháy hết, mà lòng thắt lại, thấy nao nao,… tự hỏi không biết có phải là đoàn mình không, rồi tự nhủ “hy vọng là không phải”. Tôi có tham gia tình nguyện phân loại các đồ dùng quyên góp và được biết đoàn mình chủ yếu đi xe riêng, xe bán tải để tiện chở đồ. Tìm đọc kỹ lại các nguồn tin thì biết, nhóm từ thiện thuộc box du lịch của diễn đàn Trái tim Việt Nam online. Lại vào blog của bác Tuấn, đọc được bài viết này thì biết đoàn mình đã có chuyến đi thành công,fù…fù…
    Hàng ngày, vật lộn với cuộc sống mưu sinh, đôi khi thấy mình ‘khổ’, nhưng quả là, chẳng cái khổ nào giống cái khổ nào. Chỉ biết, mình và những người xung quanh còn may mắn hơn gấp vạn lần những em bé nơi đây. Sẽ cố gắng sẻ chia sự may mắn này ……

  21. AHKK nói:

    Em định nhờ bác Tuấn 1 việc nữa, thấy bác chả nói gì nên liều nói luôn ạ.

    Em nhớ có 1 tấm hình ở blog này hình như có 3 bé gái, 1 bé trai đứng ở sân và quay lại nhìn ống kính. Trong đó có 1 bé trai đi đất chân lạnh quá nên bàn chân phải nghiêng đi

    Em ám ảnh mãi, tìm cả sáng nay trên blog của bác chả thấy, bác Tuấn, bác Tiến, cô Tuyền giúp em cái.

    Cho em lại đường link để em xem lại tấm hình đó, và sẽ nhờ các bác, cô giáo 1 lần nữa ạ.

    Bác Tuấn, Bác Tiến, chị Thùy Linh tìm hộ em tấm hính đó cái

    Tks for all

  22. Chau Tuyen nói:

    Hay là ở Pa Cheo ? Các cháu đang tập hát và thể dục.

  23. AnKhanhcongchua nói:

    Vui vì mấy nhóc ở Dền Thàng không còn cái vẻ lem nhem nữa, đã thấy hồng hào và sáng sủa hơn nhiều rồi. Đáng yêu quá. Cảm ơn các cô giáo.
    Trời rét thế mà có đứa vẫn còn phải mặc áo cộc tay… Lại thấy con đường phía trước của chương trình vẫn còn dài và gian nan lắm.
    Cố lên, anh chị em mình!

  24. Xuân Quỳnh nói:

    Nếu còn làm ở vờ tờ vờ, liệu anh có những chuyến đi như thế này không nhỉ?

  25. Hạnh Nhi nói:

    Em cũng nặng lòng khi đọc câu này: Khi chúng ta no ấm, chúng ta thường vui tính , hóm hỉnh, vội vã, và hay quên.
    Nhưng nhìn những bữa “cơm có thịt”, thậm chí chỉ là từ ấy thôi, đã thấy rưng rưng rồi…

  26. Nhìn ảnh và qua những gì chú Tuấn kể thì các cháu nhỏ trên này ngoan quá !

  27. Tranduckhanh-VT nói:

    Chú Tuấn ơi, cho cháu copy câu “Khi chúng ta no ấm, chúng ta thường vui tính , hóm hỉnh, vội vã, và hay quên !” vào Skype trên máy tính của cháu nhé. Cảm ơn chú.

  28. Hoa Đỗ Quyên nói:

    Anh Tuấn kính mến!
    Đọc bài viết này, em lại muốn được đi Lên Pa Cheo, thăm các cháu ở Dền Thàng…. Muốn chia sẻ một phần nhỏ của mình, đóng góp vào ” Cơm có thịt”, để cuộc sống cảm thấy có ý nghĩa hơn, và bớt ” vội vã” hơn 🙂
    Tự dưng thấy thấm thía quá ạ!
    TĐT : Có thể tham gia đi vào chuyến đầu năm . Du hành đầu năm 2012 tuyến Pa Cheo- Dền Thàng- Y Tý..

  29. TCTT nói:

    Tội lắm những đứa trẻ vùng cao, cảm ơn anh Tuấn và các anh chị đã giúp đỡ các bé

Gửi phản hồi cho Hạnh Nhi Hủy trả lời