Lên Y Tý

Đường từ Dền Thàng lên Y Tý rất đẹp. Đầu tiên là không gian bao la, xa tận cuối tầm mắt những thác nước bạc như không chảy. Rồi xuyên qua rừng nguyên sinh may mắn còn giữ được. Nhiều đoạn như thể đang chạy xe trong rừng Cúc Phương.                                               Ra khỏi rừng già, lát đã thấy Y Tý lấp loáng trong nắng pha sương hiện ra trên sườn núi thoai thoải. Dền Thàng e lệ nấp sau lưng núi khuất, còn Y Tý đẹp hồn nhiên, mạnh mẽ, chẳng e dè trước mắt kẻ từ ngoài kia ngó sang.

Trường Mầm Non Y Tý là dãy nhà gạch nhìn xuống cái thung sâu thăm thẳm, sườn bên này là đất mình, phía bên kia thung là nước khác. Trẻ con chơi trên sân trong tầm nhìn từ hai bên biên giới. Nhưng xa trong các bản còn đến trên chục điểm trường. Có 250 cháu, trong đó 133 đứa 5 tuổi. Các cô giáo ở đây thật năng động. Vừa nghe rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ 120 ngàn đồng/tháng cho mỗi bé 5 tuổi, chưa thấy tiền về, đã ứng luôn tiền để nấu cơm cho các cháu. Còn 117 đứa bé hơn, 3 và 4 tuổi, thì đi học với cập lồng cơm. Nói cập lồng cho oai, chứ đúng ra là cơm trong túi nilon. Mà túi nilon ở thành phố mới nhiều, chứ ở bản bố mẹ chúng mua bán gì đâu mà có lắm. Cho nên gọi thế cũng là tiện mồm thôi, chứ thường thì phần cơm của chúng được gói trong lá . Thức ăn chẳng có gì. Các cô giáo kể : Đến bữa thì cơm cập lồng, cơm nấu đều đổ chung vào, rồi tất cả các cháu cùng ăn. Đứa có tiêu chuẩn 120 ngàn chia thức ăn cho bọn không có. Đã ít rồi, chia ra chẳng thấm tháp gì. Mấy anh em hội ý, quyết định : Tiền hỗ trợ của nhà nước cho trẻ 5 tuổi dẫu đến muộn nhưng chắc chắn sẽ có ngày một ngày hai thôi.  Nên hỗ trợ cho 117 cháu nhỏ còn lại, mỗi đứa mỗi tháng cũng 120 ngàn đồng. Vậy đứa “có tiêu chuẩn nhà nước”, đứa lại có “tiêu chuẩn” của những người đóng góp cho chương trình “ Cơm có thịt”, mức thì như nhau. Cũng là mô hình hay đấy chứ. Giá như có thể nhân rộng ra khắp các trường mầm non ở vùng cao khó khăn. Nếu mọi người vẫn nhiệt tâm giúp các cháu, gửi tiền đến, thì sau Y Tý, chúng ta lại đến được với các cháu mầm non 3,4 tuổi ở nhiều trường khác. Nhiều bữa cơm chung cho chúng nó. Mong lắm điều này….

Có nhiều bạn ủng hộ mà vẫn ái ngại : Liệu có thấm tháp gì ?… Thấm lắm chứ !. Bạn ủng hộ 120 ngàn, là một đứa bé con trên đây được ăn cơm có thịt cá ở trường trong một tháng. Nếu ai ủng hộ 1,1 triệu đồng, là đã gắp thịt, cá cho một bé trong một năm học. Ai có thể thì ủng hộ nhiều hơn, sẽ giúp lớp học ăn cơm có thịt cả năm….Khi bạn gửi tiền đến, bạn hãy cứ từ đó mà nhẩm ra giúp cho các bé được bao nhiêu. Không bao giờ là ít đâu. Nếu tình cờ có ai đó sẻ cho con bạn ngụm nước khi con bạn khát, mà bạn chưa đến kịp, thì điều đó chẳng bao giờ là ít. Hãy mường tượng điều đó, bạn sẽ rất ấm lòng.

Trẻ ở Trường Mầm Non Y Tý

Ngay gần chỗ các cháu Mầm  Non học là một dãy nhà tường phên nứa. Đó là nơi các cô giáo ở. Để gió đỡ lùa, các cô bọc bên trong tường bằng bao sợi dứa.
 Các cô còn rất trẻ. Cứ cuối tuần lại vượt 80 km về Lào Cai hay huyện lỵ Bát Xát để gặp người thân, người quen, cho thỏa nỗi nhớ cảnh thành thị sầm uất, rồi lại lên Y Tý sống trong các căn nhà nứa này. Đường từ Y Tý về Bát Xát có nhiều đoạn đến con trai đi cũng còn vất vả. Tuần tiếp tuần, tuổi xuân của họ đi qua.…                                                                                                Có một điều, biết rồi thì rất băn khoăn. Giáo viên lên miền núi được hưởng trợ cấp ưu đãi trong ba năm (với nữ) và năm năm ( với nam). Ý là sau thời hạn ấy, các thày cô có thể được ưu tiên sắp xếp công việc dưới xuôi. Nhưng có mấy ai sau đó tìm được chỗ nhận về dưới đồng bằng hay trung tâm huyện,tỉnh đâu…Đa số ở lại sau thời hạn ấy. Nhưng đến hết năm năm thì chế độ ưu đãi “ Thu hút” lên miền núi kia cũng hết. Hóa ra ưu đãi để ” thu hút”, còn gắn bó lâu dài thì lại chẳng còn ưu đãi nữa. Mình hiểu lên miền núi công tác có cán bộ ở nhiều ngành nghề. Ưu tiên cho giáo viên, nhưng còn cán bộ khác nữa, chẳng lẽ giải quyết cho giáo viên, mà lại không cho các đối tượng khác thành ra khấp khểnh về đãi ngộ. Đúng là vậy. Nhưng ai “ tị nạnh” với giáo viên ?. Trước khi vào Trường Mầm Non, bọn mình ngồi trong đồn biên phòng Y Tý trò chuyện. Anh Đồn phó không nói về chuyện gian lao của lính biên phòng, mà cứ xuýt xoa ái ngại cho các cô giáo ở đây. Lính như vậy, thì có ai “ ghen” với giáo viên ?.

Cô giáo Dền Thàng đã sang năm thứ 7 ở vùng cao, chưa lấy chồng, có lần đi xe trên đèo gặp rắn.

Trò chuyện với các thày cô, biết nhiều người không nghĩ chuyện về xuôi nữa, là vì đã quá gắn bó với cảnh, với người trên đây rồi.Vùng cao rất đẹp, không gian trong lành khiến ta muốn hít thở nhiều hơn cho bõ sau bụi bặm thị thành. Và yên bình tỏa ra từ mỗi gương mặt, nụ cười. Cứ nghĩ mà xem, giản đơn thôi mà cũng dễ gì có được những điều này.

Thu này, ai lên Y Tý…

Hai anh em...

Mẹ con…

Xe lướt qua nhanh, chưa kịp hỏi chào…

Bình yên…..

Kể cả khi bạn chưa có duyên nợ gì với vùng cao, thì khi bạn lên đây, đón bạn vẫn là trời đất, hoa lá, rừng thác nguyên khôi ấy. Đón bạn vẫn là những nụ cười chân thật ấy. Nhưng tự chúng ta đâu muốn giống như những khách du lịch nước ngoài đi thưởng ngoạn vùng đất lạ. Khi bạn gửi một chút tiền mua thức ăn cho cháu nhỏ vùng cao, chắc chắn bố mẹ cháu, dù chưa biết bạn là ai, sẽ thấy ấm áp trong lòng. Nhưng có thể chính bạn còn vui hơn. Và bất cứ việc làm nào khác cho vùng cao cũng đều đưa lại niềm vui ấy. Bạn sẽ  cảm nhận, dù đã lên nhiều hay chưa lên vùng cao, rằng với đất với người trên đó, bạn không là người  lạ. Và mỗi lần bạn lên hay nghĩ về vùng cao, là đến, là nhớ về nơi thân quen dây vướng nghĩa tình…

                                                                   Cuối thu 2011- TĐT

04/11/2011 D297 – 0006692

50,011,000.00

/Ref:PIB111104014903{//}NNO HUYEN BAT XAT LAO CAI.HO TRO MUA THUC PHAM (THIT,CA…) CHO 11 7 CHAU DUOI 5 TUOI CUA MAM NON Y TY D.Vi CHUYEN:TRAN DANG TUAN
04/11/2011 C263 – 0006605

50,011,000.00

/Ref:PIB111104014902{//}NHH: NONG NGHIEP HUYEN BAT XAT. HO TRO MUA THUC PHAM (THIT,CA…) CHO 117 CHAU DUOI 5 TUOI CUA MAM NON Y TY D.Vi CHUYEN:TRAN DANG TUAN

About trandangtuan

chỉ mong làm được những điều nho nhỏ...
Bài này đã được đăng trong Những chuyến đi...., Tản bút. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

55 Responses to Lên Y Tý

  1. Phạm Ngọc Tiến nói:

    Anh Tuấn ạ, cô Thắm hiệu trưởng và cô Hợp hiệu phó gọi điện về hỏi mua bát cho bọn trẻ loại nào. Của Việt Nam 12 ngàn, của Trung Quốc 8 ngàn. Tôi mạn phép anh bảo cứ loại tốt mà mua cho các cháu. Nhẩm thì thấy 250 cái bát là 3 triệu đồng. Mua ở Bát Xát. Hôm nay có bát phíp mới rồi. Loại to. Hôm trước ở Dền Thàng quân nhà mình ở Hà Nội không kinh nghiệm mua loại bát nhỏ khiến các cô phải xới mỏi tay. Lần này Y Tý mua đúng loại bát to.

  2. Ngọc nói:

    Chỉ là một cái bát, đọc đã thấy xao lòng…

  3. Thành nói:

    Cám ơn anh!
    Sẽ có rất nhiều tấm lòng theo bước chân các anh trên mọi miền Tổ Quốc!

  4. pduyma nói:

    Cháu có thêm 1 số thông tin về trẻ em đang học ở xã Y tý, mọi người có thể tham khảo
    Tổng số học sinh Mẫu giáo Y Tý : 250
    + Trẻ 5 tuổi: 133 cháu
    + Trẻ 4 tuổi: 97 cháu
    + Trẻ 3 tuổi là: 20 cháu
    – Trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ: 1 cháu: tên là: Phu Che Gió : ( Hiện tại đang ở với ông bà )
    – Số trẻ khuyết tật không có
    – Tổng số lớp: 14 lớp / 12 thôn bản
    – Tổng số phòng học 14 phòng học trong đó phòng học bán kiên cố : 2 phòng,phòng học tạm bằng tre nứa là 12 phòng

    Tổng số học sinh Tiểu học Y Tý : 313 cháu dân tộc thiểu số chia ra
    + Trẻ 6 tuổi: 64 cháu (25 nữ và 39 nam)
    + Trẻ 7 tuổi: 65 cháu (34 nữ và 31 nam)
    + Trẻ 8 tuổi là: 75 cháu (35 nữ và 40 nam)
    + Trẻ 10 tuổi là: 54 cháu (27 nữ và 27 nam)
    + Trẻ 11 tuổi là: 55 cháu (32 nữ và 23 nam)
    – Trẻ mồ côi cha; mẹ: 11 cháu
    – Tổng số lớp: 21 lớp / 9 thôn bản

    Ngày 17-20/11 tới đây nhóm từ thiện “Việt nam của tôi” sẽ mang lên khoảng 60 triệu (quy ra hiện vật) & quần áo cũ cho các cháu. Phấn đấu mỗi cháu được 1 áo ấm những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thể hỗ trợ thêm.
    Mong mọi người quan tâm và có sự ủng hộ, đặc biệt là quần áo cũ
    http://myvietnam.com.vn/de-xuat-ho-tro/chuong-trinh-tu-thien-mua-dong-nay-em-co-ao-am-den-truong/msg7049/#msg7049

    (Chú Tuấn, chú Tiến cho cháu xin đăng thông tin này nhé. Cảm ơn các chú nhiều.

    • trandangtuan nói:

      Mong mọi người đóng góp thêm quần áo, vật dụng để các bé có thêm quà. Lần trước lên chuyên chở cho Dền Thàng hết chỗ, không có điều kiện giúp các bé Y Tý thêm .Nhắn bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ, mang lên cho các cháu ít thuốc tẩy giun. Lên đó thấy đúng là cần thật. Cứ nghĩ bọn giun xơi hết thịt chúng ta chuyển lên các cháu mà thấy tức tối. Nhưng nhớ hỏi bác sỹ trước nhé. Còn điều nữa : Ở các điểm trường các cháu sẽ rất rét, vì nhà như nhà các cô thôi, nứa đập ra lơp thành tường.

      • single mom nói:

        Mọi người có thể đóng góp giầy cho các cháu, hoặc mua cho giầy ạ. Chú cho cháu địa chỉ gửi đồ với ạ. Mỗi tháng mẹ con cháu gửi quỹ 100k, mới chuyển đc 1 lần cho 3 tháng cuối năm, tình hình này 2 mẹ con sẽ bàn thêm chú ạ. Thương quá những mầm xinh!

      • Hong Quoc nói:

        Cho thuoc diet tru giun san, khong biet co day du nha ve sinh WWC dang hoang khong a`, chu khong co lai reo rac mam benh cho ca vung thi nguy hiem bac’ a`.

  5. Nhi nói:

    Mỗi khi biết thêm một nơi cần sự giúp đỡ, quả thưc rất nản cho cái sự đóng góp cực nhỏ của mình. Anh Tuấn động viên thế cũng thấy tự tin lên một chút. Thôi cứ nhủ lòng coi như góp (tí ti) sức với các anh, chị và tin vào tương lai tươi sáng.
    Thương quá miền núi! Những gương mặt thật đáng yêu!

  6. PTN nói:

    Em xin comm dài một chút, nhân việc anh Tuấn nói về nỗi gian lao của các cô giáo ở vùng cao. Đây là cảm xúc của em, sau đợt đi chỉ đạo xóa mù chữ ở Yên Minh, Hà Giang. Cũng lâu lâu rồi.

    ĐỒNG NGHIỆP
    Thân mến tặng các em giáo sinh trường CĐSP Hà Giang

    Hôm nay em là học sinh tôi
    Chỉ ngày mai em đã là đồng nghiệp
    Bao em bé thơ ngây đang chờ em phía trước
    Cả bản làng mong đợi được đón em

    Em sẽ là cô giáo bản Dao, bản Tày, H’Mông hay Lô Lố
    Đường Thượng hay Lũng Hồ ? Bản Díu, Cốc Pài hay đâu nữa ?
    Lên đỉnh núi cao hay vào sâu bản nhỏ
    Nơi có điểm trường, ở đó có em

    Bao khó khăn vất vả ngày đêm, em chẳng ngại
    Chỉ mong ước một điều, thật bình dị nhỏ nhoi
    Cánh thư có tên em nối nhịp cầu bè bạn
    Và một người trong đó, một người thôi

    Cô hiểu lắm, những ước mơ giản dị
    Và lòng thầm mong ước cùng em
    Anh lính biên phòng ghi tên em trong nhật kí
    Chàng trai Mèo dám đến lớp học đêm…

  7. PTN nói:

    Đã có chuyện thế này : Một lần PGĐ Sở GD-ĐT đi kiểm tra tại một điểm trường, thấy các cô cứ có điều gì như giấu diếm. Sau một hồi tìm hiểu, vỡ lẽ, có một cô giáo (cũng không còn trẻ nữa) lầm lỡ (hay cố tình xin được thì em ko rõ), mới sinh em bé. Thấy PGĐ Sở tới nên mọi người trong trường thương, sợ cô ấy bị kỉ luật, giấu chuyện. Nhưng điểm trường thì sơ sài vậy, cả 1 đứa bé, giấu làm sao. Biết chuyện, anh PGĐ gọi cô giáo ra hỏi han… Trong đó có hỏi chuyện, thế đặt tên cháu bé là gì chưa, thì cô ấy nói thật là chưa có họ, thầy thở dài và bảo, thôi, lấy họ của thầy vậy, em có đồng ý thì đặt tên cho cháu. Cô giáo rưng rưng, tưởng phải giấu lãnh đạo, ai ngờ…

  8. PTN nói:

    Nhắn bạn pduyma : Làng trẻ em SOS Việt Nam là nơi có thể đón trường hợp này về nuôi dạy. Không hiểu gia đình có đồng ý không ?
    “- Trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ: 1 cháu: tên là: Phu Che Gió : ( Hiện tại đang ở với ông bà )”

    • pduyma nói:

      Để 17/11 này lên Y tý em sẽ hỏi nhé

      • Nguyễn Thị Phương Anh nói:

        Gửi email, fax, call để hỏi trước!
        Nếu Y Tý đồng ý thì còn phải lo thủ tục 2 đầu, mấy khi lên được Y Tý, sợ lỡ việc của bé
        Mà không phải 1 bé này, có 11 bé theo thông kê cơ mà,
        Nếu được thì có 11 bé thì tốt, vì ngoài việc hòa nhập các bé còn pahỉ hòa đồng chứ, nếu bé không hòa nhập đc trg làng SOS toàn ng kinh thì giúp hóa thành họa cho bé.
        Kính

        • pduyma nói:

          Thường thì các tỉnh đều có Trung tâm bảo trợ xã hội do sở LĐ-TB-XH trực tiếp quản lý. Vả lại các cháu đều là người dân tộc thiểu số, đã quen lối sống của địa phương rồi.
          Đây là việc nằm ngoài kế hoạch nhưng mình sẽ hỏi xem thế nào rồi báo cáo lại các bác nhé.
          @Nguyễn Thị Phương Anh: Cảm ơn bạn đã nhắc nhở nhé, ở nơi vùng núi cao này phải chỗ nào cúng có sóng mobile, intermet thì hầu như không xã nào có

          • PTN nói:

            ồ, sory, mình đọc thế nào lại bỏ sót thông tin 11 cháu kia nhỉ.
            Làng SOS đón các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ về nuôi, nguyên tắc là dưới 8 tuổi, nhưng nếu các cháu là anh chị em ruột thì vẫn có thể đón cả các cháu lớn hơn. Nếu được, trước khi lên Y Tý, mời bạn pduyma đến thăm Làng trẻ SOS Hà Nội (một đơn vị của Làng trẻ SOS Việt Nam, là nơi trực tiếp nuôi dạy các cháu), để có thông tin về Làng, thuyết phục các gia đình dễ hơn. Nếu đến, thông tin cho mình theo email thangbanli@yahoo.com, biết lịch trước để mình hẹn với GĐ Làng trẻ.

  9. thắm nói:

    thay mặt các cháu học sinh trường mầm non y Tý ,cháu cảm ơn các chú đã mang đến niềm hạnh phúc cho các em nhỏ

    • trandangtuan nói:

      Ô, biết comment rồi cơ đấy ! Hai vợ chồng khỏe không ? Thịnh uống rượu giỏi đấy . Hôm trước chưa kịp xem cảnh đẹp chỗ ngã ba sông. Giá trước Tết lên được để uống rượu thóc thì vui quá.

  10. trandangtuan nói:

    Pduyma ơi
    Lạc hậu rồi nhé, ở Mầm non Y Tý, trong phòng hiệu trưởng, mình vào mạng nhanh như ở Hà Nội.Bạn có thể trao đổi ngay với cô hiệu trưởng Thắm qua mail : thinhytylaocai@gmail.com

    Nhưng mình không nghĩ rằng có thể hay cần đón cháu về. Nên giúp cái cây lớn lên ở nơi nó mọc.

    • Nguyễn Thu Thủy nói:

      Em cũng nghĩ trường hợp này không cần phải đón cháu về. Cháu lớn lên tại đúng nới cháu sinh ra sẽ tốt hơn cho cháu. Cần thiết là hãy giúp cháu để cháu không bị thiếu thốn (cả về tinh thần và vật chất).

  11. halinhnb nói:

    Cảm ơn các thầy cô giáo vùng cao nhiều lắm lắm!

  12. thắm nói:

    Chú ơi! tuân này học sinh của bọn cháu được ăn thị rồi,tụi nhỏ thích lắm chú a lại còn được mặc quần áo mới hôm nọ các chú cho nữa, chúng nó thích đi học lắm,Hai vợ chồng cháu vẫn khỏe ,chúng cháu ở đây đang chuẩn bị cho ngày 20/11 nên cũng rất bận,à chú ơi y Tý mấy hôm nay lạnh lắm rồi chú a.bọn cháu rất nhớ các chú Trang và Hợp cứ nhắc các chú suốt

  13. Anh Thư nói:

    Cảm ơn cô Thắm. Thông tin của cô giúp chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục đồng hành cùng chương trình “Cơm có thịt” của anh Tuấn và anh Tiến.

  14. Phạm Ngọc Tiến nói:

    @Thắm: Chú Tiến đang viết ít dòng về cảm xúc gặp các cháu đây. Chính sự tận tâm chân thành và nhiệt tình của các cô giáo Y Tý đã khiến chú Tuấn và cộng sự có những quyết định nhanh chóng.
    @Anh Thư: Các cô giáo ở Y Tý đều trẻ và rất chân thật. Họ có những việc làm đầy trách nhiệm. Chủ động lo bữa ăn nấu và bữa ăn cặp lồng cho các cháu trong khi chế độ chưa về ( các cháu 5 tuổi có chế độ trợ cấp được các cô vay tiền tổ chức bếp ăn ngay, các cháu khác thì mang cặp lồng và được san sẻ chút thức ăn) . Thắm là cô giáo hiệu trưởng .

  15. thắm nói:

    chú ơi! Hôm nay phụ huynh học sinh họ nộp củi nhiều lắn, 3 phụ huynh mỗi người một đựu to,mọi khi chúng cháu nhắc mãi chỉ nộp được và thanh , cháu mừng lắm lại có nhiều củ để nấu cơn cho học sinh rồi,à mà chú ơi họ còn đến tận trường xem con mình ăn cơm nữa đấy, thấy họ nói với nhau bằng tiếng địa phương cháu không hiểu gì nhiều nhưng nhìn khuôn mặt họ cháu biết là họ rất vui

    • Nhi nói:

      Đọc còm của cô Thắm có cảm giác cô Thắm đang reo lên í, Nhi cũng thấy vui lây. Lâu lâu kể chuyện các bé cô Thắm nhé. Có ảnh nữa thì càng vui hơn!

    • AnKhanhcongchua nói:

      Lại không thể không khóc! Mừng cho các bé. Vui vì bản thân cũng đóng góp được một tí ti nào đó vào niềm vui của phụ huynh,

    • halinhnb nói:

      Cảm ơn cô Thắm và các đồng nghiệp hết lòng vì các em học sinh bé nhỏ!
      thật yên lòng khi biết các em được những cô giáo tận tụy thế này dạy dỗ, chăm sóc mỗi ngày!

    • Nguyễn Thu Thủy nói:

      Cám ơn Thắm đã lo cho các cháu. Bọn mình dưới xuôi không đóng góp được nhiều, hàng tháng chỉ góp được một phần nhỏ bé vào “qũy cơm thịt” của Bác Tuấn mong được cùng sẻ chia gánh nặng với mọi người.

  16. pduyma nói:

    Mừng quá, ở đây như 1 mái nhà từ thiện. Hy vọng còn nhiều nơi như Y tý, suối Giàng nhận được sự hỗ trợ.
    P/s: Ngày 17/11 này nhóm em có lên Y tý. Anh, chị, cô bác có ai gửi gì thì gửi nhé. Miễn phí hoàn toàn
    TĐT : Chắc có người gửi đấy. Nhân 20.11 nữa.
    Chú sẽ tìm cách có thêm ít chăn. Trên đó lạnh sớm nhất đấy. Y Tý hình như có nghĩa là sương mù ( k nhớ chính xác).Có chở được không
    ?

  17. pduyma nói:

    Chở được hết chú ạ, chú tập kết ở đâu thì báo lại để xe qua chở ạ. Bọn cháu thuê 1 xe 2.5 tấn nhưng chỉ chở 600 áo ấm, khăn len, tất, 600 phần quà là bánh kẹo…và nhiều hiện vật khác. Nhân dịp 20-11 các bạn trong nhóm cũng đã ủng hộ 01 đàn ocgan cũ để các thày cô dạy nhạc và dùng trong các dịp lễ.

    Y tý là nơi rét sớm nhất, quanh năm mây phủ và sương mù. Rét lắm ạ

    • AnKhanhcongchua nói:

      Anh Tuấn ơi, hiện có một số bạn đã quyên góp chăn và đệm cũ. Hay ta gửi bạn pduyma mang lên Y Tý đợt này luôn.

      • trandangtuan nói:

        Đã gửi mail về vụ này,AKCC giúp nhé. Có thể hỏi pduyma@gmail.com

      • Lana nói:

        Công Chúa và anh Tuấn ơi đợt này là ngày nào có chưa ạ? Sắp tới có đi trường nội trú nào không ạ vì Lana và bạn bè đang góp một số đồ ấm cho các cháu mà đồ cho HS cấp 1, 2 có lẽ nhiều hơn.

        • trandangtuan nói:

          Thế thì tốt quá đấy. Vì đang thiếu đồ cấp 1-2. Bọn anh sẽ bàn nhau và thông tin tới Lana nhé.

          • Lana nói:

            Dạ thế thì tốt quá ạ. Tiền mẹ con tiết kiệm tháng này em định đổi sang áo ấm, nếu còn sức thì sẽ là bạt lớn che gió… cho kịp mùa đông.
            Tháng sau là tới đợt góp quý của Giỏ thị.
            Lại nói cảm ơn e là nhắc lại, nhưng góp tay với DA cho các bé em thật sự thấy sự tiết kiệm bỗng thiết thực và ngọt ngào hơn rất nhiều.

  18. AnKhanhcongchua nói:

    Cô Hạnh ở trường Kiến trúc hỏi xin một địa chỉ để trường tổ chức đi từ thiện ạ. Cô Hạnh là người kêu gọi ủng hộ được rất nhiều quần áo cho chương trình Cơm có thịt. Anh Tuấn có địa chỉ nào cần giúp đỡ thì cho cô Hạnh xin nhé. Em xin làm chân liên lạc, vì hình như cô Hạnh không sử dụng internet.

    • trandangtuan nói:

      Nhưng không biết cô Hạnh có thể đi xa hay gần ? Và định tổ chức đến để ủng hộ tiền hay quần áo, hiện vật..? Cần biết trước thì mới giói thiệu để liên lạc.

  19. thắm nói:

    Chú Tuân ơi! Các cô giáo trường chính tụi cháu đang bận lao động quá,nên cháu chưa có thời gian vào kể chuyện cho chú nghe, ở trường chính chúng cháu đi xin gạch,xi măng,cát ở công trìng về để xây bể đựng nước cho các cô giáo và học sinh ở dãy tập thể, các cô giáo đang chở vật liệu về.A chú ơi hôm thứ sáu vừa rồi trường cháu họp,cô giáo ở Hồng Ngài thôn xa nhất báo cáo phụ huynh học sinh ở đấy rất thích, họ mang đến cho cô giáo rất nhiều bí,toàn quả to xếp đầy gầm rường,nấu cho cô và cháu ăn cả tháng không hết,Thích thật chú ạ! Thôi cháu chào chú cháu đi lao động đây

  20. trandangtuan nói:

    Rất vui khi nghe kể chuyện này đấy.
    Thực ra giúp được cho các cháu vài chục triệu hay trăm triệu một năm không phải là nhiều. Nhưng cái chính sau đó là gì. Nếu sau đó là sức khỏe của các cháu, đã là rất lớn rồi. Hôm nọ lên Suối Giàng, nghe các thày cô kể là học sinh lên cân trông thấy, rồi nghe chủ quán trước cổng trường kể trẻ con dạo này nô nghịch chạy nhảy hơn nhiều so với trước, thấy quả là những đồng tiền mà mọi người góp vào đem lại những điều rất thiết thực. Không mong hiệu quả gì hơn những cái rõ ràng như vậy. Đời chú làm nhiều những đợt tuyên truyền,gây quỹ, quy mô lớn, chắc chắn cũng hiệu quả,nhưng cái hạnh phúc thấy tận mắt hiệu quả thiết thực như thế này không hẳn nhiều ( dù có). Nhưng tiếp theo đó, có lẽ còn là tình cảm của bố mẹ các cháu, chuyện đi học, thành người của những đứa trẻ con, cái nhìn của xã hội với những thày cô giáo đang chịu nhiều gian nan… Là chuyện cơm có thịt cho trẻ con, nhưng cũng không chỉ là chuyện đó.
    Với những bạn chưa theo dõi kỹ : Cô Thắm là hiệu trưởng mầm non Y Tý. Chồng cũng làm viêc ở Y Tý.Nhà ở huyện lỵ Bát Xát.

    • halinhnb nói:

      Không mong hiệu quả gì hơn những cái rõ ràng như vậy. Đời chú làm nhiều những đợt tuyên truyền,gây quỹ, quy mô lớn, chắc chắn cũng hiệu quả,nhưng cái hạnh phúc thấy tận mắt hiệu quả thiết thực như thế này không hẳn nhiều ( dù có).
      ————
      Đọc comment này thấy rưng rưng …
      Chia sẻ với niềm vui sâu thẳm, ấm áp của anh Tuấn cũng như các anh chị, các bạn cộng sự.
      Những việc nhỏ nhưng thiết thực biết bao…
      cầu mong anh Tuấn cũng nhưu các anh chị, các bạn trực tiếp thực hiện chương trình luôn đủ sức khỏe để mà đi và để mang tới những niềm vui thực sự như vậy cho các em bé còn nhiều thiệt thòi…

  21. Hà Nội phố nói:

    Hà nội là tên đất, Tràng An mô tả tính cách người Hà Nội còn Kẻ Chợ để chỉ người Hà Nội. Hai câu đầu thì được, câu sau “Kẻ Chợ” nghe không ổn, tuy nhiên là lịch sử rồi thì thôi tôn trọng.
    – Hà nội dịch nghĩa là vùng đất ở phía trong sông, giữa hai con sông Hồng và sông Đáy. Thời Bắc thuộc khoảng thế kỷ năm, sáu Hà Nội tên là Tống Bình, thế kỷ 11 cụ Lý thấy đất này tiềm năng liền xuống tay định đô, dự án là Thăng Long – Địa linh nhân kiệt. Chao đi đổi lại, chuyển vào chuyển ra một hồi đến thời Bắc thuộc năm 1888 ông Tây nhảy xổ vào ra lệnh thành lập Hà Nội để chiếm và qui hoạch làm dự án thành phố cỡ cấp một. Các cụ quan Hà Nội lúc đầu được ở khu liền kề, đến năm 1896 bị chuyển về Cầu Đơ trong Hà Đông chỗ mấy khu đô thị mới bây giờ. Đến thời Ta thuộc, kỷ niệm 1000 năm quốc hội xuống nghị quyết qui hoạch làm thành phố cỡ cấp quốc tế.
    – Tràng An là đất kinh đô nơi định cư mười hai đời vua bên nước bạn, ta thường dùng để nói người Hà Nội kinh kỳ thanh lịch như bên đó. Nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế thì người trong kinh đô Huế gọi là người Tràng An, nhà báo thấy hay hay thì in báo Tràng An (1935-1945), nhà trẻ giờ tên cũng rất Tràng An sau này có khi gọi các siêu sao bên kinh đô Hô Ly Út là người Tràng An vì họ lịch sự quá.
    – Kẻ chợ tuy chạnh lòng nhưng đúng nhất, bây giờ Hà Nội vẫn là một cái chợ to với 53 phố bắt đầu bằng chữ Hàng. Phố nào bán hàng có hai âm tiết thì không thêm, phố nào bán hàng có một âm tiết thì thêm “Hàng”. Thực ra thì không thêm cũng được, cứ là Phố Mắm, Phố Muối, Phố Chuối thật thà giống người vùng cao gọi là A Tý, A Túa, A Téo cũng chẳng lẫn được, nhưng chắc do thanh lịch nên phải thêm “Hàng”. Thanh lịch là vì chẳng ai gọi là phố “Hàng Hỏa Lỏ” mặc dù hỏa lò đích thị là một loại hàng.

    Khi nhớ hay nghĩ về Hà Nội, ai cũng biết đến 36 phố phường nổi tiếng với các loại nghề truyền thống, vẻ khi thì đẹp, khi thì thanh lịch. Tuy nhiên có một con phố gây ám ảnh nhiều nhất đó là phố Hỏa Lò. Nếu coi Hà Nội là một cái sân khẩu lớn mà mỗi con phố (bây giời thêm con xe) là một nhân vật thì không biết xếp phố Hỏa Lò thuộc loại nhân vật chính diện hay phản diện.
    Khi còn nhỏ hay nghe người lớn dọa người lớn là: “Tao cho mày vào Hỏa Lò !” thế nên mỗi lần đi qua cảm giác thấy hơi sợ mặc dù mình trẻ con chẳng làm gì. Nghĩ phục ông Tây ngày xưa chọn cái phố này làm nhà tù nghe cứ như Tôn Ngộ Không bị cho vào lò bát quái. Lúc đó thế nào đấy chẳng may mà ông Tây đặt nhà tù ở phố Chả Cá thì bây giờ mấy anh tour guide bò ra mà phiên dịch – Nhà tù chả cá – ngon thật nhưng khó nghe lắm. Chẳng kể thì mọi người đều biết, phố này ngày xưa bán hỏa lò, có cung thì có cầu, ai mà nghĩ sau này làm nhà tù. Làng Phụ Khánh nói nôm na là làng làm lò, năm 1896 Pháp giải tỏa mặt bằng làm nhà tù, dân làng phải kéo nhau xuống ở nhờ làng Yên Nhất phía Nam Hà Nội mang theo cả đình chùa, cơ khổ. Hai nhà thầu khoán là Tréluyer và Levache trúng thầu phải chở đá tận Lào Cai, Mèo Vạc chỗ gần trường mầm non A Tý về xây. Sở dĩ không biết phố Hỏa Lò thuộc quân ta hay quân địch vì nó thuộc cả hai, khi bên này lúc thì bên kia, cũng chuân chuyên lắm. Phố chỉ có một nhà, chính xác là một cái cổng vòm bằng đá, cửa sơn nâu không rõ bằng gỗ hay sắt, đối diện với hàng rào Tòa Án Tối Cao nơi xem xét tiêu chuẩn nhập cư vào Hỏa Lò. Hỏa Lò là một khu đất dữ, tòa cao ốc mới xây trên khu đất này có mặt bằng là hai hình bát quái để yểm trạch. Thời Pháp, người nào bị án 5 năm hoặc tử hình thì giam ở đây, không phải mức đó thì đày đi Sơn La hoặc Côn Đảo, nhiều chiến sĩ cách mạng bị giam ở nhà tù này. Khi ta giành lại Hà Nội, nơi đây dùng làm trại giam tù hình sự và phi công Mỹ. Một phi công Mỹ bị giam ở Hỏa Lò suýt làm tổng thống, Hỏa Lò suýt đi vào lịch sử nước Mỹ. Hỏa lò giờ là một di tích, nhưng có vẻ nó như là một tượng đài hơn. Di tích là do thời gian tàn phá, con người tự tàn phá thì gọi là di chứng, khi phá thì phải rất cẩn thận nhất là những gì đã thuộc về lịch sử, kể như lăng Hoàng Cao Khải ở phố Thái Hà bây giờ. Hồi mới xây tòa nhà trên đất Hỏa Lò ai cũng mừng vì thủ đô phát triển, nhưng thú thật giờ thấy hơi tiếc. Tiếc vì lịch sử bị xẻo mất miếng to, mà đứng ở góc độ kinh tế thì tòa nhà hoành tráng chưa chắc đã lợi bằng bức tường đá, anh Tuấn lên Suối Giàng để ngắm cây trè cổ thụ trăm tuổi chứ anh ấy đâu có ngắm bộ bàn ghế tuyệt đẹp làm từ cây trè cổ thụ, cũng thế nên trẻ em trên đó giờ mới cơm thịt tưng bừng. Chắc ít người biết, nhờ có cuộc khủng hoảng tài chính năm 97 mà còn cái vườn hoa tam giác xế cửa nhà hát lớn cho trẻ con đá bóng chứ nếu không mặt Hồ Gươm sẽ chẳng lung linh mây trời vì ít nhất bị ba tòa đinh ốc nữa nó chọc vào. Phát triển mà thiếu văn hóa thì sẽ phải trả giá, mà thanh lịch Tràng An quá thì lại không thật thà đôi khi còn tụt hậu. Thế hệ tiếp sau sẽ chẳng biết làm gì nếu chúng ta không thừa kế lại văn hóa, có khi kiếm bộn tiền rồi lại mang tiền đi phá hết những gì cha ông xây dựng. Xem mấy bức ảnh chụp các cháu vùng cao tung tăng trong bộ quần áo bên trong miền ngược bên ngoài miền xuôi thấy hơi cay mũi nhưng thôi, trước mắt ấm người ấm lòng là được. Hay đề nghị các anh tìm cách gửi cả văn hóa lên đó, trẻ con Hà Nội nhiều truyện lắm, đọc xong bỏ đi phí. Có thể làm thế này, bác tặng sách Mon rê đô (sách của nhà văn Việt), đứa nào đọc xong một quyển bác mua lại một nghìn, đứa nào chưa đọc, bác không mua. Đem sách về miền xuôi bán đồng nát lấy tiền lên quay vòng. Ý là các anh xem có cách nào kiếm thêm tiền theo kiểu kinh doanh cho quĩ “cơm có thịt” nó bền, ví dụ như quảng cáo trên block chẳng hạn. Lại nói về văn Việt, vửa rồi một đại diện các nhà văn chắc ảnh hưởng chuyện Ê-Dốp kiến nghị được ban một bộ luật, khác với chuyện Ê-Dốp các đồng nghiệp phản đối ầm ầm. Chửa chi đã phản đối, nếu luật đó qui định nhà văn không được ăn mặc lôi thôi, tóc tai bù xù và không được uống nhiều bia rượu thì chả tốt à! Cái cần phải tính đến là sau khi tuân thủ luật các nhà văn Việt viết hay quá được giải Nobel văn học thì có bị luật điều chỉnh không? tức là ta phải chuẩn bị ngay một “Hiệp định tương trợ tư pháp” để tiến trình trao giải không bị chậm tiến độ – đang hội nhập mà.
    Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
    Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
    Các cô giáo đang cùng bao thế hệ học trò tìm cái hay cái đẹp của người Hà Nội qua hai câu thơ trên. Có một bài văn “lạ” viết thế này : Đây là lời thanh minh được thốt ra khi người Tràng An bị chê là thiếu lịch sự. Nhiều người chúng ta hẳn cũng có lần chê nhau là “văn hóa miền núi”. Ở miền núi họ không có câu thơ nào hay như thế để thanh minh cho văn hóa của họ. Ta thì có! Hà nội sẽ lắng đọng lại những giá trị xưa, tôn vinh những giá trị hôm nay và cần có những giá trị cho ngày mai, một ngày Hà Nội.

  22. cháu thắm nói:

    chú ơi! hôm nay lại có một niền vui nữa về với mái trường thân yêu của chúng cháu, các cháu học sinh mẫu giáo được nhận rất nhiều quà là kẹo và quân áo rét mới ,đồ dùng học tập của tổ chức các nhà báo ,nhiếp ảnh… đến thăm và tặng cho các cháu, vui thật đấy chú a cũng là ngày trường học chúng cháu tổ chức ngày 20/11 cả cô và trò đều nhận được quà thích thật đấy chú a. À chú ơi cô giáo Hồng Ngài và các điểm thôn của cháu chụp được mấy bức ảnh về hoạt động của các cô giáo ở thôn (nhưng ảnh chụp bằng điện thoại) cháu gủi cho chú sau nhé. Cháu xin cảm ơn các chú và những tổ chức cá nhân, những tấm lòng thơm thảo đẫ mang đến cho cô trò chúng cháu niềm vui, hạnh phúc

  23. pduyma nói:

    Xin phép chú Tuấn và các anh chị khác cho cháu post bản tổng kết chuyến từ thiện Y Tý vừa rồi
    Với sự hợp tác của 3 Diễn đàn http://www.hoibongsen.com, http://www.nhiepanh.vn, http://www.myvietnam.com.vn và rất nhiều người bạn khác. Chương trình Để Ý Tý – Mùa đông không lạnh (quyên góp và mang quần áo ấm cho trẻ em ở Ý Tý – Lào Cai) đã đem niềm vui và nụ cười đến với các em bé và thầy cô giáo vùng cao.

    Chương trình đã thực hiện được:

    1. Quà tặng cho cá nhân các bé và thầy cô trường Mầm non và Tiểu học Ý Tý

    – 563 áo khoác mới cho 313 học sinh tiểu học và 250 học sinh mẫu giáo
    – 565 túi bánh kẹo cho các cháu hết 15 thùng bánh và 21 kg kẹo
    – 100 áo len mới cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
    – Hơn 100 mũ len, khăn len và nhiều tất mới
    – Và nhiều quần áo cũ cho người lớn và các học sinh

    – 11 suất quà mỗi xuất 200.000đ cho các cháu mồ côi cha mẹ ở trường Tiểu học Y Tý
    – 10 suất quà mỗi xuất 200.000đ cho các cháu mồ côi cha mẹ ở trường Mẫu Giáo Y Tý
    – 6 triệu đồng bằng tiền và hiện vật cho bé Phu Che Gió mồ côi cả cha lần mẹ (Trường mầm non Y Tý)

    – 53 khăn ấm (14 khăn nam, 39 khăn nữ) tặng các thầy cô giáo trường mầm non và tiểu học Ý Tý nhân ngày 20/11

    – 500.000đ cho cô giáo người dân tộc Hà Nhì ở trường Mầm non Ý Tý
    – 5 Áo khoác mới cho 5 cô giáo ở trường Mầm non Y TÝ
    – 02 đàn ooc gan, 1 mới cho tiểu học, 1 cũ cho mầm non.

    2. Quà tặng chung cho trường mầm non Y Tý, mua mới toàn bộ:
    – 133 quyển tập tô, 140 hộp sáp màu
    – 140 quyển truyện tranh
    – 14 bộ làm quen với toán
    – 14 bộ hình khối dạy học
    – 30 hộp đất nặn và 14 cân đất nặn các màu
    – 14 bộ đồ chơi gia đình
    – 14 bộ hình thú

    3. Quà tặng cho Xã Ý Tý
    – 01 tivi cho nhà văn hoá Xã Y Tý

    SAU KHI BTC HỌP TỔNG KẾT THU CHI SẼ CÔNG KHAI CHI TIẾT CÁC CON SỐ.
    Mọi phản hồi, góp ý xin gửi về: pduyma@gmail.com, lekima@nhiepanh.vn

    Xin cảm ơn tất cả

  24. Cháu Thắm nói:

    chú ơi trên này các cô giáo ở các điểm thôn cũng trồng rất nhiều rau xanh để nấu thêm nồi canh cho các cháu, nhưng có lẽ rau tụi nhỏ được ăn nhiều rồi nên không thích. Bây giờ ngày nào đến lớp cũng được ăn thịt nên học sinh của cháu ở thôn chỉ mang cặp lồng cơm không thôi, mọi khi còn có rau ( Không có thị thi ăn rau vậy) rau chỉ cho cô thôi… he… những vẫn phải nấu chú ạ để cho đảm bảo dinh dưỡng, Mà từ hồi nấu ăn đến giờ học sinh của cháu chắc tăng cân lên nhiều đấy, như thế chúng cháu không phải lo làm thế nào để giảm tỵ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ nữa . cháu cảm ơn các chú nhiều lắm.

  25. Quang Dũng nói:

    “Vén mây” Ý Tý…
    http://nld.com.vn/20111130112846211p0c1201/ven-may-y-ty.htm
    —–
    Y Tý hay Ý Tý các bác nhỉ?

Bình luận về bài viết này