Hãy chung tay với ” Gánh Hàng Xén”

 

Xin copy hai bài dưới đây của blog ganhhangxen.wordpress.com để các bạn ai có sáng kiến hoặc thời gian tham gia thì phụ một tay (vào blog nói trên để biết thông tin, góp ý, biết địa điểm để góp công sức)

Thiết thực và hiệu quả

Tác giả: Sống Thật Chậm

Sau các chuyến đi, đám mẹt chủ chúng tôi thường bàn bạc với nhau những món hàng nào là thiết thực và thiết yếu nhất, những món hàng nào không nên mang lên nữa, những món hàng nào phải bổ sung thêm vào danh mục cần sắm. Nếu cái lũ hàng xén chúng ta có nhiều tiền thì sướng rồi, thời buổi này bước chân ra cửa muốn mua gì cũng có, muốn mua bao nhiêu cũng được… Phiền một nỗi chúng ta lại chẳng có nhiều tiền, và cũng tại con chúng ta quá đông, cho nên mỗi khi tính toán mua gì đều phải loay hoay nghĩ xem làm sao mua được cho nhiều đứa nhất, trường nào cũng có thể có, rẻ nhất nhưng lại phải tốt nhất, thế mới sinh chuyện :)

Con nhà nghèo thì phải khéo xoay sở, kể cho bạn nghe về một vài món hàng không mới nhưng có nhiều thay đổi hoặc mới toe nhưng bạn phải có cách suy nghĩ rất thoáng mới có thể chấp nhận được :)

Áo mưa: Những chuyến đi Tây Bắc, có lần thầy cô đề nghị Gánh cung cấp ô cho học sinh Mẫu giáo và Tiểu học để che mưa đến trường, chúng tôi đã phải từ chối. Nghe qua thì hợp lý vì dùng ô là một trong những tập quán của người dân ở đó. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thấy không ổn: mưa to thì ô không thể giúp bé khỏi ướt; độ bền của ô thì rất đáng phàn nàn, người lớn chúng ta dùng cũng còn hay hỏng, giao vào tay các bé thì chắc mỗi năm lại phải cấp ô mới 1 lần, mà làm thế thì chúng ta không đủ lực… Chuyến đi Tây Nguyên, mẹt chủ Dã Quỳ có nhã ý tặng áo mưa cho các bé, đưa lên đến nơi, thầy Đam hiệu trưởng cấp 2 Măng Buk nói với Mẹ Còi: “Mầm non thì được, học sinh lớn sợ không giữ được lâu chị ạ. Bọn trẻ con chúng phá đồ ghê lắm, chẳng mấy lại rách mất thôi.” Trên đường đi thăm điểm trường lẻ, tôi nhìn thấy mấy cô bé đi học về, quàng trên người tấm vải mưa kín mít. Ngay lúc ấy, tôi chỉ thấy thời thơ bé ùa về, nhớ những ngày vải mưa trùm kín đầu kín cổ, ôm cặp cắm cúi đi bộ đến trường. Đùa với Mẹ Còi: “Không khéo mua cho mỗi đứa tấm vải nilon thế kia lại ổn hơn là áo mưa, chẳng lo rách…”. Tưởng nói chơi thế, Mẹ Còi đem ra bàn với thầy Đam, thầy cũng ủng hộ ngay, không cần cầu kỳ, miễn các cháu đừng ướt là được mà, cái gì đơn giản thì lại dùng được lâu. Thế là từ sang năm, thay vì mấy trăm cái áo mưa cho học sinh cấp 1 và cấp 2, chúng tôi sẽ chọn vải mưa loại tốt nhất, mua nguyên cuộn chuyển lên trường, các thầy cô sẽ theo chiều cao của học sinh để pha ra thành tấm cho chúng…

Cặp sách: Một trong những điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là không mấy học trò tiểu học miền núi đến trường có được cái cặp sách cho tử tế (ít ra là ở những trường mà tôi đã đến). Sách vở thì ôi thôi có sao cứ trần trụi mà ôm vậy, gặp mưa, đứa nào cẩn thận quý sách vở thì vén áo ra kẹp sát vào người, đứa nào ẩu tả thì giơ ngay lên che đầu thay mũ. Đến trường Tiểu học Suối Giàng vào mùa xuân, thấy cả lũ học trò cứ ôm như thế đi lững thững trong cơn mưa xuân có chiều nặng hạt, tôi hỏi cô hiệu phó: “Sách vở thế kia thì chẳng mấy mục nát hết chứ còn gì hả em?”, cô cười như mếu: “Vâng, sách mất trang đầu, trang cuối, vở ẩm sì nhòe chữ… là chuyện bình thường chị ạ, nhưng có yêu cầu thì bố mẹ cũng chẳng có tiền mua cặp, nên đành vậy thôi.” Đem chuyện cặp sách ra bàn với một số mẹt chủ, thấy không khả thi vì cặp vừa tiền thì chất lượng không tốt, cặp đắt tiền thì gánh chẳng có tiền mua, nghĩ mãi chưa có cách nào thật ổn. Nhân cái thể áo mưa giản tiện thành vải mưa, chúng tôi đang nghĩ đến chuyện thuê dán những cái túi nilon dày cho các con bỏ tạm sách vở vào, ít ra là cũng không bị ướt, bị hỏng nữa. Bác nào có cao kiến gì khác thì xin chỉ giáo với ạ, nhớ là mấy mẹt hàng xén chúng cháu chỉ chuộng các món vừa ngon vừa bổ vừa rẻ thôi ạ :)

 

Ăn dè hà tiện

Tác giả: Sống Thật Chậm

“Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”, cái câu tục ngữ ấy chị em tôi thuộc nằm lòng từ ngày còn bé, nhưng có lẽ chưa bao giờ mang ra áp dụng triệt để như từ khi nhấc cái gánh hàng xén này lên vai :)

Việc cả đám mẹt chủ từ Bắc chí Nam lọ mọ đi mua áo khoác cũ với giá chỉ bằng 10 đến 15 phần trăm giá áo khoác mới (mà chất lượng tốt hơn hẳn), rồi về xoay trần ra chọn lọc, giặt giũ, phân loại để cái áo đưa tới tay bọn trẻ được sạch sẽ, mới mẻ, thơm tho đã là câu chuyện cũ. Hôm nay xin hầu bạn câu chuyện về nguồn gốc một số món hàng độc của Gánh bắt đầu từ năm học tới.

Chăn đắp: Nói rất thẳng thắn là ngoài số ít chăn chần bông do một số chị em tự tay may cho Gánh hàng đầu tiên lên Pa Cheo, tôi chưa lần nào thực sự hài lòng với những tấm chăn mà Gánh đưa lên Tây Bắc và Tây Nguyên. Chăn chần bông đi mua ngoài thường được chần dối bằng vải valide nhão nhoẹt, dùng vài lần lỡ mà rách thì có đưa cho tay thợ cứng cũng “bó tay, không có cửa khắc phục”. Chăn nỉ một lớp thì mỏng manh, không thể chống lại cái rét miền núi. Nhưng các chuyến hàng năm học trước quá hối hả, nhìn đám trẻ con rét tím tái người thật không ai cầm lòng được, nên chúng tôi vẫn phải mua và chuyển những tấm chăn như thế đi. Trong bụng lúc ấy tự an ủi là sao cũng được, miễn bọn trẻ có cái gì giữ được hơi ấm cho giấc ngủ trưa ở trường. Khi xong chuyến hàng, về nhà ngồi nghĩ cứ nơm nớp lo sang năm lên thăm trường mà gặp một mớ chăn rách xổ ruột ra ngoài thì không biết chui vào đâu cho khỏi ngượng. Không phải một mình tôi bị cắn rứt bởi những cái chăn ấy, nên mới có chuyện mấy anh chị em kéo nhau về tận Hà Tây, vào làng chuyên buôn vải ký (thường là vải đầu thừa đuôi thẹo từ các nhà máy gia công hàng cho nước ngoài), lùng cho kỳ được loại vải thích hợp để tự sản xuất chăn “made in Gánh hàng xén”. Mời bạn ngắm sản phẩm mới ra lò: chăn kích thước bình quân 1,6mx2m, 2 lớp, chất liệu nỉ xốp dày (nguồn gốc Hàn Quốc), được can rất khéo từ những tấm vải nhỏ.

Vải mua giá 32 ngàn đồng/kg trơn một màu hoặc 33 ngàn đồng/kg có họa tiết. Khi may xong thành phẩm một chăn nặng từ 1,5kg đến 1,7kg (tùy vào nỉ hơi mỏng như chăn ở ảnh dưới hay nỉ dày dặn như chăn ở ảnh trên). Giá vật liệu tính ra rất rẻ, máy may và công may đến thời điểm này dựa hoàn toàn vào sự ủng hộ của một tấm lòng vàng mà tôi phải viết một bài riêng mới thể hiện hết sự trân trọng của chúng tôi. Bởi vải mua tính ký hầu như không có miếng lớn để đơn giản cắt và may, người may phải kỳ công can từng miếng vải nhỏ lại thành tấm lớn rồi mới may thành chăn. Mỗi chiếc chăn như thế này đều có cửa chăn với khuy cài hoặc dây buộc, phía trong bốn góc đều có dây để sẵn, phòng trường hợp đại hàn, các cô có thể lộn trái 1 chiếc chăn khác, lồng vào trong và buộc gắn vào chiếc bên ngoài như ruột chăn, cả lũ trẻ con sẽ được nằm dưới một cái chăn dày sụ, ấm không tả xiết :)

Áo gilê: Tôi còn nhớ rất rõ những cái áo sát nách chần bông hình quả trám ngày bé mà chị em tôi hay gọi là “áo trấn thủ” cho oai. Ưu điểm lớn nhất của loại áo này là cảm giác ấm áp, mềm mại, và sự thuận tiện khi mặc nó. Khi đi mua vải may chăn, tôi đã ao ước mỗi đứa trẻ con ở các trường gánh họp chợ có được một tấm áo gilê bó người bằng dạ nỉ. Lúc ấy, gió bấc chỉ có nước khóc ròng chứ không sao chạm được đến những thân hình bé nhỏ ấy nữa. Và đây, ước mơ ấy chiều qua mới biến thành sự thật.

Áo cắt bằng vải rẻo thừa ra khi may chăn, hai lớp vải nỉ, đường may dấu vào trong, có thể mặc cả 2 mặt đẹp như nhau,

không dùng cúc mà dùng miếng dán nên bé mấy cũng tự mặc và cởi dễ dàng :)

Áo này mới là phiên bản đầu tay của mẹ cháu, chắc chắn với đủ các loại vải rẻo nhiều màu sắc, sẽ có những chiếc đáng yêu hơn trong tương lai. Xin tiết lộ là khi nhờ người mẫu mặc thử lần đầu tiên, đã nghe thỏ thẻ ngay: “Mẹ, con thích áo này lắm, con giữ nó luôn được không?” Câu trả lời đương nhiên là “Không” (vì còn phải để cho các chị các cô làm áo mẫu), nhưng mẹ cháu như mở cờ trong bụng vì biết thế là thành công rồi.

Món hàng đa dụng không biết nên gọi là gì: Hơn hớn khoe với Cún Bông và Mẹ Còi về thành tích tận dụng vải thừa, nghe ngay lời khuyến khích của Cún Bông: “Em nghĩ vải rẻo thừa mà dài dài, không còn làm gì được, chị cho chắp lại làm khăn quàng đi.” Nghĩ cũng hay, lại được Mẹ Còi chỉ thị: “May khăn hình ống đi, vì dùng được nhiều mục đích hơn, và trẻ con đeo chắc trên cổ, không lo quên hay rơi gì đi đâu được.” Thế là mẹ cháu lại lọ mọ thử nghiệm, rốt cục cái món này không biết nên gọi là gì:

Là khăn quàng cổ hay cổ lọ giả

Là mũ

Là đồ giữ ấm tai hay băng đô cho bé gái…

Hihi, sau khi sản xuất cái món này xong, vải vụn sẽ chỉ còn là những mảnh bằng nửa bàn tay, bàn với Mẹ Còi là cứ cất đấy, bao giờ được nhiều nhiều sẽ độn vào vỏ vuông, chần tay thành những cái đệm ngồi rất ấm cho các bé Mẫu giáo (tất nhiên chỉ dùng được cho những điểm trường nào mà lớp đã lót gạch men). Thế là đống vải nỉ mua về chẳng bị bỏ phí dù chỉ một tẹo :)

Không phải tự dưng những chuyện này được lôi ra buôn ngày hôm nay. Bắt đầu từ cuối tuần này (thứ Bảy 16 tháng Sáu) trở đi, Gánh hàng xén phải tập trung dọn kho, phân loại hàng hóa và may chăn, may áo… nên rất cần các loại nhân lực: từ chị em phụ nữ khéo tay may vá đến đàn ông khỏe mạnh đóng bao khiêng vác, cần người nhìn việc biết ngay lẫn người ngồi yên gói, buộc theo chỉ dẫn… Đề nghị bác nào có lòng và có thời gian thì cho biết qua địa chỉ email: ganhhangxen@gmail.com, chúng em xin gửi chương trình và thời gian cụ thể để tùy chọn thời gian và công việc thích hợp. Bác nào không có thời gian để xuống tận Cầu Diễn, chúng em xin gửi những việc nho nhỏ mà ngồi nhà cũng giúp được ạ :)

 

About trandangtuan

chỉ mong làm được những điều nho nhỏ...
Bài này đã được đăng trong Báo viết ké. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

13 Responses to Hãy chung tay với ” Gánh Hàng Xén”

  1. AKCC nói:

    Eo ơi, em là tâm phục khẩu phục, phục lăn phục lóc các mẹ bên Gánh hàng xén đấy. Sao mà các mẹ sáng tạo thế không biết. Thế mới biết, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

  2. AKCC nói:

    Hay là, tận dụng những tấm pano, quảng cáo để may túi đựng sách vở cho các cháu. Thật ra, em cũng chưa biết là chất liệu này có thể dán hay phải may mới được. Lại phải thử xem sao.

  3. T. L. Oanh nói:

    Đúng là chỉ có phụ nữ, nhất là những người đã làm mẹ mới làm được như thế. Những sáng kiến, những tỉ mỉ đầy tình yêu thương. Cám ơn các chị/bạn.

  4. Phương Thảo nói:

    Các chị ganhhangxen ơi, em đã gửi meo rồi mà chờ hồi âm mãi ko thấy……

    Gửi cho em chương trình vào imeo: hoacuctay2004@yahoo.com với ạ. Em xin cảm ơn nhiều nhiều ạ!!!!!!!!!!!

    • MeCoi nói:

      Rất xin lỗi bạn vì thư bạn bị vào hộp Spam, giờ bọn mình mới biết để lôi ra. Sẽ sớm trả lời thư bạn. Cám ơn bạn nhiều.

  5. PCH nói:

    Mong GHX mở thêm nhà may chăn đắp, áo gilê, mũ, áo mưa poncho, cặp sách backpack có quai đeo… ở phía Nam để giúp học trò Tây Nguyên

  6. Son nguyen van nói:

    Chị gửi cho em chương trình vào imeo nhé, em thu xếp rồi báo lại cho chị. Em cảm ơn.

  7. Trần Thị Thu Hương nói:

    Ôi, vô tình vào trang này, mình đọc mà không cầm nổi nước mắt.
    Cảm ơn những người mẹ với tình yêu con vô bờ bến.
    Cho mình được chung tay góp sức với mọi người, mùa đông sắp
    đến rồi, nhìn các con đi học trong giá rét mà thương trào nước mắt.
    Gửi chương trình vào email cho mình xem mình có thể làm gì
    giúp các con nhé.
    huongstarkorea@gmail.com
    Mong hồi âm.

  8. Tran Duc Lam nói:

    Co viec gi lien quan den may va thi cho minh tham gia voi, nha minh cung co cai may khau de may do lat vat, minh se tranh thu lam o nha vao buoi toi. Thu gui ve : lam_nctk@yahoo.com.vn

  9. Hồng Quân nói:

    Những tấm vải nhựa làm pano quảng cáo làm cặp cho các em là rất hợp lý các bác ạ. Loại dùng rồi thì có thể mua với giá siêu rẻ, thậm chí họ cho không. Chất liệu cực bền, độ cứng vừa phải mỗi tội nhiều hình, màu mè không giống ai nhưng có lẽ với các cháu lại thấy vui mắt

Gửi phản hồi cho trandangtuan Hủy trả lời